1001 chuyện đặt tên cho con

DiLi,
Chia sẻ

Bố cháu là Phú Hoàng, đặt cháu là Phú Thành được không? Chữ Phú là chữ “biến”, bố nó trót bị đặt thế rồi cũng chẳng sống lâu được đâu, sao lại còn cố đặt cho nó?

Mẹ tôi từng kể đi kể lại chuyện hồi còn đi học, bà có người bạn sinh ra trong một gia đình Nho học truyền thống nên anh chị em đều có những cái tên rất lạ: Hoàng Giang Song Oai, Hoàng Thủy Liên Châu, Hoàng Sâm Nhật Dốc, Hoàng Lâm Tử Bành…

Tên gọi rất quan trọng vì ngoài việc song hành cùng một con người suốt cả cuộc đời, nó còn là đại diện vô hình cho khổ chủ. Xưa kia, các bậc vua chúa hay gia đình quý tộc vô cùng quan trọng việc đặt tên cho những ấu chúa mới ra đời, nên tên vị nào được lưu trong sử sách nghe cũng đặc biệt. Còn con cái những gia đình nông dân ít học thì đơn giản hơn, nhưng không phải thế nào cũng xong, tên gọi ra sao đều là có hàm ý cả.

 Ngay khi bé còn trong bụng
nhiều gia đình đã lo tìm tên cho bé
 
Tôi đã chứng kiến nhiều người khổ vì cái tên khai sinh do các bậc phụ mẫu muốn con mình hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh nên phải chọn một cái tên thật xấu, xấu đến nỗi ma quỷ cũng chê cười mà không thèm đến bắt đi như Trương Thị Bướm, Trần Văn Dấn, Cù Thị Tèo. Có nhà đặt tên cho con theo truyền thống gia đình. Đời cụ, đời ông có tên là Chuối, là Rô thì từ đời bố xuống đời con phải là: Lóc, Trê, Trắm, Bống để thành cả họ nhà cá. Nhiều khi cái tên đã được chọn rồi nhưng trong gia đình lại có bậc tiền bối tên như vậy nên sợ thất kính, thành thử phải đọc trại đi Bình thành Biềng, Hòa thành Hòe.
 
Giản tiện hơn thì ai sinh năm nào đặt luôn tên năm ấy cho đỡ phải nhớ ngày sinh tháng đẻ như Mùi, Hợi, Mão... Thế mới có chuyện một ông quan chức khai man tuổi, sau giở lý lịch có người vặn hỏi: “Ông ghi sinh năm 1949 sao bố mẹ ông lại đặt tên cho ông là Dậu?”. Những cái tên như vậy lắm khi ảnh hưởng đến đời sống riêng tư và công danh sự nghiệp đến nỗi nhiều người phải tìm mọi cách để đổi tên đi. Rất nhiều ca sĩ như X.N, H.T cũng đã chẳng phải đổi tên chệch đi đó sao.

Đến giai đoạn kháng chiến và sau giải phóng, những cái tên được gắn liền với lịch sử thể hiện ước vọng của các bậc sinh thành như Chiến Thắng, Hạnh Phúc. Bốn chị em sinh tư đầu tiên được Nhà nước bảo trợ và giúp đỡ được đặt tên liền một lèo Bắc – Nam –Thống – Nhất. Vào thập niên 70-80 những cái tên được coi là đẹp và sang thường liên quan đến chữ H như Hồng, Hoa, Hương, Hiền, Hằng, Hạnh… hay những tên kiểu non nước mây trời mà nhà nào có trẻ con cũng cố phải đặt bằng được như Vân, Nga, Thu, Cúc… với tên đệm thật kêu, con trai thì những Tuấn, Tú, Hùng, Dũng. Thập niên 90, tên gọi bắt đầu đa dạng hơn và đương nhiên, cũng kêu hơn, bố mẹ nào muốn con xinh đẹp thì đặt tên là Trà My, Diễm Ly, Mỹ Lệ. Đó là chưa kể những cái tên lưu giữ kỷ niệm lãng mạn nào đó của các bậc phụ huynh mà lần nào khai tên, chủ nhân của chúng cũng phải nhắc lại đủ ba lần như Sô Panh, Von Ga, Đam Ca hay An Na.
 
Xã hội ngày càng văn minh tiến bộ, đời sống càng được nâng cao thì đương nhiên “phú quý sinh lễ nghĩa”, nhất là nay mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con. Cái tên quan trọng lắm. Chị Hường, kế toán trưởng trong một công ty phát chuyển nhanh tỏ ra rất say mê với “nghệ thuật đặt tên”. Chị tiết lộ rằng đã nghiên cứu cả một pho tài liệu khoa học phương tây nói về tên người. Tất cả những cái tên đều quyết định số phận, tính cách, hình dáng của con người đó. Những cuốn sách xem bói tên xếp chật tủ nhà chị. Chị Hường kết luận, tên phải hơn 14 chữ cái mới tốt, và không nên đặt quá nhiều dấu nặng vào tên hay sáng tạo ra những tên oái oăm đọc đau cả mồm.
 
Tôi thấy chẳng cần phải nghiên cứu tài liệu nhiều như chị mà rất nhiều người khác cũng có thể thao bất tuyệt về chuyện đặt tên qua đúc kết kinh nghiệm bản thân. Chị Minh Hằng, làm đại lý bảo hiểm cho hãng Prudential, có con gái 5 tuổi tên Hằng Minh, khẳng định rằng những cô gái nào có tên … (không tiện nêu cho độc giả) thì chỉ có đi làm nghề…gội đầu, hay có tên chắc chắn mắt cận lòi, thậm chí có cả những cái tên làm cho người đó hâm hấp, đần độn, bất tài hoặc đanh đá. Nhưng ngược lại cũng có những cái tên vĩ nhân, nên các nguyên thủ quốc gia từ trước đến nay đều có tên rất đặc biệt. Nếu người nghe tỏ vẻ không tin thì chị sẽ chứng minh ngay “Thế sao trên phim có nhân vật cô cave mà ông đạo diễn không đặt tên là Na là Nết đi”.

Chả thế mà tôi đã chứng kiến một gia đình cãi nhau ỏm tỏi, rồi mặt nặng mày nhẹ với nhau cho đến tận ngày đứa trẻ ra đời vì mải tranh cãi về cái tên của nó từ lúc còn trong bụng mẹ. Ông bà nội có ý đặt tên cháu là Thu Huệ vì nó gợi lên sự dịu dàng và nữ tính, còn bên ngoại thì phản bác, cho rằng đó là một cái tên… quê mùa và thuyết phục con gái đặt tên là Ngân Giang cho quý phái. Cô con gái chẳng đồng ý tên nào mà quyết định đặt tên con là Hoàng Đoan Trần Khánh Vi cho sành điệu. Anh chồng kịch liệt phản đối và lập luận: Cái vần ấy sau này lúc nào cũng bị xếp bét tĩ, đi học thì bị cô giáo chú ý rồi gọi lên bảng đầu tiên, kê khai cái gì cũng chậm chạp hơn người, người ta xong rồi mình viết mãi chưa xong. Tôi đành đem cái băn khoăn của mình ra thắc mắc với những người cầu kỳ về tên họ rằng thì rốt cục phải làm thế nào. Tất cả đều trả lời “Mời thầy chứ còn sao”.

Lần nọ đến một khu chung cư mới được xây dựng, các hộ chẳng hề quen biết nhau cũng như chuyển đến chưa lâu nhưng hầu như nhà nào cũng có trẻ con ở độ tuổi lên hai và điều làm tôi kinh ngạc là các cháu đều có cái tên giống hệt nhau: Phương Khanh, Trang Khanh, Liên Khanh, An Khanh, Mai Khanh… Hỏi người nhà của các cháu thì được biết, không hẹn mà gặp, các bậc cha mẹ đều xem tên của một ông thầy tên B ở phố Thụy Khuê.

Ông B có một xấp giấy học sinh cắt sẵn thành hình vuông và sau khi hỏi tên, tuổi cha mẹ đứa bé tương lai (đã siêu âm biết giới tính) ông viết cho độ chục cái tên tha hồ chọn. Khách hàng trả công tùy tâm từ 50.000đ - 100.000đ. Một số khách đã có cái tên chuẩn bị sẵn đưa ra hỏi ông xem có được không nhưng ông đều gạt đi hết vì nhiều lý do. Tên Vân ư? Súy Vân thì giả dại. Thuý Vân lấy chằng người yêu của chị. ái Vân phải bỏ nhà mà đi. Sao lại dại dột mà nghĩ ra cái tên ấy. Tên Du ư? Đó là chữ buồn, rồi số phận đứa bé sẽ chẳng ra gì. Bố cháu là Phú Hoàng, đặt cháu là Phú Thành được không? Chữ Phú là chữ “biến”, bố nó trót bị đặt thế rồi cũng chẳng sống lâu được đâu, sao lại còn cố đặt cho nó? Nghe vậy thì sợ quá, chẳng biết có tin được hay không nhưng toàn là con vàng con bạc cả nên…
 
Ông B giải thích rằng tên của đứa bé căn cứ vào tên, tuổi bố mẹ nó và bản thân năm nó ra đời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các cháu tuổi Nhâm Ngọ, Quý Mùi hay Mậu Tí đều được ông đặt cho những cái tên thanh bằng giống hệt nhau: Hoa Linh, Thanh Thanh Chúc, Trang Linh, Gia Hiển… Vì ông cho rằng đặt tên không dấu cho cuộc đời nó bằng phẳng. Tên lắm dấu lên bổng xuống trầm, đời ắt cũng gồ ghề như thế.
 
Ở Hà Nội còn có thầy D, nhà ở ngõ Yên Ninh cũng nổi tiếng ngang ngửa ông B. Cùng cách xem, giá tiền như nhau nhưng quan điểm và cách đặt tên của ông lại hoàn toàn khác. Ông hay đưa ra những cái tên mà sau này đứa bé ắt sẽ phải thông minh như Thủy Tiên, Minh Châu, Minh Anh, Tuệ Minh. Có chị cẩn thận đến nhà thầy B trước rồi mới đến nhà thầy D sau, nhưng thầy D bảo cái tên mà thầy B đặt không được và đặt lại là Lan Ngọc. Chị này vẫn chưa yên tâm bèn hỏi ý kiến một nhà sư thì bị sư gạt đi: Lan Ngọc là tên một cô Tiên trên trời, đặt tên này là… phạm.

Mới hay tìm một cái tên cũng thật gian nan lắm thay. Chỉ mong những đứa bé sau này sẽ thực hiện tâm nguyện của bố mẹ chúng mà học hành thành tài. Nếu như một thập kỷ nữa có người nào nhìn thấy ở một điểm tuyển sinh có tới hàng ngàn thí sinh sinh năm 2000 tên Long và sinh năm 2001 tên Khanh thì cũng đừng ngạc nhiên vì đó là một “hiện tượng” của những năm đầu thế kỷ.
 
DiLi
TH& VH
Chia sẻ