Định hướng hay áp đặt tương lai cho con?

,
Chia sẻ

Trong mọi trường hợp có sự mâu thuẫn giữa bố mẹ và con, để giúp trẻ có được lựa chọn sáng suốt nhất, người lớn không nên áp đặt ý muốn của mình vào con, vì điều này sẽ phản tác dụng.

Do mâu thuẫn với bố mẹ trong việc chọn trường đăng ký thi, một cô bé học lớp 12 ở Hoàng Mai, Hà Nội đã bỏ nhà về nhà bà nội ở và tuyên bố “ không bao giờ thi đại học nữa”. Đây không còn là câu chuyện cá biệt mà đã trở thành đề tài “nóng” tại các Trung tâm tư vấn tâm lý giáo dục, khi mùa làm hồ sơ thi ĐH, CĐ cận kề.

Áp đặt tương lai của con

Gần một tuần nay, em Nguyễn Cẩm Linh ở Hoàng Mai, Hà Nội đã về nhà bà nội ở để tỏ rõ quyết tâm thi vào trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Em cho rằng em có năng khiếu diễn xuất và đây cũng là lĩnh vực em yêu thích.
 
Trong khi đó, bố mẹ lại bắt Linh thi vào Học viện Ngân hàng, ĐH Ngoại thương hoặc một trường nào đó thuộc khối tự nhiên. Nếu con gái không có khả năng thi đỗ, bố mẹ sẽ bằng mọi cách “can thiệp”. Chị Hoa, mẹ cháu Linh cho biết, vợ chồng chị phải vất vả lắm mới gây dựng được sự nghiệp lớn, trở thành doanh nhân thành đạt như hiện nay. Họ lại chỉ có đứa con gái duy nhất nên muốn con “kế thừa” sự nghiệp của bố mẹ. Hơn nữa làm nghệ thuật là một nghề bấp bênh, không ít điều tiếng. Linh lại là con gái, nên anh chị không hề muốn con sau này phải gánh lấy những ưu phiền.
 
Bố mẹ hãy là người định hướng, đừng áp đặt việc thi cử cho con cái. (Ảnh minh họa)

Đây là lần đầu tiên, ước muốn của em bị cha mẹ khước từ. Mâu thuẫn giữa em và bố mẹ trong việc chọn trường vẫn còn rất căng thẳng. Linh tuyên bố, nếu bố mẹ vẫn áp đặt việc chọn trường, em sẽ không thi đại học nữa. Sợ con sẽ làm thật, chị đã gọi điện đến trung tâm tư vấn để xin giúp đỡ. Chị Vân Hà là giáo viên ở quận Đống Đa, Hà Nội cũng đang rối bời vì mâu thuẫn trong vấn đề chọn trường cho con. Chị muốn con thi vào trường ĐH Bách Khoa nhưng con trai lại thích thi vào trường Sư phạm. Chị Hà không muốn con thi vào trường này vì theo chị, đây là nghề không có cơ hội kiếm được nhiều tiền.

Tôn trọng nhưng không bỏ mặc

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Tuệ, Trung tâm tham vấn hỗ trợ tâm lý giáo dục phát triển cộng đồng (Cpec), việc định hướng chọn trường cho con đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong các cuộc tư vấn của Trung tâm. Khách hàng gọi điện đến không chỉ có phụ huynh mà còn có cả học sinh. Hầu hết đều ở trong tình trạng mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái trong việc lựa chọn trường để nộp hồ sơ cho kỳ thi đại học sắp tới.
 
Bà Tuệ cho biết, có nhiều trường hợp, bố mẹ áp đặt một cách vô lý, không dựa trên khả năng, năng lực, sở thích của con. Trong những trường hợp này, cha mẹ là những người chưa thực sự thấu hiểu tâm lý của con. Họ thường là những người ít lắng nghe và thấu hiểu tâm tư , đôi khi không quan tâm đúng mực đến năng lực của con mình. Việc áp đặt có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà bố mẹ “ở ngoài” sự chọn lựa nghề nghiệp của con. Theo bà Tuệ, các em đa phần suy nghĩ chưa chín chắn. Ngoại trừ những em lựa chọn trường đúng sở thích, năng lực của mình, không ít em chọn trường theo bạn, theo trào lưu và mang nhiều cảm tính, dựa trên ý thích nhất thời.

Vậy bố mẹ phải làm gì để định hướng cho con một cách phù hợp nhất? Theo chuyên gia Nguyễn Lâm Thúy, Trung tâm tham vấn gia đình & trẻ em Vala, việc định hướng nghề nghiệp cho con không phải là những quyết định đột ngột khi các em đã ở vào ngưỡng cửa đại học. Việc này phải là một quá trình giáo dục lâu dài. Ngay từ nhỏ, khi các em bước vào lớp 1, bố mẹ đã phải để ý xem con mình có những khả năng, có những đam mê gì? Khi đã hiểu và nhìn nhận đúng năng lực của con, bố mẹ là người “gieo” ước mơ, hoài bão cho con về nghề nghiệp, công việc sau này. Một công việc đúng sở trường, năng lực, sở thích không những mang lại niềm vui, sự hứng khởi mà còn giúp con phát huy tối đa  năng lực của con. Chọn được ngành học phù hợp sẽ quyết định đến tương lai sau này.

Theo Lâm Vũ
Gia đình
Chia sẻ