Bị ám ảnh, sợ hãi vì bố mẹ hù dọa

,
Chia sẻ

Với người lớn, biện pháp dọa, hoặc nói đùa là những câu nói vô thưởng vô phạt, nhưng vô tình lại gây ra những chấn động tâm lý, khiến các bé vô cùng sợ hãi.

Từ nỗi sợ bị bóng tối “ăn thịt” hay “bắt đi”

Vốn nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái, nên biện pháp mà chị Huyền hay dùng đối với cậu con trai hiếu động của mình là "dọa". Con không ăn, chị "dọa" sẽ đem nhốt ngoài cửa cho "ông ba bị ăn thịt", không chịu ngủ, chị cũng "dọa" tắt hết đèn bỏ mặc thằng bé đứng dưới sàn một mình...

Cứ như thế nhiều lần, cu Tí tỏ ra sợ mẹ và ngoan ngoãn nghe lời. Thế nhưng kể từ đó, con trai chị luôn hoảng sợ và khóc thét lên khi phải ở trong bóng tối. "Nó không chịu ngủ nếu tắt hết đèn, giấc ngủ cũng không sâu như trước. Đêm nào mình cũng phải thức giấc vì cứ nửa đêm là nó khóc thét lên, dỗ mãi không chịu nín" - chị Huyền tâm sự.

Trường hợp của gia đình chị Huyền chỉ là một trong rất nhiều các bậc phụ huynh không hiểu được tâm lý của trẻ, cũng như việc quá lạm dụng "quyền uy" của người lớn trong việc nuôi dạy con.

Nhiều trẻ sợ bị người lớn đe dọa.

Đến tủi thân vì sợ bị “ra rìa”

Mới sinh được "quý tử" nên mọi sự quan tâm của chị Kim cùng gia đình dồn hết vào thành viên nhí mới ra đời. Tâm lý "em nó nhỏ hơn nên con phải nhường" làm cho chị luôn có thái độ "cảnh cáo" với con bé khi thấy nó mon men lại gần "đòi mẹ". Có hôm, chị đã đánh đít con bé chỉ vì nó liên tục đòi "trả mẹ đây". Bị mẹ đánh, bé khóc, nói rằng "mẹ không thương con" và giận giữ nhéo vào má của cu Tí làm thằng bé khóc thét.

Chị Kim nhận thấy rằng, kể từ khi có em, bé Hà Anh trở nên trái tính, trái nết, bé thường tỏ ra vùng vằng, hay dỗi và khóc mỗi khi không được bố mẹ chiều chuộng. Anh Tâm - chồng chị lại luôn nói đùa với con những câu kiểu như: "Có em rồi thì phải lớn lên một chút", "Có em rồi nên bố chả cần con nữa... Chị gì mà hư", v.v...

Cả anh Tâm và chị Kim đều không hiểu rằng, việc đột ngột thiếu quan tâm đến con cái sẽ làm cho bé có cảm giác tủi thân vì bị bỏ rơi. Hơn nữa, những câu nói răn đe của anh làm cho con gái cảm thấy mọi sự yêu thương của bố mẹ đều dồn hết cho đứa em mới sinh còn mình thì bị "cho ra rìa", phải tự lập. Nhiều bé vì thế mà trở nên không thân thiện hoặc sinh tâm lý “ghét” em vì đã “cướp mất tình yêu của bố mẹ”.

Và thậm chí hoảng loạn vì sợ bị cắt bộ phận sinh dục!

Một điều nguy hại trong các lời đùa cợt mà người lớn dành cho trẻ em đó là hành động dọa cắt bộ phận sinh dục.

Phát hiện ra thói quen thích nghịch "chỗ ấy" của cậu con trai 4 tuổi, chị Hà không ngần ngại "dọa" con: "Nếu con cứ làm như thế, chú Ba sẽ lấy dao cắt chim của con. Khi đó sẽ chảy máu, đau và không đi tè được". Bị tác động quá mạnh bởi lời nói của mẹ, mỗi lần thấy chú Ba đến chơi, bé An tỏ ra hoảng sợ và lấy tay che chỗ kín lại, kiên quyết không để cho chú bế hay lại gần.

Còn con gái của anh Thắng, chị Minh th lại rơi vào tình trạng thiếu tự tin, nhút nhát, xa cách với bố mẹ vì nghĩ rằng mình chỉ là “con nuôi bố mẹ nhặt được chứ chẳng có chút máu mủ gì”. Thấy con gái hay hỏi: "Con sinh ra từ đâu hả bố?", anh Thắng không biết giải thích cho con thế nào đành nói đùa: "Bố mẹ nhặt được con ngoài bãi rác rồi đem về nuôi".

Nhiều lần đùa như vậy nên bé My cứ tưởng thật. Mỗi lần bé làm gì sai, bị bố hay mẹ mắng, bé đều khóc và bảo rằng: "Tại con không phải là con đẻ của bố mẹ nên mới bị đối xử như thế".

Các bậc phụ huynh cũng nên có trách nhiệm với những câu nói đùa của mình.

Hãy giúp con chế ngự nỗi sợ

Để giúp con trẻ vượt qua nỗi sợ hãi, tốt nhất, bố mẹ nên kiên nhẫn trò chuyện, lắng nghe trẻ một cách nghiêm túc. Nếu bé sợ chuột, bóng tối hay một thứ gì đó tương tự, bố mẹ nên giải thích đến nơi đến chốn cho bé hiểu rằng vật đó chẳng có gì đáng sợ và giải tỏa bằng cách cho trẻ tiếp xúc dần với vật gây sợ hãi. Tránh tình trạng giải thích qua loa hoặc sai lệch dẫn đến việc bé hiểu sai về thế giới xung quanh.

Các bậc phụ huynh cũng nên có trách nhiệm với những câu nói đùa của mình. Đồng thời, phải biết để ý, phòng tránh giúp con mình những lời đùa ác ý, không có lợi từ những người xung quanh. Khi chơi đùa, hay đe nẹt con cái cũng phải "tinh tế" và biết "chọn lựa" trong cách nói, đừng gây cho bé một ấn tượng hoảng sợ quá sâu đậm (ví dụ như việc sợ "ông ba bị" một cách gần như hoảng loạn ở một số trẻ).

Những dấu ấn tâm lý ấu thơ không dễ mất đi, nó thường lặn sâu vào ký ức của con người, quyết định đến tính cách và số phận của mỗi cá nhân sau này. Vì thế, những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình hạnh phúc dễ đạt được nhiều thành công hơn so với những đứa trẻ sớm chịu hoàn cảnh bất hạnh.

Theo Eva
Chia sẻ