Dạy con mạnh mẽ và để bố ở trong tim

Du Dương,
Chia sẻ

Đến nhà chị Quỳnh Trang, ai cũng phải giật mình bởi bé Quỳnh Anh mới 5 tuổi nhưng đã biết trông em, giúp mẹ việc nhà.

Tạo điều kiện giúp con "trao đổi" thông tin với em

- Chào chị Trang, nghe nói con gái chị - bé Quỳnh Anh mới hơn 5 tuổi đã biết chăm em giúp mẹ, chị đã dạy bé như thế nào vậy?

Mình rất hay tâm sự với bé, đặc biệt lúc mang bầu. Bé Quỳnh Anh cảm nhận mọi thứ rất tốt. Mình luôn khuyến khích Quỳnh Anh làm quen, trò chuyện và giao tiếp với em bé bằng cách đặt tay lên bụng mẹ để cảm nhận những cử động của em.
 
Mình tạo điều kiện cho con được tham gia vào các công việc chuẩn bị đón em bé sắp chào đời như: trang trí phòng, chọn quần áo, nôi cũi cho em bé,… những lần như vậy, Quỳnh Anh rất háo hức. 
 
Mình tạo dựng mối liên hệ khăng khít giữa các con bằng cách cho bé đi cùng trong mỗi lần mình đi khám thai định kỳ. Hai mẹ con cùng nghe bác sĩ nói về em bé, nghe nhịp tim đập của em bé và quan sát em qua màn hình siêu âm. Mình thấy rõ trên gương mặt con gái là sự mừng rỡ và phấn khởi với sự xuất hiện của bé Thành Công. 

Dạy con mạnh mẽ và để bố ở trong tim 1

- Không chỉ vậy, bé còn tự giác giúp mẹ quét dọn, nấu cơm. Đây là điều nhiều bà mẹ mong ước, chị có bí quyết gì?

Có lẽ tính này bé thừa hưởng từ bà ngoại và mẹ. Bà ngoại bé Quỳnh Anh nội trợ rất giỏi, và bà là người thích nấu ăn. Hơn nữa, do ngày trước nhà mình rất chật, nên khi nấu ăn đều cho bé ngồi gần để vừa trông, vừa chuẩn bị bữa ăn. Bé ngồi và quan sát, xem mẹ làm rất chăm chú, một hôm bé nói “mẹ ơi, khi nào con lớn con nhặt rau giúp mẹ nhé!”. 

Ngày đó bé mới chỉ 2 tuổi, đến khi 3 tuổi thì bé đã bắt đầu đòi làm bằng được. Đầu tiên mẹ dạy bé nhặt rau ngót bởi rau này dễ nhặt nhất, sau mới đến rau muống, rau dền. Giờ thì bé đã biết nhặt, rửa rau, vo gạo nhưng chưa dám cho con cắm cơm vì sờ đến ổ điện nguy hiểm.

- Tự lập là tính cách mà bà mẹ nào cũng muốn con mình có được. Chị đã dạy bé tính cách này như thế nào?

Có lẽ việc hình thành nên tính cách này của Quỳnh Anh do mình sớm có em bé (khi Quỳnh Anh 13 tháng thì mình có bầu em Thành Công), một thời gian Quỳnh Anh xa bố mẹ ở với ông bà ngoại, về đó ông bà đã rèn cho cháu. Và khi mình sinh em bé thì con gái đã phải tự lập rồi: từ việc vệ sinh cá nhân, tự lấy nước uống, tự xúc cơm ăn… Từ những việc nhỏ vậy, dần dần tự bé ý thức và làm các việc khác.

Bản chất của mọi trẻ em là mong muốn được tự chủ và trở nên độc lập “như một người lớn”. Vì thế, mình luôn khuyến khích con hết sức.

Ngay từ nhỏ, khi còn tập bò, ngồi chưa vững... Quỳnh Anh đang muốn lấy lại món đồ chơi vừa đánh rơi, bé loay hoay giữa đống đồ chơi mà không nhìn thấy vật mình đang tìm. Mình sẽ động viên để bé tự làm điều mình muốn bằng được. Mình yên tâm rằng con sẽ tự lấy được món đồ chơi mà bé thích… Mình tuyệt đối không muốn tạo thói quen cứ muốn cái gì chỉ cần ê a là mẹ đáp ứng. 

Dạy con mạnh mẽ và để bố ở trong tim 2

Dạy con mạnh mẽ và để bố ở trong tim

- Được biết, chị nói không với cách dạy bé bằng đòn roi?

Đúng vậy, mình luôn dạy con bằng lời nói. Bởi theo mình những lời êm ái sẽ dễ đi vào suy nghĩ và hành động của con tốt hơn bằng roi vọt. Điều này thì mình chia sẻ với các bạn một chút là: với Quỳnh Anh, bé được tâm sự rất nhiều, khi được tâm sự bé luôn chăm chú lắng nghe để hiểu và cảm nhận. 

Ví dụ câu chuyện: có thời gian bố Quỳnh Anh đi công tác, lúc đầu bé khóc bảo con nhớ bố, rồi con rất hay ngồi trầm tư. Mẹ ra nói chuyện, nhỏ nhẹ tâm sự: “Mẹ cũng không được ở cùng ông bà ngoại, mẹ cũng rất nhớ ông bà nhưng mẹ để trong tim, mẹ khóc thì ông bà sẽ buồn lắm. Bé nghĩ một lúc rồi bảo: "Con sẽ không khóc nữa kẻo mẹ buồn...". Rồi hôm sau đón bé đi học về, vừa đến cửa nhà bé bảo: “mẹ ơi, hôm nay con cũng rất nhớ bố nhưng con để trong tim, con không khóc mẹ ạ”.

Tóm lại, mình nghĩ để con hiểu, cảm nhận tốt, bí quyết tiên quyết của mình đó là trò chuyện thật nhiều với con. Cho con đi chơi, giao lưu nhiều để con tự tin, hòa đồng và không nhút nhát. Nói chuyện với con như những người bạn, coi con là bạn chứ không phải là trẻ con để bắt ép…

Dạy con mạnh mẽ và để bố ở trong tim 3

- Không ép con kể cả bé có lười ăn hay không ư?

Để bé phát triển tự nhiên, nghe bé nói như người bạn, không bắt ép con và điều này mình cũng áp dụng trong việc ăn uống của con. Khi nào bé bảo no thì mình sẽ thôi, không ép con để con không sợ ăn. Mình có một bí quyết nữa giúp bé thích ăn đó là cho bé ngồi ăn cùng cả nhà. 

- Cảm ơn những chia sẻ của chị!



Đến thăm nhà vợ chồng Thùy Dương – Ngọc Ánh, ai cũng phải ngạc nhiên bởi khả năng nói sõi của bé Soju
Dạy con mạnh mẽ và để bố ở trong tim 4
Chia sẻ