giờ ngày 14/5, ánh mắt khờ khạo của Đạt vẫn liên tục hướng về phía cánh cổng của trung tâm pháp y, cố bám víu lấy cánh tay của mẹ để chờ đợi nhận thi thể bố. Mới chiều qua, trong cuộc điện thoại ngắn ngủi với bố, Đạt còn nhõng nhẽo đòi bố sáng mai đến đón đi học. Nhưng nào ngờ...
20h30 tối, trong lúc tham gia truy đuổi nhóm cướp xe SH của người dân trên đường CMT8 (Quận 3), anh Thôi (42 tuổi) cùng một hiệp sĩ khác đã bị cướp đâm, tử vong trên đường đi cấp cứu.
Đạt òa khóc, quay sang hỏi mẹ: "Có phải từ nay bố sẽ không đến đón con đi học, chở con đi chơi nữa hả mẹ?". Trong ký ức của Đạt, bố Thôi là người hay chở em đi khắp các con đường, kể cho em nghe những việc mà bố hay làm. Từ việc bắt cướp, chống trộm đến giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn. Dẫu từ nhỏ, Đạt đã không có được một tổ ấm trọn vẹn khi bố mẹ chia tay nhau, nhưng em luôn dành sự ngưỡng mộ, kính yêu nhất cho bố.
Trong tiềm thức của một đứa trẻ lên mười, bố mất đi, đơn giản là từ nay em sẽ không còn được bố chở đi học, xem phim hay mua quần áo đẹp cho nữa. "Lớn lên con cũng sẽ đi bắt cướp giống bố Thôi", giọng nói của Đạt cất lên hòa lẫn với tiếng nấc nghẹn. Đôi mắt đỏ hoe, Đạt đưa đôi bàn tay run rẩy nắm lấy tay mẹ.
Trước những ống kính máy quay, chị Dung (vợ anh Thôi) không còn đủ sức để nhìn thẳng. Cố trấn an, ôm Đạt vào lòng, chị Dung rớm nước mắt: "Lúc nghe anh Thôi bị cướp đâm chết, tôi không tin được đó là sự thật. Biết công việc anh nguy hiểm, nhưng đó là đam mê của anh. Chỉ tiếc là từ nay, Đạt sẽ không bao giờ được gặp bố nữa".
Cũng vì cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, chị Dung và anh Thôi đã chia tay nhau. Đạt là đứa con trai duy nhất mà anh chị có được. Lúc ba, bốn nhân viên pháp y khiêng chiếc quan tài ra xe, Đạt gào lên thảm thiết. Có lẽ, trong phút giây ấy, Đạt hình dung ra được người bố hằng ngày hay nói chuyện, vui đùa cùng em đã mãi mãi không còn nữa.
Bước lên chiếc xe chở linh cữu bố về quê, Đạt chẳng dám nhìn, chỉ biết gục đầu vào người mẹ: "Con nhớ bố".
Ở phía bên kia bức tường, gia đình của hiệp sĩ Nam cũng đang làm các thủ tục để nhận thi thể về lo hậu sự.
11 giờ trưa 14/5, hơn 12 tiếng chờ đợi để được nhìn mặt con trai lần cuối, bà Nhung chốc chốc lại lấy tay quệt những giọt nước mắt chảy dài trên đôi gò má. Nam ra đi ở cái tuổi 29, chỉ còn cách mấy tháng nữa, Nam hứa với bà sẽ làm đám cưới với cái Trang (bạn gái Nam). Thế mà...
"Nó bảo tối nó đi chơi một chút rồi sẽ về sớm, mà giờ nó đi luôn rồi. Có quay về nữa đâu". Giống như anh Thôi, Nam cũng bị nhóm cướp xe SH đâm chết trên đường tẩu thoát.
Đôi mắt đỏ hoe sau một đêm dài không ngủ, chị Trang chẳng nói một lời nào, nắm chặt tay bà Nhung, mặc cho nước mắt cứ rơi lã chã trên khuôn mặt. Đám cưới của Nam và Trang dự tính sẽ diễn ra vào cuối năm, khi đó Trang đã ra trường, cả hai sẽ xây dựng một tổ ấm nhỏ. Nam cũng đã hứa với Trang sẽ không tham gia bắt cướp nữa.
"Có nỗi đau nào hơn nỗi đau này. Nụ cười đó còn ai bên em những năm tháng về sau. Sao anh lại vội vã ra đi như vậy, chiếc váy cưới em còn chưa kịp thử mà". Đặt bàn tay lên linh cữu của Nam, Trang gào khóc. Những tiếng nấc nghẹn, Nam vẫn ở đó, bên cạnh Trang nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy nhau nữa.
Bà Nhung siết chặt bàn tay Trang vào mình, hai người phụ nữ cố gắng không để gục xuống, đón Nam về quê nhà, nơi ông Hoàng (bố của Nam) ngã quỵ khi biết tin con trai đã mất.
15 giờ chiều, Sài Gòn bỗng đổ cơn mưa. Chúng tôi theo chiếc xe chở linh cữu của hiệp sĩ Nam về quê nhà - xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai."Nam ơi, Nam ơi! Sao con lại bỏ bố mẹ mà đi hỡi con", tiếng ông Hoàng đứt đoạn cất lên. Những người có mặt tại nhà Nam chiều hôm ấy, không một ai nhìn ai. Tất cả đều quay mặt đi rồi vội vã lau những giọt nước mắt trên gò má để lo tang lễ cho Nam.
Suốt một đêm dài ngồi bên linh cữu con trai, bà Nhung chỉ biết thủ thỉ với ông Hoàng. Những ký ức về Nam được khơi gợi lại. "Nó là một thằng bé hiền lành, từ nhỏ đã thích làm chuyện nghĩa hiệp giống bố. Nó có chịu nghe lời tôi đâu. Vừa rồi nó mới hứa sẽ không tham gia bắt cướp nữa để lấy cái Trang về. Thế mà có chịu giữ lời đâu cơ chứ", bà Nhung như trách móc Nam.
Còn ông Hoàng, lâu lâu lại cất lên: "Nó là đứa con trai duy nhất, nó là đứa con trai duy nhất", rồi thẫn thờ gục xuống trước linh cữu Nam.
"Có người bố, người mẹ nào lại không xót khi con mình ra đi cơ chứ. Tôi vừa giận con, vừa thương nó. Giận vì nó đã không biết bảo vệ mình, tôi cũng thường nhắc nó có làm gì cũng vừa phải, giữ lại mạng sống. Nhưng lại thương ở cái tính nghĩa hiệp mà nó có được. Nó ngã xuống để đổi lấy sự bình yên cho thành phố, người làm bố như tôi cũng tự hào", ông Hoàng nghẹn ngào.
Loay hoay phụ gia đình lo đám tang cho Nam, nghỉ mệt, Trang lại nép mình vào một góc. Bốn năm quen nhau, gần 1.500 ngày với biết bao nhiêu kỷ niệm.
"Em quen ảnh được 4 năm, ảnh bảo khi làm đám cưới xong sẽ không còn đi bắt cướp nữa. Có lần hai đứa hẹn gặp nhưng lúc đó anh Nam nhận điện thoại từ anh em trong nhóm hiệp sĩ rồi lỡ hẹn. Em hơi buồn một chút nhưng đó là đam mê của ảnh. Giờ em chỉ mong anh Nam dưới suối vàng có linh thiêng hãy phù hộ cho những người anh em trong đội bắt cướp được tai qua nạn khỏi", Trang rớt nước mắt.
Sau 12 giờ lần theo dấu vết của bọn cướp, ngày 15/5, Công an TP.HCM cho biết đã bắt giữ 2 nghi can Nguyễn Hoàng Châu Phú (24 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) và Nguyễn Tấn Tài (Tài "Mụn", 24 tuổi, ngụ quận 12) để điều tra làm rõ.
Trong ký ức của những người dân đêm hôm ấy, khoảnh khắc Nam trước khi trút hơi thở cuối cùng vẫn cố gượng dậy cầu xin mọi người chặn bọn cướp, đau đớn biết nhường nào.
Chiều 15/5, nằm trên chiếc giường bệnh, đôi bạn thân từ nhỏ Huy và Quý (22 tuổi) cố gắng gượng dậy để đón nhận tấm huy chương "Tuổi trẻ dũng cảm" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Trong lúc nguy nan nhất, khi lằn ranh giữa sự sống và cái chết cận kề, tình bạn đã giúp họ chiến thắng cánh cửa tử thần.
Huy kể: "Lúc đó hỗn loạn lắm, cả em và Quý đều bị cướp đâm phải nhưng vết thương của Quý sâu hơn. Thấy Quý gục xuống, trong đầu em lúc đó chỉ nghĩ đến việc sao để cứu được Quý. Một mình em lái xe máy chở Quý vào bệnh viện. Trên đường đi, em bấm còi liên tục, chỉ mong Quý vượt qua được cơn nguy kịch".
Nhớ lại thời khắc ấy, Quý xúc động nói: "Trong cơn mê man, em chỉ biết Huy một tay giữ em, liên tục nói: Cố lên Quý ơi! Tụi em đã gục xuống khi vào đến bệnh viện".
Ngoài cửa phòng cấp cứu Bệnh viện 115, dáng một người phụ nữ nhỏ bé liên tục đi tới đi lui, chốc chốc lại cố nhướng người nhìn vào bên trong.
12 giờ trưa 14/5, bà như thở phào nhẹ nhõm khi hay sức khỏe của chồng bà, hiệp sĩ Trần Văn Hoàng (đội trưởng SBC Tân Bình) đã có tiến triển. Gạt nước mắt, bà Xí (52 tuổi) cho biết sống gần hết một đời người bên chồng con, chưa bao giờ bà lại lo sợ như lúc này.
"Cái nghiệp bắt ông ấy phải làm công việc này, mình có can ngăn cũng không được. Chuyện ông ấy bắt cướp rồi bị chúng tìm đến trả thù, ban đầu thì sợ nhưng riết rồi tôi cũng quen. Đời người sống chết có số, câu nói của ổng làm tôi suy nghĩ mãi", bà Xí tâm sự.
Kể về người chồng của mình, bà Xí cười trong đau đớn. "Tôi buồn ổng nhiều lắm, có lần cạo đầu đi để khuyên ổng bỏ cái việc nghĩa hiệp này. Nhưng ổng nào có nghe. Ổng bảo đời người chỉ chết có một lần, có chết lần thứ hai được đâu mà tôi lo".
"Đồng đội tôi sao rồi?", đó là câu đầu tiên ông Hoàng hỏi bà Xí khi bà được vào thăm ông sau ca phẫu thuật. Nuốt nước mắt nhìn chồng rồi quay về một hướng khác, bà Xí chỉ dám thỏ thẻ nói: "Anh Thôi và Nam đã đi rồi".
Có lẽ suốt mấy chục năm làm công việc bắt cướp, chưa lần nào bà thấy sự tuyệt vọng trên khuôn mặt chồng lớn đến thế. Tiếng nấc nghẹn, hơi thở gấp gáp của ông Hoàng xoáy sâu vào nỗi đau đớn, tuyệt vọng."Tôi còn sống nhưng anh em đã chết rồi", câu nói của ông Hoàng thốt lên trong sự dằn vặt của một người đội trưởng.
Những phút ngắn ngủi gặp chồng, bà Xí chẳng biết tâm sự điều gì bởi bà biết, với ông Hoàng lúc này, ông chẳng màng điều gì cả, chỉ tiếc là đến nén hương thắp cho hai người đồng đội, ông cũng không làm được.
"Có thế nào đi chăng nữa, sau khi khỏe, ổng lại tiếp tục bắt cướp. Bởi đó là cái nghiệp đã ăn sâu vào máu ông rồi", bà Xí trầm ngâm nói.
Những ngày qua, đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức đứng ra vận động, quyên góp cho các hiệp sĩ. Dù biết rằng điều đó chẳng thể nào bù đắp được mất mát mà gia đình những hiệp sĩ chịu đựng.
Có lẽ, câu chuyện nghĩa hiệp, về lòng tốt của con người với nhau sẽ được nhắc đến mãi. Nó cũng giống như mầm xanh, tiếp tục nảy nở trong kí ức của những người ở lại.