Chăm sóc "vùng kín" cho trẻ

Thu Hà,
Chia sẻ

Chăm sóc, vệ sinh “vùng kín” rất quan trọng ngay cả đối với trẻ nhỏ để ngăn ngừa viêm nhiễm

Đối với bé trai

Đối với bé trai, bạn không nên tắm cho bé bằng những chất có hương thơm, hoặc nước quá nóng, bởi chúng có thể chính là tác nhân khiến cho các mô tế bào xung quanh “cậu nhỏ” trở nên khô và rát. Khi tắm cho bé bạn không nhất thiết phải chạm vào bao quy đầu và làm lộ nó ra để vệ sinh cho bé.

Nếu con bạn đã được cắt bao quy đầu ngay từ nhỏ, bạn có thể vệ sinh “vùng kín” cho trẻ với xà bông có hoạt tính dịu nhẹ và nước.

Trong những ngày đầu sau khi mới cắt bao quy đầu, ở chỗ “ấy” của bé có hiện tượng đỏ và có thể tiết ra ít dịch có màu vàng. Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu đáng lo ngại, mà trái lại điều đó chứng tỏ tổn thương nơi “cậu nhỏ” đang dần lành lại.

Thông thường đối với các bé nam, việc chăm sóc vùng kín ít phải cẩn thận như với các bé gái và cũng hiếm khi xảy ra nhiễm trùng nhưng lưu ý khi bạn thấy những biểu hiện như mọng đỏ, sưng phồng, tiết dịch vàng (mà không phải do cắt bao quy đầu) thì hãy nên nhanh chóng đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay, bởi có thế trẻ đang gặp phải một dạng viêm nhiễm nào đó.

Đối với các bé gái

Với các bé gái, việc chăm sóc “vùng kín” sẽ đòi hỏi phải cẩn thận và công phu hơn so với các bé nam, do cấu tạo của cơ quan sinh dục nữ phức tạp hơn so với nam.

Khi vệ sinh cho bé, bạn nên dùng một chiếc khăn ướt lau từ đằng trước ra đằng sau để tránh sự lây truyền những loại vi khuẩn gây hại từ hậu môn lan ra âm đạo.

Tuyệt đối không sử dụng xà bông để vệ sinh vùng kín. Trong trường hợp, bạn sử dụng những loại xà bông có hoạt tính dịu nhẹ để tắm cho bé, bạn cần chắc chắn rằng nó không “tẩy” sạch tất cả các loại vi khuẩn “cư trú” trong vùng kín của âm đạo, bởi ngoài những vi khuẩn gây hại, “vùng kín” còn có nhiều vi khuẩn có lợi.

Khi muốn lau và vệ sinh vùng kín, bạn nên dùng khăn vải mềm chấm nhẹ thay vì trà xát mạnh, sẽ gây nên những tổn thương cho vùng da nhạy cảm nơi đây.

Nếu thấy xuất hiện những hiện tượng như sưng phồng, tấy đỏ, chấm trắng hay chảy máu nhẹ nơi vùng kín bạn cũng không nên phải lo lắng, đây là những dấu hiệu bình thường trong một vài tuần đầu sau khi sinh và nguyên nhân là do bé phải chịu sự ảnh hưởng của một loại hormone từ cơ thể người mẹ trong quá trình mang thai.

Tuy nhiên, lưu ý rằng nếu triệu chứng này kéo dài trong vòng hơn 1 tháng, thì đó lại có thể là những dấu hiệu bất thường, bạn nên đưa bé đi kiểm tra.

Xin nhấn mạnh rằng, bạn không nên bôi bất cứ loại kem hay dầu nào vào vùng kín của bé trừ khi có sự đồng ý của bác sĩ.

Cách thay tã cho bé

Các loại tã hầu hết đều được thiết kế giống nhau cho nên bạn có thể tiến hành thay tã cho trẻ bằng cách sau:

- Trước khi thay tã cho bé, bạn cần làm vệ sinh sạch “vùng kín”.

- Đặt  bé  nằm, tay cầm vào hai mắt cá chân và nâng hai chân bé lên và lót tã bên dưới bé sao cho mép trên của tã ở ngang vùng thắt lưng bé. Luồn vạt dưới tã qua giữa 2 chân bé và gập lên trên. Bóc màng của viền dính ra và sau đó dán 2 vạt tã bé lại với nhau. Chú ý để tã bó sát vào phần bụng dưới của bé.

Lưu ý: Bạn nên thay tã cho bé liên tục hoặc sau khi bé đi tiểu tiện, đặc biệt vào mùa hè. Trung bình từ 4 - 6 tiếng bạn nên thay tã cho bé một lần. Bạn không nên để bé đóng bỉm liên tục suốt cả ngày. Sau mỗi lần đóng bỉm bạn nên để da bé tiếp xúc với không khí một lúc để da dễ khô và thoáng hơn.

Theo Thu Hà
Dân trí
Chia sẻ