Bé bướng bỉnh, trị cách nào?

,
Chia sẻ

‘Tại sao bé không lắng nghe?’, ‘Đã bao lần bạn phải phạt con?’, ‘Sao nói với bé như nước đổ lá khoai’, ‘Đừng chống đối với mẹ’… là những suy nghĩ quen thuộc của cha mẹ khi con bướng bỉnh.

Nhưng khi con bạn lớn lên, bạn cần sáng tạo hơn trong cách đặt kỷ luật.

Có quy tắc nào để trị dứt điểm bướng bỉnh ở bé không? Câu trả lời là “không”. Bạn cần phải hiểu con mình và từ đó mới có cách ứng phó hợp lý. Có vài điều bạn cần xem xét dưới đây và nên ghi nhớ để áp dụng với bé:

- Phải nhất quán và liên tục.

- Cha mẹ phải thống nhất khi dạy con.

- Phạt con dựa trên tôn trọng không phải làm bé sợ hãi.

- Chọn cách dạy con hợp với độ tuổi.

- Trước khi áp dụng hình phạt, đảm bảo bé đã được giải thích rõ ràng.

Ứng phó với bé

- Hành động tích cực: Hãy tập trung vào hành vi tốt – cái mà bạn muốn bé lặp lại; do đó, luôn khen ngợi khi bé ngoan.

- Chuyển hướng: Thu hút sự chú ý của bé sang một hoạt động khác hoặc đơn giản là đánh lạc hướng việc làm không mong muốn sang cái khác.

- Giải thích: Giải thích những gì bạn muốn bé làm và trình bày những hậu quả nếu bé vi phạm. Nếu bạn nói: “Con phải làm thế” mà không có lý do chính đáng, có thể bé sẽ làm ngược lại.

- Góc phạt: Là nơi bé phải đứng yên để nhận phạt khi có lỗi. Có thể tăng thêm 1 phút khi bé thêm một tuổi. Nên chọn góc phạt buồn tẻ như bé phải đối mặt với bức tường hoặc cánh cửa.

- Ngôi sao bé ngoan: Điều này dạy bé trách nhiệm và kết quả của hành động. Hãy gắn một ngôi sao cho việc ngoan và cắt bỏ một ngôi sao cho việc chưa ngoan.

- Cho bé lựa chọn: Thay vì bắt bé đi đánh răng ngay, có thể gợi ý: “Con thích đánh răng vào chiếc cốc xanh hay đỏ?”. Bé sẽ thấy hào hứng vì tiếng nói của bản thân được cha mẹ thông qua.

- Chiều bé có chừng mực: Cho bé xem hoạt hình thêm 5 phút trước khi ngồi vào mâm cơm tốt hơn là đột ngột tắt tivi và ép bé đứng dậy.

- Tiếp xúc mắt: Nếu bạn liên tục quát: “Dừng lại” nhưng bé không nghe, bạn cần lấy lại sự kiểm soát bằng cách chăm chú nhìn vào bé để bé phải tập trung tới bạn rồi mới yêu cầu con phải làm gì đó. Nếu bạn nhắc nhỏ khi bé đang chơi hoặc chạy qua bạn thì bạn đang thất bại.

Lưu ý: Sự ương bướng của bé là khác nhau vì thế, cha mẹ cần có những kỹ thuật linh hoạt. Bạn nên tìm ra cách nào là phù hợp và hiệu quả nhất đối với bé nhà mình.


Theo Women24/Me&be
Chia sẻ