Không chỉ vì Hải Anh là một trong những người đi đầu trào lưu này ở Hà thành, mà còn vì cái cốt cách của mỗi món đồ mà cô làm ra, mộc mạc chân phương mà cầu kỳ tinh tế, gợi nhớ những hoài niệm "phong lưu nhất mực".
Ngồi với Hải Anh trong căn phòng pha chế mùi hương của cô, bên chiếc bàn trà bằng sơn mài, uống cốc trà có hương vị thanh mát đựng trong cốc gốm làm tay xéo xọ có vẽ một bông hoa bồ công anh, ngắm vạt nắng mùa đông hanh hao xiên qua tấm mành tre ngoài ban công. Thời gian như khẽ khàng khi trôi qua đây.
Hải Anh học hội họa sơn mài tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Ra trường, cô làm decor sơn mài cho một công ty chuyển sản xuất các sản phẩm xuất Nhật. Làm việc nhiều với các làng nghề sơn mài, chứng kiến sức khỏe của người lao động bị sơn hủy hoại, kênh mương cống rãnh quanh làng đen đặc hôi nồng, Hải Anh bị ám ảnh.
Cảm thấy mình không thể tiếp tục công việc này được nữa, nội tâm thúc giục phải làm một cái gì đó khác đi, Hải Anh nghỉ việc. Đó cũng là quãng thời gian mà cô mất cân bằng. Để giải quyết vấn đề tâm lý, Hải Anh tìm tới thế giới của mỹ phẩm thiên nhiên. Đó là quãng năm 2011 - 2012.
"Lúc đó em chỉ muốn tìm cách để mình cân bằng lại, và làm vì nỗi sợ hãi, sợ vi khuẩn, sợ hóa chất, sợ bệnh tật. Em bắt đầu làm cho nhà mình dùng, từ xà phòng, đồ dưỡng da, son các kiểu", Hải Anh chia sẻ, bằng giọng nói chỉ vừa đủ cho một không gian nhỏ nghe thấy.
Nhưng từ hứng thú đến thực tế vốn là một hành trình dài, Hải Anh kể cô phải đọc rất nhiều sách và làm thử rất nhiều lần. Vừa làm vừa đọc vừa rút kinh nghiệm, hỏng không biết bao nhiêu lần, làm đi làm lại cho đến khi ra được thành phẩm hài lòng.
Ám ảnh tâm lý khiến Hải Anh muốn làm ra một thứ "sạch tuyệt đối", một thứ mỹ phẩm lành tính đến ăn được. Thế nên, cô sử dụng tất cả các nguyên liệu 100% thiên nhiên và làm hoàn toàn thủ công tại nhà, không mùi hương nhân tạo, không phẩm màu, không chất bảo quản.
Nhớ lại những ngày đầu tiên thân thương ấy, Hải Anh tự nhận mình "sính ngoại" khi sử dụng hầu hết là nguyên liệu hữu cơ ngoại nhập rất đắt đỏ. Tinh dầu phải của Now Food (một thương hiệu Organic lớn Hoa Kỳ), các loại bơ thực vật và dầu nền đều dùng loại Extra Virgin, Pure và Unrefined có nguồn gốc từ Mỹ, Ghana. Với cô, đó mới là những nguyên liệu hàng đầu. Chỉ một số ít từ nguồn tin cậy trong nước.
Làm ra được sản phẩm tốt đã khó, đã tốn công tìm tòi mày mò, nhưng thứ mất nhiều thời gian tâm sức nhất của Hải Anh lại là bao bì. Từng làm công việc liên quan tới nghệ thuật nên Hải Anh đặc biệt quan trọng hình thức. "Nguyên liệu tốt rồi nhưng nó phải hiển thị được ra bên ngoài", cô bảo.
Thị trường thì không thiếu gì bao bì đẹp, "nhưng toàn bao bì Tàu", cô cảm thấy không muốn nhập. Nhớ lại hồi làm sơn mài, biết nhiều làng nghề Việt Nam chưa được tận dụng, thế là Hải Anh nghĩ ra gốm. "Em sang Bát Tràng, vào đại một nhà, gặp anh chủ, đưa ra mẫu mã thì anh ấy gật đầu nhận lời làm luôn", Hải Anh kể về những chiếc lọ gốm men trắng rạn được dùng cho trọn bộ những sản phẩm handmade của cô. Trước khi đựng sản phẩm, những chiếc hũ, lọ gốm ấy được cô cẩn thận luộc kĩ, tráng cồn.
Một ngày, Hải Anh nghe lời bạn bè "dụ" mang sản phẩm của mình tham dự một hội chợ ở khu hồ Tây. Những son dưỡng môi từ sáp ong và gấc, nước thơm chưng cất từ những loài hoa dân dã của Hà Nội, bột rửa mặt từ đậu xanh và mật ong, tẩy da chết từ hoa cúc... đựng trong các hũ, lọ gốm men trắng rạn, buộc dây gai quanh cổ lọ và treo miếng nhãn in bông hoa cúc vừa dung dị vừa kiểu cách ấy gây sự chú ý đặc biệt. Người nọ truyền tai người kia, những món đồ nhỏ xinh thơm tho của Hải Anh không đủ hàng để bán.
"Tá điền" kiêm "điền chủ" Hải Anh bảo đó là quãng thời gian vô cùng sung sướng. Bởi thứ mà cô làm ra để phục vụ đòi hỏi của bản thân, với tiêu chí là phù hợp với chính mình nhưng lại được nhiều người yêu thích và đón nhận.
Vốn dĩ, Hải Anh làm đồ handmade với tâm thế cứu rỗi bản thân chứ không phải một start up chuyên nghiệp tìm kiếm tương lai xán lạn. Cả xưởng sản xuất chỉ có cô và hai nhân viên phụ việc. Mới đây khi ông xã tham gia vào làm xà phòng thì một nhân viên lại xin nghỉ. Cuối cùng vẫn chỉ có 3 người.
Hơn thế, bao nhiêu năm qua, cô cố thủ cực đoan trong quan niệm giữ tính chất "homemade" cho sản phẩm của mình. Mùa nào thức nấy, nguyên liệu có chừng nào làm chừng đó, không cung ứng theo nhu cầu. Cực đoan tới nỗi, Hải Anh chỉ làm thứ mà cô thấy thích, thứ mà cô thấy phù hợp nhất với chính mình. Cho đến khi tìm thấy tự tính ở mùi hương thì cô cũng bỏ dần những món skincare, chỉ tập trung vào cái mà cô cảm thấy có sự kết nối mãnh liệt.
"Em mất cân bằng, rất khủng hoảng, em muốn kết nối với bên trong mình. Khi em pha tinh dầu thì nó ra một hỗn hợp rất chính xác với tình trạng hiện hữu của em. Mùi hương trở thành thứ làm lành cho em luôn."
Thực ra Hải Anh đã pha chế tinh dầu từ lâu rồi. Nhưng đó là cô làm theo đơn đặt hàng hay như cô nói là "em làm cho mọi người". Và là tinh dầu đơn chất. Tất nhiên, đó cũng là những mùi hương mà cô thích, mùi của ký ức, của tuổi thơ sống cùng ông bà ngoại ở Ninh Bình, của những năm tháng xa cha mẹ, lang thang trong khu vườn đẫm sương ngan ngát hương hoa trái.
"Đó là mùi rất quen và thương. Hồi ông bà em còn sống, khu vườn rất trù phú, nhiều cây ăn quả, cây gia vị, cây thuốc nam, rất tươi tốt. Đi loanh quanh vườn là bứt được nắm lá để xông cảm hay tắm gội. Bà rất chăm mái tóc của em, lúc nào cũng đun nước lá để gội cho cháu nên tóc em từng rất dài và đen. Sau này ra thành phố ở với bố, lớn lên, tuổi trẻ thích cái mới mà quên đi truyền thống. Từng nghĩ nó lích kích quá, phải hái, phải đun mất thời gian, nhưng thực ra không hẳn, chỉ là do hòa vào lối sống phổ thông thôi. Cứ như thế, dần dần em đánh mất sự kết nối với tự nhiên. Mà không chỉ có em, nhiều người của cuộc sống hiện đại đều bị như vậy", Hải Anh thủ thỉ.
Khách mua tinh dầu của Hải Anh hầu hết đều là người xa quê, đi du học nước ngoài. Họ cũng nhớ, cũng thèm thứ mùi gợi ký ức, gợi nhớ tuổi thơ, gian bếp và mái hiên xưa cũ. Hải Anh tâm sự: "Sản phẩm của em mang tính tinh thần nhiều hơn. Có thể nó chưa hoàn hảo, chưa giúp người ta giải quyết được vấn đề về da, nhưng họ vẫn yêu thích, có lẽ vì nó chạm tới tự tính bên trong họ".
Nhiều năm qua, Hải Anh chỉ làm mùi hương theo mùa của Hà Nội, hết mùa thì dừng, và mỗi mùa hoa ngắn ngủi cũng chỉ làm một số lượng nhất định từ số hoa thu gom được quanh hai làng Ái Mộ, Ngọc Lâm. Mùa xuân thì làm hoa bưởi, mùa thu thì làm ngọc lan, mùa hè có sen có nhài, mùa đông có mùi già. Trừ số ít tinh dầu có quanh năm như hoàng lan, sả chanh…
So với làm tinh dầu và chưng cất nước thơm, pha chế mùi hương cầu kỳ và phức tạp hơn rất nhiều. Ban đầu cũng là những đơn đặt hàng riêng cho nến, xịt phòng, khuếch tán…, và Hải Anh không nghĩ mình lại sa đà vào thế giới mê hoặc ấy. Cho tới khi cô ngỡ ngàng nhận ra mình đã pha ra cái mùi "không thể hiểu được tại sao" và nó đã chữa lành cho cô như thế nào.
Thay vì dùng nguyên liệu ngoại nhập, Hải Anh dùng tới 80% là nguyên liệu trong nước với mong muốn hỗ trợ các nhóm sản xuất nội địa. Cô phát hiện ra tinh dầu Việt Nam rất phong phú và mang tính kháng khuẩn, tính trị liệu cao. Hải Anh gọi đó là khả năng trị Lành. Mà với riêng cô không chỉ là những vết thương trên cơ thể vật chất.
Công thức pha chế là "basic", phải tuân theo, song Hải Anh tự nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau để kết hợp các lớp hương, làm sao sáng tạo ra một mùi hương hòa quyện nhất, và quan trọng nhất là phù hợp với mình nhất. Để đạt tới cái gọi là "sự phù hợp" ấy, có lúc Hải Anh vã mồ hôi qua hàng chục giờ đồng hồ cũng không xong. Nhưng có những lúc lại rất chóng vánh và ra được mùi hương cực kỳ hài lòng. Ví như loại xịt phòng mà Hải Anh đặt tên Tre trăm đốt vừa ra mắt hồi tháng 11, chỉ kết hợp tối giản đúng ba thành phần tinh dầu là nhài ta, gỗ pơmu và nhựa thông.
"Đó là khi mình không để cái Tham can thiệp vào. Làm pha chế mùi hương phụ thuộc rất nhiều vào trực giác. Mình dùng bản năng của mình. Tất nhiên bản năng thì có đúng - sai. Nhưng thường thì cái quyết định vào giây phút đầu tiên luôn là đúng nhất, khớp nhất với con người mình thời điểm ấy. Quyết định thứ 2, thứ 3 luôn bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài rồi", Hải Anh thủ thỉ. Thế nên, căn phòng ở tầng 3 là không gian mà cô không muốn ai chạm tới vào lúc cô đang ngồi bên bàn nhỏ từng giọt tinh dầu ra que giấy, dùng toàn bộ sự tập trung của trực giác vào những nốt hương.
Hải Anh đã làm mẹ được hơn 1 năm nay. Ông xã của cô - một nghệ sĩ thị giác trẻ nổi tiếng - dành nhiều thời gian hơn để hỗ trợ vợ làm đồ handmade. Nhờ vậy, Hải Anh được tập trung với thế giới mùi hương của riêng cô. Mùi hương của người mẹ đằm thắm đủ đầy và tròn trịa hơn trước. "Việc có con làm em nhận thức được sự kiên nhẫn và tình yêu ở một cấp độ khác, và theo cách đó, nó tác động đến công việc em làm", Hải Anh chia sẻ.
Sơn mài và mỹ phẩm thiên nhiên cứ nghĩ không liên quan gì tới nhau, nhưng với Hải Anh, chính quãng thời gian dài tuổi trẻ gắn bó với sơn mài mà cô được rèn luyện sự tỉ mỉ, kỷ luật khi làm việc, và quan trọng hơn cả là trực giác của người thực hành. Để mỗi món đồ cô làm ra đều phải đạt yêu cầu cao về sự hoàn thiện.
Như câu chuyện của lọ nước thơm mà Hải Anh tạo ra từ quá trình chưng cất cách thủy hoa hoàng lan với nước cất hai lần. Hải Anh cho biết, cô đặt mua hoa một người thu hái hoa hoàng lan từ các cây cổ thụ trong chùa hoặc nhà dân quanh làng. Những bông hoa mới chín vàng được thu hái từ sáng sớm, khi vẫn còn ngậm sương, sau đó được chuyển nhanh nhất có thể về xưởng. Hoa được loại bỏ những bông dập hỏng, rồi cho vào rổ nhúng thật nhanh qua nước sạch để trôi bụi bẩn, để ráo trước khi cho vào máy chưng cất.
"Thế mà một lần, vì chị gom hoa mang hoa đến xưởng trễ 1 giờ đồng hồ, mà một vị khách quen của em ở Sài Gòn nhắn rằng "mẻ hoàng lan này khác khác". Mùi hương nó biến đổi lạnh lùng lắm. Mà khách lại rất tinh về mùi hương. Nên em không thể nào qua quýt, tuềnh toàng được.", Hải Anh kể câu chuyện để giải thích cho sự cầu toàn của bản thân.
Nhưng cầu toàn là vậy, Hải Anh lại không có chút tham vọng nào cho đứa con tinh thần của mình. Cô bảo hiện tại, công việc làm mỹ phẩm thiên nhiên handmade mang tới cho cô mức thu nhập vừa đủ sống với nhu cầu của cô. Còn lại cô không kỳ vọng gì, không đặt mục tiêu nào. Hải Anh vẫn cứ đủng đỉnh, trễ nải, thảnh thơi trong căn phòng tầng 3 thoang thoảng quấn quện mùi hương. Cô tự nhận mình là "dạng phi thực tế". Cái cô quan tâm hơn là mình có làm đúng với trực giác bên trong mình, có trung thực với chính mình hay không.
Có lẽ vì thế mà những mùi hương mà Hải Anh làm ra, dù là ở lọ tinh dầu sả chanh, lọ toner hoa sen, lọ nước thơm hoa hoàng lan hay miếng bánh xà phòng mùi già lá tre, luôn khiến người ta bị thu hút và thổn thức bởi một cảm giác ấm áp, bình yên từ thẳm sâu bên trong. Một thứ cảm giác chữa lành.