Cơn ác mộng mang tên bento khi cho con đi học mầm non ở Nhật

Mẹ Masao ,
Chia sẻ

Nếu như ở Việt Nam, gửi con đi học bố mẹ hầu như chẳng phải chuẩn bị gì, sáng đưa con tới trường, chiều đón về, nhàn tênh. Còn trường mầm non ở Nhật, câu chuyện chẳng dễ dàng thế!

Từng có 6 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc. Và từ khi bé Masao hơn 1 tuổi, mẹ Masao còn có thêm cơ hội trải nghiệm "công việc" của một người mẹ có con đi học mẫu giáo. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao hẳn sẽ khiến chúng ta có một cái nhìn khác về hệ thống giáo dục mầm non ở Nhật Bản.


Ở phần trước, độc giả đã phải "toát mồ hôi" khi mẹ Masao liệt kê hàng loạt những đồ dùng, dụng cụ học tập, quần áo... mà một bà mẹ cần phải chuẩn bị trước khi cho con đi học mẫu giáo ở Nhật. Tuy nhiên, khó khăn không dừng lại ở việc cuống cuồng mua sắm hay kì cạch phân loại các đồ dùng đó. Với một bà mẹ sinh sống tại Nhật, có con đi học mầm non đồng nghĩa với việc còn phải học cách làm hộp cơm bento hay luyện trí nhớ "siêu phàm" để có thể ghi nhớ giờ các chuyến xe buýt cũng như các hoạt động ngoại khóa, lịch trình của trường học... Ở phần này, mẹ Masao sẽ tiếp tục cho chúng ta thấy việc có con đi học mẫu giáo ở Nhật đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và kì công.

Tôi đã từng có thời gian về Việt Nam khoảng 3 tháng, và trong 3 tháng đó, tôi gửi em bé nhà mình tại một trường mầm non tư thục mà theo tôi đánh giá khá tốt ở gần nhà mình. Sau này quay lại Nhật tôi nhận ra thủ tục đưa cháu đi học ở quê nhà mới sung sướng làm sao, mẹ gần như không phải chuẩn bị đồ đạc gì, sáng có thể đưa cháu tới trường rồi nhà trường sẽ lo cho cháu đủ 2 bữa chính vài bữa phụ. Chiều đón về giờ tan tầm, bố mẹ nhàn tênh. Còn trường mầm non ở Nhật, câu chuyện chẳng dễ dàng thế...

Cơn ác mộng bento

Nhận được tờ lịch thông báo về lịch học của con ở trường mà tôi bủn rủn với dòng chữ: bento (cơm hộp), mỗi thứ 5 hàng tuần. Bạn biết đấy, chúng ta có thể trầm trồ và thích thú trước những hộp bento kỳ công mà các bà nội trợ Nhật làm cho chồng con, nhưng quả thật để bắt tay vào làm chúng (hàng tuần) thì chẳng dễ chịu tý nào đâu. Chúng đòi hỏi bạn phải thức dậy thật sớm mỗi sáng, chuẩn bị thật cầu kỳ, tỉ mẩn những hộp cơm sao cho thật đẹp mắt, thật ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng. Không dễ dàng gì để làm được obento đẹp ngay từ đầu, mà thường các bà nội trợ sẽ phải sắm những quyển sách hướng dẫn và đồ dùng hỗ trợ để học làm theo và cũng phải khổ luyện thì mới lên tay được.

bento của mẹ nhật

Mầm non ở Nhật
Sách hướng dẫn và đủ các loại dụng cụ để làm bento cho bé mang tới trường.

Thực tế cho thấy hiếm có đứa trẻ nào không háo hức và mong chờ “obento no hi” - ngày chúng được ăn cơm hộp do mẹ làm. Đôi khi ở trường học, có hẳn một sự cạnh tranh ngầm giữa các bà mẹ xem bà mẹ nào chuẩn bị được cho con những hộp cơm ngon lành đẹp mắt nhất.

Mầm non ở Nhật
Những hộp cơm bento đơn giản nhất.

Mỗi khi nhìn thấy các hình mẫu bento mà các mẹ Nhật chuẩn bị cho con tôi những chỉ muốn ngất xỉu vì sao nó lại tinh tế tới vậy. Có mẹ còn mua tới hàng chục bộ hộp cơm khác nhau để tạo bento theo chủ đề mỗi ngày cho bé. Còn với người không khéo léo lắm như tôi, chỉ riêng ngồi nặn cơm hay tạo hình bằng lá rong biển đã mất thời gian và đòi hòi nhiều kiên nhẫn lắm rồi, mà làm mãi lại chẳng hề đẹp mắt chút nào. 

Mầm non ở Nhật

Mầm non ở Nhật
Đôi khi ở trường học, có hẳn một sự cạnh tranh ngầm giữa các bà mẹ xem bà mẹ nào chuẩn bị được cho con những hộp cơm ngon lành đẹp mắt nhất.

Tôi cũng phải lưu ý khi nấu cơm cho bé không nêm nhiều gia vị đặc trưng quá kẻo gây mùi ở lớp. Dù các cô giáo không bao giờ bình phẩm về hộp cơm mà phụ huynh làm nhưng với các bà mẹ, cơm hộp đôi khi là "danh dự" của họ. Không trách sao có chuyện hài hước là vài bà mẹ Âu Mỹ sinh sống ở Nhật đã “gian lận” đôi chút, mua những hộp cơm bên ngoài siêu thị rồi trút vào cơm hộp của con tới trường cho chỉn chu vì họ không biết thao tác thế nào để làm ra một hộp cơm cho đẹp.

Đừng quên làm bảng ghi nhớ

Có quá nhiều kế hoạch cho việc học tập: cả một cửa tủ của gia đình tôi phải dán chi chít ghi nhớ mà nhà trường gửi bao gồm lịch ăn uống, sinh hoạt, giờ đưa đón bé, giờ xe bus đưa đón nếu bạn đăng ký cho bé đi học bằng xe bus, lịch hoạt động ngoại khóa (sự thực tôi đã phải dịch hết ra tiếng Việt vì nhìn cả trang chữ Hán quá kinh khủng)... Nhà trường còn quy định những ngày nhất định phải mang những đồ gì đi học khá rối rắm, và từ cấp học mầm non ở Nhật, mẹ và bé đã cần có thời khóa biểu nhất định để soạn đồ mỗi khi ra khỏi nhà. 

Mầm non ở Nhật
Một góc tủ trong nhà tôi dán đầy ghi nhớ và thông báo của trường.

Mầm non ở Nhật
Lịch trình xe buýt phụ huynh nào cũng cần ghi nhớ.
 
Với bà mẹ chỉ có một con như tôi, điều này xem chừng đã đủ phức tạp, nhưng với các gia đình có từ hai bé trở lên, ghi chú, đánh dấu và lập bảng biểu là điều rất quan trọng để lịch trình đi học của các bé được vận hành trơn tru.

Với trẻ em Nhật, lịch các hoạt động ngoại khóa tại nhà trường luôn dày đặc, và rất nhiều hoạt động đòi hỏi cha mẹ cùng tham dự: dự giờ, cắm trại, hội chợ, hội thao… Đối với trường học mà tôi gửi con, các hoạt động diễn ra hầu như mỗi tháng một lần, và việc phải ghi nhớ lịch hoạt động của chúng bằng cách khoanh lịch hay đánh dấu memo lên tủ lạnh cho đỡ quên là điều rất cần thiết. Tôi cũng không thể không cẩn thận ghi chú số điện thoại của nhà trường, của cô giáo phụ trách, cô hiệu trưởng, cô giáo phụ trách đưa đón xe bus, và cả hội trưởng hội phụ huynh để phòng trong các trường hợp khẩn cấp có thể liên lạc.

Điều này khiến cho thời gian của một bà nội trợ ở Nhật hoàn toàn không nhàn rỗi. Bên cạnh công việc gia đình, các bà các cô phải chạy theo rất nhiều hoạt động học tập của con cái, nhất là với những gia đình đông con, khiến cho người mẹ khó lòng có thể tập trung vào công việc. Đó chính là lý do các cô gái Nhật hầu hết kết thúc cuộc sống nơi công sở để dành toàn tâm toàn ý cho gia đình nếu đã kết hôn. Điều đó cũng cho thấy, để đầu tư cho trẻ nhỏ, những chủ nhân tương lai của đất nước, người Nhật có sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa gia đình và nhà trường, đặc biệt là sự hy sinh khắc nghiệt và toàn tâm toàn ý của người mẹ. 

Với một bà mẹ nước ngoài, nỗ lực là gấp đôi

Mầm non ở Nhật
Một góc trường mầm non ở Nhật.

Mầm non ở Nhật
Ngăn đồ của các bé ở trường học được phân loại như thế này đây.

Ngay cả với một bà mẹ Nhật, bắt nhịp được với đời sống ở trường mầm non ngay từ đầu cũng không hẳn là điều dễ dàng, nên sự nỗ lực là đòi hỏi hẳn nhiên với những bà mẹ nước ngoài như tôi, với đủ các rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Để thâm nhập vào môi trường giáo dục còn xa lạ và đòi hỏi nhiều tâm sức như nước Nhật, ngay từ đầu trong lòng tôi đã có nhiều lo lắng: không biết mình có làm sai điều gì, có thất thố điều gì, đồ đạc chuẩn bị cho bé có bị sai quy cách, em bé liệu có hòa nhập được, liệu mình có thể quen dần với những điều vì chưa quen mà thấy rối rắm này hay không....

Thật may thay, những lo lắng đó có thật nhưng đã dần được giải tỏa bởi các cô giáo và các bậc phụ huynh khác sẽ giúp đỡ và giải đáp các thắc mắc cho tôi thay vì đánh giá như tôi đã từng lo ngại. Tôi cũng dần dần bỏ được những mặc cảm khi rụt rè đưa ra những câu hỏi bởi sự nhiệt tình của các thầy cô mầm non ở Nhật. Đối với một môi trường vui tươi, lành mạnh như trường học ở Nhật, tất cả những gì bạn cần làm đó là hòa nhã, cởi mở, cố gắng hòa nhập và đón nhận những bất ngờ tốt đẹp đến với mình và con cái.
Chia sẻ