Áo ngực từ A-Z

Theo Đẹp,
Chia sẻ

Mặc dù “ẩn nấp” trong các loại trang phục khác, chiếc áo ngực vẫn không ngừng biến đổi theo thời gian để thực hiện sứ mệnh làm đẹp cho phụ nữ.

Từ thời La Mã cổ đại, phụ nữ đã dùng vải để che và bảo vệ phần ngực, phổ biến nhất là sử dụng băng vải mềm quấn ngang ngực, được gọi là strophium.

Thế kỷ thứ XII, phụ nữ Pháp mặc basquine, một loại corset cứng. Một thế kỷ sau nữa, kiểu corset được thiết kế có gọng đỡ với tên gọi gourgandine ra đời. Theo thời gian và biến động lịch sử, biến đổi trong phong tục cũng như cách suy nghĩ, phụ nữ ngày càng trở nên tự do hơn. Họ không còn muốn bó buộc thân mình trong chiếc corset chật chội. Trong thời kỳ Cách mạng Pháp, corset biến mất.

Thay vào đó là sự trở lại của chiếc khăn vải như thời cổ đại nhưng với hình thức băng vải có thắt nơ ở dưới. Có thể xem đây là chiếc áo  ngực đầu tiên gần giống với áo ngực hiện nay.

Chiếc áo ngực hay xu chiêng, đọc theo tên tiếng Pháp soutien-gorge, do Hermine Cadolle thiết kế vào năm 1889, được giới thiệu trong một triển lãm tại Paris. Tên gọi của chiếc áo ngực thời đó là Bien-Être, có nghĩa là sự thoải mái, cũng vẫn dựa trên mẫu corset nhưng thuận tiện, khiến phụ nữ thoải mái hơn rất nhiều.

Khai sinh ở Pháp, nhưng kiểu áo ngực với 2 phần bầu ngực hình tam giác tách biệt như kiểu áo hiện nay lại do Mary Phelps Jacob, một phụ nữ người Mỹ thiết kế vào năm 1913. Đến năm 1928, Ida Rosenthal nghĩ ra bảng kích cỡ để tạo nên nhiều kích cỡ khác nhau cho từng người.

Trong thập niên 1920, ngoài áo ngực được may bằng vải lanh còn có sự xuất hiện các chất liệu khác như lụa, mousseline.

Năm 1934-1935 cũng đánh dấu nhiều bước biến đổi của áo ngực, mở đầu là áo ngực không dây.

Sau đó, dây đeo vải được thay thế bằng dây thun, phần cúp ngực cũng được chia ra theo kích cỡ từ A tới D. Áo ngực lót mút ra đời trong thập niên 40, thu hút sự quan tâm đông đảo của nữ giới. Khuynh hướng muốn có bộ ngực căng đầy nhờ tác dụng của áo ngực ngày càng phổ biến.

Một mẫu áo ngực năm 1947.

Năm 1964, Louise Poirier, người Canada, đã thiết kế ra kiểu áo ngực có tác dụng nâng ngực với tên gọi Wonderbra. Phong trào nữ quyền tiếp tục ảnh hưởng tới mẫu áo ngực trong thập niên 1980, áo ngực được thiết kế bằng nhiều chất liệu khác tiện dụng hơn như lycra. Màu sắc và họa tiết cũng phong phú, gây khiêu khích hơn và trở thành một phụ trang tạo nét quyến rũ.

Madonna trong chiếc áo ngực bầu nhọn khiêu khích và quyến rũ năm 1990.

Ngày nay, các nhãn hàng áo lót đã tung ra rất nhiều kiểu áo ngực nhằm giúp phái nữ đẹp hơn trong mọi trang phục. Tùy theo từng hoàn cảnh xuất hiện, áo ngực còn là phụ kiện ghi điểm cho các Eve trong mắt người khác phái.

Áo độn mút

 

Miếng đệm có chất liệu mềm, xốp lót bên trong bầu áo (có thể tháo ra) của loại áo ngực này sẽ giúp những chị em có vòng một khiêm tốn tự tin hơn.

Áo silicone


Đây là “bảo bối” để chị em che chắn và nâng đỡ bầu ngực khi mặc đồ tắm, các kiểu áo yếm, áo cúp ngực hoặc đầm dạ hội hở vai, hở lưng...

Áo thể thao


Giúp phái đẹp thoải mái vận động bởi vòng một được cố định, giảm rung sốc khi tập luyện. Chất liệu thun, cotton thoáng mát, hút mồ hôi.

Áo cài khóa trước


Tạo sự trơn tru ở sau lưng, thích hợp khi mặc áo có chất liệu mỏng.

Áo bầu trơn


Bầu áo không có nếp xếp pli hay đường nối ráp, thích hợp để mặc áo bó sát, áo thun.

Áo chữ V


Bầu áo được thiết kế theo hình chữ V, thích hợp để phái đẹp diện áo cổ chữ V, áo vest...

Áo ngực có gọng


Ở phần dưới mỗi bầu áo được lồng một sợi thép hoặc nhựa cứng, có tác dụng làm bầu ngực tập trung vào giữa. Loại này giúp cố định và tăng vẻ tròn đầy cho gò bồng đảo. Người có “cặp tuyết lê” lớn nên mặc áo gọng loại bầu kín khuôn ngực.

Áo liền thân (corset)


Loại áo lót dài, thân áo nối liền từ ngực đến eo này thích hợp với những người tròn trịa, có phần bụng to, giúp che giấu phần thịt đầy dưới nách và tạo dáng thanh mảnh hơn. Khi sử dụng corset, bạn nên chọn màu sao cho tiệp với trang phục mặc ngoài để tăng thêm vẻ thanh lịch, kín đáo.

* Lưu ý khi mặc áo ngực

Cơ thể người phụ nữ biến đổi qua nhiều thời kỳ: dậy thì, mang thai, nuôi con bú, trung niên... Vì vậy, việc lựa chọn áo ngực phù hợp rất quan trọng. Áo ngực phải vừa vặn, không siết chặt vai. Mỗi năm, bạn nên kiểm tra lại kích cỡ áo ngực một lần. Trước khi ngủ, hãy xem nếu áo ngực để lại vết hằn trên vai, ngực thì nên thay đổi kích cỡ áo.

Trong sinh hoạt hàng ngày, áo ngực đơn giản, không thêu tiện lợi và dễ mặc nhất. Nếu đi tiệc, bạn có thể mặc áo ngực bằng đăng-ten, thêu, có độn mút để tôn dáng ngực. Khi tập luyện thể thao, áo ngực không mút, chất liệu thoáng mát là lựa chọn tốt nhất. Không nên mặc áo ngực ngược tông màu với trang phục ngoài để khỏi gây hiệu ứng “nhức mắt”.
Chia sẻ