Bác sĩ Cao Hữu Thịnh - “ông đỡ” ca sinh 5 duy nhất ở Việt Nam kể chuyện ca IVF đặc biệt gặp “mẹ Âu Cơ”

Minh Nguyệt,
Chia sẻ

“Ông đỡ” nổi tiếng Bệnh viện Từ Dũ tiết lộ gặp ca trứng khủng khi làm IVF với số lượng trứng bất ngờ.

Bác sĩ Cao Hữu Thịnh (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) ngoài chuyên môn sản phụ khoa, bác sĩ Thịnh còn được xem "mát tay" trong điều trị hiếm muộn, thụ tinh nhân tạo và phẫu thuật thẩm mỹ.

Mới đây, trên trang Facebook cá nhân và Tiktok của mình, anh đã chia sẻ 1 đoạn video về ca thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đặc biệt mình vừa thực hiện mới đây.

Bác sĩ cho hay: "Ca IVF buồng trứng đa nang hiếm muộn 7 năm, hút được 52 trứng luôn chờ kết quả xem được bao nhiêu phôi.

Mẹ này muốn đẻ mấy con cũng được.

Buồng trứng đa nang rất khó có thai tự nhiên và rất dễ lên cân, mà càng lên cân thì buồng trứng đa nang càng nặng hơn. Do đó phải quyết tâm giảm cân bằng mọi giá để khỏe mạnh và dễ có con nhé mọi người".

Bác sĩ Cao Hữu Thịnh kể chuyện ca IVF đặc biệt gặp “mẹ Âu Cơ” 52 trứng. Nguồn FB Cao Huu Thinh

Anh gọi vui trường hợp của nữ bệnh nhân buồng trứng đa nang này là "mẹ Âu Cơ" khi hút được 52 trứng trong lần thụ tinh ống nghiệm.

Trong đoạn video, bác sĩ còn ân cần khuyên người phụ nữ cần giảm cân để chuyển phôi tạo điều kiện thuận lợi cho việc đậu thai. Anh cũng nhắc nhở cụ thể cách thức giảm cân bằng việc cắt tinh bột và đồ ngọt khỏi khẩu phần ăn.

Trong quá trình dặn dò bệnh nhân, anh liên tục động viên với những cử chỉ quan tâm.

Bác sĩ Cao Hữu Thịnh- “ông đỡ” ca sinh 5 duy nhất ở Việt Nam kể chuyện ca IVF đặc biệt gặp “mẹ Âu Cơ” 52 trứng - Ảnh 2.

Bác sĩ ân cần dặn dò bệnh nhân giảm cân sau ca IVF. Nguồn Tiktok bs.cao huu thinh

Dưới bài viết, ngoài những lời chúc mừng là nhiều ý kiến bình luận khác nhau của dân mạng:

- "Bữa trước em thấy có chị kia cũng đa nang mà 42 trứng đã bất ngờ rồi, hôm nay chị này 52 trứng luôn. Sản khoa luôn xuất hiện những điều diệu kỳ khó lý giải".

- "Giọng nói quen thuộc. Nằm phòng sinh chỉ chờ nghe tiếng bác sĩ Thịnh mới đỡ lo. Em không dám đẻ nữa nhưng bảo mấy chị hiếm muộn lên gặp bác để đụng cho có bầu".

- "Bác sĩ ân cần, thân thiện nhất hệ mặt trời luôn ạ".

Tại trang cá nhân trên mạng xã hội của mình, bác sĩ Cao Hữu Thịnh cũng thường chia sẻ về những ca điều trị vô sinh, hiếm muộn do anh điều trị và nhận được sự theo dõi của nhiều ông bố, bà mẹ khắp đất nước.

8 năm trước, ở tuổi 33, bác sĩ Thịnh là người đã điều trị hiếm muộn và đỡ đẻ thành công cho ca sinh năm duy nhất ở Việt Nam. Đến nay, ngoài chuyên môn sản phụ khoa, bác sĩ Thịnh còn được xem "mát tay" trong điều trị hiếm muộn, thụ tinh nhân tạo và phẫu thuật thẩm mỹ.

Bắt đầu được thực hiện tại Việt Nam từ 1997, trải qua 25 năm, phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF đã mang niềm hạnh phúc đến hàng triệu gia đình và là phương pháp hỗ trợ sinh sản nhanh nhất và có tỉ lệ thành công cao nhất hiện nay.

Thụ tinh trong ống nghiệm là biện pháp hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn bằng cách cho trứng và tinh trùng kết hợp bên ngoài cơ thể. Phôi thai được tạo thành sau khi trứng và tinh trùng kết hợp thành công sẽ được chuyển lại vào buồng tử cung của người phụ nữ. Phôi sau đó làm tổ, phát triển thành thai nhi như trong các trường hợp thụ thai tự nhiên.

Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization- IVF) là kỹ thuật đặc biệt giúp tinh trùng và trứng kết hợp với nhau trong môi trường phòng thí nghiệm để tạo thành phôi. Cụ thể, tinh trùng sau khi được lọc rửa, sẽ được cấy chung với trứng trong đĩa môi trường và để ủ trong tủ. Với kĩ thuật này, trứng và tinh trùng gặp nhau, kết hợp với nhau một cách tự nhiên để tạo thành phôi.

Sau khoảng thời gian nuôi cấy bên ngoài (thông thường khoảng 2- 5 ngày), phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người vợ để phát triển thành thai nhi.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được xem xét chỉ định với những trường hợp sau:

- Tắc hai vòi trứng.

- Lạc nội mạc tử cung.

- Xin trứng.

- Vô sinh, hiếm muộn không rõ nguyên nhân, bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhiều lần nhưng thất bại.

- Tinh trùng ít, yếu, xuất tinh ngược hoặc không xuất tinh.

- Không tinh trùng trong tinh dịch (lấy tinh trùng bằng phẫu thuật mào tinh, tinh hoàn).

- Các cặp vợ chồng mang gen bệnh như Thalassemia, Hemophilia… cần sàng lọc tiền làm tổ để giảm thiểu nguy cơ sinh con mắc bệnh.

Chia sẻ