Tôi muốn kể cho bạn nghe về hai câu chuyện đã gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi thời gian qua.
Câu chuyện đầu tiên về thế hệ chúng ta - một thế hệ cha mẹ "sống trong nhà", nhốt mình trong các bức tường và những không gian đóng kín nhiều hơn là ở ngoài trời và không gian thiên nhiên rộng mở. Trong một đoạn video về thế hệ "sống trong nhà" mà tôi được xem, điều cứ ám ảnh tôi nhiều ngày sau đó chính là nó quá giống với những gì đang diễn ra xung quanh tôi và dường như phản chiếu đúng những điều mà tôi, đồng nghiệp của tôi, những người thân, bạn bè, hàng xóm của tôi đang làm - đó là dành 90% thời gian cuộc đời mình để sống sau những cánh cửa.
Chúng ta mang về nhà đầy ắp những món đồ dễ thương mà chúng ta muốn, chúng ta sống trong ánh sáng nhân tạo của những bóng đèn, chúng ta xây những căn nhà kiên cố và "khử trùng" chúng bằng các loại hóa chất, chúng ta nấu ăn, tắm rửa, vui chơi, hít thở, làm việc, ngủ, đổ mồ hôi, nổi giận, buồn bã, tập thể dục… trong bốn bức tường.
Clip “Thế hệ sống trong nhà” (The Indoor Generation) được thực hiện bởi The Velux Group.
Điều gì đang xảy ra với chúng ta vậy? Chúng ta đang tìm cách đóng kín bản thân trong cảm giác được gọi tên là "an toàn" để thoát khỏi những mối lo âu đang bủa vây xung quanh; và điều tồi tệ nhất chúng ta đã làm khi trở thành cha mẹ, đó là đóng kín những đứa con của mình. Nó chẳng khác nào việc chúng ta đang thả những đứa trẻ vào những chiếc túi nhựa khổng lồ rồi sử dụng máy hút chân không để hi vọng sẽ "bảo quản" được chúng an toàn trong sự bảo vệ và chăm sóc của mình.
Nỗi sợ hãi và sự lo âu của một thế hệ cha mẹ như vậy đã phản chiếu rõ rệt lên một thế hệ trẻ nhỏ hiện đại. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2018 trên Tạp chí Developmental & Behavioral Pediatrics (Mỹ), số trẻ em từ 6 đến 17 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh lo âu đã tăng từ 3,5% (năm 2007) cho đến 4,1% (năm 2012). Điều đó phản ánh một sự thực rõ ràng rằng, mặc dù cha mẹ luôn khao khát rèn luyện và dạy dỗ con mình trở thành những đứa trẻ tự lập, mạnh mẽ hơn, thế nhưng, quá nhiều sự lo âu đã khiến cho lũ trẻ ngày càng bị bao bọc một cách thái quá, bị ngắt các kết nối với thiên nhiên, chúng trở nên lo lắng, rụt rè nhiều hơn, dễ bị mắc bệnh tật nhiều hơn và suy giảm khả năng học hỏi, cũng như kết quả học tập nhiều hơn.
Câu chuyện thứ hai về các sân chơi công cộng dành cho trẻ em ở nước Anh. Sau nhiều thập kỷ dành công sức và nỗ lực để giảm thiểu những nguy cơ và đồ chơi mạo hiểm cho trẻ nhỏ, những năm gần đây, các nhà giáo dục ở Anh lại đang tìm cách để tạo ra nhiều thử thách và sự mạo hiểm hơn tại các sân chơi công cộng dành cho trẻ em, khi họ nhận ra rằng, "cảm giác an toàn quá mức" đã tước đi của trẻ nhỏ rất nhiều cảm xúc tuyệt vời và những kỹ năng sinh tồn quan trọng khi được đối diện và vượt qua những thử thách từ những trò chơi. Họ tạo ra các sân chơi có đá tảng mấp mô với những hố cát xen kẽ, các ván gỗ được đưa trở lại sân chơi; lốp xe, cành cây, củi khô, gạch đá, thùng nhựa, giỏ sắt… được sắp đặt một cách tự nhiên để trẻ nhỏ thỏa sức thử thách bản thân mình.
Trong một bài báo đăng trên tờ The Wall Street Journal, tác giả Andrea Petersen chia sẻ rằng: "Vài tuần trước, lần đầu tiên tôi cho cô con gái 9 tuổi ở nhà một mình. Ban đầu tôi không dự định làm như vậy. Con gái tôi bị ốm, chồng tôi đi làm còn tôi thì cần đến hiệu thuốc cách nhà vài phút đi bộ để mua thuốc cho con. Vì vậy, tôi phải chắc chắn rằng con biết nơi để điện thoại cố định, hỏi đi hỏi lại số điện thoại di động của tôi, dặn dò con không được mở cửa cho bất kì ai. Tôi rời khỏi nhà và quay lại vào 20 phút sau đó. Cả hai chúng tôi đều rất hồi hộp. Lần đầu tiên trong cuộc đời, con không có sự giám sát của người lớn, nhưng cuối cùng cả hai chúng tôi đều ổn. Tôi đã trì hoãn khoảnh khắc tự lập này của con gái mình suốt nhiều tháng bởi quá lo lắng về những nguy hiểm có thể xảy ra.
Nhưng tôi tin rằng suy nghĩ của tôi cũng là của nhiều phụ huynh trong xã hội hiện nay. Rất nhiều người đã than thở rằng trẻ em ngày nay ít tự lập và tự chủ hơn so với vài thế hệ trẻ em trước đó. Có rất ít trẻ em tự đi bộ đến trường, đạp xe quanh khu phố hay làm vài việc vặt vãnh giúp bố mẹ. Bảo bọc con quá mức có thể gây hại thực sự. Các nhà tâm lý học và giáo dục học đã xem đây là một yếu tố khiến phần đông trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu."
Sự lo âu và bao bọc quá mức của bố mẹ hiện đại đã gửi những tín hiệu không mấy tươi sáng tới những đứa trẻ, điều dễ dàng nhìn thấy là chúng cũng trở thành những em bé hay lo lắng thái quá và thường xuyên cảm thấy bất an. Sự thiếu tự chủ ở trẻ còn có thể khiến trẻ phụ thuộc lâu dài vào bố mẹ cũng như những người khác để đưa ra quyết định của riêng mình khi chúng lớn lên. Nhà tâm lý học lâm sàng ở Trung tâm nghiên cứu trẻ em NYU Langone (Mỹ) - Rebecca Rialon Berry giải thích: "Điều này củng cố cho đứa trẻ rằng có vài thứ đáng sợ và thế giới là một nơi đầy nguy hiểm rồi khiến trẻ hình thành suy nghĩ: Mình không thể tự làm được điều này!".
Rất nhiều điều đơn giản và hiển nhiên mà chúng ta được trải qua ở thời thơ ấu đã trở nên xa xỉ và đầy nguy cơ đối với trẻ nhỏ hiện nay như: Ở nhà một mình, chơi đùa với bạn bè cùng lứa, đi mua đồ giúp bố mẹ, trông em nhỏ, tự nấu cơm ăn, tự học bài hay "kinh điển" nhất là tự đến trường rồi tự đi về nhà sau khi tan học. Thực tế này cho thấy rằng "dạy con tự lập" hoàn toàn không hề là một khẩu hiệu dễ dàng hay một trào lưu để bạn chứng minh rằng mình là bậc cha mẹ hiểu biết và hoàn hảo. Đó thực sự là một thử thách không dễ vượt qua, khi cha mẹ phải đối diện với những nỗi lo âu của chính mình, trao cho con cái nhiều quyền tự chủ hơn.
Trẻ em ở độ tuổi 2 hay 3 có thể bắt đầu giúp bố mẹ làm việc nhà như dọn bàn ăn, bỏ quần áo bẩn vào giỏ. Hầu hết trẻ 8 tuổi đã có thể tự làm món trứng rán, trẻ 10 tuổi có thể sử dụng dao làm bếp… Một cột mốc tự lập của trẻ đã được nghiên cứu rộng rãi là khả năng sang đường. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ nhỏ đi bộ đến trường thường không xem xét lượng xe lưu thông hay dừng lại ở lề đường trước khi bước xuống lòng đường. Vài nghiên cứu khác phát hiện ra bố mẹ thường đánh giá quá cao khả năng sang đường an toàn của trẻ.
Một bài báo xuất bản năm 2000 trên Tạp chí Tâm lý học Giáo dục của Anh cho thấy trẻ em từ 10 đến 11 tuổi giỏi hơn trẻ 7 và 8 tuổi ở việc xác định nơi an toàn để sang đường, nhận định tình hình giao thông lúc đó và nguy hiểm trên đường. Do đó, Học viện Nhi khoa Mỹ khuyên phụ huynh nên đợi đến khi trẻ được 10 tuổi hãy cho phép con đi bộ đến trường hay nơi nào khác mà không có người lớn đi cùng.
Điều đầu tiên bố mẹ cần làm là hướng dẫn con cách làm an toàn, lặp đi lặp lại như thế, sau đó hỗ trợ, theo dõi việc con làm trước khi từ từ để con một mình hoàn thành mọi việc. Cha mẹ nên liên tục khuyến khích con mình tự lập từ những tình huống nhỏ hay công việc ít nguy hiểm như tự làm bài tập về nhà, gấp quần áo hay chọn quà sinh nhật giúp bạn. Những việc có vẻ bình thường này sẽ dần thúc đẩy sự tự lập ở trẻ. Khi trẻ em có những nỗ lực tự lập, bố mẹ nên cho con những lời khen tích cực và khích lệ.
Tất nhiên, bố mẹ cần hiểu rằng khi trẻ nhỏ tự trải nghiệm điều mới mẻ, không phải lúc nào chúng cũng làm mọi việc suôn sẻ và khiến bạn tự hào, mãn nguyện. Có thể con sẽ đi nhầm đường, không làm bài tập, cắt vào tay, đi giày ngược, vấp ngã, mè nheo nản chí… Đây cũng chính là những thử thách khiến bố mẹ cảm thấy khó khăn và lo lắng khi để con tự lập. Những lúc như vậy, các bố mẹ hãy tự nhắc mình rằng: "Một phần của sự tự lập là tự đưa ra quyết định của mình, bao gồm cả việc đưa ra quyết định sai lầm".
Hãy cho con quyền được sai lầm, quyền được thất bại để chúng lớn lên theo một cách không hoàn hảo nhưng tuyệt vời trong một thế giới đầy ắp những niềm vui, những điều bí ẩn, những thử thách đầy mạo hiểm và những trải nghiệm không thể nào quên thay vì nhốt chúng trong những chiếc túi hút chân không với sự lo âu, thấp thỏm và sợ hãi của chính bạn. Vì cuối cùng, đích đến cuối cùng của chúng ta không phải là biến con trở thành một "ai đó" như chúng ta mong muốn hay kì vọng mà là để mỗi chúng ta trở thành những cha mẹ hạnh phúc và tuyệt vời theo một cách của riêng mình.