Cả nhà “chiến tranh” vì con “đi bộ đội”

Minh Thủy,
Chia sẻ

Tương kế tựu kế, ngày nào ông bà nội cũng đến đón cháu sớm hơn quy định rất nhiều. Thậm chí, có hôm ông bà còn cho cháu ở nhà luôn mà không báo cáo gì với cô giáo.

Từ ngày Bin đi học cả nhà không có hôm nào được yên ổn. Ông bà nội thì luôn miệng nói bố mẹ Bin không thương con, con còn bé thế (mới có 2 tuổi) mà đã bắt con đi lớp, sao không để con ở nhà đến 3 tuổi hãy cho đi. Bố mẹ Bin lại có cái lý của mình. Rất nhiều trẻ còn đi lớp sớm hơn Bin ấy chứ, 2 tuổi đâu còn là quá bé nữa.

Bin ở nhà với ông bà, được ông bà chiều nên Bin hư lắm. Bin thích tự làm theo ý mình, nếu không đúng ý mình là thế nào Bin cũng hoặc là lăn ra khóc hoặc là lấy tay đánh bôm bốp vào người đối diện. Rất nhiều lần bố mẹ phải dùng đến roi mây để “nói chuyện” với Bin. Nhưng cứ hễ đánh con được một cái là thế nào cả mấy ngày hôm sau bố mẹ Bin cũng phải nghe “điệp khúc” của ông bà nội: “Anh chị giờ thì giỏi rồi, trông con có một lúc buổi tối mà ngày nào cũng đánh con. Nó ở nhà với chúng tôi cả ngày có sao đâu, vẫn ngoan chán”, hay lại “anh chị tưởng cứ đánh con là nó nên người à, đừng tưởng nó là con anh chị thì muốn đánh là đánh, nó còn là cháu tôi đấy”… Cu Bin “dựa hơi” ông bà càng ngày càng tỏ ra không sợ bố mẹ, động tí là lại “ông ơi, bà ơi, bố mẹ đánh cháu…”
 
Cu Bin càng lớn càng bướng. Bố mẹ Bin quyết định phải cho con đi lớp mẫu giáo để Bin ngoan hơn, biết sợ hơn và sống có kỷ luật hơn. Thế là cạy cục thế nào bố mẹ cũng phải xin bằng được cho Bin một suất học ở trường mẫu giáo gần nhà để ông bà chiều tiện đi đón cháu. Bố mẹ Bin bảo: “Cho Bin đi 'bộ đội' để thành người lớn”.
 
 
Những tưởng cu Bin “đầu gấu” thế thì việc đi học cũng đơn giản và dễ dàng. Nhưng bố mẹ Bin không thể tưởng tượng nổi việc con đi học lại quá phức tạp hơn việc người lớn đi làm rất nhiều.

Cả nhà đã “chuẩn bị tinh thần” cho Bin bằng cách ngày nào cũng cho Bin sang lớp mẫu giáo chơi để Bin quen cô giáo, các bạn và trường lớp. Bin tỏ ra thích thú lắm, và hôm nào cũng đòi bà “đi lớp, đi lớp cơ”. Có những hôm bà phải cho Bin đến lớp tới 2, 3 lần. Thế nhưng đến hôm chính thức đi học thì cu cậu giãy nảy lên khóc đòi về. Vốn quen ăn vạ, Bin khóc rất to, vừa khóc vừa lăn lộn ra nền nhà mong được dỗ dành như ở nhà với ông bà. Dù rất thương con nhưng bố mẹ Bin vẫn quyết để con ở lại, vì nếu có cho về thì đến lần sau cũng vẫn vậy. Ngày nào đến đón cháu cũng thấy cháu nước mắt ngắn nước mắt dài, ông bà nội xót Bin lắm, xót Bin một thì thầm trách bố mẹ Bin mười. Ông bà trách bố mẹ Bin đã cho cháu cưng của ông bà “đi bộ đội” sớm, để thằng bé chỉ biết khóc, chẳng chịu ăn uống mà gầy rạc đi.
 
Tương kế tựu kế, ngày nào ông bà nội cũng đến đón cháu sớm hơn quy định rất nhiều. Có hôm thì ông bà lấy lý do cho cháu về nhà để đi khám bác sỹ, hoặc xin về sớm vì chiều cả nhà đi vắng không đi đón được… Thậm chí, có hôm ông bà nhận đưa cháu đi học nhưng thực chất cho cháu ở nhà luôn mà không báo cáo gì với cô giáo. Sau nhiều lần như vậy, cô giáo phản ánh với bố mẹ Bin rằng đã cho Bin đi lớp thì nên cho Bin đi đều để con nhanh quen lớp, quen bạn, chứ cứ đi học kiểu như vậy thì Bin sẽ rất khó hòa đồng với lớp được. Cô giáo còn khuyên bố mẹ Bin đừng quá xót con, trẻ con nhiều đứa mới đi lớp cũng khóc nhè, vì chúng bị đưa đến môi trường khác hẳn nhà mình, với những người lạ hoặc và phải tuân theo những quy định khác hẳn ở nhà. Sự thay đổi này ảnh hưởng phần nào đến tâm lý trẻ vì trẻ chưa quen, có thể khiến trẻ sợ hãi, khóc nhè và không chịu ăn là điều dễ hiểu. Nhưng sau một thời gian quen rồi, trẻ tự khắc sẽ biết mình phải cư xử thế nào cho đúng và chắc chắn trẻ không còn lo sợ việc đi lớp nữa.

Đem những điều này nói lại với ông bà nội để mong ông bà hiểu cho mà đừng quá nuông chiều cháu, nhưng kết quả mà bố mẹ Bin nhận lại là những câu hờn mát của ông bà: “Anh chị giờ đủ lông đủ cánh, không cần nhờ ông bà già này nữa thì thôi, chúng tôi cũng không dám bận. Con anh chị, anh chị tự đi mà lo”… Lời qua tiếng lại, lúc nào không khí trong nhà Bin cũng căng như thời chiến tranh. Đúng là: Cả nhà “chiến tranh” vì con “đi bộ đội”.

Chia sẻ