năm trước, GS Ngô Bảo Châu mình mặc áo sơ mi, chân còn đi dép tổ ong, vất vả dạy học ở ngôi trường tiểu học cũ tồi tàn tại Lũng Luông (Thái Nguyên). 2 năm sau nhìn lại, vẫn vùng đất ấy, nơi GS Bảo Châu đứng trên bục giảng dạy toán nhưng ngôi trường mới đã khang trang, sạch đẹp gấp hàng trăm, hàng nghìn lần trường cũ.
Phải tận mắt nhìn thấy trường tiểu học Lũng Luông hay ít nhất cũng xem qua đoạn video về nó, bạn mới thấy xúc động đến nhường nào! Một công trình từ thiện nhưng không hề xoãng xình theo kiểu cốt để có nơi che mưa, che nắng. Trái lại nó vô cùng xinh xắn, đẹp đẽ. Nhìn thấy nó, người ta lập tức hiểu rằng ấy là thiết kế của một KTS "có tâm".
Người ấy là KTS. Hoàng Thúc Hào - nhân vật được giới truyền thông nhắc đến nhiều khi vừa vinh dự nhận giải thưởng SIA-GETZ cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á năm 2016.
Được biết anh là một KTS rất đam mê với kiến trúc cộng đồng. Anh có thể chia sẻ một chút về quá trình từ khi bắt đầu bén duyên với nó đến nay?
Tôi đam mê kiến trúc cộng đồng từ rất lâu nhưng trước năm 2010, chưa có điều kiện hiện thực hóa nó. Hầu hết dự án của chúng tôi là bài thi quốc tế hay đề xuất ý tưởng hoặc đề án quy hoạch… nằm trên trang giấy. Mặc dù đã giành nhiều giải thưởng nhưng tôi luôn cảm thấy chưa thỏa mãn. Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, mình phải làm thật.
Kiến trúc không phải là bài thơ hay bức tranh, chỉ cần dùng tờ giấy trắng để thể hiện. Một khi trở thành hiện thực, kiến trúc chứa đựng cả tỷ đồng trong đó. Vì thế, khi bắt đầu, chúng tôi chọn những công trình nho nhỏ và nhà cộng đồng Suối Rè chính là dự án đầu tiên chúng tôi tự đầu tư, bỏ tiền túi và kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để xây dựng.
Anh vừa nói là công trình nhà cộng đồng Suối Rè do anh tự bỏ tiền túi. Vậy những công trình khác thì sao?
Công việc làm cho cộng đồng không đem cho chúng tôi thêm nguồn thu nhập nào, thậm chí phải dốc hầu bao. Mỗi chúng tôi có những cách thu nhập khác nhau để nuôi dưỡng niềm đam mê đó. Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, thiện nguyện rồi các nhà hảo tâm…
Nhưng giữa thời buổi như bây giờ, theo đuổi công việc không đợi trả lương chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Không biết anh đã vượt qua như thế nào?
Khó khăn thì nhiều lắm, khi điểm lại, tôi thấy công trình nào cũng gặp khó khăn, từ kinh phí đến vật liệu rồi nhân lực…
Chẳng hạn, công trình xã hội được đầu tư kinh phí rất hạn chế song phải làm sao cho nó vừa bền, vừa đẹp lại phù hợp với địa phương, đáp ứng tốt mục đích sử dụng của người dân. Ngần ấy yêu cầu, thực sự là thách thức lớn nhưng vì có sự thôi thúc từ bên trong, khó khăn đối với tôi dần trở thành niềm đam mê.
Sự sáng tạo thì không có điểm dừng, chúng tôi cứ làm rồi khi gặp khó lại tìm cách tháo gỡ. Tôi nghĩ, đó cũng chính là cách giúp chúng ta biết đam mê chinh phục thử thách.
10 năm gắn bó với kiến trúc cộng đồng, anh đã cho ra đời 30 công trình khác nhau. Vậy không biết mỗi lần nhìn thấy một kiến trúc được hiện thức hóa, cảm xúc của anh ra sao?
Tôi thấy rất vui, nghĩ rằng mình đã được trả công xứng đáng khi biết người sử dụng cảm thấy hạnh phúc với công trình do mình thiết kế. Điều ấy thôi thúc tôi tiếp tục với đam mê, hy vọng có thể nhân rộng những thiết kế như thế ở địa phương khác, giúp nhiều người dân cảm thấy hạnh phúc hơn.
Nhưng ở sâu trong tim mình, đâu mới là lý do lớn nhất khiến anh tâm huyết với kiến trúc xã hội như thế?
Trên quả đất này, hầu hết nhà cửa đều do người dân tự làm. Nó mới chỉ là nơi chui ra chui vào chứ chưa thực sự đem lại cảm giác tiện nghi, thoải mái, giúp họ tiết kiệm tiền của, năng lượng. Thứ hai là nước mình còn chưa có điều kiện nên phần lớn công trình nhà tình nghĩa, cộng đồng… mới chỉ tính đến độ bền, chưa góp phần kế thừa, phát huy văn hóa của nhiều địa phương trên mảnh đất hình chữ S.
Vì vậy, tôi tự thấy mình có trách nhiệm làm ra kiến trúc hoàn mĩ hơn, từ đó truyền đi cảm hứng, thôi thúc mọi người muốn sống trong những căn nhà hoàn hảo mà như tôi vẫn hay nói đó là hoa của đất. Khi họ có mong muốn ấy, cộng thêm việc đã nhìn thấy, trải nghiệm kiến trúc đẹp, họ sẽ dần dần rút kinh nghiệm và làm tốt hơn cả chúng tôi nữa
Trở lại với trường học Lũng Luông, không biết cơ duyên nào đã đưa anh trở thành KTS chính và trong thời gian thực hiện công trình này, anh có kỉ niệm nào đáng nhớ?
Công trình này do quỹ Trò nghèo vùng cao, đứng đầu là nhà báo Trần Đăng Tuấn, phối hợp với GS Ngô Bảo Châu và quỹ Phượng Hoàng thực hiện. Trong quá trình làm, họ mời tôi tham gia thiết kế.
Tôi nhớ nhất thời gian đầu, con đường dẫn tới trường chưa được bê tông hóa, đường đi toàn sỏi đá, ô tô không tiến vào được thậm chí khi thời tiết xấu, lũ dâng lên, trường Lũng Luông bị tách ra khỏi trung tâm thị trấn. Điều đó làm cho việc di chuyển, tiếp tế vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn. Rất may, chúng tôi đã tìm ra biện pháp khắc phục.
Đây là công trình đầu tiên chúng tôi ứng dụng công nghệ gạch đất, sản xuất tại chỗ. Thời gian đầu gạch không đảm bảo, phải xây 1/3 trường bằng gạch đặc ở những khu phụ trợ, vừa làm vừa nghiên cứu và chúng tôi đã thành công.
Trường Lũng Luông được mọi người nhắc đến nhiều nhưng không biết, đó có phải là công trình anh ấn tượng nhất?
Mỗi công trình đều có nét đặc sắc riêng. Chẳng hạn như nhà cộng đồng Suối Rè, (Lương Sơn, Hòa Bình) có sự kết hợp giữa nhà gian của đồng bằng Bắc bộ với nhà sàn của dân tộc Mường. Ngụ ý thể hiện sự gắn bó giữa người Kinh và người Mường trong trường kỳ lịch sử. Hoặc nhà cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An) với hình ảnh rừng cau, sân trong nhà cổ, biểu trưng cho sự kết tinh giữa nông thôn -thành thị.
Chúng tôi cứ làm và trong lúc đó, chưa kịp nghĩ xem công trình nào đẹp nhất, lớn nhất, ấn tượng hay để lại nhiều kỉ niệm sâu sắc nhất. Đơn giản là chúng tôi luôn cố gắng hết sức và mỗi công trình lại đem đến những trải nghiệm riêng.
Ở thành thị, có nhiều người còn chưa hiểu hết về giá trị của kiến trúc, vậy anh làm thế nào để đưa nó về vùng nông thông, nơi mà mọi điều kiện còn khó khăn hơn và thuyết phục mọi người tin vào khả năng của mình?
Tôi dùng sự tận tâm, chân thành của mình. Tôi tìm đến vùng nông thông, chẳng có mục đích gì ngoài việc xây cho người dân những công trình giản dị nhưng độc đáo. Vậy là họ ủng hộ, tham gia xây dựng cùng tôi. Có lúc tôi chỉ trả công được phần nào còn lại, họ sẽ hỗ trợ thêm. Rồi lại có nhiều KTS trẻ đến giúp đỡ tôi. Tuổi trẻ người ta cũng nhiệt tình, máu lửa, muốn thể hiện bản thân, đóng góp cho xã hội nhiều kiến trúc cộng đồng có ý nghĩa. Việc của tôi đơn giản là tìm kiếm nguồn tài chính, giúp họ đủ sống ở mức nhất định.
Rồi lại có nhiều KTS trẻ đến đồng hành cùng tôi. Tuổi trẻ người ta cũng nhiệt tình, máu lửa, muốn thể hiện bản thân, đóng góp cho xã hội nhiều kiến trúc cộng đồng có ý nghĩa.
Ở góc độ là một KTS, anh nghĩ thế nào mới là một công trình hoàn hảo?
Tôi nghĩ kiến trúc hoàn hảo là kiến trúc đem lại hạnh phúc cho mọi người. Quan niệm về hạnh phúc sẽ tùy ở mỗi cá nhân nhưng tôi nghĩ, về lâu dài, hạnh phúc phải là cái thôi thúc con người ta từ bên trong, giúp họ hướng thượng, suy nghĩ đến thứ dài lâu. Kiến trúc mà tôi theo đuổi cũng nằm ở góc độ ấy.
Tức là tôi tâm nguyện làm kiến trúc cho những cộng đồng yếm thế và theo đuổi điều đó lâu dài. Dù khó khăn nhưng tôi và các cộng sự luôn kiên trì vượt qua, từ đó, lan tỏa dần cảm hứng đến cộng đồng để họ tham gia cùng chúng tôi trong hành trình phủ lên mặt đất những bông hoa kiến trúc.
Thứ hai, kiến trúc hạnh phúc tức là người sử dụng phải thấy hạnh phúc. Họ thấy vui vẻ, thoải mái, khỏe mạnh khi sống trong căn nhà của chính mình. Họ tiết kiệm được chi phí về năng lượng, duy tu bảo dưỡng. Khi ở đó, họ nhìn thấy hiện tại, quá khứ, tương lai và lịch sử vùng đất ở trong đó. Từ đó, họ biết yêu nhà, yêu quê hương, đất nước mình hơn.
Thứ ba là bản thân công trình đó luôn là sự trao đổi, kế thừa, phát huy giá trị hàn lâm và bản địa cốt lõi. Có như thế công trình đó mới đúng là hoa của đất, thậm chí 15-20 năm sau, nó sẽ trở thành dấu ấn truyền thông mới, cất lên tiếng nói của chính vùng đất và người dân sống ở đấy.
Đặt ra nhiều yêu cầu như vậy, anh đã làm gì để đáp ứng tất cả?
Tôi kết hợp giữa kiến thức hàn lâm về kiến trúc và giá trị văn hóa, điều kiện thiên nhiên, con người bản địa.
Tôi cũng nghĩ đó là thách thức nhưng khi chúng ta đã làm cái gì thì phải kiên định đến cùng. Người ta cứ hay nói là mục tiêu một, kế hoạch phải 10 và quyết tâm 20. Chúng ta có một cách làm, một con đường thì để đi trên con đường đó lâu dài, chúng ta phải có nhiều biện pháp. Biện pháp này hỏng, chúng ta phải làm biện pháp khác. Phải quyết tâm, không được từ bỏ! Có như thế mới dần dần tiến đến thành công.
Trên con đường ấy, gặp khó phải tìm cách, biết sai thì phải sửa. Tôi làm thiết kế, có công trình xây rất nhanh, có cái mất tới 1 hay 3 năm. Khi nhận thấy thiết kế chưa đúng, mình vừa làm, vừa sửa. Biết là tốn kém nhưng phải chấp nhận vì nếu không sửa, ngày sau sẽ phải trả giá đắt.
Xin cảm ơn KTS Thúc Hào về buổi trò chuyện. Kính chúc anh sức khỏe, thành công và hạnh phúc!