Gia đình luật sư Hoàng Liêm đã chuyển về căn nhà mới được 5 tháng. Nhưng anh bảo: "Chưa biết khi nào nhà mới hoàn thiện". 5 tháng qua, hai vợ chồng vừa thưởng thức không gian do chính mình tạo nên, vừa sửa chỗ này, vá chỗ nọ, đóng thêm những món đồ mới. Chỉ vì vợ anh từng nói với anh rằng: "Em thích một ngôi nhà được lấp đầy bởi đồ đạc".
Ngôi nhà của cặp vợ chồng luật sư Hoàng Liêm - Lệ Hằng nằm sâu trong ngõ nhỏ ngoại thành. Màu xanh lam của những khung cửa sổ, tấm biến sổ nhà đục bằng gỗ và cả giàn hoa giấy rủ xuống từ ban công tầng 2 khiến nó nổi bật giữa những căn nhà ống nhang nhác nhau được phủ bằng lớp sơn xám nhàn nhạt. Thú thực, sau một quãng đường khá xa và nhiều bụi từ trung tâm, màu sơn tươi mát cùng chậu hoa mười giờ nhỏ xinh ngay cổng nhà khiến người bạn đi cùng tôi thở phào "bõ công đi".
Không khó để nhận ra, ngôi nhà lấy tông trắng xanh đặc trưng Địa Trung Hải làm chủ đạo với các bức tường sơn trắng sần làm nền cho các ô cửa màu xanh da trời sẫm. Bước vào trong nhà, hương vị tự do và tươi mát của biển càng rõ ràng. Bức tường lam nhạt hữu ý ở khu vực phòng khách trở nên một điểm nhấn duyên dáng và dễ mến cho tổng thể chung. Tất nhiên cũng cần nhắc rằng nền gạch bông 20x20 với họa tiết từ thập niên 60 đậm chất bán cổ điển cùng tone màu xanh với cửa cũng góp công lớn để mang đến sự hài hòa cho không gian này.
Chị Lệ Hằng cho biết, khi quyết định xây dựng ngôi nhà trên diện tích 48m², chị đưa ra đề bài cho chồng là: "Em không thích kiểu nhà ống phổ thông". Sau khi cùng bàn bạc, cả 2 quyết định sẽ thiết kế tổ ấm của mình theo phong cách Địa Trung Hải bởi: "Chúng tôi đều ấn tượng với kiến trúc Địa Trung Hải vì tông màu trắng xanh, những vòm cuốn tinh tế và hoa giấy rực rỡ. Kiến trúc này cũng đề cao yếu tố ánh sáng và gió trời, mang lại cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, thanh thoát". Dù vậy phong cách này khi đặt vào bối cảnh khí hậu nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam dễ khiến bên trong căn nhà bị lạnh lẽo nên anh Liêm đã tham khảo thêm kiến trúc Đông Dương và thấy rất ăn ý khi phối trộn vào không gian ban đầu.
Nghĩ là một chuyện nhưng bắt tay vào làm lại là chuyện khác. Ban đầu, hai vợ chồng cũng dự định thuê kiến trúc sư. Nhưng tìm hiểu nhiều nơi, xem nhiều bài báo, tạp chí về kiến trúc, anh chị thấy các phong cách thiết kế bị trùng lặp, bị "công nghiệp". "Thật khó để tìm được một kiến trúc sư chịu ngồi nghe về những ý tưởng để hiểu tính cách, tư duy, cảm xúc của mình. Hoặc sẽ có những kiến trúc sư như thế nhưng giá không hề rẻ. Vì vậy, hai vợ chồng quyết định tự làm".
Do chưa từng học qua bất kỳ trường lớp nào về kiến trúc cũng như hội họa, lại càng xa lạ với thiết kế 2D, 3D, anh Hoàng Liêm đã thực hiện toàn bộ bản thiết kế bằng tay, với tẩy, thước kẻ, bút chì và giấy in A4. Từ mặt tiền căn nhà, cấu trúc bên trong, các ô cửa, cầu thang, tủ bếp, phòng ngủ, nhà vệ sinh, giếng trời..., mỗi chi tiết là một bản vẽ tay tỉ mỉ, chính xác từng milimet.
Anh Hoàng Liêm chia sẻ, anh hoàn thiện bản vẽ mặt tiền và cấu trúc tổng thể trước khi thi công. Trong quá trình ngôi nhà được xây dựng phần thô, anh vẽ tiếp các chi tiết còn lại. Ngôi nhà xây theo kiểu "cuốn chiếu" nên không ít lần bị đập bỏ một số vị trí do thay đổi công năng hoặc theo yêu cầu của bản vẽ nội thất.
Thấy nhà anh xây khác kiểu, thợ thi công nhiều lần phản ứng. Rồi người thân, hàng xóm mỗi lần ghé vào đều nhận xét, phần đa là chê, chỉ vì "cái nhà gì mà chẳng giống ai cả". Chưa kể nhiều lời góp ý, khuyên răn về tính khả thi của bản thiết kế…
Tuy vậy, cả hai vợ chồng anh đều kiên định với suy nghĩ: "Đó là không gian phù hợp với gia đình mình và chỉ dành cho gia đình mình. Là nơi mình vừa sống vừa thưởng thức không gian sống do mình tạo nên". Phần thưởng cho sự kiên định, dám nghĩ và dám bắt tay vào làm đó là một ngôi nhà 3 tầng xinh xắn, có tổng diện tích gần 150m² được hoàn thiện với vỏn vẹn 750 triệu đồng.
Lô đất hình chữ nhật có mặt tiền chưa đến 4m nên để xây dựng không tuân theo kiểu nhà ống truyền thống thực sự là một bài toán khó. Nhất là khi cả hai vợ chồng đều làm nghề luật, hoàn toàn ngoại đạo với kiến trúc. Tuy vậy, niềm mong mỏi có một tổ ấm riêng đã thôi thúc họ tìm kiếm các ý tưởng thiết kế từ nhiều nguồn để kiến tạo nên một ngôi nhà vừa đúng ý, khác biệt nhưng đảm bảo về công năng.
Toàn bộ tầng trệt trải rộng trên một mặt sàn với hai công năng chính là bếp và phòng khách kiêm khu vực sinh hoạt chung. Riêng phần trước nhà được hạ cốt khoảng 2 mét rưỡi làm chỗ để xe. Trên mặt phẳng này, không chỉ màu sắc, chủ nhân của ngôi nhà thể hiện toàn bộ tư duy, nét tính cách điển hình và cách tận hưởng cuộc sống của mình thông qua từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Tiêu biểu như chất liệu gỗ, gốm và mây tre đan mộc mạc, gần gũi với lối sinh hoạt đơn giản, coi trọng giá trị truyền thống của gia chủ.
Hướng đến kiểu ngôi nhà ống hiện đại, vợ chồng anh Liêm, chị Hằng không chia phòng, không xây vách ngăn để tránh chia nhỏ không gian mà dùng chính cách bài trí nội thất để phân khu. Trong đó phòng khách kiêm khu vực sinh hoạt chung của gia đình được bố trí khoảng diện tích tương đối rộng và hạn chế tối đa về nội thất.
Dù vậy, tự thân chiếc sofa bọc da nâu tay gỗ thanh mảnh cùng chiếc bàn sơn đen cá tính khi được mảng tường lam hậu thuẫn cũng đủ tạo nên không gian tươi sáng, gợi mở cũng như rất chào đón cho những buổi chuyện trò gia đình hay tiếp khách tới chơi. Và tất nhiên, chiếc kệ đồ kiêm giá sách khổng lồ nằm gọn dưới gầm cầu thang cũng là cách xử lý vấn đề lưu trữ thông minh mà hiệu quả của cặp vợ chồng luật sư lần đầu chạm vào thế giới kiến trúc.
Khu vực gia chủ ưng ý nhất và cũng là nơi nhận được nhiều lời khen ngợi nhất trong ngôi nhà mang hương vị biển này là góc thư giãn nằm dưới giếng trời, ngay giữa khu phòng khách và bếp. Góc nghỉ này được đánh dấu bằng chiếc xích đu màu trắng thả xuống từ lan can sắt thông tầng. Chiếc ghế đu xinh xinh trắng tinh được tô điểm bằng chiếc gối ôm cam sáng là nơi chị Hằng thư giãn với vài trang sách hay, nghiền ngẫm tài liệu, là nơi 2 nhóc tì đáng yêu của anh chị chơi đùa với nhau.
Và nó cũng là nơi gia chủ dù ở tầng 1 cũng có thể nhìn mây trời trôi trên cao vào những ngày trời trong từ giếng trời bằng kính cường lực. Chiếc giếng trời này chẳng những có tác dụng lấy sáng mà còn giúp hứng khí tươi, tạo dòng gió luân chuyển thông thoáng trong toàn bộ căn nhà.
Khu vực bếp được đưa vào trong cùng với hệ tủ bếp chữ L thiết kế vừa vặn và tiện dụng cho gia đình bốn người. Tủ bếp trên chạm trần, giúp tối ưu việc lưu trữ đồ. Trong khi đó, chiếc kệ gỗ màu xanh da trời đặt các lọ gia vị thường dùng giúp bà chủ thuận tiện mỗi khi nấu nướng. Một chiếc cửa ngách nhỏ được trổ ở bên cạnh bếp nấu, vừa giúp thông gió vừa đón những vạt nắng xiên lấp lánh vào mỗi buổi trưa.
Nếu bếp và phòng khách là nơi của ngẫu hứng và nghịch ngợm thì cầu thang là nơi của chuẩn mực và chỉn chu. Những thanh sắt mảnh mai sơn đen sổ thẳng không họa tiết theo đúng lối minimalism khiến cho tổng thể trở nên thoáng đãng hơn, hiện đại hơn. Nhẹ nhàng và êm dịu là cảm giác khi bước chân lên những bậc thang ốp gỗ đen, chạm tay vào bức tường sơn trắng điểm đôi ba khung ảnh gia đình.
Không gian nghỉ ngơi của gia chủ được bố trí trên tầng 2 mang màu sắc hostel, kiểu cách và đỏm dáng. Phòng ngủ chính không có nhiều đồ, nhưng bố trí nội thất có sự thống nhất chặt chẽ với tầng trệt.
Giỏ mây vẫn là vật dụng chính để chứa đồ, từ thú nhồi bông tới những món trang điểm thường ngày. Giường gỗ kiểu scandinavian, ga trải giường đơn sắc. Ô cửa sổ trổ ra balcon có cây hồng thơm và giàn hoa giấy chưa đến mùa trổ bông. Giữa bức tranh thiên về gam lạnh ấy, cá chép Nhật trở thành vật trang trí chính, phả nhẹ chút nồng ấm và "diêm dúa" điểm xuyết nhẹ nhàng trên tường, hay treo lắc lư vào tay nắm cửa tủ.
Hành lang nối hai phòng ngủ đi qua nhà tắm và giếng trời. Gia chủ không quên trổ 1 ô cửa sổ màu xanh từ nhà tắm để nhìn ra không gian vuông vức đầy nắng của giếng, nơi những bức tranh và giỏ cây được treo có chủ đích. Bên trong phòng tắm vẫn là màu sắc vintage tươi trẻ, với rèm vải ngăn khu tắm và khu vệ sinh, với chiếc gương được lồng khung như một bức tranh và những lọ gốm bé xíu cắm hoa sặc sỡ nổi bật trên mặt bàn ốp đá đen.
6 tháng xây nhà và 5 tháng chuyển về sinh sống là quãng thời gian nhiều "sóng gió" của hai vợ chồng luật sư Hoàng Liêm - Lệ Hằng. Những trận cãi vã nhiều khi chỉ xoay quanh miếng gạch lát nền phòng tắm, cái cầu thang bị lệch hay vì anh Hoàng Liêm chiếm dụng nhiều ngày cuối tuần của các con chỉ để… đóng đồ đạc.
Dù thị trường không thiếu thứ gì, từ cổ điển tới hiện đại, từ đắt tới rẻ, nhưng đi tham khảo khắp các showroom lớn nhỏ lẫn cả chợ đồ gỗ Đê La Thành, hai vợ chồng nhận ra thứ mình muốn mà vừa túi tiền chỉ có thể tự mình làm ra. Vậy là anh Liêm đi mua đục, mua cưa, mua máy cắt gỗ, rồi sơn, rồi giấy nhám… tất cả đủ cho một thợ mộc nghiệp dư. Anh thậm chí còn mua lại cả những món nội thất cũ rồi tự "chế biến", sơn lại để thành một món đồ riêng có trong nhà mình.
Tất nhiên, có những món nội thất vẫn phải đặt làm và mua sẵn. Chẳng hạn như tủ bếp, tủ quần áo là anh Liêm phải thuê thợ. Nhưng vì làm từ gỗ tầm bì do nhà chủ động mua lại thêm chỉ thuê thợ ở quê đóng thô, rồi về tự sơn, tinh chỉnh lại nên giá mềm hơn nhiều so với thị trường.
Anh Hoàng Liêm thổ lộ: "Khi đóng đồ, tôi thấy rất hào hứng. Không thấy mệt mỏi hay vất vả gì. Ngược lại, những áp lực thường trực của nghề luật sư không còn tồn tại nữa. Lúc đó, toàn bộ tâm trí là dành cho món đồ mình đang làm, cảm thấy vô cùng thư giãn".
Chị Lệ Hằng thì rất tâm đắc với những vật dụng do chồng mình tạo nên: "Tôi vẫn nói với chồng là tôi thích một ngôi nhà đầy ắp đồ. Nhưng điều kiện tài chính của gia đình thì hạn chế. Muốn vừa đẹp vừa đúng ý lại vừa kinh tế thì chỉ có tự làm thôi. Khi anh ấy bắt tay vào đóng thử, tôi khá bất ngờ về kết quả nhận được. Có thể độ sắc nét và tinh tế thì không được như đồ gỗ ngoài showroom nhưng nó chứa đầy cảm xúc.
Như cái kệ đựng gia vị ở bếp chẳng hạn. Kệ đó làm bằng gỗ thông. Anh ấy đem đốt bề mặt ngoài của gỗ, làm lộ ra từng rãnh sâu của khe gỗ, rất hay. Cái ghế con thỏ của con gái anh ấy tái chế từ mấy khoanh gỗ thừa và chiếc thớt cũ, rồi sơn đen bóng. Hay cái tủ lavabo trong nhà tắm, vốn dĩ hai vợ chồng định đặt thợ đóng rồi. Nhưng đem mẫu đi đặt thì thợ báo giá cao quá. Thế là anh ấy nghĩ ra cái bàn trang điểm cũ của tôi. Anh mang ra khoét mặt bàn theo kích thước chậu rửa, rồi sơn lại bàn màu xanh, sơn thêm một lớp chống thấm. Anh ấy cũng tự đóng một cái sàn gỗ tắm từ những miếng pallet".
Tuy nhiên, cũng chính chị Lệ Hằng tiết lộ, chỉ vì sự say mê của ông xã dành cho tổ ấm của hai vợ chồng mà nhiều lần họ giận dỗi không nhìn mặt nhau. Những buổi tối anh Hoàng Liêm mải vẽ nhà đến quá nửa đêm. Những ngày cuối tuần đục đục, gõ gõ, chà chà, sơn sơn thay vì đưa con đi chơi như trước kia.
"Có sáng chủ nhật tỉnh giấc trong tiếng cưa đục và bụi gỗ bay khắp nhà, tôi tức giận chỉ muốn đem con đi chỗ khác ở. Nhưng khi nhìn thấy thành quả anh ấy làm ra thì không thể không xúc động vì nó quá đẹp, quá đáng yêu. Những món đồ ấy không hiểu sao luôn đúng ý tôi, đúng theo sở thích của tôi ngay cả khi không phải món đồ do tôi "đặt hàng" chồng", chị Lệ Hằng tâm sự.
Chị Lệ Hằng bảo ngôi nhà của mình có nhiều điều chưa hoàn hảo nhưng từng góc từng mảng là ăm ắp kỷ niệm của hai vợ chồng trong 1 năm qua. Như cái sàn gạch bông thợ làm hỏng và từ chối thi công, hai vợ chồng lọ mọ lên mạng tìm hiểu cách lát, rồi hì hụi gần 1 tuần ốp từng viên gạch, đếm từng mét vuông.
Như cái bức tường phòng khách có chút sần sùi lem luốc nhưng là công sức nguyên một ngày hai vợ chồng tự sơn theo đúng ý mình. Như cái cầu thang đi đặt hàng cả chục xưởng hàn xì lớn không nơi nào chịu nhận vì nó "chả giống ai" cuối cùng lại tìm được cái gật đầu từ bác thợ già ở một cái xưởng bé con nhất. Như cái nhà tắm khiến hai vợ chồng to tiếng với nhau vì xấu để sau đó chồng lặng lẽ gỡ ra ốp lát lại từ đầu trong sự ngỡ ngàng của vợ.
Tuy vậy, cũng nhờ những cuối tuần anh Liêm làm quên giờ giấc, và sự dám liều của cả 2 mà tổng chi phí cho nội thất (bàn ghế, giường tủ, tủ bếp, bàn ăn…) của ngôi nhà chỉ rơi vào 70 triệu. Chị Lệ Hằng bảo, ngoài việc tự thiết kế và tự đóng đồ đạc, bố chồng chị cũng giúp các con tiết kiệm rất nhiều tiền khi ông giám sát từ đầu tới cuối quá trình thi công và tự tay làm điện nước. "Thậm chí có lúc thợ thuyền thiếu, ông ấy còn xắn áo vào làm cùng với thợ, không quản ngại vất vả gì vì cái nhà cho các con", chị Lệ Hằng cho hay.
Nói về tổ ấm của mình, chị Hằng cười tươi rói bảo: "Người ta vào chỉ khen xinh chứ chẳng ai trầm trồ là đẹp". Hai vợ chồng chị cũng sẽ còn tinh chỉnh nhiều để ngôi nhà thêm đầy đủ về công năng và phù hợp hơn khi 2 đứa trẻ lớn lên. Nhưng có một điều chắc chắn là họ vẫn sẽ giữ nguyên sự gần gũi, mộc mạc mà ấm áp, bình yên của căn nhà, để được thưởng thức chứ không chỉ là sống trong không gian ấy.