Để con vẽ theo ý mình

,
Chia sẻ

Vẽ là năng khiếu và sáng tạo, nhưng không phải lớp nào thầy cô cũng đều cho các em thỏa sức vẽ theo những sáng tạo còn ngây thơ, trong sáng của mình.

Hôm trước, có việc chạy qua Cung Thiếu nhi Hà Nội chụp một cái ảnh về cuộc thi vẽ tranh chọn các tác phẩm trang trí dọc đê sông Hồng, nhân thể tôi dạo một vòng qua mấy lớp học vẽ trong cung. Nhìn bọn trẻ lăn lê bò toài vẽ vời thật thú vị, có bé vẽ đẹp lắm, đẹp hơn vô vàn các bức tranh chép chụp souvenir bán ngoài Bờ Hồ. Thậm chí tôi thầm nghĩ các bức tranh ấy còn thực sự đẹp và hay hơn tranh của những hoạ sỹ "tự chép" chính mình cho dù các bé mới chỉ tầm 10 tuổi.

Nhưng không phải lớp nào thầy cô cũng đều cho các em thỏa sức vẽ theo những sáng tạo còn ngây thơ, trong sáng của mình. Có cô giáo cứ áp đặt cho các em vẽ cầu vồng là phải đủ 7 màu thế này, nhà chỗ kia phải có cửa sổ, phải tô màu xanh đậm, phải vẽ thế này, thế khác... Khổ thân các cháu, đến học năng khiếu hè, để được tha hồ  mặc sức vẽ, được vui chơi mà xem ra còn vất vả hơn cả học văn hóa ở trường gấp mấy lần. Nhiều cu cậu trông hãi ra mặt.



Cái cảnh dàn dựng gánh gồng trên đồi cát này
đã tồn tại hàng chục năm nay.


Nhưng đỉnh điểm của sự hoảng hốt là khi tôi đi ra hành lang ở tầng 2, nơi có một triển lãm ảnh mini của các em thiếu niên sáng tác từ khắp nơi. Không thể tin nổi vào mắt mình, tôi vẫn bắt gặp những hình ảnh đồi cát, bà già nhăn nheo, sương mù sapa... với nhiều cái tên ảnh đã quá quen trong các cuộc thi nhiếp ảnh ở xứ ta như: "đường về", "lối về", "vết thời gian", "suy tư"...

Và ảnh thì y hệt không khác gì, thậm chí có tấm bố cục, đường dẫn chỉn chu đến khô cứng. Hóa ra đây là người lớn đưa máy vào tay các em chụp chứ có phải các em tự chụp đâu nhỉ?! Hóa ra các em hình như chỉ làm động tác bấm nút thôi hay sao?

Nghệ thuật Việt Nam nói chung và một bộ môn hơi nghệ thuật một chút nhưng rất phổ biến là nhiếp ảnh bao năm nay đã dẫm lên những lối mòn, loay hoay mãi chưa thoát ra được. Mọi người đều đang cố sáng tạo, cố làm cho nó hay hơn, tươi mới hơn nữa, ấy thế mà ở đây những người lớn lại đang tiếp tục bắt các em nhỏ phải đi tiếp trên những lối mòn ấy, những lối mòn vốn tù mù và xa vời so với cuộc sống hiện đại cũng như trình độ của thế giới.

Rời triển lãm mini ấy với tâm trạng chán ngán, tôi dừng lại ngắm nhìn những hình ảnh của lớp học vẽ vui vui:



Bé nào cũng say sưa với tác phẩm của mình


Đố biết bé vẽ con gì mà mặt đỏ gay nhá?


" Tớ đang thi vẽ tranh để trang trí đê sông Hồng đấy, oai không?"


Các bé rất cần thầy cô hướng dẫn nhưng không phải áp đặt tư duy của mình cho các em nhỏ tuổi


"Mình là Nam Anh, 7 tuổi. Trông mình có giống thổ dân không nhỉ?"


"Còn tớ là Sơn, 4 tuổi" -  "Chú ơi, cháu vẽ con khỉ, con khỉ giống cháu vì ở nhà ai cũng gọi cháu là khỉ, vì cháu nghịch quá mà!"


Ui, tớ nhức đầu quá, chán quá. Tớ chả vẽ nữa đâu!
 Na Sơn
Theo blog's Na Sơn

Chia sẻ