Biểu hiện cảm xúc của bé các giai đoạn

,
Chia sẻ

Cùng với sự phát triển về thể chất, cảm xúc cũng phát triển theo từng giai đoạn nhất định ở trẻ. Mỗi giai đoạn phát triển cảm xúc của trẻ đều gắn liền với môi trường sống xung quanh như gia đình, trường học, bố mẹ, thầy cô…

Giai đoạn bào thai

Không phải khi trẻ ra đời và lớn lên mới có sự thể hiện tình cảm của mình với bố mẹ. Đến tháng thứ 6, bé bắt đầu xuất hiện phản ứng khi nghe được những âm thanh từ bên ngoài.

Nếu như ở giai đoạn này bố mẹ luôn nói chuyện với bé với những câu từ vui tươi, những lời tâm sự yêu thương, những  cử chỉ vuốt ve, những điệu nhạc cổ điển du dương ….mặc dù ban đầu bé chưa hiểu bố mẹ nói gì, nhưng dần dần bé sẽ quen với những đặc điểm ngôn ngữ đó.

Điều này sẽ tạo điều kiện cho bé phát triển cảm xúc ngay từ trong bụng mẹ. Mỗi khi nhận được những tín hiệu quen thuộc từ bên ngoài, bé cũng có phản ứng đáp trả lại lời của bố mẹ bằng cách đạp vào bụng mẹ, đó chính là ngôn ngữ, cảm xúc của bé với bố mẹ.

Chị Thuỷ ở Hải Phòng cho biết : “Lúc có thai được 5 tháng, bé đã bắt đầu cử động bằng cách đạp vào bụng mẹ. Sang tháng thứ 6, khi bố hoặc mẹ ghé vào bụng và nói chuyện bé đã có những động tác phản ứng lại. Mỗi khi bé trườn lên và đạp vào bụng mẹ, bố lại nói lặng yên rồi bố cho nghe nhạc, khi tiếng nhạc được mở ra thì bé nằm yên và không đạp vào bụng mẹ nữa. Dường như bé đã cảm nhận được những âm thanh quen thuộc bên ngoài”.

Giai đoạn sơ sinh

Trong những ngày đầu đời, tuy bé chỉ biết ăn và ngủ nhưng mọi giác quan của bé đều đã hoạt động, tiếp nhận âm thanh, mùi vị và hình ảnh của thế giới mới. Lúc này em bé tuy chưa thể hiện được cảm xúc rõ rệt nhưng bạn vẫn có thể cảm nhận được những cảm xúc đang dần phát triển của bé thông qua nét mặt khi bé cười hay khóc.

Giai đoạn nhũ nhi

Qua giai đoạn sơ sinh, bé quen dần với môi trường bên ngoài, đã bắt đầu có những cảm xúc đầu tiên với mẹ, đây là giai đoạn bé tiếp xúc với mẹ nhiều nhất. Những lúc mẹ cho bú, đó là lúc bé có những cảm xúc rõ nhất với mẹ. Mỗi bé đều có những nét riêng của mình, bé thì thể hiện tình cảm bằng mắt, bé thì hành động bằng tay…

Bé trai nhà chị Thơm thì rất thích cọ vào ngực mẹ khi bú hoặc cầm tay mẹ. Còn bé Quang Minh con mẹ Việt Hương lúc ba tháng tuổi, khi mẹ cho bú chỉ biết nhìn mẹ âu yếm, lúc mẹ nói chuyện thì bé úp mặt vào ngực mẹ cười. Còn khi ngủ bé lấy tay mân mê lên mặt mẹ, từ mắt, mũi, miệng…nhìn mẹ thật kỹ và đùa giỡn.
 
Mẹ bé có biệt hiệu nhóc Nicolas kể : ”Bé nhà em 4 tháng, mẹ đi làm về cười tươi, hớn hở, mẹ nằm xuống là quay nghiêng sang cười thành tiếng đợi mẹ cho ti. Đấy chẳng biết có phải bé thể hiện với mẹ không hay là với ti nhỉ !”

Còn bé Châu Anh đã một tuổi thì có thể hiện tình cảm của mình thật rõ nét. Mẹ bé kể : “ Bé nhà mình cong môi lên hứ hứ rồi hai mẹ con mi một cái thật kêu, bé giơ tay lên rồi bảo " mẹ, mẹ zê zê nào “ rồi hai mẹ con đập tay vào nhau zê một cái. Thật là hạnh phúc!”

Giai đoạn ấu nhi và răng sữa

Với lứa tuổi này các bé bắt đầu “thôi nôi”, lẫm chẫm tập đi những bước đầu đời, phạm vi tiếp xúc với người khác cũng rộng hơn, không chỉ dừng lại nơi vòng tay người mẹ. Giai đoạn này sự hình thành cảm xúc của bé được phát triển sâu sắc hơn.

Mẹ bé Honey hai tuổi kể : “Bé bộc lộ tình cảm của mình rất rõ ràng với tất cả những người mà bé yêu thương. Bé ôm mẹ thật chặt và hôn thắm thiết. Hôn môi, hôn má, hôn mắt, hôn tay mẹ. Ngoài việc bỗng dưng ra ôm chầm và hôn ai đó, thì bé đòi ba bế, hay rủ ba: "Ba! Ôm nhau, Ôm nhau". Có khi bé nằm cạnh ông ngoại vuốt má ông ngoại bảo "Yêu nắm". Bé còn biết khen "bà ngoại đẹp" mỗi ngày để bày tỏ tình yêu của mình với bà, và biết bảo bà "bà đi ngủ đi không mệt" khi bà thức đêm chăm bé sốt. Bé luôn dụ mẹ "mẹ ơi, mẹ thương Bông" để mẹ ôm bé vào, vỗ vỗ vào lưng bé nói "mẹ thương, mẹ thương".

Trong quá trình phát triển cảm xúc, trẻ chưa biết tự kềm chế, theo Hubert thì " Trẻ vui mừng và đau khổ một cách sâu sắc, có khi hoàn toàn sống trong cảm xúc, không một lo âu nào có thể hạn chế được sự vui mừng, không một hy vọng nào đối với sự đớn đau. Sự sung sướng và đau khổ của trẻ là vô tận".

Ở lứa tuổi này, chính sự bộc lộ một cách trọn vẹn cảm xúc của mình, bố mẹ đã giúp bé có được những ý thức về bản thân, nhận ra được những sự khác biệt giữa mình với những người xung quanh và trẻ bắt đầu hình thành ý thức độc lập.

Khi bố mẹ thể hiện tình cảm với con quá nhiều, khiến cho trẻ có tính ích kỷ không có nhu cầu đáp lại. Bố mẹ cần khuyến khích con thể hiện tình cảm của mình, để bé có thể tự tin hơn trong việc thể hiện cảm xúc của mình.

Chính vì vậy, bố mẹ cần tinh ý cảm nhận những dấu hiệu từ trẻ để biết trẻ đang mong muốn điều gì : “mẹ ơi, con cần mẹ…” ở đây không phải là bé cần mẹ ở sự chăm sóc ăn uống hàng ngày, mà chính là sự tiếp xúc trực tiếp qua ánh mắt, làn da giữa hai mẹ con.

Trẻ rất nhạy cảm và phản ánh trung thực những tình cảm của mọi người. Bằng cảm nhận riêng của mình, trẻ phân biệt được chính xác ai là người luôn gần gũi với mình, ai yêu mình…và cũng sẽ có tình cảm ngược lại với người đó.

Mẹ bé Tuấn Minh còn ngỡ ngàng vì cách biểu lộ tình cảm của con: “ Tối hôm đó mình và ông xã có cãi nhau một chút, chuyện không có gì nhưng tính mình dễ khóc, nên cứ khóc sụt sùi, con trai đến gần hôn vào mắt, vào hai bên má mẹ, rồi hôn vào môi mẹ, bé cứ hôn đến khi mẹ không khóc nữa mới thôi”.

Giai đoạn này là giai đoạn trẻ chập chững bước vào môi trường sống xung quanh mình. Trẻ rất cần sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ và người thân. Những dấu ấn về thái độ, hành vi của những người trong gia đình ở giai đoạn này là vô cùng quan trọng. Đời sống của trẻ ở giai đoạn này phong phú và sâu sắc hơn, trẻ đã được trải nghiệm  nhiều trạng thái cảm xúc, tình cảm, và hướng tình cảm của mình đến nhiều đối tượng khác nhau. Những điều này bố mẹ cần lưu ý và cảm nhận được nhu cầu tình cảm đó của trẻ, giúp cho trẻ phát triển lành mạnh về tình thần và cảm xúc.

Lê Gia Phong

Chia sẻ