Rosem Morton vốn là một y tá bình thường ở Baltimore, cho đến ngày một biến cố kinh khủng xảy ra với cô: Bị cưỡng hiếp. Câu chuyện kinh hoàng xảy ra dẫu bản thân tuân thủ theo mọi quy tắc an toàn đã khiến Rosem bị sang chấn tâm lý và mất nhiều tháng để đi trị liệu. Trong thời gian khủng hoảng ấy, cô đã cầm đến chiếc máy ảnh. Với Rosem, nhiếp ảnh vừa là để thể hiện những cảm xúc của bản thân, vừa là cách để cô chữa lành và động viên những nạn nhân bị cưỡng hiếp như mình. Bộ ảnh của Rosem Morton mới đây đã được đăng tải trên CNN cùng câu chuyện làm sao cô vượt qua chuỗi ngày đen tối của mình.

--------------

Sau khi tôi bị cưỡng bức, ngày dài như chẳng bao giờ kết thúc. Cảm giác như tôi đã quắp mình vào một cái hố sâu vô tận đến tắc thở, cạn kiệt và chết dần mòn. Tôi không thể ngủ. Tôi không thể ăn. Tôi không thể làm việc. Tôi tồn tại trong cái cảm giác những cơn hoảng sợ có thể ập đến thường xuyên và bất cứ lúc nào.

An toàn là gì? An toàn ở nơi đâu? Tôi bị chôn vùi và hoảng loạn. Thứ cảm giác này xâm chiếm cơ thể và tôi cần một lối thoát để được thở. Trong nỗ lực cắt nghĩa được những gì mình đã trải qua, tôi cầm tới chiếc máy ảnh và bắt đầu chụp. Tôi chụp mọi thứ, từ những gì tôi thấy cho tới những gì đã xảy ra, hay những gì tôi cảm nhận. 

Tôi coi việc chụp ảnh như một cách thu thập bằng chứng của bản thân mình. Bằng chứng cho sự vật vã của tôi, cho nỗ lực sinh tồn của tôi. Tôi học cách chấp nhận thực tế qua chiếc lens của máy ảnh. Việc chụp ảnh dần trở thành một cách để tôi biểu thị nỗi niềm và cả những cơn đau câm lặng của mình.

02

03

04

Khi tôi nói với chồng mình rằng tôi bị xâm phạm, tôi đã nói rằng: "Em sẽ đi trị liệu trong khoảng vài tháng và vứt tất cả những điều này lại sau lưng". Đến tháng mười một, tôi đã gặp bác sĩ tâm lý hàng tuần trong suốt bốn tháng. Vậy mà tới cuối chu trình, tôi vật ngã trong xe của mình và nhận ra mọi thứ mới chỉ bắt đầu. "Mày an toàn mà. Mày an toàn mà. Mày an toàn mà". Tôi liên tục tự nhắn nhủ với bản thân mình cho bình tĩnh lại.

Theo thống kê của Mạng lưới Quốc gia về Hãm hiếp, Quấy rối và Xâm phạm tình dục trẻ em (RAINN), cứ mỗi 92 giây lại có 1 người Mỹ trở thành nạn nhân bị tấn công tình dục. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ bị cưỡng bức rơi vào khoảng 1/6. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khẳng định bạo lực tình dục có thể gây ra vô số hậu quả trong ngắn và dài hạn bao gồm các vấn đề kinh niên về sức khỏe, suy giảm năng lực làm việc và tệ hơn cả, có lẽ là rủi ro cao hơn trong việc gặp phải những người tình bạo lực trong tương lai.

Những số liệu này thật đáng báo động, nhưng một năm về trước, tôi chẳng nghĩ nhiều về chúng. Tôi cứ ngây thơ tin tưởng rằng nếu tôi cứ nghe theo những điều được dạy - tránh những con hẻm tối, không ăn mặc quá hở hang, cẩn trọng với người lạ, thì tôi sẽ không vướng phải những chuyện này. Vụ tấn công ấy không chỉ phá vỡ khái niệm sai lầm này của tôi, mà còn khiến tất cả mọi thứ trong tôi vụn vỡ.

05

Vào tháng 10, tôi nhận được cuộc điện thoại từ chính kẻ hủy hoại cuộc đời mình. Cuộc gọi không phải để thừa nhận lỗi lầm hay xin lỗi gì cả mà mục đích của hắn chỉ để nói cho tôi biết, hắn cho rằng hành động của mình là có thể hiểu được. Cuộc điện thoại tàn độc ấy khiến tôi căm phẫn đến nỗi tông xe vào gara, làm vỡ gương chiếu hậu. Vài ngày sau đó, tôi vẫn thấy bản thân nát tan từng mảnh.

06

Trên một mảnh giấy nhàu nhĩ, tôi viết từng chi tiết về vụ cưỡng bức của mình để chồng tôi đọc "khi anh sẵn sàng".

07

Bức ảnh này được chụp vào tháng hai, đó là lần đầu tiên sau vụ cưỡng bức, tôi đi du lịch một mình tới một nơi không ai quen biết.

Tôi đã cố phản kháng và liên tục hét lên: "Không, không, không". Nhưng hắn ta không dừng lại. Tôi nhớ mình đã run rẩy tới mức không kiểm soát nổi vào cái ngày hè nóng nực ấy. Tôi cảm giác như sự trống rỗng từ bên trong dần chiếm đoạt lấy mình. Tôi thấy dường như mình chẳng còn lại gì. 

Nhưng tôi không muốn tập trung vào những chi tiết của vụ tấn công ấy. Tôi cần tập trung vào hậu quả của câu chuyện.

Tôi thoát khỏi kẻ cưỡng bức tôi trong tình trạng bàng hoàng và đi bộ suốt một tiếng để về nhà. Tôi thuật lại mọi chuyện cho bạn thân nghe, người không tin hay hiểu nổi điều tôi đang nói. Chúng ta đã làm đúng theo những gì được hướng dẫn. Sao chuyện đó lại có thể xảy ra cơ chứ? 

Nhưng nó có thể và nó đã thật sự xảy ra. Tôi gọi cho chồng và anh ấy hỏi tôi đã báo cảnh sát chưa. Tôi chưa. Tôi như bị đóng băng. Thật nực cười cái cách cơ thể gài chúng ta tự bảo vệ mình khỏi những hành vi quẫn trí. Vào cái khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy chuyện tồi tệ đó được diễn ra một ngày rồi chứ chẳng phải vài giờ. Tôi cảm thấy quá muộn để việc thông báo với cảnh sát còn có ý nghĩa.

Layer 135

Một số bạn bè của tôi dường như chỉ quan tâm rằng tôi đã làm thế nào khi sự việc xảy ra chứ chẳng mấy quan tâm đến câu trả lời thành khẩn đến khổ sở của tôi. Sự thật là chẳng ai chuẩn bị cho những thương tổn bởi không ai nói về chuyện ấy.

Một tuần sau, tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ đầu tiên. Bác sĩ phụ khoa của tôi, người tôi tìm đến điều trị sau vụ tấn công nhận ra tôi đang trong cơn khủng hoảng và giới thiệu tôi tới một chuyên gia tâm lý phù hợp. Tôi quyết định giãi bày nhiều hơn với bạn bè để gom góp động lực. Nhưng ngược lại, tôi cảm thấy xấu hổ và tội lỗi.

Càng chia sẻ, tôi càng nhận lại những hồi đáp không tích cực. Chia sẻ quá sớm cũng có cái giá của nó. Cảm giác như máu tôi đang chảy tới kiệt khô vậy. Tôi nghĩ mình thực sự được họ tin tưởng và động viên. Nhưng thực ra tất cả những gì tôi cần chỉ là tự tin tưởng và động viên bản thân. Chuyện tồi tệ ấy dù thế nào vẫn không phải là lỗi của tôi.

12

Một chuyến bay kéo dài 20 giờ là một khoảng thời gian đằng đẵng để bạn ở một mình cùng tâm trí. Tôi bồn chồn lo lắng không ngừng nghỉ, nên thay vì thế, tôi cầm điện thoại lên và chụp ảnh.

13

Sự bồn chồn của tôi đến từ tận đáy sâu bên trong và đang tìm cách bứt phá ra ngoài.

Sau đó một thời gian, tôi quyết định báo cảnh sát. Khi ấy, mọi người đưa ra nhiều lời khuyên trái chiều, chủ yếu là bảo tôi đừng làm như thế. Họ nói đời tôi sẽ đảo lộn trong khi kẻ thủ ác thì thoát tội. Họ cảnh báo tôi điều gì sẽ xảy ra trước tòa, nhưng không cảnh báo tôi về những sang chấn tôi gặp phải trong quá trình đó. Khi tôi báo cho một nhân viên cảnh sát rằng mình muốn báo cáo về vụ cưỡng hiếp, cô ta yêu cầu tôi đi ra bên ngoài và bắt tôi khai giữa nơi công cộng. Cô ta ngắt lời tôi và nói cô ta không thể tiếp nhận báo cáo của tôi.

Thật tuyệt vọng khi phải van xin người khác thực hiện trách nhiệm phục vụ và bảo vệ người dân của mình. Và trái tim tôi càng tan nát hơn khi phải cầu xin một người phụ nữ hãy tin vào một người cũng là phụ nữ. Tôi nói chuyện với rất nhiều nhân viên cảnh sát khác sau đó, nhưng họ đều nói với tôi rằng vụ kiện này chỉ tốn thời gian của họ. Đến đây, tôi hiểu vì sao có đến 80% trường hợp bị cưỡng bức hoặc tấn công tình dục không được khai báo (căn cứ vào báo cáo của Bộ Tư pháp năm 2016) và trong số 1.000 kẻ ác thì có đến 995 tên được trả tự do (dựa trên số liệu của RAINN). Xã hội thường chọn làm việc dễ dàng hơn là việc đúng đắn.

Layer 136

 

 

Tuy vậy, tôi vẫn tìm kiếm một nhân viên cảnh sát khác để khai báo. Tôi đã khai báo câu chuyện của mình nhưng chẳng được nghe bất cứ lời nào rằng sẽ có một cuộc điều tra được mở ra. Dù đau đớn, tôi đã đứng lên và đấu tranh cho chính bản thân mình. Hầu hết thời gian, những bức ảnh đã cứu vớt tôi. Chúng là cầu nối giúp hàn gắn những khoảng trống và cho phép tiếng nói tôi tưởng mãi mãi phải lặng câm được lên tiếng. Dần dần, tôi nhận ra điều mình thật sự mong mỏi. Tôi cầu mong sự kết nối với chính bản thể tâm hồn tôi đã đánh mất.

Khi tôi hoàn thành dự án ảnh này, tôi dần nhận ra rằng vụ cưỡng hiếp không chỉ là một cuộc tấn công lên thể xác và tâm trí, mà còn bóp nghẹt tiếng nói của nạn nhân. Tôi luôn nghĩ xem cuộc sống mình sẽ khác nhường nào nếu trước đây tôi biết một câu chuyện tương tự như những gì xảy ra với mình, tôi đã có thể biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ. Và có lẽ nếu vậy, khi tôi 27, tôi đã không bị cưỡng bức. Có lẽ nếu vậy, tôi đã không phải đi trị liệu những sang chấn mà vụ cưỡng bức này để lại trong cuộc đời mình.

18

Tôi gặp bác sĩ phụ khoa của mình trong một lần khám bệnh. Anh hỏi tôi sao rồi. Tôi biết mọi người đang cổ vũ mình.

19

Tôi đang học lại về cơ thể mình và việc thân mật có ý nghĩa thế nào.

20

Tôi tự bảo sẽ xăm một bông hoa dại lên mình một ngày nào đó như một lời tuyên bố về những điều mình đã trải qua.

Thỉnh thoảng, chồng vẫn hay hỏi tôi rằng vì sao lại chia sẻ dự án của mình sớm hơn dự định, tại sao không chờ thêm chút nữa. Tôi luôn đáp lại rằng: "Vì em cảm thấy nó cần thiết và quan trọng, cần phải được chia sẻ nhanh nhất có thể". Mặc dù vẫn còn cách vạch đích rất xa nhưng tôi hiểu mình cần phải kể câu chuyện của mình. Thế giới này càng buộc chúng ta im lặng, tôi càng muốn cất lên tiếng nói của mình. Dự án này dành tặng cho chính tâm hồn của tôi trong quá khứ và rất nhiều nạn nhân khác đang cảm thấy cô độc trong hành trình tìm lại chính mình. Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ đơn độc.

B - K
Bi
CNN