Nữ tu Lê Thị Xoài, người phụ nữ dành cả một đời cống hiến cho công tác xã hội - Ảnh 1.


Sơ Xoài chia sẻ về hành trình hơn nửa đời người vun vén cho những mảnh đời khổ.

71 tuổi, có đến 40 năm làm công tác xã hội, gồm 25 năm làm việc tại bệnh viện tâm thần, 15 năm làm công tác thiện nguyện chăm sóc người có HIV nhưng khi báo chí tìm đến, sơ Xoài thường thoái thác “Mấy cái chuyện này có gì đâu mà lên báo", “Sơ có làm gì đâu?” và luôn miệng nhắc đến những người phụ nữ khác có đóng góp và hy sinh đáng kể hơn mình rất nhiều. Chữ “tâm” của người làm thiện nguyện là một tinh thần cống hiến thầm lặng, không mong đền đáp, không chờ tôn vinh.

Những năm tháng còn sung sức, sơ Xoài dành 25 năm làm công tác thiện nguyện tại bệnh viện tâm thần. Đến tuổi nghỉ hưu, thấy mình vẫn còn có thể cống hiến, năm 2004, sơ cùng đoàn nữ tu tới công tác tại bệnh viện Nhân Ái với trụ sở chính tại Huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. 

img
img
img
img
img
img
img

Dù đã nghỉ hưu từ lâu nhưng hiện sơ Lê Thị Xoài lại tiếp tục chăm sóc các em nhỏ ở trường Khuyết tật Thanh Tâm.

Nói đến cơ duyên đưa mình đến với công việc đầy khó khăn này, sơ Xoài cười: “Lúc đó mình theo đúng tinh thần công giáo là muốn tới chăm sóc các bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, lên đó (bệnh viện Nhân Ái) thì sẽ gặp được các em ấy, thế là mình lên thôi chứ không có nghĩ nhiều chi hết. Có người cần giúp thì mình đi, đâu cần cơ duyên gì, một khi việc tốt đã xuất phát từ chữ “tâm”, thì công việc có ở nơi xa xôi ta cũng đến, khi tuổi cao sức yếu ta vẫn đi”. 

Công tác tại bệnh viện Nhân Ái - Bù Gia Mập (Bình Phước) đã giúp nữ tu Lê Thị Xoài có cơ hội được tiếp xúc, chăm sóc và lan tỏa tình thương đến các bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, mà theo lời Sơ: “Có rất nhiều người ngoài kia còn đang nằm bờ nằm bụi”.

Nữ tu Lê Thị Xoài, người phụ nữ dành cả một đời cống hiến cho công tác xã hội - Ảnh 2.

Có chuyên môn về y tế, sơ Xoài được phân công làm việc tại Khoa Chăm sóc đặc biệt, nơi có những bệnh nhân HIV giai đoạn cuối.

Ai cũng nghĩ, chăm sóc người bệnh HIV giai đoạn cuối là một công việc… kinh khủng. Khoảng 10 năm trước, khi đại dịch HIV bùng phát và số người nhiễm H lên tới 290.000 người (2008), người ta không còn cách nào khác để giáo dục về căn bệnh này ngoài những từ ngữ nặng nề như “đại dịch”, “hiểm họa”, “căn bệnh thế kỉ”. 

HIV được gắn với hình ảnh gái mại dâm và những người tiêm chích ma túy gầy gò, xăm trổ, đáng sợ. Ai cũng nghĩ “si đa” giai đoạn cuối là máu me, lở loét, nhưng thật ra không phải thế. Tại Bệnh Viện Nhân Ái, bệnh nhân cao tuổi nhất cũng đã tầm tuổi sơ, người nhỏ tuổi nhất chỉ là những đứa trẻ, sơ đều thân mến gọi họ là “em”. Rất nhiều người phải vào viện Nhân Ái vì bị ảnh hưởng HIV từ người thân.

Sơ Xoài chia sẻ, cũng như nhiều bệnh khác, virus HIV cũng có khả năng tàn phá con người. Có điều, người ta sợ nó vì nó chưa có thuốc chữa và cách lây truyền của nó bị gắn chặt với tệ nạn xã hội. “Chứ bệnh nào mà chẳng đau, chẳng khổ, chẳng gầy gò đáng sợ. Những con người tuyệt vọng không đáng sợ, họ đáng thương”.

“Ngày ấy chưa có thuốc ARV, ai lên đây cũng nghĩ cuộc đời vậy là hết. Có những người khỏe hơn thì chẳng có việc làm, cứ ra ngoài ngồi, rồi vào trong giường. Một số em bỏ về vì… chán, rồi lại ăn chơi, bệnh nặng thêm, lây cho người khác. Công đoàn bệnh viện nghĩ ra biện pháp “lao động trị liệu”, tạo công ăn việc làm cho các em. Thù lao không nhiều đâu nhưng giúp các em cảm thấy cuộc sống có động lực hơn.

Có nhiều người tháo vát, cũng có nhiều người chưa được khéo tay cho lắm nhưng tất cả đều được bồi dưỡng từ 150 đến 200 ngàn đồng mỗi tháng. Nhiều bệnh nhân tới cuối tháng là hớn hở khoe với sơ: “Sơ ơi bữa nay con lãnh lương”, sơ nhìn thấy niềm vui trong mắt họ”. 

Còn chúng tôi, có thể cảm nhận rõ ràng được sự tươi tắn và hạnh phúc trên gương mặt sơ khi kể cho chúng tôi nghe về hành trình tìm lại mục đích sống cho những người có H, như một thành tựu!

Người có HIV không đáng sợ, họ đáng thương nhiều hơn. Việc mình cần làm là tạo điều kiện cho họ lao động và sống có ích hơn, để họ không nhầm tưởng rằng cả xã hội đang coi họ như gánh nặng. Suy cho cùng, cái "tâm" của người làm thiện nguyện không chỉ là giúp đỡ người bệnh, mà còn là truyền cho họ niềm tin rằng dù bệnh tật, họ có thể tồn tại độc lập, thậm chí là giúp đỡ thêm nhiều người. Mình cho tiền họ là chưa đủ, mình cho họ thuốc, cho họ ăn cũng chưa đủ, mình cho họ niềm vui, cho họ động lực sống mới quan trọng

Nữ tu Lê Thị Xoài, người phụ nữ dành cả một đời cống hiến cho công tác xã hội - Ảnh 8.

Nữ tu Lê Thị Xoài, người phụ nữ dành cả một đời cống hiến cho công tác xã hội - Ảnh 5.

Việc các bệnh nhân HIV có con với nhau luôn là một câu chuyện khó nói tại Bệnh Viện Nhân Ái. Thấy các em thương nhau, sơ vừa mừng vừa lo. Như bao “bà mẹ” lớn tuổi khác trên đời, gặp trường hợp nào sơ cũng căn dặn cẩn thận: “Phải giữ gìn! Bạn bè với nhau để tâm sự thì được, nhưng nhất quyết phải giữ gìn”. 

Cái tâm của nghề, đôi khi là sự giằng co quyết liệt giữa tình thương của một người mẹ, người cô, người bạn và trách nhiệm của người làm y tế. Không một ai trên đời muốn nhìn con số người nhiễm HIV tăng lên, nhưng cũng nào có ai trên đời nỡ nhìn những người mình quan tâm phải dằn vặt đau khổ, nhìn những sinh linh bé bỏng đang hình thành bị đem ra đánh cược trên ván bài số mệnh?

Nữ tu Lê Thị Xoài, người phụ nữ dành cả một đời cống hiến cho công tác xã hội - Ảnh 3.

Bước dọc hành lang, nhìn các em nhỏ tại trường khuyết tật Thanh Tâm chơi đùa, sơ kể với giọng buồn: “Ngày đó, cấm chúng nó thương nhau vì sợ có thai, rồi đẻ con ra đấy, rồi bố mẹ chúng nó có làm sao thì chính đứa trẻ phải khổ. Người ta cứ gàn sơ rằng chúng nó thương nhau thì kệ chúng nó chứ, ở cái chốn này mà tìm được niềm vui sống là điều đáng mừng. Nhưng sơ thương những đứa trẻ. Rồi đây ai chăm sóc chúng nó?”.

Thế rồi cũng có những người, họ yêu và tình yêu muộn màng của họ đơm hoa kết trái tại một nơi mà tưởng chừng như không còn hy vọng. Họ vui một, sơ lo mười. Có những người chưa có con cái, cả đời mong muốn có một mụn con, để “sau này con chết đi, còn để lại chút gì đó trên đời”. 

"Sơ thương lắm! Những em nào quyết định sinh con, sơ động viên. Biết đâu con cái sinh ra không nhiễm. Mà nhiễm thì có sao chứ? Giờ có thuốc rồi, chỉ cần uống thuốc đầy đủ là chúng có thể lớn lên khỏe mạnh, lập gia đình, sinh con bình thường. Ngoài kia đầy cặp vợ chồng chỉ có một người nhiễm mà họ vẫn ở với nhau đó thôi". 

"Nếu mà người ta thương nhau thật lòng ấy, thì không có khó khăn gì là không vượt qua được", câu nói của sơ, có lẽ không chỉ đúng với những cặp vợ chồng sống chung với HIV, mà còn là chân lý tình yêu, tình bạn, tình thân mà tất cả mọi người đều nên khắc cốt ghi tâm.

Nữ tu Lê Thị Xoài, người phụ nữ dành cả một đời cống hiến cho công tác xã hội - Ảnh 7.

40 năm cống hiến trong những môi trường khắc nghiệt nhất, vài tháng trước, sơ Xoài quyết định dừng chân tại bến đỗ yên bình hơn - trường khuyết tật Thanh Tâm, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. 

Công việc giờ đây có phần đỡ vất vả hơn, sơ chăm sóc y tế cho các em, nhắc các em ăn ngủ, đi học đúng giờ, hỗ trợ các em học chữ, học vẽ. 

Nữ tu Lê Thị Xoài, người phụ nữ dành cả một đời cống hiến cho công tác xã hội - Ảnh 4.

"Ở đây có nhiều bé khuyết tật, có nhiều bé chẳng mắc bệnh gì cả nhưng bị ba mẹ bỏ rơi, cũng có những đứa đơn giản là nhà nghèo quá", sơ nói, bước chân vô thức chậm lại. Cả một đời tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh, người buồn bã, người mắc bệnh tâm thần, người nhiễm HIV, trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi, có hoàn cảnh khó khăn, toàn những chuyện buồn bã, tiêu cực, sơ buồn nhiều lắm chứ, nhưng lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui để sống qua ngày.

Có những đứa trẻ ở đây, sinh ra không được vẹn toàn, có đứa bị ba mẹ coi như gánh nặng. Nhưng chúng ta đừng trách họ, họ nghèo, họ khổ quá rồi. Khi người ta khổ, người ta có nghĩ được cái gì nhiều đâu. Bằng tấm lòng của một người mẹ, sơ luôn động viên và giúp đỡ các em. Mặc dù chúng có thể không hiểu hết những gì sơ nói, nhưng chúng luôn biết, ở đây có sơ Xoài, người bà, người mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng.  

Người đàn bà 40 năm cùng cái tâm đi vun vén cho những mảnh đời bất hạnh, 71 tuổi vẫn khiêm nhường "Sơ có làm gì đâu"  - Ảnh 10.

Mãi đến khi chúng tôi đợi taxi để về nội thành, sơ mới bật mí: “Thật ra hộ khẩu của sơ ở quận 5 đó. Gắn bó cả đời với những nơi hẻo lánh nhưng không phải là sơ không biết đến cuộc sống nhộn nhịp nội đô đâu nha!".

Sơ chỉ cho chúng tôi xe bus về Sài Gòn, thuộc lòng cả giá taxi thường lẫn taxi công nghệ. Thi thoảng sơ vẫn về nhà ở quận 5 chơi, nhưng Trường Khuyết Tật Thanh Tâm, giáo xứ An Thới Đông mới là ngôi nhà thật sự của người phụ nữ "mang nỗi niềm thiên hạ" này. 

Sơ không có gia đình riêng, càng không có con cháu, các “em”, bệnh nhân, học sinh, đồng nghiệp chính là gia đình của sơ. Có người đùa, nếu sơ không phải là nữ tu mà có cuộc sống như những người phụ nữ khác, lập gia đình, sinh con, giờ phải có vài đứa cháu rồi, liệu sơ có dành thời gian làm công tác thiện nguyện không, sơ chỉ cười: “Chắc vẫn còn chứ!”.

Suốt quãng đường hơn 40 cây số trở về “nơi phồn hoa”, tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói, về công việc, về cuộc đời của sơ Xoài và những người phụ nữ ngoài kia. Tôi cùng với những cô bạn của mình vẫn hay hẹn nhau rằng một ngày nào đó sẽ lên đỉnh LandMark 81 để ăn bát phở thịt bò Wagyu 900 nghìn đông/bát, ngắm nhìn cả thành phố từ đỉnh cao chót vót. Có những người con gái luôn tự đặt cho mình một mức thu nhập X trước ngưỡng tuổi Y, một người bạn đời với thật nhiều tiêu chuẩn, một căn hộ hàng trăm mét vuông nơi trung tâm thành phố làm mục tiêu phấn đấu.

Người đàn bà 40 năm cùng cái tâm đi vun vén cho những mảnh đời bất hạnh, 71 tuổi vẫn khiêm nhường "Sơ có làm gì đâu"  - Ảnh 11.

Và cũng có những người như sơ Xoài, cả một đời bận rộn ở những nơi hẻo lánh, xung quanh toàn là những mảnh đời bất hạnh. Nhiều người với trái tim khô hanh của cái thời đại luôn phải tìm cho mình lối đi trước, chắc hẳn sẽ không hiểu động lực nào để Sơ Xoài cứ mãi vấn vương với người dưng nước lã. Nhưng tôi biết, đối với Sơ, người chẳng hiểu sao được ban cho cách tư duy thật khác biệt vun đúc từ chữ tâm, không coi đó là những người chẳng ruột thịt. 

Có khi nào Sơ muốn đặt chân tới Bitexco, tới Vincom Đồng Khởi, tới LandMark 81 không nhỉ? Nhưng những thứ hào nhoáng chốc lát có lẽ không phải là niềm hạnh phúc lâu dài và bền bỉ mà người phụ nữ đã quen với những thứ bình dị này mơ đến.

Người ta cứ quan niệm phồn hoa là những thứ vật chất, là nhà lầu, xe hơi, nhưng buổi tiệc tùng tiền tỉ, là công nghệ hiện đại tí hon tọa trên bàn tay ngà ngọc, là những tán tụng từ những kẻ xung quanh. Nhưng hóa ra còn có một thứ “phồn hoa” khác mà có nghìn vàng vạn bạc người ta cũng chẳng mua nổi: đó là sự thấu hiểu và chở che. Hóa ra, nơi đâu có tình người, nơi đó có phồn hoa.

Và có lẽ, như Sơ Xoài, sẽ là một trong những người giàu có nhất. Giàu ở cái tình bình dị của người Nam. 

Nữ tu Lê Thị Xoài, người phụ nữ dành cả một đời cống hiến cho công tác xã hội - Ảnh 11.

Hà Lưu
Andy
KingPro
Bi
Theo Trí Thức Trẻ