Năm 2014, khi được chọn là đại sứ thiện chí cho phụ nữ của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nữ diễn viên Emma Watson đã có một bài phát biểu để phát động chiến dịch #HeForShe (tạm dịch: Đàn ông vì phụ nữ), nhằm lên tiếng bảo vệ quyền bình đẳng của cả phụ nữ lẫn đàn ông trên toàn thế giới.
Trong bài phát biểu vào ngày 21/9/2014 của mình, Emma Watson đã thẳng thắn lên tiếng:
"Năm 14 tuổi, tôi bắt đầu bị phân biệt giới tính bởi kha khá người trong giới báo chí.
Năm 15 tuổi, nhiều bạn gái của tôi đã bỏ các lớp thể thao vì không muốn mình trông quá cơ bắp.
Năm 18 tuổi, nhiều bạn nam tôi quen đã không thể tự do bộc lộ cảm xúc của mình.
Tôi đã quyết định ủng hộ cho việc nam nữ bình quyền và điều đó xem ra chẳng có gì là phức tạp với tôi cả. Nhưng những nghiên cứu gần đây của tôi đã cho thấy nữ quyền hay quyền bình đẳng nam nữ đã trở thành một từ không phổ biến. Có vẻ như tôi đã bị xếp vào dạng con gái mà được đánh giá là quá mạnh bạo, quá dữ dằn, sống tách biệt, ghét bỏ đàn ông và chẳng có chút hấp dẫn nào.
…
Đàn ông - tôi cũng muốn họ nhân cơ hội này để bày tỏ quan điểm của mình. Bình đẳng giới cũng là vấn đề của họ.
Vì cho đến nay, tôi thấy vị trí của những ông bố trong gia đình, trong việc nuôi dạy con cái luôn bị đánh giá thấp hơn bởi xã hội, trong khi tôi vẫn cần bố nhiều như cần mẹ vậy.
Tôi cũng đã thấy những bạn nam còn rất trẻ phải một mình chống chọi với những căn bệnh tâm lý mà không dám nói ra chỉ vì sợ mình không còn "chuẩn men" như trước.
…
Tôi mời bạn bước lên một bước, để là người đàn ông vì phụ nữ. Để tự hỏi bản thân rằng, nếu không phải mình, sẽ là ai? Nếu không phải bây giờ, sẽ là bao giờ?"
Nữ diễn viên nhấn mạnh "Càng nói về nữ quyền nhiều bao nhiêu, tôi càng nhận ra một điều rằng nữ quyền thường bị đánh đồng với việc hạ thấp và ghét bỏ đàn ông. Đó thực sự là điều nên chấm dứt!".
Sau bài phát biểu của Emma Watson, cộng đồng sao đã nhất loạt lên tiếng ủng hộ chiến dịch #HeForShe, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Tom Hiddleston, Douglas Booth, Russell Crowe, Logan Lerman, Joseph Gordon-Levitt…
Trong số những phản ứng tích cực với chiến dịch của Emma, bức thư của Ed Holtom (đăng trên tờ Telegraph) - chàng trai 15 tuổi đang theo học tại trường nam sinh St. Albans, Hertfordshire đã thực sự khiến mọi người ngỡ ngàng.
Trong bức thư của mình, Holtom viết "Nữ quyền không có nghĩa là ghét bỏ đàn ông hay ban cho phụ nữ quyền năng tối thượng. Ngược lại, nữ quyền chỉ đơn giản có nghĩa là: Nếu bạn tin vào bình đẳng giữa hai giới về mặt chính trị, xã hội, tài chính, tức là bạn đã theo chủ nghĩa nữ quyền. Bằng việc sử dụng những từ như "nữ tính", "nam tính", chúng ta đã vô thức tin vào những định kiến về hai giới… Nếu chúng ta thực sự muốn bình đẳng, hãy ngừng áp đặt người khác và chính bản thân mình phải sống theo những định kiến đó, cũng đừng bỏ rơi hay che giấu cảm xúc thật của chính mình. Chúng ta không được phép để giới tính định nghĩa bản thân mình."
Vậy đó, bình đẳng giới hay nữ quyền chỉ đơn giản là khi bạn dám dũng cảm sống đúng với bản thân, dũng cảm là-chính-mình, chứ không phải là thù hằn, miệt thị hay tìm mọi cách để "dìm hàng" cánh đàn ông và nâng bản thân mình lên. Bởi vì thực ra, đàn ông cũng khổ vô cùng.
Ngày còn đi học, tôi đã từng chứng kiến một người bạn thân của mình đứng ở sân trường khóc như mưa. Bố cậu mất, vì một tai nạn bất ngờ. Nhà chỉ còn ba mẹ con, nhìn mẹ và em gái ngơ ngác trước sự mất mát quá lớn, cậu không cho phép mình được rơi một giọt nước mắt nào, cho đến khi mọi việc hậu sự đã xong xuôi và cậu được ở đâu đó một mình.
Đàn ông từ khi sinh ra đã được gán cho danh xưng là một nửa mạnh mẽ, kiên cường, dũng mãnh, cũng như phụ nữ luôn phải có "tag" đính kèm là tam tòng, tứ đức vậy. Họ cũng đương nhiên được coi là "xương sống" của một gia đình, là trụ cột gánh vác trọng trách bảo vệ, chăm sóc cho bố mẹ già, vợ dại, con thơ. Thế là, đàn ông làm gì cũng phải rón rén nhìn quanh, vì sợ bị đánh giá, sợ bị nhòm ngó nọ kia. Rất nhiều lần tôi đã thấy những người đàn ông xung quanh mình phải gồng lên cố gắng, để mọi người không nhìn mình như một kẻ yếu đuối. Không chỉ buộc phải che giấu cảm xúc, đàn ông còn phải cố gắng gấp đôi, gấp ba phụ nữ để có được một sự nghiệp vững vàng, một thu nhập ổn định để là chỗ dựa cho gia đình.
Như trường hợp của anh hàng xóm cạnh nhà tôi, anh đã bị công ty cho thôi việc cả tháng nhưng sáng nào cũng xách xe ra khỏi nhà từ sáng sớm, đến tối mịt mới về. Nói chung là anh vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt của một người vẫn có công việc. Không ai trong nhà biết anh đã bị nghỉ việc. Tôi vô tình biết được điều đó khi một lần gọi Grab và… anh đến đón tôi! Tôi ố á lên một hồi, chưa kịp hỏi thì anh đã phân trần ngay "Cơ quan giảm biên chế, nên anh bị buộc cho nghỉ việc. Nhưng anh không thể mở lời ra nói với vợ vì cô ấy đã hi sinh ở nhà nội trợ, chăm lo con cái rồi. Trong lúc kiếm việc thì anh chạy thêm nghề này để kiếm tiền. Em… đừng nói gì với nhà anh nhé!". Sau câu chuyện ấy, tôi không khỏi bần thần khi nghĩ về vai trò và trách nhiệm nặng nề mà xã hội, định kiến, tư tưởng đặt lên vai những người đàn ông xung quanh mình.
Nào đã hết khổ, đàn ông còn phải nhoai mình ra để làm vừa lòng chị em. Cả năm chẳng có ngày nào tôn vinh các anh, mà các chị thì cứ hở ra là đòi quà. Tết Tây, Tết Ta, Valentine, 8/3, 20/10, Halloween, Noel rồi vèo cái lại đến Tết tây. Chưa nói đến sinh nhật nàng, các ngày kỉ niệm đặc biệt của hai người. Kể ra để chị em thấy, đàn ông thật không có lúc nào không bị "nỗi đau rỗng ví" ám ảnh.
Chưa hết, phụ nữ còn rất thích chơi trò nạn nhân. Bất cứ biến cố nào xảy ra, ví như chồng lăng nhăng, chồng vô tâm vô tính, chồng cục cằn vũ phu, chồng lười biếng không quan tâm vợ, là y như rằng 100 ca như một. Các nàng lại gào lên "Tại sao anh lại đối xử tệ bạc, phũ phàng với tôi như vậy?", rồi khóc lóc, rồi lên livestream bóc phốt các kiểu mà không một lần gác tay lên trán nghĩ xem "Mình có lỗi gì trong chuyện này không?". Chuyện gì cũng có nguyên nhân đến từ hai phía.
Và còn cả những nỗi đau, dằn vặt thầm lặng của những người đàn ông mang tâm hồn, trái tim của một người phụ nữ, nhưng vì những định kiến, rào cản của xã hội, những kì vọng của gia đình, phụ huynh mà không thể sống thật với con người của chính mình. Họ chỉ có thể lặng thầm nuốt nước mắt vào trong, cưới vợ sinh con để làm yên lòng bố mẹ, mà chẳng thể sống thật với ước mơ, tình yêu và giới tính của mình.
Sinh ra là người, không màng là đàn ông hay phụ nữ, đều thực sự đã rất mệt mỏi rồi. Vậy nên có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhận ra một điều, tranh đấu hơn thua sẽ chẳng làm ai vui hơn cả. Sống công bằng, chân thành với nhau và với chính mình sẽ tốt hơn nhiều.
Trước khi nói đến "nữ quyền", tôi muốn nói đến "nhân quyền" đã. Quyền làm người, bất kể là nam hay nữ, là LGBT hay "thẳng", tất cả chúng ta đều có một thứ quyền bình đẳng như vậy. Và trước khi đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, thiết nghĩ chúng ta nên sống sao cho đúng với giá trị của mình, và đúng là bản chất của mình.
Sướng khổ đều tại tâm. Nếu khi nào bạn cũng thích so sánh, cũng nghĩ rằng cỏ bên kia đồi xanh hơn cỏ dưới chân mình, thì sẽ chẳng bao giờ tâm được bình an. Ngay khi bạn so sánh mình với một người nào đó, bất kể là đàn ông hay phụ nữ, là bạn đã tự hạ thấp giá trị của mình rồi.
Một người đàn ông, tốt nhất nên bỏ qua những áp lực, những định kiến vô hình mà xã hội đang đặt lên vai mình, để có thể thở phào mà sống thoải mái hơn một chút. Cũng đừng có cái nhìn xuống với những người yếu thế hơn mình. Đàn ông đích thực, là người biết đặt kẻ yếu lên vai mình, kẻ xấu sau lưng mình và người tốt lên trước mặt mình để phấn đấu trở thành một người như vậy.
Phụ nữ, xin đừng ghét bỏ, coi thường, hay lúc nào cũng muốn "đàn áp" đàn ông, cũng đừng lấy đàn ông làm điểm so sánh để trèo lên rồi hả hê rằng "Ồ, mình đòi được quyền bình đẳng rồi!". Còn đàn ông, các chàng cũng không cần phải che giấu cảm xúc và suy nghĩ, cũng như con người thật của mình nữa. Khi ấy, phe tóc ngắn và phe tóc dài mới có thể thực sự thấu hiểu, yêu thương và tôn trọng nhau thật lòng được.
Mà này, có phải bạn đang nghĩ trong đầu rằng phe tóc ngắn là đàn ông, còn phe tóc dài là phụ nữ không đấy?
Ý của tôi là ngược lại kia.