Bà ơi, đừng cho cháu ti nhé!

,
Chia sẻ

Đang ăn cơm, bé Cún khóc ré lên. Bà nội liền vạch ti ra cho bé ti luôn.

Bé lúc nào cũng thèm ti

Chị Hoa (Giáp Bát, Hà Nội) vừa sinh con được hơn 1 tháng. Đến bữa, mẹ chồng chị bảo:

-         Mẹ bế nó, mày ăn đi.

Đang ăn cơm, bé Cún khóc ré lên. Bà nội liền vạch ti ra cho bé ti luôn. Chị nhìn thấy thế, ức chế, không ăn cơm được nữa, liền đứng dậy bảo:

-         Mẹ để con dỗ cháu cho.

Bà quát lên:

-         Mày vừa ăn xong mà đòi ôm con cho nó nóng chết ngốt à.

Đến bữa cơm sau, bé lại khóc. Mẹ chồng chị Hoa cũng bảo: “Mày ăn nốt đi kẻo nguội”, rồi bà vào với cháu và vạch ti lên cho cháu bú. Chị không biết làm thế nào, chỉ biết ôm ngay lấy con và nói: “Đói mẹ cho ti, sao ti bà thế con?”.

Lúc ngủ trưa, bà nội bảo: “Ngủ trong này bí lắm. Để bà bế nó ra ngoài nằm với với bà”. Chị sợ không làm theo ý bà thì bà giận, nên chỉ nhắc với theo:

-         Khi nào cần ti thì gọi mẹ nhé, ti bà hư ra.

Nhưng đến khi ra phòng bà, chị lại thấy bà đang cho bé ti.

Các bé lúc nào cũng thèm được ti mẹ

Chị Dung Hòa (Xuân Đỉnh – Hà Nội) cũng rất stress vì cu lớn nhà chị đã 3 tuổi rồi nhưng toàn ti bà. Chị cho bé cai sữa từ hồi 1 tuổi và bé ngủ với ông bà. Nhưng bé rất hiếu động và nghịch ngợm nên buổi tối bà toàn vạch ti ra để dụ cháu đi ngủ. Làm thế, hai bà cháu đều được nằm yên. Cháu muốn bú đến lúc nào thì bú, bà khỏi lo trông hay dỗ cháu ngủ. Chị rất ức chế về việc này, tỏ rõ thái độ khó chịu và nói với bà. Bà cứ lờ đi hoặc nói qua quýt cho xong chuyện, nhưng không hề thay đổi.
 
Cu lớn nhà chị đã quen ti rồi nên rất quấy, lúc nào cũng “thèm ti”. Đi chợ hay đi chơi với mẹ ở đâu một lúc là quen thói, thọc tay vào bụng mẹ sờ ti. Hôm nào ông bà đi vắng, tối ngủ cũng sờ ti tranh của em. Mẹ không đồng ý, đánh vào cái tay làm anh khóc. Em thấy thế cũng tỉnh dậy và khóc theo.

Ti bà, nên hay không?

Để bé không khóc, các bà thường hay dỗ cháu bằng kiểu cho bé ti “giả”.

Câu chuyện của chị Hoa, chị Dung Hòa có vẻ hơi lạ lùng, nhưng đó là tình huống xảy ra rất nhiều khi bà trông cháu. Các bé chưa phân biệt được, đâu là ti mẹ, đâu là ti bà, nên cứ thấy được ti là mút chùn chụt. Cũng có bé khi thấy ti không có sữa thì khóc ré lên và bỏ ra ngay. Nhưng có bé lại chỉ cần có ti là ổn rồi. Ngậm ti 5 phút, bé liu diu ngủ.

Chỉ có các mẹ “bức xúc” khi nhìn thấy “hành động” đó nhưng chẳng biết lấy lí do nào để “ngăn cản” bà. Nếu là bà ngoại, các mẹ cũng dễ “thổ lộ” hơn. Chứ còn bà nội, các mẹ chẳng dám nói, sợ làm căng thẳng mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.

Thực chất, các bà dỗ cháu theo kiểu đó cũng chỉ vì thương cháu, muốn bé đỡ khóc. Nhưng đối với các bé, việc đó thật không nên chút nào.

Bà chỉ nên trông cháu, không nên cho cháu ti 

Ti bé bú cần được vệ sinh sạch sẽ, tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé, nhất là các bé sơ sinh, các bé dưới 1 tuổi.

Nếu một số bé quen với cách ti không có sữa, có thể lâu dần bé sẽ nghiện và không chịu ti mẹ nữa. Các bé nên được ti mẹ hoàn toàn cho đến 6 tháng tuổi.

Điều này cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý của người mẹ. Nếu mẹ nào quá stress vì việc này cũng có thể gây mất sữa. 

Cách tốt nhất, các mẹ nên sưu tầm các bài báo nói về lợi ích của việc bé ti mẹ hoàn toàn để thuyết phục bà. Nếu các bà là người dễ gần, dễ tình, các mẹ có thể nhẹ nhàng nói với bà: “Bà làm thế, cháu nó quen đi. Mai mốt cháu không thèm ti con nữa thì sao.”

Hoặc các mẹ mua ti giả về đưa cho bà và nói khéo: "Mẹ ơi, mẹ cho cháu ti cái này tiện hơn này. Cháu cứ ti bà mãi như thế, cháu lớn, cháu sẽ sinh hư đấy. Giả sử nhà có khách cháu lại chạy vào vạch ti bà lên thì xấu hổ lắm”.

Các mẹ cũng có thể nhờ các bố nói chuyện với bà về việc này và thống nhất quan điểm về việc nuôi dạy bé.

Bảo Châu 
Chia sẻ