Ẩn trong mỗi bóng cây, là những lá thớ của thời gian. Mỗi năm cây thêm một vòng thớ gỗ, người ta nhìn vào thớ gỗ đó cũng biết tuổi tác, vòng đời của cây, những nắng mưa mà cây đã trải qua. Đó là nhật ký của cây. Cây xanh không nói, những điều cây thấy đã được ghi và gìn giữ bên trong cuốn nhật ký kia rồi!
Một chiều như mọi chiều, công việc bận rộn khiến tôi lúc nào cũng loay hoay, quay cuồng, tôi thèm khát một điều gì đó tươi mới, khác biệt. Thế là lò mò lên mạng định tìm kiếm những điều hay ho, lạ lạ, hi vọng sẽ giúp mình tốt lên. Tìm một hồi thì lần mò đến một fanpage có cái tên rất dễ thương: “Sống dưới tán cây”. Tự dưng tôi lại nhớ đến câu trích dẫn đọc đâu đó từ khá lâu rồi của José Martí - một nhà lãnh đạo Cuba, đại ý rằng: “Trong cuộc đời này, có 3 việc cần phải làm: Trồng một cái cây, nuôi một đứa trẻ và viết một cuốn sách.”
Viết một cuốn sách là chuyện quá khó. Sinh và nuôi dạy một đứa trẻ lại càng không dễ dàng, nhưng việc trồng một cái cây thì khác. Bởi vậy, đó là việc đầu tiên, và chắc chắn cũng là công việc dễ nhất trong cả 3 việc trên.
Nhưng tôi đảm bảo đó là chuyện không hề dễ dàng. Bạn đã từng bao giờ trồng một cái cây chưa? Trồng một cái cây từ đầu đến cuối?
Có một lần, tôi tham gia sự kiện “Green Talk - Trồng tương lai", một hoạt động nằm trong chuỗi chiến dịch WeDo Trồng cây với mục đích lan toả tình yêu màu xanh đến với mọi người.
Sau hôm đó, tôi cực kì thích thú với việc trồng cây nên đã mua hạt giống, tập cách gieo trồng và “nuôi" một chiếc cây cho chính bản thân mình.
Nhìn một cái gì đó ngày ngày lớn lên trong vòng tay mình là một xúc cảm rất lạ kỳ. Tôi thậm chí xúc động khi nhìn thấy những hạt giống nhỏ xíu mới hôm nào nay đã vươn mình thành những tán lá xanh mượt.
Thế nhưng, từ háo hức chăm bẵm, tưới nước cho cây mỗi ngày thì tôi tưới cây thưa dần, thưa dần… Đến ngày nọ, tôi hoảng hốt khi thấy cây đã chết. Những chiếc lá rũ hẳn ra, khô khốc… Nó đã chết vì thiếu nước, hay là chết vì lãng quên…
Đó là câu chuyện của tôi, để biết rằng trồng một cái cây chưa từng là dễ. Như trong cuốn “Hoàng Tử Bé” từng lý giải, nó chỉ là một cái cây xa lạ nào đó trong hàng vạn cây trên đời. Nhưng khi bạn đã cảm hóa nó, nó sẽ sống cho bạn, vì bạn, và bạn phải có trách nhiệm với cái cây của bạn mãi mãi. Dù có thế nào đi nữa, cũng đừng rời xa nó. Đừng rời xa có nghĩa là đừng quên lãng, đừng phai nhạt, và chờ đợi, nếu phải thế.
Trồng một cái cây không đơn giản chỉ là gieo hạt của nó xuống đất, đó chỉ là bước đầu tiên và dễ nhất thôi. Trồng một cái cây là từ khi đưa nó gửi xuống đất, bạn phải chăm bẵm nó mỗi ngày, yêu thương nó, coi nó như một người bạn, một thành viên của gia đình.
Bởi, bạn biết không, theo một nghiên cứu, cây cối hoàn toàn có cảm xúc và có thể cảm nhận tình yêu. Một cá thể cây đều có một câu chuyện riêng, thậm chí có những cây còn hơn thế nữa, chúng giúp con người lưu giữ những ký ức, là một phần của thanh xuân tươi đẹp, tạo ra niềm tin và ghi nhớ những nỗi buồn đau.
Cây cối mang đến cho ta những phép ẩn dụ và cảm hứng kỳ diệu: người ta vẫn dùng hình ảnh chiếc lá đâm chồi nảy lộc, rồi ra hoa, kết trái và biểu trưng cho thành công, cho sự gặt hái, cho những điều đẹp đẽ. Và màu xanh tươi mát của lá cây cũng là sắc màu truyền rất nhiều năng lượng và cảm hứng cho ta.
Chắc chắn rằng một trong những giai thoại đáng chú ý nhất trong những câu chuyện kể đầy cảm hứng về cây cối sẽ là về một cây rất nổi tiếng - cây táo. Chuyện kể rằng, năm 1666, có một quả táo đã rơi trúng đầu một chàng trai trẻ tên là Isaac Newton, để rồi câu hỏi được đặt ra là "Tại sao quả táo lại luôn rơi xuống mặt đất theo phương thẳng đứng?”
Một văn bản viết tay có từ thế kỷ 18 được lưu trữ trong kho của Hoàng gia Anh ở London có kể lại rằng: trên đường Newton từ Cambridge về nhà, Isaac Newton đã ghé vào một khu vườn và ngồi suy nghĩ, cho đến khi bất chợt một quả táo rơi xuống trúng đầu. Theo đó, "khái niệm về lực hấp dẫn đã nảy sinh trong đầu của Newton... khi ông bị tác động bởi quả táo rơi xuống tại thời điểm mà ông đang trầm tư suy nghĩ vô định". Sau đó Newton đã phát minh ra Định luật Vạn vật hấp dẫn.
Cây cối chính là miền ký ức của tự nhiên, từng nghe đâu đó có người nói: “Từng lớp vỏ cây sinh trưởng hàng năm đều hấp thụ và mang hơi thở của chính năm đó, từ đó được chuyển hóa thành carbon, bởi vậy cây cối là những cá thể lưu giữ sự vận động và biến đổi của cả một thành phố".
Sự sống từ một cây non, bạn còn nhớ trong phim Wall-E (Rô - bốt biết yêu) không?
Wall-E vốn là rô bốt dọn dẹp. Ngày qua ngày, Wall-E tận tụy làm việc nhưng lúc nào cậu cũng cảm thấy buồn tẻ và cô đơn. Âm ỉ trong cậu vẫn luôn là giấc mơ có ngày sẽ gặp được một người mà cậu có thể nắm tay như trong đoạn phim tình cảm lãng mạn của con người mà cậu vẫn xem. Rồi "ai đó” cuối cùng cũng đã xuất hiện thật. Eve là tên của nàng. Nhiệm vụ của Eve là tìm và mang về bất kể một mầm sống nào từ Trái đất. Chỉ cần một bằng chứng cho thấy Trái đất có sự sống, loài người sẽ trở về.
Một lần trong lúc dọn dẹp, Wall-E nhìn thấy một màu xanh rất kỳ lạ mà có lẽ trong cuộc đời dọn dẹp đầy bụi bặm thì đây là lần đầu tiên cậu thấy một mầm sống kỳ diệu đến vậy. Và dù chẳng biết đó là gì nhưng cậu vẫn quyết định mang cây con bé xíu đó về nhà bởi màu xanh non nổi bật giữa không gian xám xịt của Trái đất. Tặng Eve chồi xanh với hy vọng được khiêu vũ cùng nàng, Wall-E đâu ngờ Eve lập tức "giam giữ" món quà và quay về phi thuyền Axiom mà không một lời giải thích. Theo tiếng gọi con tim, Wall-E dại khờ bám theo Eve...
Tại Axiom tối tân và tinh tươm, con người tồn tại trong tẻ nhạt và mất khả năng tư duy. Con người không còn nhiều cảm xúc cho đến khi Wall-E xuất hiện cùng tình yêu với Eve. Những thay đổi đầu tiên xuất hiện, họ biết nhìn vào mắt nhau, nói chuyện, chạm tay nhau. Những viên đất dính vào thuyền trưởng từ cái bắt tay với Wall-E dẫn dắt ông tìm định nghĩa về Trái đất, giúp ông học lại về quê hương bỏ quên của mình. Wall-E dẫn dắt mọi người đồng tâm đưa mầm cây – đại diện cho hy vọng sống – về Trái đất.
Những định nghĩa bị lãng quên như: cây xanh, đất, đại dương... được tìm lại trên các từ điển điện tử. Và con người đã trở lại Trái đất để được sống một cuộc đời đích thực.
Những mầm xanh từ lâu đã vô cùng gần gũi, len lỏi vào cuộc sống hằng ngày và trở thành một phần trong ký ức tươi đẹp của mỗi chúng ta. Chúng ta đã từng có những sân chơi rợp bóng cây xanh, vui đùa bên đám bạn. Nhớ mãi tuổi thơ đầy háo hức, chơi trốn tìm ở khu đất rộng trước nhà. Ở đó có hàng tá cây xanh nào bàng, nào phượng, nào me,... Chúng ta tìm cho mình những bóng cây xanh mát - những sân chơi tự nhiên nhất để thoả thích vui đùa, trải nghiệm tuổi thơ rực rỡ. Vườn cây với đủ loại hoa lá cành trở thành nguyên liệu "bất đắc dĩ" để chơi đồ hàng, táo bạo hơn là chơi lợp mái nhà. Có cả hàng vạn trò mà tụi con nít có thể bày ra chơi cả ngày dưới những tán cây mà không thấy chán. Cây xanh còn là ký ức về thanh xuân tươi đẹp. Lên mạng xã hội, thấy nhiều người kể về thời học trò từng đợi bạn "crush" mấy tiếng liền dưới gốc cây trước cổng trường, chợt nhận ra cây xanh đã từng gắn bó với mình suốt mười mấy năm "mài quần" trên ghế nhà trường. Những bóng cây dường như luôn có trong ký ức thời học sinh mà khi trải qua, chúng ta đã không hề nhận ra.
Ẩn trong mỗi bóng cây, là những lá thớ của thời gian. Mỗi năm cây thêm một vòng thớ gỗ, người ta nhìn vào thớ gỗ đó cũng biết tuổi tác, vòng đời của cây, những nắng mưa mà cây đã trải qua. Đó là nhật ký của cây. Cây xanh không nói, những điều cây thấy đã được ghi và gìn giữ bên trong cuốn nhật ký kia rồi!