Cha mẹ bỏ rơi dễ khiến trẻ mắc bệnh thích ăn cắp

,
Chia sẻ

Tâm (15 tuổi) thường lấy trộm những vật dụng trong các tiệm buôn. Lấy về, Tâm chỉ chất vào ngăn tủ trong phòng mà không sờ đến.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM thường xuyên tiếp nhận những trẻ được ba mẹ đưa đến khám vì lý do ăn cắp vật dụng của người khác. Trong đó, có những trẻ ăn cắp không phải do nhu cầu sử dụng mà do mắc bệnh xung động ăn cắp làm cha mẹ trẻ lo lắng và lúng túng.

Tâm là bé trai 15 tuổi, thường lấy trộm những vật dụng trong các tiệm buôn. Lấy về, Tâm chỉ chất vào ngăn tủ trong phòng mà không sờ đến. Sau những lần lấy cắp, Tâm hổ thẹn, nhưng vẫn tiếp tục hành vi đó.

Theo BS Phạm Ngọc Thanh, đơn vị tâm lý BV Nhi Đồng 1, Tâm bị xung động ăn cắp vì đau khổ và muốn lấp đầy sự thiếu vắng tình cảm (bố của Tâm đã bỏ đi sau khi Tâm ra đời).

Trong trường hợp của Tâm, xuất hiện trầm cảm có thể có liên quan đến việc cha bỏ rơi con nên đã thúc đẩy trẻ hành động như thế.


Hành vi ăn cắp ở những bệnh nhân bị xung động ăn cắp tái diễn nhiều lần và không thể cưỡng lại được.

Còn theo BS Lê Quốc Nam (chuyên khoa Tâm thần) hành vi ăn cắp ở những bệnh nhân bị xung động ăn cắp tái diễn nhiều lần và không thể cưỡng lại được.

Hiện nay, bệnh này được xếp vào nhóm bệnh rối loạn kiểm soát xung động. Trong một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện xung động ăn cắp ngay sau khi bị một số sang chấn như sự chia ly, cái chết của một người thân hay sự chấm dứt một mối quan hệ thân thiết...

Việc điều trị cần kết hợp thuốc và tâm lý liệu pháp. Về thuốc có thể sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều hòa khí sắc...

Về tâm lý liệu pháp, thường áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức với mục tiêu là xác định các kiểu suy nghĩ sai lầm, các hành vi không thích hợp và thay thế nó bằng các kiểu suy nghĩ và hành vi phù hợp hơn thông qua một quá trình tập luyện có trình tự.

Theo BS Thanh, trước khi phạt hoặc đánh trẻ, cha mẹ nên tìm hiểu vì sao trẻ vi phạm những điều cấm. Tùy lứa tuổi và hoàn cảnh gia đình, hành vi đó có thể có ý nghĩa khác nhau.

Khi hành vi của trẻ thể hiện một nỗi đau khổ và tìm sự chú ý, cha mẹ nên cho trẻ gặp một chuyên viên tâm lý để trẻ tâm sự về những khó khăn của trẻ trong gia đình hoặc trong học đường.

Có thể lạm dụng chất gây nghiện

Bệnh xung động ăn cắp có thể xuất hiện thành từng cơn, diễn tiến lúc tăng lúc giảm nhưng có khuynh hướng tiến triển mạn tính và thường có những giai đoạn ổn định giữa các cơn.

Ở người lớn, người bị bệnh này cũng thường bị kết hợp một số rối loạn tâm thần khác, thí dụ như rối loạn khí sắc đặc biệt là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, lạm dụng chất gây nghiện hay các rối loạn kiểm soát xung động khác.

Theo Bee
Chia sẻ