Có thể bạn sẽ bật cười và cho rằng điều này thật vớ vẩn, nhưng khoan hãy bỏ qua lời khuyên có vẻ quá thẳng thừng và phũ phàng này, bởi vì thực sự, có một xu hướng đang thức tỉnh rất nhiều ông bố bà mẹ trên khắp thế giới, đó là xu hướng "muốn con hạnh phúc và bình an, bố mẹ hãy… đừng làm gì cả".
Neil deGrasse Tyson là một nhà Vật lý thiên văn, vũ trụ học nổi tiếng người Mỹ. Ông chính là tác giả của câu nói "Tôi nghĩ rằng điều tốt nhất cha mẹ có thể làm khi nuôi dạy con cái mình, đơn giản là tránh sang một bên trên hành trình lớn lên của chúng" và nhiều câu nói nổi tiếng khác về việc nuôi dạy con của cha mẹ hiện đại - một thế hệ mà theo ông luôn kiểm soát mọi thứ và "điều khiển" con cái lớn lên theo một quỹ đạo mà họ mong muốn, và kỳ vọng dưới vỏ bọc của một tuyên ngôn đầy tình yêu thương "bố mẹ có thể làm mọi điều vì con cái".
"Phải làm gì để con tôi đam mê khám phá khoa học đây?"
"Tôi muốn con tôi yêu thích nghệ thuật mà không biết phải làm sao?"
"Tôi không thể thuyết phục được con gái mình theo học lớp múa"
"Dù khóa học này đắt đỏ, nhưng tôi muốn con mình phải được tham gia"
"Con tôi không thích vẽ"
"Con tôi không thể tập trung"
"Con tôi không hứng thú gì với việc học đàn piano"
…
Những trăn trở bất tận của các bậc làm cha mẹ - những người luôn cảm thấy "con mình đang có vấn đề gì đó". Để trở thành người hùng giải cứu những vấn đề (mà bố mẹ nghĩ) của con cái mình, họ lao vào tìm kiếm các khóa học kỹ năng làm cha mẹ, hối hả đăng ký các sự kiện tư vấn nuôi dạy con, ngày đêm mò mẫm những lời khuyên trên mạng giúp họ kiểm soát con cái tốt hơn. Họ luôn lo lắng con mình "không có việc để làm" và lúc nào cũng muốn chúng được bận rộn.
Đó là khi cha mẹ bắt đầu những sai lầm của mình.
Trong một bài nói chuyện thu hút hàng triệu lượt xem, Neil deGrasse Tyson nói rằng, không phải trẻ em mà chính cha mẹ chúng mới là vấn đề. Theo ông, trẻ em là những nhà khoa học bẩm sinh. Chúng lúc nào cũng muốn lật những hòn đá lên, bứt những cánh hoa, tung hứng những quả trứng ở trong bếp, leo trèo trên cây, tháo tung các món đồ… Trẻ em luôn làm những việc mà nhìn chung, cha mẹ chúng thường cho là "phá hoại". Thế nhưng, "phá hoại" đối với trẻ chính là một kiểu khám phá. Nếu tách rời mọi thứ ra, bạn có thể biết cách lắp lại như cũ. Một nhà khoa học trưởng thành là một đứa trẻ không bao giờ lớn lên. Những việc mà bọn trẻ thích làm cũng chính là những việc một nhà khoa học trưởng thành làm.
"Khi bọn trẻ mở tủ lạnh, lấy một quả trứng và tung lên tung xuống, việc đầu tiên cha mẹ thường làm là gì? "Đừng có làm thế! Vỡ bây giờ! Cất ngay đi!". Chúng ta thường hét lên như vậy. Khi bọn trẻ vào bếp, bày bừa hết nồi niêu xoong chảo ra, rồi gõ loảng xoảng đinh tai nhức óc. Cha mẹ thường nói gì đầu tiên? "Đừng có gây ầm ĩ nữa, con làm hỏng hết nồi niêu bây giờ!". Chúng ta quên mất rằng, đó chính là những thí nghiệm tuyệt vời!
Hãy để trẻ có cơ hội khám phá ra rằng khi trứng rơi, nó sẽ… vỡ. Đó là một thí nghiệm vật lý và chuyển thành một thí nghiệm sinh học ngay tức thì khi mà lòng đỏ trứng bắt đầu chảy ra. Hãy chớp lấy cơ hội này để bảo với con bạn: "Lòng đỏ sẽ biến thành gà con đấy. Mà sao cái lòng đỏ dính dính này lại biến thành gà con được nhỉ?!". Chà! Đó chính là Sinh học đấy! Đó là thời điểm tuyệt vời để chúng ta khích lệ lũ trẻ "Con hãy tìm hiểu đi!". Mà quả trứng đáng giá bao nhiêu tiền? Cùng lắm chỉ là 8 nghìn đồng! Còn khi bạn ngăn lũ trẻ gõ liên hồi vào đám xoong chảo, thì cũng là lúc bạn vừa phá hỏng một thí nghiệm về âm thanh đấy!", Neil deGrasse Tyson phân tích trong bài nói chuyện của mình.
Những câu chuyện như vậy cũng khiến ông không ngừng đặt câu hỏi và cảm thấy kì cục về cách mà những cha mẹ hiện đại đang dạy con, thật kì lạ khi mà "trong những năm đầu đời của trẻ, chúng ta dạy con tập đi và học nói. Và rồi sau đó, trong suốt phần đời còn lại của cuộc đời chúng, chúng ta chỉ muốn chúng ngồi một chỗ và đừng nói gì cả".
Đây cũng chính là mâu thuẫn nội tại lớn nhất của cha mẹ hiện đại. Thay vì lắng nghe, quan sát, kiên nhẫn với con cái, chúng ta thường muốn kiểm soát và làm chủ "cuộc chơi". Thay vì giao tiếp với con bằng ánh mắt và những từ ngữ khích lệ, cảm thông, thấu hiểu, chúng ta thường ngăn cản và ra lệnh cho chúng.
Trẻ em từ khi sinh ra cho đến khi 4 tuổi đều là những thiên tài, chúng phát triển não bộ, học hỏi các kĩ năng, sáng tạo và khám phá, học hỏi và đúc kết với tốc độ của một thiên tài. Bạn sẽ đặt ra một câu hỏi là những thiên tài hay tài năng tỏa sáng này đã biến mất đi đâu?
Chúng không biến mất, cũng chẳng đi đâu cả, nhưng chúng đã bị chôn vùi bởi một hệ thống những câu nói mà chúng nghe thấy mỗi ngày từ thầy cô, hàng xóm, cộng đồng và đáng buồn nhất là từ cha mẹ. "Đừng tô chờm màu ra ngoài đường viền! Ngồi xuống ngay! Đừng động vào đó, con sẽ làm nó bung bét hết cả ra đấy! Con không làm được đâu, để bố/ mẹ làm cho! Con không được phép!"… Một thống kê không chính thức cho thấy, một đứa trẻ khi tròn 17 tuổi đã nghe khoảng 150.000 lần từ "Không" và chỉ được nghe khoảng 5.000 lần từ "Có/ Đồng ý". Khi trẻ càng nghe nhiều về những gì chúng không thể làm, những nơi chúng không thể đi và những con người mà chúng không thể trở thành, một vết hằn thần kinh được tạo ra trong não bộ của chúng và cắt đứt, đóng sập lại những phát triển cá nhân của chúng.
Chúng ta hài lòng khi các con tham gia với các lớp học kĩ năng sống, các khóa huấn luyện làm chủ cảm xúc, các sự kiện sôi động, nơi mà chúng ta nghĩ rằng lũ trẻ có cơ hội trải nghiệm và thể hiện bản thân.
Thế nhưng, chúng ta luôn cảm thấy phiền lòng khi con cái cần mình, chúng ta tìm mọi cách để trì hoãn hoặc thậm chí là ngăn cản khi lũ trẻ muốn chúng ta làm việc gì đó với chúng, lắng nghe chúng hay ủng hộ chúng làm những trò vui ngốc xít của những đứa trẻ. Đơn giản là vì, chúng ta quá bận rộn để làm việc đó. Chúng ta có thể dành cho con tất cả mọi thứ, trừ thời gian của mình. Thời gian dành cho con cái luôn là một món quà xa xỉ hơn tất thảy mọi thứ! Và quả thực nói "Không" với con là một giải pháp quá an toàn và dễ dàng.
"I had the house, but I lost the home" (tạm dịch: Tôi đã có một ngôi nhà nhưng lại đánh mất tổ ấm của mình) là lời thú nhận của Simon Theophilus Bailey - một diễn giả nổi tiếng người Mỹ, tác giả của những cuốn sách best-seller về nghệ thuật cân bằng cuộc sống, khi ông nói về thất bại hôn nhân và công việc làm cha của mình.
Tài sản, danh vọng, tiền bạc chẳng thể mang lại cho bạn hạnh phúc và ý nghĩa đích thực của cuộc sống, trong khi bạn đã bỏ lại mọi thứ để theo đuổi chúng, kể cả gia đình và những đứa con của bạn. Bạn thờ ơ với những câu hỏi "Tại sao" của con trẻ vì nghĩ rằng có thể bỏ tiền ra để chúng tìm câu trả lời ở những khóa học; bạn lướt qua ánh mắt chờ đợi của chúng mỗi khi con ngước mắt nhìn bạn và gọi "Bố/ mẹ ơi…". Đó giống như là việc bạn đã dành cho tất cả mọi người phần tốt đẹp nhất của bạn và để lại những phần xấu xí nhất cho những người yêu thương bạn. Đến một lúc nào đó, những người gắn bó nhất với bạn sẽ nói với bạn rằng "Chúng tôi không muốn thức ăn thừa nữa!", đến một lúc nào đó khi bạn nhận ra rằng con cái cũng nhìn bạn bằng ánh mắt thờ ơ và chẳng hề có nhu cầu muốn nói chuyện hay chia sẻ với bạn thì đã quá muộn. Đó chính là bi kịch lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ.
Bản thân chúng ta đang có quá nhiều khủng hoảng và những rắc rối. Dường như cách duy nhất khiến chúng ta cảm thấy được an ủi đó là suy nghĩ "Chẳng phải tôi đang làm tất cả những điều điên rồ này là vì con mình đó sao?". Sự thực có phải như vậy? Lũ trẻ có cần quá nhiều thứ đến vậy? Chúng có cần những lịch trình dày đặc mỗi ngày? Chúng có thực sự vui vẻ khi ngồi cô đơn trước những màn hình của các thiết bị điện tử? Chúng có trưởng thành hơn nhờ nhìn vào tấm gương hối hả, cáu kỉnh, nhàu nhĩ và dễ dàng bất mãn của chính bố mẹ mình?
Điều mà con cái chúng ta cần nhất trong những năm đầu đời vô cùng đơn giản. Chúng cần "được là trẻ con" - mà thế giới của một đứa trẻ thì đơn giản vô cùng!
Nếu những lịch trình, kế hoạch và thiết bị điện tử đang khiến bạn cảm thấy mình dần bị đánh mất hoặc ngắt đứt sợi dây kết nối với con cái, thì đây chính là lúc để chúng ta đơn giản hóa mọi thứ. Trẻ em sẽ phát triển mạnh mẽ khi chúng có đủ thời gian và không gian để khám phá thế giới mà không bị rằng buộc bởi các nhu cầu "quá nhiều" của cha mẹ.
Muốn con hạnh phúc và bình an, bố mẹ hãy… đừng làm gì cả!
Chỉ đơn giản là ở bên con, nhìn vào mắt chúng, nắm tay chúng thật chặt, ôm trọn chúng trong vòng tay của mình và chia sẻ những niềm vui giản dị cùng nhau mỗi ngày, bạn làm được chứ?