Cha mẹ ảnh hưởng thế nào đến cơn nóng giận của con?

Vân Huyền,
Chia sẻ

Cáu gắt là tình trạng xảy ra thường xuyên ở trẻ trong vài năm đầu đời. Mức độ thịnh nộ của trẻ sẽ giảm dần khi lớn lên.

Cơn cáu gắt của bé có thể chỉ đơn giản là biểu hiện nét mặt cau có, nhưng có đôi khi lại trở thành “một trận lôi đình” khiến bố mẹ cũng không thể “đỡ” nổi.

Cha mẹ thường xuyên xảy ra cãi vã sẽ khiến trẻ luôn trong trạng thái sợ hãi, căng thẳng. Nguy hại hơn là trẻ sẽ bắt chước thái độ, hành vi tiêu cực đó, gây bất lợi cho việc hình thành tính cách.

Cung bậc cảm xúc tự nhiên

Theo các nhà tâm lý học, có đến 87% trẻ trong giai đoạn 1 - 2 tuổi có những biểu hiện cáu gắt, khó chịu. Tỷ lệ này tăng lên đến 91% khi trẻ ở giai đoạn 2,5 - 3 tuổi và giảm dần xuống khi con ở giai đoạn từ 3,5 - 5 tuổi.

Khi hay cáu gắt, tức giận, trẻ thường kèm theo những hành động như gào khóc, gồng cứng tay chân, ưỡn cong người, đá lung tung, ném đồ, lăn xuống nền đất ăn vạ... Có nhiều trường hợp trẻ khóc đến tím tái cả mặt.

Khi con cáu gắt, cau có, hầu hết cha mẹ đều trách mắng trẻ đầu tiên. Tuy nhiên, chị Thủy Tiên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại có phương châm rất khác. Mẹ trẻ cho rằng, trước khi trách mắng con, bản thân cha mẹ phải kiểm điểm lại mình.

Nữ phụ huynh cho hay: “Thật ra, tôi nghĩ, có rất nhiều nguyên nhân khiến con cau có, khó chịu, nóng giận. Điều đó cũng tùy thuộc vào độ tuổi của con. Với những em bé nhỏ con có thể khóc lóc, la hét chỉ đơn giản vì đói, mệt, con cần hoặc muốn làm điều gì đó, nhưng chưa đủ khả năng ngôn ngữ để diễn tả cho cha mẹ hiểu.

Ở giai đoạn lớn hơn một chút, bé dễ cáu gắt, giận dữ khi bước vào tuổi khủng hoảng lên 2, lên 3. Đây là độ tuổi thay đổi tâm lý, trẻ mong muốn thể hiện bản thân, muốn tự lập/tự chủ trong mọi việc nhưng lại chưa thể kiểm soát cảm xúc của mình”.

Hơn nữa, cũng theo nữ phụ huynh này, tính cách của con trẻ được tạo thành từ môi trường sống xung quanh. Đứa trẻ sẽ là tấm gương phản chiếu tính cách của chính cha mẹ.

Nếu một đứa trẻ được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, được lắng nghe - thấu hiểu thì lớn lên cũng sẽ trở thành một người bình tĩnh, nhẹ nhàng, tình cảm. Ngược lại, nếu sống trong một gia đình suốt ngày cãi vã thì hiển nhiên bé cũng sẽ trở thành một con người hung hăng, hay cáu gắt, sống khép kín.

Chị Thuỷ Tiên cho rằng, cau có, khó chịu hay cáu gắt là những cung bậc cảm xúc vô cùng tự nhiên ở một đứa trẻ, nhất là khi con đang trong giai đoạn phát triển tính cách. Đôi khi, tức giận không hẳn là xấu xa, mà là cách để trẻ giải tỏa năng lượng. Tuy nhiên, cách cha mẹ kiểm soát cơn giận của con theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực mới là thứ cần quan tâm.

Bé Hoàng (6 tuổi) thường được liệt vào danh sách “cậu cả khó tính hay cau có”. Chị Kim Thoa (Hoàng Mai, Hà Nội) – mẹ của Hoàng, chia sẻ: “Nhà có hai anh em, con em ngoan ngoãn, dễ bảo bao nhiêu thì thằng anh hay cau có, khó gần bấy nhiêu”.

Chị Thoa kể, Hoàng thường xuyên nhăn nhó, cau có nếu có điều gì không đúng ý. Hoàng quen đến lớp được bật điều hòa dù trời hơi nóng, thế là khi về nhà, lúc nào bé cũng nằng nặc phải bật điều hòa. Sáng nào đi học, chị Thoa cũng đau đầu bởi những cái nhăn mặt, nhíu mày của con trai: “Tại sao áo đồng phục của con lại bị nhàu chỗ này?”, “Tại sao lại phải đi học sớm vậy chứ?”…

Cha mẹ ảnh hưởng thế nào đến cơn nóng giận của con? - Ảnh 1.

Cau có, khó chịu là những cung bậc cảm xúc tự nhiên ở trẻ. Ảnh minh họa.

Hành vi cha mẹ cần tránh

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Denis Sukhodolsky (Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em Yale, Mỹ), không có gì lạ khi một đứa trẻ dưới 4 tuổi có tới 9 cơn nổi giận mỗi tuần, các cơn khóc, đá, giậm chân kéo dài từ 5 - 10 phút. Cơn giận dữ sẽ tiếp tục được duy trì khi chúng lớn hơn. Đồng thời, trở thành một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự phát triển, các vấn đề với bạn bè cùng trang lứa, gia đình.

Mỗi đứa trẻ có những hình thức thể hiện tức giận khác nhau ở từng giai đoạn. Đối với em bé 1 - 3 tuổi, lúc này khả năng ngôn ngữ còn hạn chế, trẻ sẽ có những thái độ ăn vạ, khóc, la hét, đập phá đồ chơi để gây sự chú ý của người lớn.

Lớn thêm một chút, trẻ biết lý luận, cãi vã và đôi khi có những phát ngôn không đúng. Song, đa số những hành vi như vậy ở trẻ là bị ảnh hưởng bởi chính cha mẹ, môi trường sống xung quanh.

Môi trường gia đình là cái nôi để nuôi dưỡng, hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Cha mẹ có phong cách giáo dục tốt, trẻ sẽ ảnh hưởng được những điều tích cực, phát triển tốt. Ngược lại, việc trẻ luôn phải chứng kiến những cuộc cãi vã giữa cha mẹ, hay đôi khi phụ huynh vô tình có phát ngôn không đúng mực cũng sẽ vô tình trở thành tấm gương xấu cho con học theo.

Xây dựng gia đình mẫu mực là yếu tố cần thiết trong quá trình nuôi dạy con. Một gia đình luôn tràn ngập yêu thương, con trẻ cảm thấy hạnh phúc vì lúc nào cũng có cha mẹ san sẻ vui buồn. Những điều này góp phần bồi dưỡng phát triển trí tuệ, tính cách vui tươi hoạt bát cho con trẻ.

Cha mẹ ảnh hưởng thế nào đến cơn nóng giận của con? - Ảnh 2.

Cha mẹ có phong cách giáo dục tốt, trẻ sẽ ảnh hưởng được những điều tích cực, phát triển tốt. Ảnh minh họa.

Theo thạc sĩ khoa học giáo dục Nguyễn Thị Lanh - Học viện Minh Trí Thành, các nhà xã hội học chỉ ra rằng, lời nói và hành vi của cha mẹ trong cuộc sống thường ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển tâm lý của trẻ.

Việc cha mẹ cư xử nhẹ nhàng, khiêm tốn, lịch sự sẽ tạo nên những đứa trẻ ngoan ngoãn và lễ phép. Ngược lại, việc cha mẹ thường xuyên xảy ra cãi vã, tính cách nóng nảy sẽ khiến trẻ luôn trong trạng thái sợ hãi, căng thẳng. Nguy hại hơn là trẻ sẽ bắt chước thái độ, hành vi tiêu cực đó, gây bất lợi cho việc hình thành tính cách.

Do đó, để trẻ không cau có, khó gần, trước hết, cha mẹ cần lưu ý không cãi nhau trước mặt con.

Bởi, điều này sẽ khiến trẻ căng thẳng, sợ hãi tột cùng. Cho dù ai thắng thua trong cuộc cãi vã thì trẻ cũng là nạn nhân. Cãi nhau là một bức tranh đáng sợ trong mắt trẻ. Điều đó khiến trẻ giảm đi hiệu suất nhận thức, trở nên hung hăng, có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Trẻ cũng có thể gặp rắc rối về thể chất, nhìn cuộc sống tiêu cực và có nguy cơ phạm tội ở tuổi vị thành niên.

“Thái độ hằng ngày của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến cảm giác an toàn và sự tự tin của trẻ. Nếu cha mẹ thường xuyên phàn nàn, bày tỏ cảm xúc chán nản thì sẽ khiến trẻ bị bất an, lo lắng, sợ sệt”, chuyên gia cho biết.

Những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh đó thường nhìn cuộc đời bằng sự hoài nghi, dò xét đến tận khi trưởng thành. Trẻ trở nên không tin tưởng bất kỳ ai, thấy cuộc sống đầy những khó khăn và cảm thấy bế tắc. Điều đó sẽ rất nguy hại cho trẻ. Bởi, khi gặp thử thách, thậm chí là vấp ngã, trẻ sẽ buông xuôi, phó mặc cho số phận. Đương nhiên, sẽ không ai muốn làm bạn với một người có trạng thái cảm xúc tiêu cực như vậy.

Theo chuyên gia này, vẫn biết cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng cha mẹ không nên thở dài than ngắn trước mặt trẻ. Thay vào đó, hãy để trẻ duy trì tinh thần vui vẻ, lạc quan, hạnh phúc. Đây cũng là một trong những yếu tố làm nên sự thành công trong tương lai của con.

Bên cạnh đó, việc cha mẹ thường phê bình, mắng mỏ hoặc chỉ trích người khác vô cớ trước mặt con cũng là nguyên nhân khiến trẻ cau có, khó gần. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, việc chỉ trích, mắng mỏ người khác trước mặt con là điều bình thường và không ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ vì bé còn nhỏ.

Tuy nhiên, thực tế, đây không chỉ là hành vi xấu mà còn có hại cho sự phát triển của trẻ. Kiểu lời nói, hành vi này sẽ khiến cho trẻ hoài nghi về sự giáo dục hằng ngày của cha mẹ. Nguy hại hơn, trẻ sẽ học tính cách, lối sống, làm sai lệch suy nghĩ và hành động. Trẻ sẽ trở thành những người có tính cách khó gần, luôn sẵn sàng nổi cáu với người khác.

Trong khi đó, việc phụ huynh thường xuyên nhìn mọi việc bằng con mắt cực đoan cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ. Một số cha mẹ có tính cách và có quan điểm cực đoan về mọi thứ. Họ thường thể hiện ra qua ngôn ngữ, hành động hằng ngày. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, điều này sẽ khiến trẻ phát triển theo chiều hướng không tốt, ảnh hưởng đến nhân cách và tâm lý của con.

“Để đảm bảo sức khỏe tinh thần cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý không nên bày tỏ quan điểm của mình về một số việc bằng giọng điệu tiêu cực. Tính cách của mỗi đứa trẻ bị ảnh hưởng một cách vô thức từ cha mẹ. Muốn trẻ tốt hơn, trước tiên cha mẹ nên học cách kiềm chế cảm xúc. Hãy làm gương sáng cho trẻ để con lớn lên khỏe mạnh và có một tuổi thơ tươi đẹp”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết.

Chia sẻ