2023 là một năm của nhiều cơn gió nghịch. Vô vàn biến động chính trị cộng hưởng với “vết sẹo” COVID-19 chưa liền da khiến nhiều người không khỏi liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008.
Giữa bức tranh ảm đạm ấy, những âu lo, trăn trở của đời sống ngày một dày thêm. Người ta tranh luận về việc nên nhìn lên hay nhìn xuống, đồng lương như thế nào là xứng đáng, và năm mới liệu rồi có tươi sáng hơn... Có người thấy mình may mắn vì vẫn đủ sức gắng gượng đi qua, cũng có người mới tuổi đôi mươi đã sớm gục ngã trước giấc mơ không thành.
Nếu không phải may mắn hay tiềm lực sẵn có, điều gì có thể kéo ta trở lại đời sống với sự lạc quan, tử tế và khát vọng vươn lên?
Có lẽ nhiều người cho rằng lấm bẩn là vất vả, là không may. Nhưng nếu ta nhìn nhận mỗi vết bẩn bằng câu chuyện phía sau, hẳn chúng xứng đáng được trân trọng hơn nhiều. Trong bốn lát cắt được chọn ra để giới thiệu đến bạn đọc, lấm bẩn là nỗ lực, là cố gắng không ngừng, là chẳng than van bởi những khó khăn mà cứ miệt mài bước tiếp. Khi ta lăn xả vào đời sống, cố sức lao động, không ngại vất vả, mọi “lấm bẩn” đều đáng tự hào. Vì khi đó, lấm bẩn cũng là đại diện cho cam kết sống hết mình, chăm chỉ và không bỏ cuộc.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt trong đời sống, câu chuyện của Vũ Trung Anh Rim có lẽ sẽ dễ dàng phác thảo được hình ảnh của nhiều người. Từ một người trẻ được vinh danh ở vị trí Giám đốc nhân sự ở tuổi 26, đến ông chủ của một thương hiệu trẻ “debut” ở vị trí top đầu trên các sàn thương mại điện tử, Vũ Trung Anh Rim chạm đến tuổi 32 với những trải nghiệm chẳng ai muốn có.
Vì đại dịch, anh làm ăn thất bại, nhà xưởng giải tán, không đủ tiền để trả lương cho nhân công… Món nợ mà Trung Anh Rim đang mang đã có lúc vượt hơn 30 tỷ. “Có những buổi sáng mình rất sợ phải thức dậy. Mình nợ nhân viên, nợ những người tin tưởng mình và do mình mà họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Thậm chí, mình gom hết tiền để mua bảo hiểm nhân thọ vì không biết ngày mai liệu mình có may mắn còn sống không…”
Nói đến thất bại và chạm đến hố sâu cuộc đời, câu chuyện của Hiếu PC chưa bao giờ thôi nhức nhối. Là một người trẻ có năng lực nổi bật trong làng công nghệ Việt Nam nhưng Hiếu PC lại được biết đến khi trở thành nỗi oán giận của 200 triệu người Mỹ. Ở phiên tòa lớn nhất của cuộc đời mình, anh đối diện với 18.000 lá thư khiếu nại viết tay của người bị hại - những người mất công ăn việc làm, mất tài sản và thông tin quan trọng vì anh. Khi nhận bản án 13 năm tù, cuộc đời của Hiếu PC phủ một màu tăm tối và tưởng chừng mọi hy vọng, mọi ước mơ đều đã khép lại.
Tuy không vấp ngã hay lầm đường lạc lối, Nguyễn Thúy An, hay còn được biết đến với cái tên An Đen, cũng đã loay hoay với cuộc đời mình suốt 9 năm tại Sài Gòn. Cô ôm mộng hạnh phúc từ núi rừng đến với thành thị; cô từng tin rằng những công việc chốn xô bồ này sẽ làm mình tự hào, sẽ vẻ vang lắm. Vậy mà tất cả những gì cô tích góp được chỉ là nỗi thất vọng mệt nhoài, là những hoài nghi, là nỗi cô đơn một mình nơi căn phòng trọ ngột ngạt.
Cũng như An Đen, Nguyễn Quốc Dân cũng theo đuổi niềm hạnh phúc trong suốt cuộc đời mình nhưng số phận đôi lúc lại như đang “chơi đùa” với anh. 3 tuổi, anh lang lang khắp đầu đường xó chợ. 7 năm sau đó, anh lấy vỉa hè làm nhà, bãi rác làm nơi kiếm ăn và làm đủ mọi công việc để mưu sinh. Đến 10 tuổi, anh mới lần đầu chạm đến con chữ, được học, được vẽ ở trại xã hội. Một đôi vợ chồng người Mỹ từng ngỏ lời tài trợ cho anh sang xứ cờ hoa để học vẽ, nhưng một lần nữa cuộc đời lại quá đỗi phũ phàng: thảm họa 11/9 ập đến, “giấc mơ Mỹ" cứ thế tan thành mây khói. Không còn được trại xã hội cưu mang, một lần nữa anh phải tự mình mưu sinh để theo đuổi đến cùng mục tiêu “sống để vẽ tranh và kể chuyện đời mình bằng tranh vẽ”.
Nhà sử học Charles A. Beard đã nói: “Khi trời đủ tối, ta mới có thể thấy những vì sao”. Minh chứng cho điều đó là bốn câu chuyện của Nguyễn Quốc Dân, An Đen, Hiếu PC và Vũ Trung Anh Rim. Thời khắc tưởng chừng trượt dài vào nỗi đau cùng cực của thất bại, sai lầm, thế mà họ lại một lần nữa bước ra với cuộc đời, mạnh mẽ như những “chiến binh nghìn máu” trở dậy sau lấm bẩn. Có lẽ với bất cứ ai đang vẫy vùng ngoài kia, hy vọng không phải là lựa chọn. Hy vọng là con đường duy nhất. Suốt những năm tháng đằng đẵng với thất bại và thất vọng, sâu trong tiềm thức của họ, niềm tin vào giá trị bản thân vẫn chưa bao giờ lung lay.
Khái niệm thành công đôi khi khiến người ta cảm thấy ngột ngạt. Nhưng trong phương trình của nỗ lực và giá trị, đằng sau dấu bằng không chỉ có của cải hay địa vị, mà có thể là những thành tựu mà chỉ bản thân ta mới hiểu nó quan trọng thế nào: một chốn An trong đời, một bản lĩnh để đứng dậy và sống trách nhiệm với bản thân và gia đình, một cuộc đời mới cho những thứ tưởng chừng chỉ có thể bỏ đi, hay đơn giản là một người tử tế.
Ngay từ cái tên, Vũ Trung Anh Rim đã mang theo niềm hy vọng của người cha về chiếc xe Dream thời còn nghèo khó. Trong men say thành công, cú rơi tự do thật sự khiến anh chới với. Nhưng anh đã không để những con sóng thần được phép nuốt chửng mình. Có lẽ vì mọi thành công trước nay đều do anh cố gắng mà có được, nên dù có phải lùi lại với chính mình trong quá khứ, anh cũng không bỏ cuộc. Anh chấp nhận bắt đầu lại từ con số âm. Anh không trốn tránh mà chuyển hướng Be Yours - thương hiệu nội thất do anh thành lập và vực dậy - và đã xuất khẩu được lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản. Anh đã đứng dậy và hy vọng vào một tương lai tươi đẹp hơn, bằng những bền bỉ mà mình đang nuôi dưỡng.
Giá trị mà Anh Rim nhắc đến, có lẽ Hiếu PC hiểu hơn ai hết. “Nỗi buồn quá khứ luôn nhắc nhớ tôi phải sửa sai, phải cố gắng làm được nhiều hơn nữa cho cộng đồng. Và công việc hiện tại cũng khiến tôi rất hạnh phúc” - chuyên viên tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NSCS) chia sẻ. Năm 2019, Hiếu PC được trả tự do sớm do cải tạo tốt và anh quyết tâm làm lại cuộc đời mình, bỏ lại đằng sau quá khứ lầm lỡ tưởng chừng không thể thay đổi được. Năm 2022, Hiếu được Apple vinh danh vì tìm ra lỗ hổng bảo mật. Năm 2023, dự án phi lợi nhuận Chống lừa đảo do Hiếu thành lập vinh dự nhận được giải thưởng quốc gia “Make in Việt Nam” và gần nhất là giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Anh hỗ trợ giải cứu hơn 1000 người trong vụ buôn lậu người lao động sang Campuchia và phát hiện hàng nghìn trang web lừa đảo người dùng tại Việt Nam. “Những con số này vẫn còn khiêm tốn, chỉ như muối bỏ bể với lỗi lầm của tôi, nhưng cũng góp phần vào việc tôi cố gắng sửa chữa sai lầm trong quá khứ. Tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng không bao giờ được bỏ cuộc trong việc bảo vệ cộng đồng mạng Việt Nam xanh và an toàn hơn”.
Cũng được biết đến với những dự án cộng đồng với sự chân thành, tử tế nhưng điều khiến An Đen tự hào chưa bao giờ là sự nổi tiếng. Chủ kênh TikTok 1.8 triệu lượt theo dõi có một dáng vẻ thong dong từ áo quần giản dị đến giọng nói mộc mạc, bình yên bên chái bếp, nếp nhà. Ngày bỏ phố về quê, An cũng mông lung lắm nhưng cô biết rằng quê hương sẽ che chở mình, mình vẫn còn mẹ, người luôn sẵn sàng động viên “Mệt thì về, chẳng sao đâu”. Những video đầu tiên An làm cũng xuất phát từ trái tim và niềm hy vọng tìm thấy bình yên từ chính nơi cưu mang mình thuở bé. An bây giờ một mình xốc vác công việc đồng áng, xắn tay lội bùn tát ao cá, mồ hôi nhễ nhại nấu từng bữa ngon cho ba má, cho tụi nhỏ trong làng mà thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Ngẫm lại, ve chai với họa sĩ Nguyễn Quốc Dân vừa là duyên, vừa là nợ. Mấy chục năm sau tuổi thơ nhặt nhạnh từ thứ đồ người khác bỏ đi, Nguyễn Quốc Dân “tái sinh” thành một họa sĩ độc lập được nhiều người yêu mến và ngưỡng mộ. Ve chai từng là nguồn sống, bây giờ là lẽ sống. Và khi nỗi đau đáu không còn là cái ăn, cái mặc, mà là về một xã hội tiêu dùng, nơi các giá trị vật chất như cơn bão sẵn sàng cuốn bay mọi ước mơ, Dân vẫn kiên định với con đường mình đã chọn. Anh chuyên tâm vào công việc dạy vẽ và sáng tác nghệ thuật, giúp các em nhỏ tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và tàn tật (Quảng Nam) kiếm thêm thu nhập với dự án Thêu vá, biến hẻm 11 Nguyễn Thái Học (Hội An) thành điểm đến dành cho những người yêu nghệ thuật với Hẻm tái sinh.
Nếu Hiếu PC và Trung Anh Rim biết đến mùi tiền và những thành công sớm, thì An Đen và Quốc Dân lại phải nếm nhiều cơ cực trước khi chạm đến giấc mơ. Bốn con người mang theo bốn câu chuyện, trở thành những nhân vật chính trong chương trình “Hi Vọng 2024” do VTV và nhãn hàng OMO đồng tổ chức.
Chương trình “Hy vọng 2024” được tài trợ và đồng tổ chức bởi OMO và VTV, phát sóng trên kênh VTV3 vào 20:00 Mùng 4 Tết Giáp Thìn, nhằm ngày 23/02/2024. Thông qua câu chuyện của bốn nhân vật An Đen, Vũ Trung Anh Rim, Hiếu PC và Nguyễn Quốc Dân, chương trình mong muốn cùng OMO gieo những hạt mầm hy vọng cho Tết thêm rạng rỡ.
Dù bạn là ai, từng lấm bẩn như thế nào, giá trị của bạn vẫn vẹn nguyên, miễn là bạn vẫn giữ cho mình một niềm hy vọng, một tâm thế vững vàng để hướng về tương lai.
Cùng OMO, lấm bẩn gieo hy vọng!
Theo Phụ nữ mới
20/02/2024- Graphic: Linh Yoo
- Bài viết: Yến Nhi
- Interactive: Lê Sơn