Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 1.


- Em tìm nhà ông Tư đúng không?

- Ai trong này mà không biết ông Tư. Người vui vẻ nhất cái xóm này đó!

Để xếp được một buổi lịch với ông Tư, chúng tôi cần báo trước vài ngày. Bởi nguyên tuần sau đó, hầu như ngày nào ông Tư cũng lịch đi quay ở đài truyền hình, phỏng vấn hay đi dự hội thảo… Nếu không có lịch đi ra ngoài, ông Tư đều làm việc 8-10 tiếng/ngày bên máy tính để nghiên cứu và viết sách về Lịch sử, đều đặn hôm nào cũng làm việc đến 12h khuya. Nếu con cháu không khuyên nhủ, nhiều khi ông còn làm việc quên luôn thời gian đến 1h sáng. Đáng nể là ông chẳng hề "đau lưng, mỏi gối, tê tay" như hội nhân viên văn phòng lúc nào cũng than vãn về "cột sống bất ổn", dù số tuổi của ông đã lên đến con số 104!

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 3.

Những ngày đầu tháng 12 thời tiết ở Sài Gòn se se lạnh, nhưng vào 6h sáng, ông Tư đã bắt đầu thức giấc. Việc đầu tiên mà ông Tư làm lại là… ngồi vào bàn máy tính và bắt đầu làm việc trong 2 tiếng. Khi trời đã ấm dần, ông dành khoảng 45 phút tập thể dục bằng động tác tự nhiên trong ban công ngập tràn đầy nắng. Mặc dù sống ở trung tâm thành phố, ông Tư vẫn nhờ các con nuôi 2 con gà để mỗi sáng được nghe tiếng gà gáy đánh thức, như đang sống ở vùng quê bình yên. Đến buổi chiều, ông thường dành 30 phút đi 10 vòng cầu thang lên xuống, để các khớp xương không bị khô cứng. "Tôi bảo vệ sức khoẻ, không dám làm gì hại vì cần nhiều sức khoẻ để viết sách. Tôi sợ ra đi khi các công trình còn chưa hoàn thành được", ông Tư tâm sự.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 4.

Lịch trình sinh hoạt và làm việc này đã được ông Tư duy trì trong suốt hàng chục năm qua. Ông Tư dành khoảng 8-10 tiếng/ngày ngồi trước máy tính gõ chữ ở trong căn phòng nhỏ. Lịch trình làm việc của cụ ông thường từ 6h-8h và 9-11h30 sáng, 14h30-17h30 chiều và 21-24h khuya.

Bước vào trong căn phòng nhỏ của ông Tư có một tủ sách chiếm phần lớn diện tích, cùng hàng đống bằng khen dành cho nhà nghiên cứu đã có hơn 80 năm trong sự nghiệp nghiên cứu và viết sách.

Tính đến thời điểm hiện tại, ông Tư đã có hơn 80 năm nghiên cứu về Lịch sử. Ông có khoảng hơn 60 đầu sách đã xuất bản chủ yếu về các lĩnh vực như địa danh, địa chí, lịch sử, văn hoá Nam Bộ… Đầu năm 2024, cuốn tự truyện Đi Qua Trăm Năm của ông Tư được xuất bản, và đây cũng là cuốn sách được Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên "đặt hàng" đề nghị ông Tư ưu tiên viết về cuộc đời hơn trăm năm của ông, lưu lại những câu chuyện cho con cháu.

Đón chào những vị khách trẻ đều ở độ tuổi 20-30, ông Tư khiến tất cả chúng tôi bất ngờ bởi sự lạc quan và chủ động sắp xếp mọi thứ. Cụ ông có thể kể vanh vách những bằng khen hay quyển sách gắn với kỉ niệm nào trong cuộc đời mình. Ở tuổi 104, ông Tư mỗi ngày đều làm công việc nghiên cứu cùng với máy tính, sách, giấy bút, kính lúp. Dù làm việc nhiều giờ, ông không hề đau mỏi vai gáy, thậm chí có thể đứng dậy ngay mà chẳng cần bất kì bạn trẻ nào cầm tay đỡ hộ.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 5.

Mọi vấn đề trong cuộc sống đều do cụ ông tự làm lấy, không cần nhiều sự hỗ trợ từ con cháu. Cách đây 7 năm, ông Tư nhờ con cháu mua cho chiếc máy tính để tự gõ chữ. Ông đánh máy tính khá nhanh, không cần dùng đến kính lão khi nhìn màn hình trong thời gian dài. "Tôi sử dụng công nghệ được nhiều lắm. Tôi chỉ biết đánh ký tự, còn những kỹ thuật phức tạp khác thì lại nhờ các cháu. Tôi cũng tìm thấy tư liệu trên mạng nhưng không phải lúc nào cũng tìm ra được. Tôi vẫn phải kết hợp với sách và tham khảo thêm trên mạng đó", ông Tư nói.

Các con cháu đùa vui rằng lịch trình của ông Tư được… lập trình như của robot. Không chỉ mỗi ngày đều tập thể dục, ông Tư cũng duy trì chế độ ăn uống nghiêm ngặt. Mỗi sáng, ông đều uống sữa, mỗi bữa ăn lưng bát cơm, không ăn vặt. Ông tự nghiên cứu thêm một số kiến thức để có chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, rồi tự áp dụng cho bản thân như nhai thật kỹ, không ăn quá sức, đọc kiến thức đông y về ăn uống…

Ông Tư tự gọi mình là người của 2 thế kỷ, đã chứng kiến nhiều biến cố thăng trầm của đất nước. Ông cụ đi qua trăm năm cho biết muốn sống mạnh khỏe thì cần giữ được tinh thần lạc quan và không cố chấp.

Ông chiêm nghiệm: "Tinh thần ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nếu mình giữ được tinh thần ổn định thì sức khoẻ không bị xáo trộn. Do đó tôi sống không cố chấp. Có những cái mình bất bình hay không vui lòng, cũng chỉ là thoáng chốc, xong rồi bỏ qua và không để tâm. Bởi dù có để tâm thì cứ day dứt, ăn không ngon, ngủ không yên, ảnh hưởng đến sức khoẻ".

Nhưng làm sao để sống không cố chấp được thưa ông? - "Đừng coi bản thân mình là nhất, là số 1, là trung tâm của vũ trụ. Chỉ coi bản thân là hạt cát và đừng quan trọng hoá cá nhân của mình".

Giữ được tinh thần lạc quan cũng khó lắm đó ông ạ? - "Tôi sống trong hoàn cảnh nghèo khó nhưng không lấy đó làm phiền lòng. Khi xem TV, tôi thấy ngày nay nông dân nước mình xuất khẩu hàng triệu tấn lúa, trái cây… đem lại hàng tỷ USD về cho đất nước và bản thân. Đó là cái lợi của người ta, nhưng tôi cũng rất vui. Vui ở chỗ nước ta đang ngày càng giàu lên, không còn khó khăn như thời của tôi nữa. Tôi thấy như vậy mừng quá. Dù không phải việc của mình nhưng tôi cũng mừng lây, cả ngày vui cười, ít khi nhăn nhó hay buồn bực (cười lớn)".

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 6.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 7.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 8.

Mặc dù không mang học hàm hay học vị, cuộc đời nhiều lần phải bỏ dở việc học, thế nhưng ông Tư vẫn nhắc đến chuyện học hành với sự biết ơn. Ông luôn dạy con cháu nhất định không được bỏ học, không chỉ học mỗi trên trường mà cần đọc nhiều sách. Dù gia đình khó khăn đến đâu, ông Tư vẫn quyết nuôi 5 người con đi học đại học, thậm chí 2 người con còn học song bằng trong những năm đất nước còn chiến tranh.

Năm 12 tuổi, cậu bé Nguyễn Đình Tư (quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An) nằng nặc xin cha bán ruộng để đi học chữ. Nhà nghèo không đủ tiền mua giấy, cậu học trò phải dùng thước và bút chì kẻ thêm dòng, viết chữ nhỏ như con kiến.

Cuộc sống thuần nông và những người bạn bè xung quanh toàn là trẻ chăn trâu, không đi học mấy, thế nhưng cậu bé Tư ngày ấy đã hiểu rõ chỉ có việc học mới thay đổi được cuộc đời.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 9.

"Việc học của tôi cũng vất vả lắm, bỏ học lên bỏ học xuống vì nhà nghèo", ông Tư kể. Nhưng bằng tất cả sự biết ơn, ông vẫn thấy việc học có giá trị dù phải bỏ ngang giữa chừng: "Nhờ chỗ có học và đọc sách vở, tôi nhận ra xã hội quý nhân vật lịch sử vì công trình của họ chứ không phải họ giàu sang. Tôi nghĩ danh tiếng để lại cho đời sau không có gì hơn cả ngoài công trình và văn hoá".

Cuốn sách đầu tiên của ông Tư được xuất bản rất bất ngờ.

Cậu học trò Tư tình cờ mượn được bạn một cuốn sách dành cho thiếu nhi. Sau khi đọc xong, cậu nhận thấy nếu chỉ viết như này thì mình cũng làm được.

Nghĩ là làm!

Năm 23 tuổi, cậu bắt đầu viết quyển sách đầu tiên về Nguyễn Xí - một danh tướng thời nhà Lê. Gửi cho nhà xuất bản xong, cậu thanh niên Tư không nghĩ sẽ được đăng cho đến khi tình cờ thấy sách của mình được bán ngoài tiệm. Từ đó, hàng loạt cuốn truyện khác cũng được viết như Dì Ghẻ Con Chồng, Thù Chồng Nợ Nước, Nguồn Sống, Vàng Trong Miệng Đá… gây được tiếng vàng trong giới văn chương ở thời điểm đó. Nhưng vừa viết sách được khoảng 5-6 năm, Nguyễn Đình Tư phải hoãn lại hết vì cách mạng nổ ra.

Cuộc sống thời đó vô cùng khó khăn, có những lúc ông Tư phải mưu sinh bằng việc vá xe đạp ở ngoài đường, nhưng ông vẫn tranh thủ viết sách. "Những gì khổ cực nhất, vất vả nhất, buồn tủi nhất chiếm đến hai phần ba năm tháng mới được hưởng những gì gọi là vinh dự vào cuối đời" - ông ví đời mình như câu chuyện cổ tích, và thành quả chỉ đến vào những năm tháng cuối đời. Tức là trải qua hơn 75 năm viết sách trong khó khăn và không ai biết mặt nhớ tên, đến những năm cuối đời, ông Tư mới được công nhận cho những nỗ lực trong âm thầm của mình.

Cơ duyên đặt tên đường đến với ông Tư cũng rất tình cờ.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 10.

Sau khi giải phóng, nhiều con đường đã được đổi tên nhưng vẫn gây lạ lẫm với người dân Sài Gòn. Họ không hiểu vì sao con đường này lại được đặt tên như vậy, không biết những đường phố đã đổi sẽ dẫn đi về đâu… Ông Tư nghĩ bản thân cần làm điều gì đó, nên đã tự đạp xe khắp các phố phường để viết quyển Đường phố nội thành TP.HCM cho người dân hiểu hơn về các con đường trong thành phố.

Từ cơ duyên này, ông Tư được mời tham gia Hội đồng đặt và đổi tên TP.HCM. Trong quãng thời gian làm việc, ông đã đề xuất đổi gần 1.000 tên đường khắp các quận, huyện. Ấn tượng nhất là việc đặt tên 2 con đường Hoàng Sa và Trường Sa nằm dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở trung tâm thành phố - nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc. Và TP.HCM cũng chính là địa phương đầu tiên trên cả nước đặt tên đường bằng tên 2 quần đảo để tôn vinh sự thiêng liêng của chủ quyền quốc gia.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 11.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 12.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 13.

Khi được ở cạnh một người có sức ảnh hưởng như ông Tư, các thành viên trong gia đình đều tự thấy bản thân trở nên tốt đẹp hơn, theo một cách nào đó.

Nhắc về người cha của mình, chú Nguyễn Việt Hùng (người con trai thứ 3, hiện ông Tư đang sinh sống cùng) không khỏi thầm biết ơn khi chính ông đã kéo chú khỏi cuộc sống buông thả nhiều năm trước.

Chú Hùng nhớ lại vào năm 2015, ông Tư chuyển về sống cùng gia đình chú. Khi đó, mối quan hệ của 2 cha con không được thoải mái vì trái tính trái nết với nhau. Chú Hùng tự nhận bản thân ở thời điểm đó sống khá "phóng túng và bê tha" khi làm việc trong lĩnh vực xây dựng, thường xuyên phải ăn nhậu và giao du với nhiều thành phần phức tạp trong xã hội. Trong các bữa ăn, vợ chú Hùng toàn lủi thủi ăn cơm một mình bởi các con đều đi học xa nhà, còn chú Hùng thì toàn ăn nhậu bên ngoài.

"Dù ông cụ không nói thẳng về cách sống của con cháu, nhưng cứ nhăn mặt hoài, làm chú cũng xót xa trong người lắm. Khi sống gần với ông cụ, chú cảm thấy con người nhẹ nhõm và tự giảm bớt chuyện phóng túng của mình", chú Hùng nhớ lại, đồng thời tâm sự ông Tư đặt ra yêu cầu các thành viên trong gia đình phải ăn cơm bên nhau mỗi ngày để tăng sự gắn kết trong gia đình. Dần dần các bữa ăn trở thành nơi ông Tư răn dạy con cháu lối sống. Tuy nhiên, ông Tư cũng rất tinh tế khi muốn khuyên nhủ hoặc phát hiện ai đó đang gặp vấn đề trong cuộc sống, ông đều hẹn gặp mặt riêng chứ chưa bao giờ nói nặng lời hay chê trách thẳng mặt ai trong bữa ăn.

Kể từ khi những cuốn sách của ông Tư trở nên nổi tiếng hơn, chú Hùng nghỉ luôn công việc, trở thành tài xế đồng hành cùng bố theo khắp các cuộc họp từ Bắc vào Nam.

"Ông cụ đi đến đâu thì chú đi đến đó, nên chú có cơ hội gặp được nhiều người thuộc tầng lớp tinh anh của xã hội. Có một vị lãnh đạo TP.HCM từng dặn chú hãy cố gắng săn sóc cho ông cụ, làm chú tự thấy mình có trách nhiệm phải kiềm chế bản thân hơn.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 14.

Anh Nguyễn Việt Bình (SN 1988, kỹ sư IT) cũng luôn tự hào khi được nhắc đến là cháu trai của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Trong trí nhớ của anh Bình, căn phòng toàn sách của ông là mảng kí ức không thể nào quên suốt tuổi thơ. "Mỗi khi bước vào căn phòng của ông khi ở nhà cũ, tôi rất thích vì xung quanh toàn là sách. Cái mùi sách đó làm cho tôi cảm thấy ông của mình là người rất đáng để học hỏi".

Những năm tháng của tuổi 20, anh Bình từng có quãng thời gian du học Nhật Bản và đứng trước nhiều cơ hội nhận các offer công việc lương cao ở nước ngoài. Nhiều người sẽ không khỏi phân vân giữa việc ra đi hay trở về, nhưng trong đầu anh Bình chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Trở về cống hiến cho Tổ quốc.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 15.

"Ông muốn con cháu về Việt Nam làm việc chứ, nhưng chưa từng can thiệp vào quyết định của ai. Ông có quan điểm mỗi người đều có quyền quyết định bản thân và tương lai sẽ như thế nào. Ông không muốn con cháu lệ thuộc vào những câu nói mà đi theo nghề của ông.

Nhưng hồi tôi còn nhỏ, ông lúc nào cũng nhắc nhở mình là người Việt Nam, dù sống hay chết cũng là người Việt Nam. Ông hay kể cho tôi nghe ông có được cuộc sống như bây giờ là nhờ Sài Gòn, nhờ Việt Nam. Cho dù khó khăn vất vả cỡ nào thì ông vẫn được nhiều người Việt giúp đỡ. Ông biết ơn đất nước nhiều lắm nên luôn muốn trả ơn Tổ Quốc. Mặc dù ông không bảo các cháu hãy về quê hương làm việc, nhưng qua những gì ông kể lúc nhỏ, tôi luôn cảm thấy có điều gì đó thôi thúc mình phải về Việt Nam làm việc".

Không chỉ tinh thần yêu nước, ông còn dạy cho anh Bình nhiều bài học về tình cảm và sự biết ơn.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 16.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 17.

Có khi nào anh gặp vấn đề trong cuộc sống, nhưng nhìn vào ông của mình, giúp anh thoát ra được hoàn cảnh sống khó khăn đó không?

Có!

Khi mà tôi đi du học ở Nhật thì tôi cũng vừa đi học vừa đi làm. Thời gian ngủ rất ít, nhiều khi cảm thấy không còn sức khỏe để mà tiếp tục cái công việc này nữa. Khi đó cảm xúc khổ cực dâng trào, kiểu tại sao mình phải sống khổ cực thế này? Mình muốn trở về, mình muốn dừng lại!

Nhưng tôi lại nghĩ đến câu chuyện của ông, khi ông rất ghen tị với những bạn trẻ được cắp sách đến trường. Câu chuyện đó làm tôi phải nghĩ lại bản thân, đã được đi du học và trao cơ hội thì không có gì phải gục ngã trước những khó khăn nhỏ như vậy được. Mình phải cố gắng lên.

Trong cuộc đời đi qua hơn trăm năm của ông, có biến cố nào trong cuộc đời của ông mà anh nhớ mãi không?

Khi đọc cuốn Đi Qua Trăm Năm tôi nhớ mãi chi tiết này. Đó là sau năm 1975, ông không còn gì hết. Cuộc đời ông như reset về con số 0, hoàn toàn trắng tay. Nhưng việc đó không làm ông gục ngã mà ông vẫn tiếp tục làm việc, nuôi con cái học đại học, tiếp tục viết sách mỗi khi rảnh.

Dù có làm nghề vá xe nhưng ông vẫn không ngừng được việc viết sách. Mỗi khi bản thân cần chữa lành sau những lúc khó khăn, tôi lại thấy cuộc sống ngày xưa của ông khổ quá, nhưng ông vẫn vượt qua được thì mấy cái khó khăn hiện tại của mình có đáng gì đâu.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư: Xuất bản sách đều đều, ngày làm việc 10 tiếng, hay cười ít nhăn nhó- Ảnh 18.