Dạy con đối diện với lời trêu chọc

Tuấn Ngọc,
Chia sẻ

Để ngăn chặn các bạn khác trêu chọc con mình không dễ nhưng bạn hoàn toàn có thể dạy con mạnh mẽ, đối diện với những lời trêu chọc "vô duyên" kia.

Dù muốn hay không việc bé bị trêu chọc khi đang đi trên đường, học ở lớp… là chuyện bình thường, ngoài cách chấp nhận nó, bố mẹ cũng nên dạy con cách "xử lý". 

Mệt mỏi vì "con bọ ngựa" không chịu đi học

Một lần đón cu Min (5 tuổi) đi học về. Khi hai mẹ con chị Tuyền (Linh Đàm, Hà Nội) đang ở trong thang máy, một cậu bạn cùng lớp ngay gần nhà cười khanh khách rỉ tai Min: “Đồ béo ị”. 

Chị cũng ngạc nhiên và không biết Min phản ứng lại như thế nào. Min nhìn chằm chằm vào bạn kia và giơ tay ra dấu bảo: “Te luôn, ứ chơi với Sin nữa”.

Nhìn hành động của con, chị Tuyền không nhịn được cười. 

Khác với cách hành xử của Min, bé Lý (4 tuổi) khi bị bạn trêu là “con bọ ngựa”, bé nằng nặc đòi mẹ cho ở nhà, không đi học nữa. 

Chuyện là thế này, nếu đặt Lý ở cạnh các bạn trong lớp thì cô bạn nổi bần bật lên với chiều cao của mình. Ai cũng phải ngưỡng mộ với cách nuôi con của chị Ngọc (Lương Yên, Hà Nội), vậy mà nghe bạn trêu một chút, Lý đã thu mình lại. 

Để ngăn chặn các bạn khác trêu chọc con mình không dễ bởi bố mẹ không thể ở cạnh con 24/24h nhưng bạn hoàn toàn có thể dạy con mạnh mẽ, đối diện với những lời trêu chọc "vô duyên" kia. 

Dạy con đối diện với lời trêu chọc 1
Bạn hãy thường xuyên lắng nghe tâm sự, chia sẻ của con. (Ảnh minh họa)

Giúp con mạnh mẽ và tự tin

Sẽ là sai lầm nếu các bậc phụ huynh đánh giá thấp sự căng thẳng mà trẻ nhỏ phải chịu đựng khi chúng bị bạn bè trêu chọc và đặt biệt danh khi ở trường.

Bạn cần thường xuyên nói chuyện và lắng nghe con tâm sự. Nếu con đang thu mình lại bởi bị bạn trêu chọc, bạn đừng gạt phăng chuyện đó và chỉ bâng quơ 1 câu: “Ui, vớ vẩn”. Bạn cần phải thông cảm, khen ngợi con, và đề ra một phương án giải quyết tốt. 

Ví dụ như trường hợp chị Tú (Hào Nam, Hà Nội) chẳng hạn, khi Bông nhà chị không muốn đến lớp, chị hỏi chuyện hóa ra Bông bị bạn trêu là “Bông trơ xương”. 

Chị Tú đã khuyên giải, động viên, khen ngợi con: “Bông à, bạn ấy nhầm rồi. Con của mẹ xinh lắm, nặng ra phết này, đâu có chỗ nào ‘trơ xương’ đâu”. 
Đồng thời chị dặn bé, nếu tình trạng này còn tiếp diễn, Bông hãy nói rõ với bạn ấy rằng: “Tớ không thích bị gọi như thế”. 

Khi được mẹ tư vấn như vậy, hôm sau Bông cũng “nhấm nhẳng” đi học. Chiều hôm đó, chị thấy con vui hơn hôm trước. Hỏi chuyện, chị được biết, Bông áp dụng thành công “chiến thuật” mẹ dạy và thu được kết quả mỹ mãn. 

Bạn có thể dạy bé mạnh mẽ, lờ tịt những câu trêu đùa “vô duyên” đó. Ví dụ như: “Con cứ mặc kệ bạn ấy với những lời đó, mẹ tin bạn ấy sẽ tự thấy xấu hổ con ạ”.

Bạn hãy dạy con cách “cầu cứu” người lớn. Khi con cảm thấy khó chịu thật sự, con cần phải nhờ bố mẹ, thầy cô giúp đỡ. Cha mẹ cần phải thiết lập mối liên hệ tốt với các giáo viên ở trường, luôn luôn tìm hiểu sự việc đang xảy ra trong lớp học từ các giáo viên đó. 

Sẽ là sai lầm nghiêm trọng khi nghe con tâm sự mà bố mẹ lại nhảy dựng lên quát con là “hèn, kém”. Và càng không nên nổi khùng bảo con rằng: “Nín đi, mai đến mẹ cho nó một bài học”. Bởi việc bạn “hành động” hộ càng khiến bé tự ti vì không giải quyết được việc của mình. 

Thay đổi “nghệ danh” nếu tên đó của bé nhạy cảm, dễ đi vào ''tầm ngắm'' của bạn bè. Ví dụ: Cáy, Ti thối, Cún, Sún... Công nhận là những cái nickname này thật đáng yêu nhưng nếu nó vô tình khiến bạn bè của con lấy đó là cớ để trêu thì bố mẹ nên lưu ý đổi tên.

Bạn cần tuyên dương, khen thưởng con vì chúng đã cố gắng đương đầu với tình huống khó khăn đó. Việc khen ngợi đúng lúc sẽ khiến mau chóng lấy lại được tự tin.

Tuy nhiên, nếu những câu trêu ghẹo của bạn con mà “chuẩn” thì bố mẹ cũng nên để ý. Ví dụ con bị bạn trêu vì hay ngoáy tai, ngoáy mũi, ngoáy xong lại bôi bôi vào tường… Lúc này, bố mẹ cần giúp bé loại bỏ ngay những thói quen xấu này. Bạn cần nói cho bé hiểu rằng, những thói quen xấu là chủ đề rất “hot” và bé sẽ dễ dàng bị trêu ở lớp mẫu giáo. 

Để giúp con mình tự tin hơn trong môi trường trường học, cha mẹ hãy cho trẻ thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa để học tập các kỹ năng sống. Điều này sẽ khiến trẻ tự tin và hòa đồng hơn rất nhiều.



Làm thế nào để bé nhút nhát có thể giơ tay phát biểu ý, hát hò và tham gia các hoạt động của lớp, tự tin chủ động rủ bạn chơi không chỉ là câu hỏi đặt ra đối với giáo viên mà còn với mẹ bé.
Dạy con đối diện với lời trêu chọc 2
Chia sẻ