Bố mẹ hãy nhớ "Trẻ con cũng là những con người"

Thanh Hương,
Chia sẻ

Chúng ta muốn những đứa trẻ khi lớn lên trở thành những con người tự lập, vậy ngay từ bây giờ, cần phải cho trẻ có cảm nhận về sự tự lập và tự tin cũng như sự tôn trọng.

Mấy hôm trước gia đình tôi cùng nhau đi dã ngoại. Chúng tôi ngồi xuống nghỉ ngơi ven đường và mua một vài thứ để ăn từ một cửa tiệm nhỏ. Các cô con gái của tôi muốn được cầm tiền và mua một vài thứ mà chúng muốn. “Thật tuyệt vời!”, tôi nghĩ “đây là một dịp để các con có một trải nghiệm thực tế”. Tôi đưa cho các con một ít tiền xu và bọn trẻ nhanh chóng chọn mua đồ rồi chạy lại xếp hàng ở quầy tính tiền.

Từng chút, từng chút một bọn trẻ tiến lại gần hơn chỗ người thu ngân một cách đầy kiên nhẫn với đôi tay nhỏ bé vẫn nắm chặt những đồng xu. Ánh mắt bọn trẻ ánh lên sự hãnh diện vì cảm thấy mình đã lớn và có thể tự làm việc này một mình. Tôi đứng từ xa quan sát và chờ đợi với một nụ cười hài lòng trên miệng.

Cuối cùng, bác gái xếp hàng ngay trước bọn trẻ đã hoàn tất việc mua sắm và bước đi. Bọn trẻ bước tới quầy tính tiền đầy tự tin…

Bố mẹ hãy nhớ
 
Nhưng mọi việc không đi đúng như kế hoạch. Cô thu ngân nhìn lướt xuống bọn trẻ rồi ngước lên ngay lập tức và gọi người lớn phía sau tiến lên để thanh toán. Bọn trẻ đứng ngây người và nhìn vị khách tiếp theo tiến lên, vượt qua chúng và thảy những đồng xu ra để thanh toán, ánh mắt chúng nhìn tôi đầy ngạc nhiên và lo lắng vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Lúc này tôi đành bước tới và giải thích với người thu ngân về việc bọn trẻ muốn tự mua một vài thứ. Ngườit hu ngân lúc này nhìn xuống và lại nhanh chóng ngước lên, không nhìn bọn trẻ mà nói chuyện theo kiểu của “một người khổng lồ nói chuyện với những gã tí hon”, cô nhận tiền rồi đưa cho bọn trẻ tiền thối mà không một chút thiện cảm hay tôn trọng.

Bố mẹ hãy nhớ
Khi bọn trẻ đi ra ngoài gặp những người lớn và nói “Cháu chào bác” thì 80% những người lớn chúng ta chỉ nhìn lướt qua mặt chúng rồi quay đi mà không hề nói lời chào lại bọn trẻ.

Và như thế, sự tự tin ban đầu của bọn trẻ nhanh chóng biến mất. Sự hãnh diện vì được thực hiện một công việc của “người trưởng thành” đột nhiên biến mất. Tôi chắc rằng người bán hàng thực sự không cố ý gây ra những điều này, tôi biết chắc cô ấy hoàn toàn đáng yêu và cô ấy rất yêu thương bọn trẻ, chỉ là cô ấy không hề để ý rằng hành động nhỏ của mình đã gây ảnh hưởng thế nào tới bọn trẻ.

Điều này khiến tôi suy nghĩ lại về những lần tôi đã thấy những việc tương tự xảy ra, người lớn luôn luôn coi trẻ con không phải hoàn toàn là một con người, và rằng bọn trẻ con thì không quan trọng như người lớn. Có thể là mọi người không thực sự nghĩ như vậy, nhưng những hành động của họ lại thể hiện nhiều hơn thế - một cách vô thức.

Tôi có thể kể cho bạn nghe chuyện khi bọn trẻ đi ra ngoài gặp những người lớn và nói “Cháu chào bác” thì 80% những người lớn chúng ta chỉ nhìn lướt qua mặt chúng rồi quay đi mà không hề nói lời chào lại bọn trẻ như thế nào. Hay chuyện có lần chúng tôi đi qua quầy hải quan với cô con gái 2 tuổi của mình và bé đã liên tục nói “Cháu chào chú” với người làm thủ tục hải quan mà không có lời đáp trả cho tới khi bé hỏi tôi “Tại sao chú không chào con hả mẹ?”. Rất rất nhiều trường hợp khác mà ở đó chúng ta coi trẻ con chỉ là những kẻ tí hon hoàn toàn không đáng quan tâm. Ai cũng đều mong muốn được tôn trọng và đối xử tử tế – và bọn trẻ con cũng vậy!

Bố mẹ hãy nhớ
Làm trẻ con thực ra không hề đơn giản.
 
Một điều khác mà tôi cũng thường gặp và cảm thấy kỳ lạ, đó là khi mọi người cứ đặt cho tôi những câu hỏi gián tiếp về bọn trẻ kiểu như “Con bé có đói không?”, “Liệu con bé có thích cái này không?” trong khi chúng ở ngay đó. Con gái tôi - một đứa 3 tuổi và một đứa 5 tuổi đều biết nói và chúng chắc chắn sẽ biết chính xác rằng chúng muốn hoặc không muốn gì tốt hơn tôi, vậy tại sao thay vì hỏi thẳng chúng, mọi người lại coi như bọn trẻ là những con búp bê và quay ra hỏi tôi?

Làm trẻ con thực ra không hề đơn giản, bọn trẻ thường được đưa ra và áp vào những tiêu chuẩn rất cao như: phải luôn luôn nghe lời, không được có tâm trạng xấu, luôn cư xử hoàn hảo và phải biết tự kiểm soát bản thân. Hãy thử làm sai một trong những điều trên mà xem, chắc chắn bọn trẻ sẽ bị trừng phạt! Tôi tin chắc những điều này hiếm một người lớn nào có thể thực hiện được hoàn hảo.

Còn rất rất nhiều những điều nhỏ nhặt, và gom góp lại chúng trở thành một vấn đề vô cùng lớn. Có rất nhiều điều mà trước đây có lẽ tôi cũng đã từng làm giống như mọi người khác với những đứa trẻ, nhưng giờ đây sau khi suy nghĩ và thay đổi tôi đã quyết định không bao giờ làm như vậy với bọn trẻ. Trẻ em cũng là những con người – chỉ là chúng nhỏ bé – bọn trẻ xứng đáng được tôn trọng và thừa nhận không thua kém bất cứ một người lớn nào. Chúng ta muốn những đứa trẻ khi lớn lên trở thành những con người tự lập – những cá thể tự chủ và hiểu rõ về giá trị của bản thân mình, vì vậy ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải cho trẻ có cảm nhận về sự tự lập và tự tin cũng như sự tôn trọng.

“Nếu tôi được phép tạo ra một quy định để sống và làm việc với bọn trẻ, có lẽ quy định đó sẽ là: Trước khi nói hoặc làm gì đó với một đứa trẻ, hãy suy nghĩ liệu bạn có thể làm giống như thế đối với những người lớn hoàn toàn tốt đẹp khác hay không?” – John Holt

Bố mẹ hãy nhớ
Bọn trẻ xứng đáng được tôn trọng và thừa nhận không thua kém bất cứ một người lớn nào.

Trẻ em cũng là những con người

… đừng lờ bọn trẻ đi

… đừng từ chối và kìm hãm cảm xúc của trẻ

… đừng dùng giọng kẻ cả khi nói chuyện với trẻ

… đừng chế nhạo trẻ

… đừng so sánh

… đừng dùng đòn roi và nhiếc mắng trẻ

… đừng kỳ vọng và đặt áp lực quá cao lên trẻ.

Trẻ em cũng là những con người

… hãy lắng nghe và hiểu trẻ khi trẻ nói chuyện cùng bạn

… hãy đặt những câu hỏi về bản thân trẻ thay vì về cha mẹ trẻ

… hãy để bọn trẻ được tự do quyết định về bản thân mình

… hãy cho trẻ tự do nhiều nhất có thể, trong mọi lĩnh vực!

… lắng nghe trẻ, lắng nghe thực sự

… tôn trọng cảm xúc và suy nghĩ của trẻ

… tin tưởng trẻ

… yêu thương, tận hưởng và vui vẻ cùng trẻ.

(Nguồn: Bài viết của tác giả Sara trên trang blog "Happiness is here")
Chia sẻ