Điều quan trọng bố mẹ cần làm khi con có dấu hiệu bị xâm hại

An Nguyên,
Chia sẻ

Trong trường hợp con em mình kể ra điều gì đó bất thường, thì đây là những điều quan trọng mà bố mẹ cần làm!

1. Vững vàng

Con trẻ sẽ nhìn bố mẹ để biết rằng liệu mình có ổn không. Rõ ràng, việc bị xâm hại có thể thay đổi cách nhìn thế giới của con trẻ. Nhưng, dù bố mẹ có đang cảm thấy kinh khủng thế nào, thì con trẻ cũng cần được tin rằng mình sẽ không sao, rằng mình không phải là "đồ bỏ". Và cũng như những bi kịch khác, nếu có đủ sự yêu thương, bảo vệ, điều trị đặc biệt…, con trẻ có thể - và sẽ - hồi phục. Chúng có thể - và sẽ - tiếp tục sống hạnh phúc.

Xâm hại
Tránh tỏ ra hờ hững hoặc gạt bỏ những câu trả lời của con.

2. Tin điều con nói

Bố mẹ nên cho con biết rằng bố mẹ yêu con. Dù điều con nói nghe khó tin, nhưng bố mẹ cần nhắc mình rằng việc trẻ con bịa ra những chuyện này là rất, rất hiếm. Có thể hỏi thêm những câu hỏi cho chắc chắn. Bố mẹ nên cẩn thận để tránh tỏ ra mình muốn một câu trả lời cụ thể (ví dụ, tránh những câu dẫn dắt như: "Ai đó chạm vào con ở chỗ này à?"). Tránh tỏ ra hờ hững hoặc gạt bỏ những câu trả lời của con. Khi trẻ cảm thấy nỗi đau hoặc sự khó chịu ở bố mẹ do những gì trẻ nói, thì đôi khi trẻ sẽ cố gắng "lấy lại" điều mình vừa nói. Và điều này không phải là dấu hiệu cho biết vụ xâm hại đã không xảy ra.

3. Trấn an con

Bảo đảm sự an toàn cho con là cực kỳ quan trọng và nên được coi là ưu tiên hàng đầu. Bị xâm hại là việc đã lấy đi của con cảm giác mình kiểm soát được xung quanh, làm giảm lòng tin rằng người lớn sẽ bảo vệ mình. Bố mẹ nên nhanh chóng lên kế hoạch với những người lớn khác để đảm bảo con không tiếp xúc với thủ phạm xâm hại nữa. Hãy giúp con hiểu rằng kẻ xâm hại đã làm sai, và kẻ đó sẽ được ngăn chặn làm hại người khác.

4. Chú ý đến con, xem con cần gì để cảm thấy an toàn

Những gì con cần có thể khác với những gì bạn kỳ vọng. Và điều con nói là con muốn lại chưa chắc đã thực sự giữ cho con được an toàn, ví dụ như tự một mình đi ra ngoài. Tóm lại, bố mẹ cần rất nhạy cảm và cố gắng để cho con cảm thấy an toàn hơn. Nếu con có những yêu cầu hơi kỳ quặc ("Tối nay con muốn mặc hai quần để đi ngủ"), bố mẹ cũng nên làm theo, để giúp con yên tâm hơn - đó là điều tối quan trọng.
Bố mẹ cũng cần giúp con cảm thấy an toàn bằng cách tỏ ra sẵn sàng bảo vệ sự riêng tư của con. Hành vi xâm hại có thể là điều con trẻ muốn giữ kín. Nên bố mẹ cần cẩn thận, không nói về vụ việc cho bất kỳ ai không cần phải biết. Tùy vào tuổi của con, thì việc tình cờ nghe thấy người khác nói chuyện về vụ xâm hại có thể khiến con xấu hổ và càng mất lòng tin.

Xâm hại
Bố mẹ cũng cần giúp con cảm thấy an toàn bằng cách tỏ ra sẵn sàng bảo vệ sự riêng tư của con.
5. Đừng để con tự trách mình

Bố mẹ nên nhấn mạnh rằng con không đáng trách theo bất kỳ cách nào. Bởi thực tế, kể cả việc một đứa trẻ cho phép chơi trò động chạm cũng không phải là cái cớ để người khác không chịu hoàn toàn trách nhiệm cho việc xâm hại. Trách nhiệm của người lớn luôn là đặt giới hạn hoặc nói "không". Không bao giờ dồn trách nhiệm cho con trẻ.
6. Bày tỏ sự giận dữ với những người phù hợp

Giận dữ là bình thường, nhưng trẻ có thể tin rằng mình là nguyên nhân của sự giận dữ đó. Vì vậy, bố mẹ nên tìm bạn bè hoặc các chuyên gia để có thể thể hiện những phản ứng của mình. Đừng tỏ ra giận dữ, khủng hoảng trước mặt con. Một số bố mẹ tưởng nhầm rằng con em mình sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu nghe thấy kẻ xâm hại sẽ bị trừng phạt hoặc làm hại. Cho dù con trẻ có giận thế nào, thì những đe dọa trừng phạt hoặc bạo lực cũng có thể khiến con sợ hãi hơn, đặc biệt nếu đứa trẻ vẫn có những cảm xúc tích cực đối với kẻ xâm hại.

7. Tìm kiếm sự giúp đỡ

Nhiều gia đình cố gắng xử lý vụ việc trong bí mật, đặc biệt nếu thủ phạm là người thân hoặc bạn bè (chiếm 90% số vụ). Nhưng việc này có thể là sai lầm. Bố mẹ cần nhận ra rằng tất cả các thành viên trong gia đình đều bị ảnh hưởng khi một đứa trẻ bị xâm hại, và mỗi người đều có thể cần sự giúp đỡ đặc biệt. Cho nên, sẽ là tốt nhất nếu bố hoặc mẹ mạnh mẽ tìm kiếm sự giúp đỡ trước, từ cảnh sát, từ các bác sĩ tâm lý, các nhà tư vấn…

Nếu chẳng may con em bị xâm hại, thì bằng cách yêu thương con thật nhiều, quan tâm con đúng cách như trên, con trẻ vẫn có thể vượt qua tổn thương, tiếp tục phát triển và sống trọn vẹn - cả tuổi thơ và tuổi trưởng thành.
Chia sẻ