Tết vui trong gian bếp thơm nức đồ ăn, Tết phóng khoáng trên những nẻo đường du lịch, Tết ấm êm chăn chiếu ngủ nướng bù cho bao ngày vất vả… đều sẽ ổn thỏa và hạnh phúc, miễn là phụ nữ thấy vui.
Dăm ba ngày Tết, làm khổ nhau dữ quá! Khắp nơi mọi người lo mua sắm và ăn uống cứ y như cả năm bị bỏ đói không được ăn gì. Tỉ thứ phiền hà, cái gì cũng tăng giá từ làm tóc, làm nail cho đến bánh trái thịt thà. Công việc đình trệ, bao nhiêu việc bị tắc nghẽn chỉ vì Tết. Cúng bái mê tín dọa dẫm nhau khắp nơi. Phố xá ken chặt những người là người…
Trong cái không khí tấp nập vội vã ấy, người ta lại than, sao ngày xưa Tết tuyệt vời thế, đậm đà thế, thảnh thơi thế, còn nay Tết là sầm sập lo toan. Nếu được tự do lựa chọn, trong trạng thái lý tưởng nhất, bạn hình dung về một-cái-Tết-hoàn-hảo của mình như thế nào?
Với Hương, đó là dăm ba chai nước hoa xa xỉ với thứ mùi khêu gợi mà mấy năm rồi cô không dám mua để nhường cho tiền bỉm và quần áo của con. Tết, Hương chỉ thèm có ai đó trông con hộ 3 ngày, để Hương cùng bạn bè đi phượt xa, long nhong trên con “quái thú” chinh phục những cung đường đồi núi, ngủ bờ bụi trong lều dựng tạm ở một thung lũng nào đó, vừa ngắm trăng sao vừa ăn thịt nướng.
Với Thu, đó là cuộn tròn trong chăn đọc sách, bên cạnh là 6 phong chocolate ít béo, đăng đắng ngọt ngọt, một tách trà thơm nóng hổi. Trong phòng, ngoài hương tinh dầu nhè nhẹ tỏa ra, chỉ có Thu và sự tịch mịch. Thu sẽ tắt hết điện thoại, không lên mạng, ngủ thỏa thích và hạn chế gặp người, cho bù lại cả năm liên tục phải giao thiệp, nói chuyện với khách hàng và đi công tác.
Với Dung, đó là săn được vé máy bay rẻ, vào Bình Dương thăm trang trại của bố, lên Sài Gòn đánh đu với hội bạn thân thời cấp ba, Đại học mà hơn chục năm rồi chưa có cuộc hội ngộ “tử tế” nào. Rồi khoảng mùng 2, Dung sẽ về miền Tây sông nước hít hà cho đã cái mênh mang, tình tứ của một vùng gạo trắng nước trong, đón Tết bên những người xa lạ và chụp hàng ngàn tấm ảnh lưu niệm.
Với Trinh, đó là lễ hội của bếp núc và sắm sửa. Là ngày ba bữa loay hoay trong bếp làm đủ món cầu kỳ, là dãi thẻ ngồi cuốn nem, thái nộm, là chạy tung khắp các chợ chọn mua phật thủ dâng lễ đủ các nhà, là hít hà cặp má hồng hơi nẻ của thằng con út, cắn nhẹ vào ngón chân của con bé lớn cho nó ré lên cười sằng sặc rồi rủ chúng chơi cá sấu lên bờ, không quên chơi ăn gian để bị chúng phát hiện rồi gào lên “Mẹ lớn rồi còn ăn gian”...
Những cái Tết hoàn hảo như thế có gì đâu là cao xa, nó nho nhỏ thôi, giản dị thôi. Nhưng thực tế là, năm nào cũng có những phụ nữ than thở rằng “Festival âm lịch” chẳng còn điều chi để háo hức, rằng họ sợ Tết còn hơn sợ cọp. Ai đó còn đổ tội tại Tết làm mình khổ, tại truyền thống khiến họ vất vả, còn đòi bỏ Tết đi.
Vì chúng ta thức dậy mỗi ngày với những trách nhiệm phải gánh vác và nghĩ về Tết bằng những giá trị vật chất phải làm. Vì hàng ngàn năm nay tư duy truyền thống coi cái Tết là trọng đại, là dịp linh thiêng, là khi con dâu, con gái phải chăm chút cho cái Tết của gia đình, là phụ nữ phải ở nhà cúng lễ mới có một khởi đầu suôn sẻ trong năm mới. Là xã hội “gò khuôn” Tết vào một mẫu.
Nhưng cũng vì phụ nữ tự nguyện ép mình (và vô hình trung) ép cả những phụ nữ khác vào khuôn ấy. Họ chẳng dám thoát ra và hưởng Tết theo ý mình, vì sợ hãi. Sợ mình không hoàn hảo, sợ không nhận được "mề đay" mẹ đảm vợ hiền dâu thảo mà ôm hết việc vào mình, nào è cổ ra mà trang hoàng cửa nhà bắt mắt, nào chục mâm làm thoăn thoắt, nào vung hết tiền ky cóp suốt mấy tháng để mua quà Tết, lì xì phân phát để họ hàng hỉ hả khen xông xênh, nào vừa đón giao thừa vừa chạnh lòng nhớ nhà ngoại nhưng đành nuốt nước mắt "thuyền theo lái, gái theo chồng"...
Và cứ thế, cái Tết hoàn hảo vẫn ngậm ngùi nép trong suy nghĩ.
Thực ra, phụ nữ nữ tính nhất không phải là khi họ đi theo nề nếp, khuôn khổ, mà là khi họ lắng nghe thiên tính trôi chảy trong mình. Phụ nữ giống như nước, ở vào vật chứa hình vuông thì sẽ có hình vuông, vật chứa hình tròn thì sẽ là hình tròn, thích ứng với mọi hoàn cảnh, giàu nghèo, cao thấp, khiêm nhường, nhẫn nhịn ở nơi thấp nhất, nhưng tấm lòng bao dung mà chứa hết thảy vạn vật.
Như nước suối thanh khiết, nước biển mặn mòi, nước thác ghềnh dữ dội, nước khe lạch dịu dàng, nước mạch ngầm ý nhị, mỗi người phụ nữ có một cá tính khác nhau, có người ôn nhu hiền hòa, có người lại mạnh mẽ hoạt bát. Nếu quy chụp hết cả rằng cứ là đàn bà phải giỏi tề gia nội trợ, ngày Tết nhất nhất phải nấu cơm ngon bày cỗ khéo như thời xưa cũ, chẳng phải phiến diện quá ư?
Điều quan trọng là phụ nữ phải thực sự tự tin về sự phong phú và thú vị của mình, thấu hiểu về những giá trị của mình, từ đó mà tìm thấy cách đón Tết cho phù hợp với gia đình mình.
Nếu ai đó thấy phải tất bật làm cỗ là một thứ gông cùm, họ có thể đặt mua sẵn để vẫn nhàn thân mà việc dâng hương cúng tổ tiên, việc đoàn viên sum họp theo truyền thống vẫn tròn vẹn.
Nếu ai đó không muốn dọn dẹp nhà cửa, hãy thuê đội ngũ chuyên nghiệp, hoặc dựng đầu ông chồng dậy chia bớt việc, hướng dẫn con làm mấy việc trang trí, dọn dẹp đơn giản để còn có chút thời gian thảnh thơi đi spa, làm móng, chăm da, uốn tóc trước khi Tết ập đến.
Nếu ai đó thấy việc đi chúc Tết từng nhà, lì xì từng đứa trẻ là phiền phức, có thể chọn cách gửi thiệp online, vợ chồng con cái kéo nhau đi du lịch xa, cafe ngắm phố xá hoặc đắp chăn nằm nhà, miễn là đồng thuận và cả nhà vui vẻ.
Nếu ai đó cảm thấy ngột ngạt khổ đau vì Tết này không được ăn Tết nhà ngoại, không thể thuyết phục nổi chồng, thì hoặc là mạnh dạn một thân một mình về nhà mẹ đẻ sau khi chuẩn bị chu toàn Tết nhà, cứ để các con cho chồng chăm. Hoặc là thu xếp một dịp nào đấy dài như Tết để về, vừa đỡ chen chúc tàu xe vừa không gây xích mích.
Cũng đừng drama hóa đời mình, làm như nếu lỡ Tết này là ly biệt không ngày gặp lại vậy! Mỗi năm chúng ta có tận 12 ngày phép, nghỉ “căng đét” một nửa trong số đó là đủ có một cái Tết của riêng mình ở bên ngoại mà chẳng phải nổ ra cuộc chiến đón Tết ở bên nào, để mà hục hặc nhau.
Nhiều năm rồi người ta hô hào, Tết của mỗi nhà thế nào, Tết của phụ nữ thế nào, hãy để cho họ chọn. Nhưng nó sẽ mãi là khẩu hiệu, nếu phụ nữ cứ đợi chờ người khác cảm thông và san sẻ, trong khi mình không tự vì mình mà thay đổi. Nếu họ còn tự đánh giá mình theo barem của người khác mà không nhận ra hương vị Tết đang chảy sâu trong tâm hồn mình, không nhận ra mình thực sự muốn Tết diễn ra như thế nào.
Dù mỗi gia đình, mỗi vùng ăn Tết có khác nhau, Tết xưa Tết nay cũng đôi phần khác biệt, nhưng nguyên tắc chung của Tết là vui. Cái gì thực sự vui, thực sự thoải mái thì phụ nữ hãy làm. Mâm cỗ Tết, các tục lệ cúng lễ, việc thăm hỏi hay quà cáp… ấy đều là lệ xưa truyền lại, và nó có thể được biến cải theo thời gian, co giãn với từng nếp nhà.
Ngày Tết, đó là dịp người ta hy vọng hơn vào cuộc sống, nhờ những niềm vui. Tết mang lại cảm giác “một khởi đầu mới tinh”, những ưu phiền âu lo cũ sẽ bị xóa sổ, và năm mới cũng giống như một cơ hội lớn để làm lại mọi thứ. Đó mới là thứ đáng yêu, đáng trân trọng của Tết, là lý do mà năm nào dịp này cũng khiến chúng ta bồi hồi và tràn trề niềm tin, chứ không phải là “mệt mỏi”, “tốn kém” hay “nhiêu khê”.
Năm mới sao có thể rộn rã và “vạn sự như ý”, “an khang thịnh vượng” như những lời chúc khi mà nó được khởi đầu từ sự ấm ức và oán than của phụ nữ? Thay vì thế, phụ nữ hãy tự chọn cho mình cách tận hưởng Tết theo cách khiến mình cảm thấy mãn nguyện.
Để rồi từ đó, với sự hân hoan của Nguyên đán, phụ nữ sẽ chọn cho mình tinh thần linh hoạt, niềm vui sống trong cả một năm mới Canh Tý, một thập kỷ mới mà 2020 là khởi đầu. Không thời điểm nào tốt hơn xuân này để bắt đầu Nguyên đán theo cách của riêng mình, với tinh thần từ linh vật của năm nay - những chú chuột bé nhỏ nhờ sự thông minh, nhanh nhạy, linh hoạt, khôn khéo của mình mà giành chiến thắng để trở thành con giáp đầu tiên trong vòng can chi.