Lê Nguyễn Vân Anh: Từ cô bé nhút nhát trở thành tiến sĩ ngoại giao năm 26 tuổi - Ảnh 1.

Lê Nguyễn Vân Anh: Từ cô bé nhút nhát trở thành tiến sĩ ngoại giao năm 26 tuổi - Ảnh 2.

Năm 12 tuổi, tôi tự hỏi "Điều mình mong muốn nhất trong đời là gì?". Tôi có một quyển sổ tay ghi tất cả những gì mình thích. Sau hàng chục lần vẽ đi vẽ lại trong quyển sổ tay, tôi muốn trở thành một nhà ngoại giao. Khi lần đầu nhìn thấy cô Tôn Nữ Thị Ninh xuất hiện trên tivi, tôi đã rất hâm mộ phong thái, kiến thức sâu rộng và lời lẽ sắc bén của người phụ nữ đại diện cho Việt Nam bảo vệ đất nước trên chính trường quốc tế.

Tôi sưu tập và cắt tất cả những bài báo về cô dán vào một quyển sổ lớn để nghiên cứu xem muốn trở thành người như cô Ninh tôi phải làm như thế nào? Thứ nhất, tôi phải giỏi Ngoại ngữ. Thứ hai, tôi phải thông thạo kiến thức xã hội, chính trị, văn hóa của tất cả các quốc gia. Thứ ba là thần thái khuôn mặt, cách ăn nói, cách đi đứng, lời lẽ sắc bén của một nhà ngoại giao.

Từ đó, mỗi khi cả nhà đã đi ngủ, tôi đều mở sách báo ra rồi luyện tập nói chuyện trước gương, nói chuyện như mình là diễn giả với những khán giả bên dưới. Đó là những bước đi đầu tiên cho hành trình sau này tôi đoạt học bổng toàn phần Australian Awards của Thủ tướng Úc để nghiên cứu về chính sách ngoại giao năm 16 tuổi.

Lê Nguyễn Vân Anh

Cú sốc lớn nhất của tôi trong những ngày tháng đầu tiên ở Úc chính là sự phân biệt chủng tộc. Tôi có áp lực là phải dành thời gian học, đọc rất nhiều để giữ cho mình một mức điểm cao nếu không sẽ bị cắt học bổng nên thời gian đầu ở Úc tôi ít tham gia hoạt động ở trường. Có một nhóm bạn trong lớp rất hiếu kỳ, họ tự hỏi vì sao tôi lại khinh người như thế vì mỗi lần vào lớp tôi chỉ học và học, chẳng trò chuyện, kết bạn với ai. Thế là họ lôi tôi vào nhà tắm đánh cho đến bầm người đến nỗi tôi phải vào bệnh viện nằm cả tuần lễ. Tôi khóc rất nhiều nhưng giấu không cho ba mẹ biết chuyện. Nhà trường bảo tôi có quyền nói ra ai là những người ra tay đánh tôi, họ sẽ bị đuổi ra khỏi trường. Chỉ cần tôi lên tiếng.

Lê Nguyễn Vân Anh: Từ cô bé nhút nhát trở thành tiến sĩ ngoại giao năm 26 tuổi - Ảnh 4.

Trước mặt ban hội đồng nhà trường, tôi đã hướng về họ và nói "Tôi sẽ không bao giờ trở thành một người giống như các bạn. Tôi sẽ không bao giờ để các bạn bị đuổi ra khỏi trường. Tôi sẽ cho các bạn một cơ hội, một sự tha thứ nhưng sự tha thứ này cũng đồng nghĩa với sự khinh bỉ của tôi". Từ đó họ không bao giờ đụng vào tôi nữa còn nhà trường cũng có một cái nhìn hoàn toàn khác về người châu Á. Đó là bài học đầu tiên của tôi học về cách xử lý một tình huống để trở thành một nhà ngoại giao.

Lê Nguyễn Vân Anh: Từ cô bé nhút nhát trở thành tiến sĩ ngoại giao năm 26 tuổi - Ảnh 5.

Một trong gạch đầu dòng trong quyển sổ tay của tôi là thời trang và năm 24 tuổi tôi đã sở hữu một công ty thời trang. Câu chuyện thời trang xuất phát từ việc ba mẹ nghĩ rằng tôi là người không thể kinh doanh. Tôi kinh doanh từ năm 20 tuổi để trả lời cho câu hỏi: Tôi không thể kinh doanh được ư?

Công ty thời trang đầu tiên của tôi đóng cửa sau 3 tháng hoạt động. Công ty thứ hai về đào tạo stylist cũng đóng cửa sau một năm. Thời gian đó, tôi quyết định xin vào thực tập ở tạp chí thời trang Cosmopolitan để trang trải cuộc sống và để hiểu về con người, thời trang ở đất nước Singapore thật sự là thế nào. Nhưng cuộc đời không như mơ. Bạn là một thực tập sinh? Nhiệm vụ của bạn chỉ là in giấy, photo, pha cà phê, bưng trà cho mọi người trong suốt tháng đầu tiên. 10 người đến thực tập đến phút cuối chỉ còn hai người trụ lại. Tôi không bỏ cuộc. Sang tháng thứ hai, tôi được nhận vào làm ở vị trí phụ tá cho các buổi chụp ảnh chân dung, ảnh bìa tạp chí. Thời gian đó, tôi làm việc quần quật ở rất nhiều vị trí khác nhau, vừa viết bài, lên ý tưởng, chụp ảnh, gặp gỡ các đối tác, có ngày tôi chỉ ngủ 3 giờ đồng hồ. Đúng 6 tháng sau, tôi đã được đề nghị lên vị trí Giám đốc sáng tạo của Cosmopolitan. Bài học tôi có được khi làm nhân viên quèn ở Cosmopolitan chính là đôi lúc trong cuộc sống bạn không nhất thiết phải nghĩ quá cao. Nếu muốn trở thành một ông chủ, bạn hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất.

Lê Nguyễn Vân Anh: Từ cô bé nhút nhát trở thành tiến sĩ ngoại giao năm 26 tuổi - Ảnh 6.

Khi khởi nghiệp công ty thứ ba, công ty thời trang may theo đơn đặt hàng, sau này là may trang phục phim, và duy trì nó đến tận ngày hôm nay, tôi không còn làm để chứng minh cho ba mẹ là mình có khả năng kinh doanh nữa, tôi làm vì đam mê và muốn phá vỡ những giới hạn người khác đặt ra cho mình. Nhìn lại những gì đã qua, tôi tin rằng chúng ta ai cũng sẽ có lúc sai lầm, ai cũng sẽ gặp thất bại. Nhưng nhiều thất bại sẽ giúp bạn rút ngắn con đường đi đến thành công.

Sau trải nghiệm về kinh doanh, truyền thông là lĩnh vực tiếp theo tôi cần học. Vượt qua 8 vòng thi, tôi trở thành biên tập viên của mục CNN Politics và hiện là giám đốc CNN Money khu vực châu Á. Trong môi trường chuyên nghiệp như CNN, áp lực làm việc liên tục từ 10h đêm đến 4h sáng cùng với dòng tin tức liên tục khiến bạn phải luôn trong tư thế sẵn sàng. Trải nghiệm và những thử thách ở CNN giúp tôi trang bị những kiến thức về lĩnh vực khởi nghiệp, công nghệ, giáo dục, những kiến thức tôi không có được khi học ngoại giao.

Có thể bạn sẽ thấy khó hiểu khi nhìn vào bức tranh nghề nghiệp của tôi: Học ngoại giao, đi làm kinh doanh rồi sau đó nhảy sang làm truyền thông. Nhưng đây là những trải nghiệm đã được tôi lên kế hoạch học hỏi, để giúp tôi hoàn thiện bản đồ trên con đường làm về giáo dục, con đường tôi đã chọn từ năm 24 tuổi.

Lê Nguyễn Vân Anh: Từ cô bé nhút nhát trở thành tiến sĩ ngoại giao năm 26 tuổi - Ảnh 7.

Lê Nguyễn Vân Anh: Từ cô bé nhút nhát trở thành tiến sĩ ngoại giao năm 26 tuổi - Ảnh 8.

Câu chuyện bị phân biệt chủng tộc đã dấy lên trong tôi lòng tự tôn dân tộc và một lần nữa trở nên sâu sắc hơn khi tôi bị một vị giáo sư thẳng thừng từ chối khi tôi ngỏ lời làm nghiên cứu sinh. Ông nói thẳng với tôi "Cô là người Việt Nam và vì cô là phụ nữ, nên tôi không nhận lời". Tôi vô cùng tức giận và về nhà tổng hợp toàn bộ thông tin những người Việt Nam thành danh trên thế giới rồi gửi cho vị giáo sư ấy. Tôi nói với ông rằng tôi không thể chấp nhận một giáo sư lại có suy nghĩ thiển cận như thế. "Người Việt Nam hay người châu Á thì cũng đều là con người, tôi cũng có quyền của một con người như ông thôi. Một ngày nào đó tôi sẽ chứng minh cho ông thấy người phụ nữ Việt Nam sẽ làm được nhiều hơn mà những người nước ngoài có thể hiểu được".

Sau này vị giáo sư ấy vẫn nhắc lại ánh mắt máu lửa của tôi khi đứng lên thuyết trình về hình ảnh của người Việt Nam, nhưng khoảnh khắc đó cũng khắc sâu trong tâm trí tôi khát vọng tạo ra một tổ chức giáo dục để đưa hình ảnh của phụ nữ Việt Nam ra thế giới.

Lê Nguyễn Vân Anh: Từ cô bé nhút nhát trở thành tiến sĩ ngoại giao năm 26 tuổi - Ảnh 9.

Rồi khi có cơ hội được sống và làm việc ở Úc, ở Singapore, ở Mỹ, tôi nhận ra nhiều phụ nữ Việt Nam có cuộc sống rất vất vả, họ hy sinh cho gia đình và đánh mất đi quyền tự do của mình: Quyền tự do được mơ ước và theo đuổi ước mơ. Tôi quay trở lại câu hỏi năm 12 tuổi "Sứ mệnh cuộc đời mình là gì? Liệu tôi có thể làm gì để thay đổi định kiến của xã hội dành cho người phụ nữ". Đó là hai câu chuyện dẫn dắt đến sự thành lập của FounderGirls. Năm 2015, tôi quyết định về sống ở Việt Nam sau khi viết toàn bộ kế hoạch xây dựng FounderGirls ra giấy. Đồng thời tôi cũng tham gia rất nhiều tổ chức, hội nhóm dành cho phụ nữ để hiểu hơn về phụ nữ Việt Nam và gặp được những người đồng sáng lập FounderGirls bây giờ.

Lê Nguyễn Vân Anh: Từ cô bé nhút nhát trở thành tiến sĩ ngoại giao năm 26 tuổi - Ảnh 10.

Chúng tôi muốn xây dựng FounderGirls như một ngôi nhà cho phụ nữ có thể tự phát triển. Trong ngôi nhà đó, phụ nữ được trang bị đủ kiến thức để phát triển tiềm năng bên trong và tất cả những kỹ năng để hội nhập thế giới. FounderGirls được xây dựng như một hệ sinh thái, gồm FounderGirls Schools, FounderGirls LifeStyle và quỹ đầu tư FounderGirls. Trường học ở FounderGirls học theo cách thực hành, tương tác nhiều hơn là học trên giấy, nghĩa là bạn sẽ tham gia một dự án cụ thể trong những mảng giáo dục, sáng tạo, công nghệ, khởi nghiệp và phát triển cộng đồng. Mục tiêu của FounderGirls là sẽ tạo ra một triệu phụ nữ Alpha, những phụ nữ Việt Nam dẫn đầu trong lĩnh vực họ theo đuổi, với một triệu dự án thành hiện thực.

Lê Nguyễn Vân Anh: Từ cô bé nhút nhát trở thành tiến sĩ ngoại giao năm 26 tuổi - Ảnh 11.

Tôi có một mối tình 6 năm và sau khi chia tay với bạn trai cũ, tôi không còn tin vào tình yêu nữa. Nhưng Cristian đã thay đổi cách tôi nghĩ về tình yêu. Cristian sinh ra ở Ý, tôi và anh quen biết nhau khi chúng tôi cùng học thạc sĩ ở Úc. Thời điểm chia tay người cũ tôi rơi vào khủng hoảng, Cristian đã ở bên cạnh chia sẻ, an ủi, động viên tôi rất nhiều. Sau này khi Cristian chính thức trở thành người yêu, tôi nhận ra rằng để có một cuộc hôn nhân bền vững trước tiên hãy là những người bạn của nhau. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ Cristian là bạn thân của mình, tôi có thể chia sẻ với anh bất kỳ điều gì và mỗi khi có gì đó bất đồng, cả hai sẽ cùng nhau ngồi xuống trao đổi ngay.

Lê Nguyễn Vân Anh: Từ cô bé nhút nhát trở thành tiến sĩ ngoại giao năm 26 tuổi - Ảnh 12.

Khi tôi quyết định về Việt Nam sinh sống, Cristian nói một câu khiến tôi rất cảm động. "Bất cứ nơi nào em đi, dù em ở Campuchia, sa mạc hay bất kỳ đâu, anh cũng sẽ đến đó cùng em". Ngày Cristian về Việt Nam ra mắt ba mẹ, chúng tôi lo lắng vô cùng, tim hai đứa cứ đập thình thịch vì tôi biết ba mẹ không chịu con rể là Tây. Ai ngờ ba mẹ tôi lại thích Cristian ngay từ cái nhìn đầu tiên, còn đặt tên tiếng Việt cho Cristian là Tùng nữa. Sau này ba nói với tôi rằng "để một người đàn ông chấp nhận thay đổi vị trí công việc ở quê hương mình đến sống ở một đất nước xa lạ chỉ vì một cô gái chứng tỏ anh ấy rất yêu con" đó là một trong những lý do ba tôi chấp nhận Tùng.

Lê Nguyễn Vân Anh: Từ cô bé nhút nhát trở thành tiến sĩ ngoại giao năm 26 tuổi - Ảnh 13.

Mãi cho đến khi chúng tôi kết hôn, Cristian mới nói lời cầu hôn. Lời của anh ngay trong lễ cưới "Dù cho em có trở nên xấu xí, già nua, dù em có trở nên giàu có hay là một cô gái hoàn hảo, hay một cô gái đầy tham vọng để theo đuổi những điều em mong muốn thì anh vẫn bên cạnh em, ủng hộ, chăm sóc, yêu thương, chia sẻ và đồng hành cùng em.

Khi anh chấp nhận đeo chiếc nhẫn này vào tay em, anh sẽ là người luôn ở bên em trong thế giới này" đã làm tôi xúc động vô cùng.

Tình yêu với Cristian cũng là một thành công mà tôi muốn chia sẻ. Đối với tôi, một phụ nữ thành công nếu họ có một sự nghiệp rực rỡ nhưng thành công đó sẽ trọn vẹn hơn khi họ có một gia đình hạnh phúc.

Lê Nguyễn Vân Anh: Từ cô bé nhút nhát trở thành tiến sĩ ngoại giao năm 26 tuổi - Ảnh 14.

Lê Minh
Trịnh Kim Điền
Nhật Minh - Minh Hoàng - Hoài Thiên
Bi
Theo Trí Thức Trẻ 27/01/2017