Con bị bệnh tự kỷ lại cứ ngỡ là ... "thần đồng"

,
Chia sẻ

Không ít cha mẹ vội mừng khi thấy con chưa tới 2 tuổi đã say mê chữ số, toán học… Nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo, đó có thể là dấu hiệu tự kỷ, căn bệnh đang tăng tại Việt Nam.

70% trẻ tự kỷ chậm phát triển trí tuệ
 
Theo bác sĩ Quách Thúy Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương:
 
Hiện số trẻ mắc bệnh tự kỷ tăng gấp 5 lần so với những năm 90 của thế kỷ trước, từ 3-4/10.000 cháu lên 15-20/10.000 cháu. Tỷ lệ trẻ tự kỷ nhẹ còn cao hơn nhiều, chiếm 60/10.000 cháu.
 
Tại khoa Tâm bệnh, trung bình mỗi ngày có 8-10 bệnh nhân được đưa đến khám và điều trị.
Ai cũng mừng cho gia đình anh Minh vì sinh được quý tử. Chỉ có vợ chồng anh là buồn rầu vì cậu con trai hai tuổi có những dấu hiệu bất thường như chỉ thích chơi một mình, suốt ngày nói chuyện với những con số hay đồ chơi bằng thú nhồi bông. Nhiều lần họ phát hoảng khi con mình tự nhiên la hét, giận dữ và tự đập đầu vào tường.
 
Trường hợp khác là bé Mai ở Vĩnh Phúc, tròn 2 tuổi nhưng vẫn không thể nói được những từ đơn giản như “bố”, “mẹ”. Gia đình chỉ nghĩ  bé chậm nói do đẻ thiếu tháng. Chị Tâm, mẹ bé, cho biết gần đây, cháu có biểu hiện rất lạ như thích thò tay vào mồm cắn, gườm mắt, thờ ơ không quay đầu nhìn khi bố mẹ gọi, ngay cả khi đưa cho đồ chơi bé vốn rất yêu thích. Đây là hai trong số rất nhiều trẻ mắc bệnh tự kỷ đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám TUNA, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, trẻ tự kỷ trước đây và hiện nay đều giống nhau trên cả ba phương diện: khiếm khuyết về giao tiếp xã hội, khiếm khuyết ngôn ngữ và có những hành vi bất thường. Tuy nhiên, hiện nay do cuộc sống bận rộn, cha mẹ ít có thời gian quan tâm đến con cái nên bệnh tự kỷ ở trẻ nặng hơn với các triệu chứng như thích tự làm đau (cào cấu, đập đầu vào tường, sờ tay vào vật nóng…), bất thình lình xô ngã hoặc cắn bạn.  

Bác sĩ Quách Thúy Minh cho biết, trẻ tự kỷ là do có tổn thương bất thường ở não. Ngoài ra, ngạt khi sinh, sang chấn do can thiệp sản khoa, sinh non, vàng da, khuyết tật tâm thần, động kinh, người mẹ khi mang thai nhiễm virus, nhiễm độc... cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh này.  70% trẻ tự kỷ có kèm chậm phát triển trí tuệ, tăng hoạt động và xung đột.

Cần phát hiện sớm
 

Trẻ tự kỷ được nuôi dạy tại trường mầm non đặc biệt Myoko, Hà Nội. (Ảnh: Mai Hương)

 
Theo bác sĩ Minh, cái khó trong công tác điều trị hiện nay là cha mẹ hoặc quá mặc cảm, xấu hổ dẫn đến giấu bệnh của con, hoặc quá hoảng hốt đem con đi chữa trị hết chỗ này đến chỗ khác. Có trường hợp cha mẹ lại chán nản, không chịu hợp tác với bác sĩ. Đây là nguyên nhân khiến bệnh của trẻ càng thêm nặng, quá trình can thiệp kéo dài, ít tiến triển.

Nhiều cha mẹ mừng thầm khi con biết đọc chữ, đọc số từ nhỏ, say mê toán học và tin rằng sau này trẻ sẽ là thần đồng. “Quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Khi trẻ còn quá nhỏ đã bị cuốn hút vào một lĩnh vực, trò chơi gì quá say mê thì đó cũng là dấu hiệu của bệnh tự kỷ”, bác sĩ Minh nói.

Các bác sĩ khuyên cha mẹ cần phát hiện sớm bệnh tự kỷ ở trẻ, đưa con đến cơ sở y tế chuyên ngành để được tư vấn và can thiệp kịp thời. Có thể nhận biết bệnh này qua các dấu hiệu: trẻ 12 tháng tuổi nhưng không bập bẹ nói, không biết ra dấu hiệu chỉ tay, vẫy tay, không bám mẹ, ánh mắt thờ ơ; chậm biết nói khi đã 16 tháng tuổi; mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng giao tiếp với bất kỳ lứa tuổi nào...

Để phòng bệnh cho con, khi mang thai, bà mẹ cần giữ gìn sức khỏe, kiêng rượu, thuốc lá để hạn chế nguy cơ nhiễm độc, đẻ non. Ngoài ra, tránh để trẻ bị chấn động về não, sang chấn tâm lý.
 
Theo Báo Đất Việt
Chia sẻ