uổi tác dường như chưa bao giờ là rào cản giữa nghệ sĩ Ngọc Thoa với phim ảnh. Bà vẫn nhận lời đóng phim khi thấy phù hợp. Vẫn thích thú khi đọc được một kịch bản hay, vẫn nuối tiếc khi phải bỏ lỡ một vai diễn tâm đắc. Nỗi đam mê bất tận với nghề diễn từ hồi 18 đôi mươi thế nào đến nay cơ hồ chẳng có gì suy suyển. "Cái nghề này nó thú vị lắm! Tôi mê nó là vì nhờ nó mà mình được sống rất nhiều cuộc đời và sống một cuộc đời hết sức phong phú." - "ngoại già U80" nói về nghề diễn của mình bằng vẻ say mê pha lẫn tự hào.
Cũng vì chữ "mê" mà cô gái Hải Phòng gốc Hành Thiện không có một chút gene nghệ thuật nào trong máu quyết tâm khăn gói lên Hà Nội thi tuyển vào Đoàn kịch nói Trung Ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam). Trúng tuyển diễn viên của đoàn, nhưng suốt một thời gian dài chỉ làm chân "chạy cờ" đúng nghĩa, đã có lúc Ngọc Thoa nản lòng. Thời ấy, cả năm chỉ có một vở diễn, phim ảnh thì hiếm hoi, để có được vai thì ngoài thanh ngoài sắc còn phải có "a bê xê đê" nữa. Mà Ngọc Thoa thì là gái Hành Thiện, vùng đất khoa bảng nho sĩ nổi danh thành Nam, luồn cúi một tấc cũng không làm. Nhiều người khuyên Ngọc Thoa nên thôi mơ mộng, nên tìm nghề khác mà làm, song cô gái trẻ nghĩ "mình mà bỏ cuộc thì mình thua người ta mất rồi". Thế là cứ ở lại, cứ "chạy cờ".
Tình trạng ấy chỉ thay đổi khi một lần đoàn kịch Trung Quốc sang dựng vở Người lính gác dưới ánh đèn neon. Vị đạo diễn nước bạn không hài lòng với diễn viên đóng vai A Hương nên đề nghị thay vai. Không ngần ngại, Ngọc Thoa giơ tay nói "cho tôi thử". Kết quả là A Hương của Ngọc Thoa đi lưu diễn tới nơi nào thì lấy hết nước mắt ở nơi ấy. Nhiều chục năm sau, người nhạc công chơi trong dàn nhạc của vở kịch năm nào vô tình gặp lại "A Hương" đã gọi giật lại: "Này A Hương, có biết ngày xưa người ta tốn bao nhiêu nước mắt không?".
Thế là từ A Hương, Ngọc Thoa dần dần trở thành cái tên "ăn khách". Những Người cầu may, Người yêu đi lấy chồng, Thương nhớ đồng quê, Canh bạc, Chơi vơi, Tết này ai đến xông nhà, Nếp nhà… Chẳng vai diễn nào giống vai diễn nào. Các đạo diễn tín nhiệm bà vì tài năng diễn xuất, và còn vì tính trách nhiệm hiếm có. Nhớ hồi đóng phim Mụ Lẫm của đạo diễn Văn Lượng, do người phụ trách bối cảnh không cẩn thận trong một phân cảnh quay đêm ngoài cánh đồng mà Ngọc Thoa bị sụt chân xuống hố, tứa máu do mảnh tiểu sành cứa vào. Đạo diễn đã định hủy buổi quay để đưa bà về băng bó nhưng bà từ chối. Bà vệ sinh vết thương tại chỗ, băng lại rồi đề nghị quay tiếp vì không muốn cả đoàn phim lại phải lặn lội đêm hôm thêm một ngày nữa. Vết sẹo liều lĩnh ấy giờ vẫn còn dấu vết.
Ngọc Thoa bảo, bà không hề trải qua cuộc đời thăng trầm chìm nổi hay có nhiều biến cố để hóa thân đa dạng như thế trong hơn 50 năm diễn xuất. Tất cả chỉ nhờ một chữ "học". "Chả có người diễn viên nào may mắn đến mức trải qua đủ mọi số phận để hóa thân trên phim. Tôi cũng vậy thôi. Bản thân tôi không tài giỏi gì nếu không học. Mình quan sát cuộc đời, học từ người quét rác đến ông nhiếp ảnh, và nhất là học trong sách vở."
Nghệ sĩ Ngọc Thoa có sở thích đọc sách từ thời trẻ, đến giờ vẫn không bỏ. Có lẽ vì thế mà "ngoại già U80" vẫn mẫn tiệp khác lạ, vẫn có thể làm "gia sư" cho cháu ngoại học bài mỗi tối. Và vẫn có thể trò chuyện với cháu bằng tiếng Anh như một đôi bạn tuổi teen.
Đó là câu trả lời cho câu hỏi "Đâu là con người thực của bà mẹ Ngọc Thoa ngoài đời". Bà mẹ quốc dân ghi dấu ấn bởi hình ảnh tảo tần hiền hậu trên màn ảnh lại tự nhận mình ngoài đời rất "đoảng", không chăm sóc được cả chồng lẫn con.
Hai lần sinh con thì cả hai lần bà đều vào viện một mình. Lần đầu thì chồng vào chiến trường, lần hai thì chồng đi công tác nước ngoài. Khi vào viện C sinh con thứ hai, người ta tưởng bà chửa hoang. "Bà y tá tốt bụng cho tôi 20 viên B1 và một cốc nước đường, hỏi nhỏ tôi rằng "Có nói được với ai không?". Tôi hỏi lại: "Bác ơi, nhà bác ở đâu?", bà bảo: "Ở ngõ chợ Khâm Thiên". Tôi lại hỏi: "Bác có biết bác Lâm không?". Bác Lâm là mẹ của nghệ sĩ múa Chu Thúy Quỳnh, bạn thân của tôi. May sao bác ấy lại biết. Tôi bảo: "Bác làm ơn nói với bác Lâm là cháu sinh thêm một bé gái nữa rồi." Sáng hôm sau, bà ấy lại vào. Tôi nghe thấy bà ấy nói thầm với đám người bên ngoài "ra đi ra đi, có chồng, có chồng". Nghệ sĩ Ngọc Thoa hồi ức lại chuyến vượt cạn lần hai của mình.
Nghề diễn thời ấy, sinh con xong, con còn đỏ hỏn đã phải để con ở lại mà đi. Lên rừng, xuống biển, đi phục vụ chiến trường hay những binh trạm xa xôi. Con cái ở nhà cứ như cái cây dại, tự chăm lo cho nhau mà lớn lên. "Mỗi khi lĩnh lương, tôi chia thành các khoản đưa cho con. Đây mẹ cất tiền ở đây, khoản này là tiền đi chợ này, khoản kia là tiền ăn sáng này. Hồi đó cho các con 5 hào ăn sáng thì con chỉ ăn 3 hào. Rồi mình đi suốt, có chăm bón được cho chúng ngày nào. May sao các con vẫn ngoan, tự ăn, tự học, tự lo cho nhau, rồi cũng vào Đại học tử tế, đi làm có chỗ đứng trong xã hội. Chứ như thời bây giờ thì chắc là chúng hỏng hết rồi. Thương lắm, nên sau này tôi không dám sinh nữa, dù ông nhà tôi rất mê con trai. Vì sinh ra mình cũng có chăm lo được cho chúng đâu. Hoàn toàn không chăm lo được." - nghệ sĩ Ngọc Thoa ngậm ngùi.
Nhưng bà bảo: "Cuộc đời tôi có nhiều may mắn. May mắn nhất là có một người chồng hết sức tốt. Ông ấy thông cảm cho mình, giúp mình yên tâm làm nghệ thuật. Cả cuộc đời sống cùng ông ấy, mình có mấy khi chăm lo được cho ông ấy đâu. Cứ triền miên đi diễn. Nhưng lạ là ông ấy không bao giờ phàn nàn. Bạn nghĩ xem, nếu là thời buổi bây giờ có phải hai vợ chồng đã "giải tán" từ lâu rồi không."
Nghệ sĩ Ngọc Thoa kể, chồng bà tốt đến mức có người đồng nghiệp sống cùng khu tập thể mấy chục năm, một ngày nọ mới vô tình phát hiện bà đang sống cùng mẹ đẻ chứ không phải mẹ chồng. "Chồng tôi đi đâu về lúc nào cũng có cau trầu vỏ trong cặp. Mỗi khi đi công tác chồng tôi lại bảo "cho anh mượn cái kim bang", ấy là để mang đi chọc cau, vì chỉ cần chọc kim vào quả cau là biết cau non hay già. Đi bất cứ đâu ông ấy cũng tìm cau ngon về cho mẹ. Có thức ăn gì bao giờ cũng mang tới trước mặt mời mẹ trước. Mà chồng tôi đâu có ở rể. Là tôi đưa mẹ tôi về sống chung đấy chứ. Một người phụ nữ thì còn mong gì hơn thế ở chồng mình."
Ngay cả những năm tháng cuối đời vì ung thư, đạo diễn - NSƯT Dương Viết Bát, người chồng "hết sức tốt" của NSƯT Ngọc Thoa, vẫn một mực nghĩ cho vợ mình. "Đạo diễn Đỗ Thanh Hải mang kịch bản phim Của để dành đến mời tôi đóng, tôi thích vai bà mẹ lắm nhưng không thể nhận vì chồng tôi vừa bị ung thư. Tôi từ chối dù tiếc lắm. Đến giờ vẫn tiếc. Lúc ấy, trên giường bệnh, ông ấy cứ luôn miệng động viên tôi "em cứ đi đi". Nhưng tôi mắng "anh buồn cười nhỉ, làm sao em phải đi"."
Câu chuyện về người chồng đã đi xa nhiều năm nhưng trong kí ức của nghệ sĩ Ngọc Thoa vì vẫn nguyên vẹn như vừa mới đây thôi. Bà bảo bà lấy chồng mà không phải đi làm dâu ngày nào, vì khi lấy chồng thì mẹ chồng đã mất. "Chồng tôi bảo mẹ chồng tôi lành lắm mà tôi không có cơ hội gặp bà. Còn bố chồng tôi, trên đời tôi chưa từng thấy người nào hiền lành đến mức ấy. Tôi rất sợ chó, mỗi khi về quê chồng là không dám vào nhà. Ông biết vậy nên bao giờ cũng xích chó cẩn thận rồi nói vọng ra "ta xích chó rồi, con cứ vào đi". Có đợt tôi thèm ăn trứng vịt lộn mà về quê không kiếm đâu ra. Chồng tôi hỏi "thầy ơi chỗ nào bán trứng vịt lộn hả thầy?", cụ bảo "trứng vịt lộn à, có đây". Thế là con gà đang ấp, cụ đuổi nó ra, cụ lấy trứng cho tôi ăn." - nghệ sĩ Ngọc Thoa hoài niệm.
Sắp đến ngưỡng 80, nhưng nghệ sĩ Ngọc Thoa vẫn đi đi về về hai nơi cách nhau mười mấy cây số. Không sang ở hẳn với con gái vì không muốn phiền lụy đến con. Nhưng nước mắt chảy xuôi, thương con vất vả tối ngày, cứ chiều muộn thì bà sang giúp con trông coi nhà cửa, dạy cháu ngoại học bài, rồi cơm nước đầy đủ chờ con và rể về dùng bữa. Sáng hôm sau bà lại về Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi có nhà cửa đầy ắp những kỉ niệm của bà với người chồng quá cố và bạn bè.
Bà sẽ ra công viên trò chuyện dông dài với bạn rồi về nhà dọn dẹp, giặt giũ, xem cái gì hỏng hóc thì gọi thợ tới sửa chữa, rồi cơm nước ăn uống, rồi nghỉ ngơi cho đến giờ đi "xoa". "Tôi có cái thú chơi mạt chược. Chơi trò này nó rèn tư duy ghê lắm" - bà hóm hỉnh - "Nói thật nhé, đi đi về về thế là vì giờ ấy là giờ còn xoa mạt chược. Ông Phùng Huy Bính từ Hoa Lư sang, bà Hồng Quỳ từ Mỹ Đình bắt xe buýt lên. Vui lắm. Người ta cứ bảo tuổi già dễ bị trầm cảm. Làm sao mà trầm cảm được. Ngoài hội chơi ấy ra, tôi còn nhiều hội bạn lắm. Có hôm ngồi trên xe, anh lái xe bảo "ơ hôm nay không có ai gọi cụ nhỉ", vừa nói xong thì có điện thoại. Bạn bè cứ gọi suốt ngày như thế bảo sao mà buồn được."
Nhưng đó là niềm vui của một người già đã cho đi đủ để được nhận về đủ. Đã trải nghiệm đủ để luôn giữ tâm thế hài lòng với những gì mình có, luôn biết ơn và bao dung với tất thảy. Sống một cuộc đời như thế, "mê" và "vui" đến tận cùng, hẳn chẳng mấy ai được như NSƯT Ngọc Thoa.