Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ:

"Cuộc chiến" sữa mẹ - sữa bột

,
Chia sẻ

Sữa mẹ không chỉ giúp trẻ giảm nguy cơ tử vong, bệnh tật, suy dinh dưỡng mà còn giúp trẻ có chỉ số thông minh vào lúc 7-8 tuổi cao hơn trẻ bú sữa thay thế.

Song những ích lợi này đang gặp phải những thách thức từ cuộc chiến lạm dụng sữa bột và thức ăn thay thế của đa số người mẹ...

Khao khát “truyền” chất xám cho con

“Với việc bổ sung hàm lượng DHA giúp trẻ phát triển trí não, tôi cho rằng đây là bước tiến vượt bậc của loài người trong việc chế biến sản phẩm sữa bột. Vì vậy, tôi cho con mình uống những loại sữa đắt tiền nhất, tốt nhất, dù có tốn kém”. Chị Hoàng Phương, ngõ Tân Đô, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết. Theo chị Phương, chị bắt đầu cho con uống sữa ngoại đắt tiền từ khi cháu bắt đầu 4 tháng tuổi. Và số tiền để mua sữa cho con uống từ đó đến nay bé được gần 3 tuổi phải lên tới hơn 30 triệu đồng.

Với khao khát để con cái ngày càng phải “hơn cha”, nhiều bà mẹ đã khám phá, sưu tầm các loại dưỡng chất tốt nhất để truyền vào cơ thể của con mình. Để giúp con thông minh, các bà mẹ truyền khẩu nhau ăn trứng ngỗng, cá chép... khi mang thai; cho con ăn nhiều óc lợn sẽ khiến con thông minh hơn. Chị Phạm Bích Trân, ngõ Sân Quần, Khâm Thiên, Hà Nội cùng các mẹ đồng nghiệp ở cơ quan đua nhau mua các loại sữa được quảng cáo là bổ sung nhiều dưỡng chất DHA nhất. Một thời gian, thấy con khó tiêu hóa hoặc không hợp mùi, các chị lại chuyển sang loại khác.

Vì đinh ninh “không bổ người, thì cũng bổ não” như chị Trân cho biết, nhiều bà mẹ trẻ đã vội vã sử dụng sữa thay thế cho con ngay từ những tháng đầu đời của trẻ. Mỗi khi thấy trẻ biếng ăn, việc đầu tiên của nhiều bà mẹ không phải là tìm cách chế biến, thay đổi khẩu vị, bổ sung đủ rau, củ quả, chất đạm, chất béo, chất khoáng... mà là “nhồi” sữa. “Cháu ăn rất ít, mỗi bữa chỉ mấy thìa cơm chan nước canh, không chịu nhai lấy một miếng thịt. Nhưng em nhồi cho một ngày 4 cốc sữa là yên tâm rồi” - chị Phương khoe.
 
Tuy nhiên, do quá phụ thuộc vào sữa bột nên con của những bà mẹ như chị Phương, chị Trân đã không được bổ sung đủ dưỡng chất hợp lý. Dù được uống nhiều sữa ngoài đắt đỏ, ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng do mẹ sưu tầm, nhưng do các bé “ăn lệch” nên có bé vẫn thấp còi, có bé thì lại béo phì. Theo TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, để có sự lựa chọn phù hợp loại sữa cho trẻ, cần căn cứ vào nhóm tuổi, tình trạng sinh lý, sức khỏe, khẩu vị và tình trạng thiếu hụt trong khẩu phần ăn của bé.
 
Nhiều bà mẹ lựa chọn các loại sữa bột để thay thế sữa mẹ ở thời điểm quá sớm. (Ảnh: C.H)

Lãng phí nguồn sữa quý

Trong khi quá bận rộn và tốn kém cho việc đi tìm, bổ sung dưỡng chất cho con, các bà mẹ đã lãng phí một nguồn dinh dưỡng quý giá và thuận tiện vô cùng - sữa mẹ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sữa mẹ thường xuyên được giữ ở nhiệt độ khoảng 370C, rất phù hợp với thân nhiệt của trẻ, đồng thời lại rất vệ sinh so với bất kỳ nguồn sữa nào.

Ngoài ra, trong sữa mẹ lượng đạm (protein) và các muối khoáng như clorua, canxi nhiều gấp 3 lần sữa bò, đặc biệt trong sữa non lượng đạm rất cao. Trong sữa mẹ còn chứa các globulin miễn dịch, chủ yếu là IgA (có nhiều nhất trong sữa non) đối kháng với một số vi khuẩn như: E.coli và virus trong ruột; lactoferin – một protein gắn với chất sắt, sự gắn kết này làm cho một số vi khuẩn có hại không phát triển được; chất lysozym (một loại men trong sữa mẹ cao hơn sữa bò hàng ngàn lần) có tác dụng tiêu diệt một số vi khuẩn có hại và nhiều loại virus khác. Thêm vào đó, trẻ bú mẹ ít bị dị ứng, eczema hơn ăn sữa bò...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sữa của các bà mẹ Việt Nam mỗi năm “trị giá” hơn 540 triệu USD, nhưng với tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp như hiện nay đã làm lãng phí một nửa giá trị đó. Tỷ lệ bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời chỉ có 16,9%, cho trẻ bú ngay trong vòng 1 giờ sau khi sinh là 58%. Thay vì được bú sữa mẹ, ngày càng có nhiều trẻ phải ăn sữa ngoài (bú bình) hoàn toàn trong 6 tháng đầu và thậm chí, theo thống kê, tỷ lệ này đã tăng từ 2,2% lên 25,6% trong vòng 5 năm qua. Số trẻ được tiếp tục bú mẹ cho tới 2 tuổi chỉ ở mức 22,9%... Sự lãng phí đó kéo theo mỗi tháng các gia đình tốn thêm từ 800.000 đến hơn 1 triệu đồng cho việc mua sữa ngoài - đem lại gánh nặng chi tiêu cho mỗi gia đình. Thậm chí, việc còi xương, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh từ hệ lụy trên cũng đem lại một gánh nặng khá lớn cho gia đình và cho quốc gia vì phải tăng chi cho y tế, khám chữa bệnh.

Cùng đó, việc phát hiện các dưỡng chất thấp hơn nhiều lần so với những gì quảng cáo trên nhãn hàng của một số mặt hàng sữa thời gian qua cho thấy, cha mẹ thì mất tiền, còn trẻ em thì rất thiệt thòi khi phải hấp thụ nguồn dinh dưỡng kém chất lượng. Trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ còn là sự lãng phí thời gian gần gũi với con (có ích cho việc phát triển hài hòa của đứa trẻ) của người mẹ. Người mẹ cũng đã bỏ qua một lợi ích vô cùng to lớn cho bản thân mình, như theo nghiên cứu của Hiệp hội Thế giới hành động về việc nuôi con bằng sữa mẹ là giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng, giảm thiếu máu và loãng xương...
 

Theo ThS.BS Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc cho trẻ ăn quá nhiều óc lợn không những không giúp trẻ thông minh mà còn làm cho các cháu kém thông minh, vì khi trẻ béo quá lại ảnh hưởng đến sự phát triển. Óc lợn là phủ tạng chứa rất là nhiều chất béo, đặc biệt là hàm lượng cholesterol trong óc lợn rất cao còn chất đạm lại thấp hơn rất nhiều so với các loại thực phẩm khác.

 Theo Gia đình
Chia sẻ