Mất gần một tiếng ngồi xe từ trung tâm thành phố băng qua đại lộ Võ Văn Kiệt, ngược về quốc lộ 1A rồi len lỏi vào con đường nhỏ của xã Tân Kiên, tôi mới đến được Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (số 15 đường Võ Trần Chí, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Khánh thành vào ngày 16/1/2017, đây được xem là bệnh viện có quy mô xây dựng lớn nhất tại khu vực phía Nam.
Bước vào cổng viện, một hình ảnh thân thương đập ngay vào mắt tôi. Trên những bức tường cao là hình vẽ các con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu như sư tử, gà trống, cá voi, chim,... Cạnh bên, dãy nhà 8 tầng sáng chói với sắc xanh, đỏ, tím, vàng rực rỡ của những ô cửa san sát. Chưa kể nãy giờ, gió mát từ phía hồ sen lớn cạnh hàng rào thổi lồng lộng. Cảm giác đầu tiên là đây giống như một nhà trẻ khổng lồ chứ không phải nơi điều trị bệnh.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
Cánh cửa tự động mở ra, hai nhân viên mặc đồng phục xanh da trời đã đứng chờ sẵn từ khi nào, cúi đầu chào nhẹ nhàng. Hành lang bệnh viện khá rộng rãi và sáng sủa nhờ ánh sáng tự nhiên chiếu thẳng từ trần nhà gắn kính trong suốt. Giữa sảnh có đặt các bàn ghế nhỏ cho phụ huynh ngồi nghỉ chân, đồng thời để các nhân viên thuận tiện trong việc tư vấn tại chỗ. Một số em bé hiếu động đã kịp chạy đến những chiếc cầu tuột ở khu vui chơi mini...
Dạo một vòng, tôi phát hiện nơi đây có rất nhiều điều đặc biệt. Đầu tiên là phòng cho con bú, ngay cạnh quầy tiếp tân, nơi để các bà mẹ chăm con trong thời gian chờ đợi thăm khám. Kế đến là nhà vệ sinh hiện đại, có khu dành riêng cho người khuyết tật. Và điều ấn tượng nhất là tại một góc cách sân cầu tuột không xa xuất hiện hẳn một cây đàn piano lớn. Được biết vào những dịp đặc biệt, bệnh viện sẽ mời một vài nghệ sĩ đến biểu diễn đàn và vĩ cầm. Thật hết sức tâm lý!
Tôi vào thang máy, nhấn thử ô số 4. Lên đến nơi, lại có hai nhân viên đồng phục xanh ở đó tự bao giờ, và lại cúi chào. Sự thân thiện này khiến tôi thực sự thích thú, và càng sảng khoái khi trên đây là một khuôn viên rộng phủ đầy thảm cỏ xanh. Hỏi ra mới biết ngay từ trước khi khánh thành, bệnh viện đã thuê hẳn giảng viên trường du lịch về đào tạo tác phong, ứng xử với người bệnh cho nhân viên. Thảo nào mà mọi thứ đều rất chuyên nghiệp.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố chia sẻ với tôi: Tất cả các trang thiết bị tại bệnh viện đều được nhập từ nước ngoài theo tiêu chuẩn G7. Bệnh viện được xây dựng với quy mô 1.000 giường bệnh trên tổng diện tích khu đất 12 hécta cùng với tổng mức đầu tư lên đến 4.200 tỷ đồng.
Bệnh viện được thiết kế theo tiêu chí hiện đại, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường với đầy đủ các khu khám, chữa bệnh nội ngoại trú; khu cận lâm sàng và chẩn đoán y khoa; khu đào tạo; khu hành chính.
Đây cũng là bệnh viên nhi đầu tiên được trang bị hiện đại với khối hồi sức tích cực chống độc có máy oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO). Trong lĩnh vực ngoại khoa, bệnh viện được trang bị phòng mổ Hybride cho phẫu thuật tim mạch, khoa ngoại thần kinh với hệ thống kính vi phẫu, thiết bị định vị thần kinh. Chẩn đoán hình ảnh được trang bị máy cộng hưởng từ (MRI) và Máy chụp cắt lớp điện toán (CT scan) hiện đại 256 lát cắt. Đặc biệt, với ngành Ung bướu nhi, đây là lần đầu tiên một bệnh viện nhi được xây dựng khoa Y học hạt nhân và khoa Xạ trị dành riêng cho trẻ em.
Để công trình có thể đi vào thi công, đẩy nhanh tiến độ và sớm đi vào hoạt động như hôm nay, có sự sẻ chia rất lớn của 72 hộ dân tại xã Tân Kiên, khi họ sẵn sàng nhường mảnh đất gia tộc của mình để xây bệnh viện.
Anh Nguyễn Thành Quý (33 tuổi) - người đã nhường tới 6.000 mét vuông đất gia tộc cho công trình xã hội này - chỉ ra khu vui chơi rộng lớn phía sau bệnh viện, cười bảo: "Chỗ này và khu vực khoa Nhiễm ngày trước là mảnh ruộng nhà mình đó". Toàn bộ mảnh đất cha truyền con nối không còn, giờ đây gia đình anh Quý phải dạt sang khu vực chợ Đệm (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) sinh sống. Tuy vậy, người đàn ông này rất tự hào: "Có bệnh viện này sức khỏe con em tôi cũng được chăm lo. Tôi tự nguyện nhường đất để con em mình được khoẻ mạnh".
Anh Nguyễn Tuấn Anh (32 tuổi) trước đây sống nhờ mấy công đất khô cằn cày cấy nhưng không đủ sống, anh phải đi giao nước đá cho một đại lý để mưu sinh. Ngay khi nghe về dự án xây bệnh viện và biết mình trong diện quy hoạch, người đàn ông cũng không ngần ngại "hiến đất". Thấy cuộc sống của anh bấp bênh, bệnh viện quyết định tạo nhận người đàn ông vào làm việc. "Mình vào làm bảo vệ tại bệnh viện từ lúc khánh thành đến giờ. Vừa giúp cho trẻ em quê mình có nơi chữa bệnh, vừa tìm được công việc ổn định xem như niềm vui nhân đôi" - anh chia sẻ.
Bác sĩ Thu Hà cho biết, để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, bệnh viện rất cởi mở trong việc tuyển dụng nhân lực. Đến thời điểm hiện tại, nơi đây đã có trong tay 600 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó khoảng một nửa là nhân lực tại chỗ. Tuy vậy, nỗi lo về việc làm sao để đảm bảo chất lượng y bác sĩ để xứng với tầm vóc của bệnh viện vẫn luôn khiến ban lãnh đạo bệnh viện phải suy nghĩ mỗi ngày.
Hiện tại, mỗi ngày bệnh viện đã đón 600 lượt khám. Giờ chỉ mới khám rồi cấp toa cho về, nhiều trường hợp cần ở lại điều trị thì trong Quý II-2017 bệnh viện bắt đầu nhận bệnh nhân nội trú. Ở vị trí này, các bệnh nhân miền Tây lên rất dễ, không phải loằng ngoằng vào trung tâm thành phố, len lỏi kẹt xe bụi bặm. Đây là khu có thể gọi là vùng sâu vùng xa nhưng lại có một bệnh hiện đại bậc nhất Việt Nam. Tôi vui vì giấc mơ về một bệnh viện nhi nhân văn, hiện đại, văn minh đã trở thành hiện thực. Ngành Y tế thành phố sau 42 năm giải phóng đã có một bệnh viện mới hiện đại ngang tầm khu vực".
Những lời chia sẻ này cộng với những cái cúi chào, nụ cười thân thiện mà tôi gặp ngay từ khi vừa bước chân vào bệnh viện đã chứng tỏ sự tâm huyết của những người xây dựng nên nó. Bác sĩ Thu Hà hỏi tôi, rằng khi thấy những cái cúi chào ấy, bản thân mình có cảm giác được tôn trọng hơn không, và không khí bệnh viện cũng dễ chịu lắm đúng không? Tôi gật đầu. Và chị khẳng định chắc nịch, bệnh viện sẽ mãi giữ tác phong như vậy, với phương châm luôn đặt bệnh nhân là trung tâm, để xứng với một bệnh viện hiện đại mang tầm vóc khu vực, dù đi lên từ một bãi đất xa xôi mịt mù.