Bị 'Tây hoá', trẻ Việt không biết viết tên mình

,
Chia sẻ

Nhận được chứng chỉ tiếng Anh trình độ cao gấp đôi số tuổi, nhưng P. lại không biết điền tên tiếng Việt của mình vào bài thi.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP.HCM kể lại câu chuyện oái oăm ông từng chứng kiến để nói đến tình trạng trẻ em người Việt nhưng lại không được học tiếng Việt ở trường mẫu giáo. Và khi cần viết tên tiếng Việt,  người lớn phải điền tên giúp học sinh này.

Tại buổi họp giao ban lần đầu tiên với các trường mầm non quốc tế ở Sở GD - ĐT TP.HCM ngày 20/4, vấn đề trẻ mẫu giáo người Việt sớm bị “Tây hóa” khiến nhiều người phải giật mình.

Lo bị “Tây hóa”

Với con số 36 trường mầm non quốc tế trên địa bàn TP.HCM hiện nay, hiếm trường nào có chương trình hay hoạt động bằng ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ.

Lứa tuổi mầm non rất quan trọng để trẻ làm quen với ngôn ngữ. Trong đó, tiếng Việt không thể bỏ qua. Học song song hai ngôn ngữ được coi là tốt cho trẻ.

Tại Trường mầm non, tiểu học quốc tế Anglophone, số trẻ quốc tịch Việt Nam so với số trẻ có quốc tịch nước ngoài chiếm tỷ lệ 50/50; trong khi chương trình học ở đây hoàn toàn là chương trình bằng tiếng Anh.

Còn tại  Trường mầm non, tiểu học quốc tế Fosco - theo hiệu trưởng La Ánh Mai, trường này dạy hoàn toàn bằng chương trình nước ngoài. Chỉ đến dịp Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi...nhà trường mới tổ chức để các em hiểu về lễ hội Việt Nam. Văn hóa ứng xử, mối quan hệ ông bà, cha mẹ... của người Việt cũng được dạy theo chuyên đề.

“Nhưng tất cả những hoạt động đó đều được trao đổi bằng tiếng Anh” - bà Mai cho biết.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ: “Ở các nước trên thế giới (trừ một số nước lấy tiếng Anh làm tiếng bản xứ) họ đều buộc trẻ nước họ phải được học tiếng bản xứ trước hoặc song song với ngôn ngữ khác. Không có nước nào cho phép các trường dạy con em họ tiếng nước ngoài trước”.

Nhưng ông Đạt cũng nhấn mạnh: Nói như thế không có nghĩa là không nên dạy tiếng Anh đối với trẻ mầm non mà nên cho các em làm quen dần với ngôn ngữ này song song với việc dạy tiếng Việt.

“Các trường cố gắng dạy chương trình Việt Nam cho các cháu là người Việt, đừng dạy hoàn toàn bằng ngôn ngữ nước ngoài” - ông Đạt đề nghị.

Muốn thành "trẻ Ta" cũng khó

Thế nhưng, có một thực tế, nhiều trường muốn đưa chương trình tiếng Việt vào dạy nhưng loay hoay, chưa biết đưa như thế nào, hay có được phép đưa vào hay không (?)

Giờ ra chơi của trẻ tại Trường Mầm non Thành phố.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Hiệu trưởng Trường mầm non quốc tếBanh và Bi đã phải lúng túng khi nhiều phụ huynh muốn cho con mình được học thêm tiếng Việt. Trong khi, đây là một trường dạy hoàn toàn bằng chương trình tiếng Pháp.

“Mỗi tuần một lần, chúng tôi phải cho học sinh qua trường có dạy tiếng Việt cho các em học. Xin hỏi chúng tôi có được phép đưa vào chương trình 1 - 2 tiết tiếng Việt để dạy các em mầm non hay không?” - bà Nhung băn khoăn.

Khoảng hơn nửa năm nay, các trường quốc tế có nhiều cấp học đã đưa một số môn trong chương trình tiếng Việt vào giảng dạy ở bậc tiểu học theo quy định. Thế nhưng, với bậc mầm non, đến nay vẫn chưa có quy định nào về điều này.

Bà Lê Thị Liên Hoan, Phó Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD - ĐT TP.HCM cho rằng dù chưa có quy định nào về việc phải dạy trẻ mầm non chương trình tiếng Việt, nhưng khuyến khích các trường thực hiện theo quy định của bậc tiểu học.

“Ở lứa tuổi mầm non, nếu các em được học song song tiếng Việt và tiếng nước ngoài là rất tốt. Các em sẽ có tư duy ngôn ngữ tốt hơn. Khi ra đời cũng có nhiều cơ hội hơn. Khó ai có thể tuyển dụng một người không biết đến tiếng mẹ đẻ” - bà Liên Hoan khẳng định.

Còn ông Đạt cho biết, trong thời gian sắp tới, tất cả những trường quốc tế hay có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TP.HCM nếu nhận học sinh Việt Nam thì phải chịu sự quản lý của Sở GD - ĐT TP.HCM.

“Trường nào chỉ cho phép nhận học sinh Việt Nam, dạy chương trình Việt Nam mà đưa chương trình nước ngoài vào dạy, không được Bộ GD - ĐT cho phép thì Sở sẽ kiểm tra và xử phạt. Trong đó, biện pháp cuối cùng sẽ là đình chỉ hoạt động” - ông Đạt nhấn mạnh.

 
 
Theo Minh Quyên
Vnexpress
Chia sẻ