Đau đầu vì con trẻ hát những ca khúc yêu đương

Đinh Liên,
Chia sẻ

Một tối, ngồi nghe cô con gái mới 5 tuổi ngêu ngao bài hát "Teen vọng cổ” với những lời lẽ yêu đương của người lớn, hoàn toàn xa lạ với tuổi con trẻ, chị Mai bỗng giật mình.

Lần trước, có khách tới nhà, chị Mai vui vẻ giới thiệu bé Bông thuộc nhiều bài hát lắm, cứ xem đĩa nhạc rồi hát theo, vài lần là cháu nhớ hết. Dặn con hát một bài con thích nhất cho khách nghe, bé Bông thủ thỉ: “Con thích nhất bài này này, bài “Teen vọng cổ” con vẫn hay nghe ấy, con hát cho mẹ nghe nhé”.

Nói rồi con bé hát toáng lên: “Xa anh mới ban chiều, thế mà lòng sao buồn hiu, là nhớ anh nhiều, mong được ở bên người yêu, để nói bao điều, là sao ta, nói chung là yêu đó, à mà đó có phải là yêu không, mà sao vắng anh thì buồn…”. Con bé hát một mạch hết bài hát, lại biểu diễn nhảy nhót như mấy ca sĩ teen làm cho cả bố mẹ và những vị khách vô cùng choáng váng.
 
Trẻ dễ thuộc những bài hát yêu đương của người lớn vì lời lẽ dễ nhớ, và âm nhạc sôi động

Hỏi ra mới biết, hàng chục đĩa CD, DVD của Xuân Mai, những bài hát dành cho con trẻ phải xếp xó… vì lí do: “Con đã thuộc làu từ hồi trước, nghe mãi chán lắm mẹ ơi!”.

Thay vì nghe đi nghe lại những ca khúc nhí nhảnh của con trẻ, con gái chị Mai thường tập những bài hát mới vì chị gái bé Bông, học lớp 8 thường xuyên nghe những bài hát này. “Tôi hỏi con có hiểu lời lẽ bài hát có ý nghĩa gì không thì cháu lắc đầu bảo: “Không hiểu nhưng con thấy hay hay vì chưa bao giờ được nghe thấy”.

Giống như chị Mai, anh Phong suýt… ngất trong đám cưới cậu em, khi con trai anh mới 6 tuổi lên biểu diễn những bài hát và nhảy nhót như mấy… ca sĩ thị trường. Từ những bài yêu đương màu hồng, sang những bài hát đau thương "quằn quại" vì chia tay, phản bội, không đến  được với nhau… “Nghe con hát xong, đám đông tán thưởng mà tôi thấy bực bội, cáu bẳn. Không hiểu thằng bé học ở đâu mấy cái bài hát đó. Trẻ con như tờ giấy trắng nên chúng dễ thuộc lòng và bắt chước những gì thấy hoặc nghe được. Các anh chị nó thường mở nhạc sàn nghe làm cho các cháu không cần học cũng thuộc làu làu những ca khúc tình cảm sướt mướt. Cứ mỗi lần tôi bảo hát thì cháu nói chỉ thích hát nhạc trẻ chứ không thích nhạc thiếu nhi làm vợ chồng tôi thấy khó chịu”, anh Phong cho biết.
 
Nhiều ông bố, bà mẹ không khỏi lo lắng khi nghe con hát những bài hát yêu đương của người lớn

Mới 5 tuổi nhưng bé Phương Anh, con gái chị Diễm thuộc hàng chục các ca khúc người lớn của các ca sĩ tuổi teen nổi tiếng. Anh chị không những cho là bình thường mà còn cổ vũ và tỏ ra hào hứng khi thấy còn mình có tố chất âm nhạc. Hàng ngày, họ vẫn mở những đĩa nhạc người lớn theo trào lưu để con hát theo.

Chỉ đến khi, giáo viên ở trường nhắc nhở chuyện con gái anh chị ở lớp thường xuyên biểu diễn ca khúc tình yêu cho các bạn nghe và dạy các hát theo trong khi các bài hát cho thiếu nhi cháu lại thuộc rất ít, họ mới giật mình chỉnh đốn lại.
 
Những bài hát thiếu nhi không thu hút được nhiều em nhỏ

Tuy nhiên chị Diễm thú nhận, hình như những giai điệu tình yêu đã "ngấm" vào tâm thức của cô con gái nhỏ. Chị bật đĩa nhạc thiếu nhi cháu không thích nghe mà chạy sang hàng xóm chơi để nghe những bài hát quá “cứng” so với cháu.

Hầu như ngày nào chị cũng nghe con gái nghêu ngao “biết bao giờ mới được có em, biết bao giờ thấy được cầu vồng…”, lại còn khua chân múa tay biểu diễn như ca sĩ. Những đứa trẻ nói còn chưa sõi, mặt búng ra sữa mà cứ gào lên “anh yêu em, không thể sống thiếu em”, “xin cho anh được chết vì em”, “dốc hết tình này ta trả nợ đời”… nghe quá sượng tai.

Việc giáo dục và định hướng cho con trẻ không nên học theo hay bắt chước những bài hát kiểu thị trường, của người lớn, không phù hợp với lứa tuổi của trẻ nhỏ không phải là điều dễ dàng. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi các ca khúc thiếu nhi thường thiếu sự sáng tạo, mới mẻ, lời lẽ khá khó nhớ và hầu như không có những đĩa hát mới. Vì thế, việc mong muốn chỉ giáo dục cho con trẻ những bài hát vô tư, trong sáng và tích cực cũng khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu.
Chia sẻ