Con tự tử vì sự thờ ơ của bố mẹ

,
Chia sẻ

“Con sẽ chết vì quá chán nản và thất vọng với cuộc sống...”, cầm bức thư của con gái trên tay, chị Hồng bủn rủn và ân hận vì sao nhãng con mình.

Tuyết Mai, cô con gái của chị Hồng năm nay mới 14 tuổi. Cuộc sống gia đình khá giả nhưng tình cảm vợ chồng không được nồng ấp. Chồng chị lúc nào cũng đi công tác và rượu chè, còn chị suốt ngày bận rộn công việc buôn bán ngoài chờ. Hầu như tối nào, hai vợ chồng chị cũng có những mâu thuẫn và cãi nhau. Những âm thanh tranh luận và tiếng đập vỡ khiến Mai bị thức giấc lúc nửa đêm.

Chán nản với gia đình, Mai học hành sa sút. Kết quả học tập kém, cô giáo chủ nhiệm mời chị Hồng tới gặp. Mâu thuẫn với chồng lại tức con, chị Hồng đã “xả giận” lên đầu Mai. Không được mẹ nghe mình nói, Mai ấm ức và tìm tới thuốc ngủ để tự tử.
 
 

“Mình buồn, gia đình mình như địa ngục, bố mẹ chẳng bao giờ chịu nghe mình nói, chưa một lần nghĩ tới mình. Mình phải làm sao đây? Hôm nay, mình đã bị mẹ mắng oan. Mình không muốn sống trên cõi đời này nữa…”, đọc những trang nhật kí của con, chị Hồng rụng rời chân tay và ân hận.

Trường hợp mới đây, cô bé 15 tuổi Nguyễn Thị Hoa uống một lúc 30 viên thuốc trị nhức đầu để tự tử vì bị mẹ nặng lời vì ham chơi không lo phụ giúp việc nhà.  Uống thuốc xong, Hoa lên giường nằm. Khoảng một giờ đồng hồ sau, cô bé bắt đầu thấy chóng mặt, nôn ói, mạch đập nhanh. Gia đình kịp thời phát hiện và đưa đến bệnh viện. Tại Bệnh viện, bác sĩ đã cấp cứu kịp thời nhưng phải sau 3 ngày điều trị, sức khỏe của Hoa mới dần cải thiện.

Cuối năm 2007, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, cấp cứu cùng lúc 2 bệnh nhi Thanh, Dung, nhập viện trong trạng thái hôn mê do uống thuốc để kết liễu cuộc đời.

Qua tiếp xúc, mỗi em đều có một tâm sự. Em Thanh mới học lớp 8 nhưng thời gian để giải trí hầu như không có, em phải học ở trường, rồi học thêm nhiều môn, dẫn đến trạng thái quá tải, em bị nhức đầu thường xuyên và cảm giác bị áp lực phải học đạt điểm cao nên quyết định uống thuốc. Còn Dung, ba mẹ ly dị, phải ở với bà nội, em buồn vì không có ba mẹ đưa đón đi học như các bạn cùng trang lứa, thiếu thốn tình thương yêu của ba mẹ nên quyết định uống paracetamol để chết.

Thống kê của Nhi Đồng 1, mỗi năm, bệnh viện này tiếp nhận hàng chục ca ngộ độc thuốc do trẻ bị cha mẹ la mắng đã hờn dỗi lựa chọn cách để “giải thoát” mình

Theo bác sĩ chuyên khoa tâm lý, những trường hợp trên, trước khi tự tử, đều bị trầm cảm - một chứng rối loạn tâm thần có biểu hiện rất đa dạng và cũng là nguyên nhân gây cô độc chán nản cho trẻ.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em buồn tủi, chán nản và muốn chết là vì phụ huynh mải mê công việc không quan tâm đến trẻ; hoặc không chịu tìm hiểu những gì trẻ đang nghĩ đang thích mà chỉ biết áp đặt khiến trẻ bị gò bó tù túng, chán nản và bất hợp tác.

Qua các trường hợp trên, các bác sĩ khuyên phụ huynh nên cẩn thận trong cách giáo dục đối với trẻ, nhất là ở độ tuổi dậy thì do các em có nhiều thay đổi tâm sinh lý, cách mắng mỏ răn đe sẽ hoàn toàn không phù hợp.

Để ngăn trẻ trầm cảm, phụ huynh cần quan tâm đến những biểu hiện tinh tế nhất của trẻ. Càng phát hiện sớm những biểu hiện bất thường càng giúp trẻ thoát khỏi bế tắc. Điều trị trầm cảm bằng cách an ủi, động viên, trò chuyện thường tỏ ra có hiệu quả.
 

Phan Anh

 

Chia sẻ