Ở tuổi đời còn rất trẻ, Bảo Hân đã sở hữu một thương hiệu đặc sản xứ Quảng có mặt trên kệ hàng của chuỗi siêu thị lớn, kết nối hàng trăm nhà sản xuất nhỏ lẻ ở quê nhà và mang hương vị truyền thống đi xa đến hàng chục tỉnh, thành phố lớn. Câu chuyện của cô không chỉ là minh chứng cho bản lĩnh và sự bền bỉ, mà còn là cảm hứng để những phụ nữ có nền tảng kinh tế và khát khao tạo dấu ấn cá nhân thêm tự tin bước ra khỏi vùng an toàn.

Kiều Bảo Hân – Hành trình biến món quê thành thương hiệu triệu đô và khát vọng nâng tầm đặc sản Việt - Ảnh 1.

Bảo Hân từng thẳng thắn chia sẻ, cô may mắn được sống trong gia đình 3 đời tạo ra những sợi bún, mì đặc sản của quê hương xứ Quảng. Chứng kiến ông bà, cha mẹ thức khuya dậy sớm, lam lũ với công việc… cũng như những hạt giống từ lâu ươm mầm trong cô gái trẻ, để từ đó khi bước chân đi Sài Gòn học, cô đã luôn khắc khoải: "Mình sẽ làm gì để quay về phát triển cho gia đình, cho quê nhà?". Câu hỏi đó luôn ám ảnh tâm trí cô mỗi ngày trong căn phòng trọ vỏn vẹn mười mấy mét vuông những năm tháng sinh viên xa nhà.

Nhưng thay vì chọn cho mình một công việc ổn, Hân quyết định tự khởi sự, tự mình xây dựng thương hiệu riêng. Hân chia sẻ: “Không đâu bằng khởi nghiệp bằng nông sản, đặc sản ở quê như: Đậu phộng, mì Quảng, bún mì. Đó là lợi thế mình nắm được từ nhỏ và chọn nó để phát triển”.

Hân đặt những viên gạch đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp của mình không phải bằng vốn liếng hay sự hậu thuẫn sẵn có, mà bằng sự chủ động tìm kiếm tri thức. Ngay từ khi còn là sinh viên, cô đã xác định rõ ràng: Nếu muốn khởi nghiệp nghiêm túc, phải tự trang bị một nền tảng kiến thức và kỹ năng đủ vững chắc.

Song song với việc học chính quy ở trường đại học, Hân tranh thủ mọi cơ hội để tham gia các khóa học nâng cao về quản trị kinh doanh, kỹ năng lãnh đạo và tiếp thị sản phẩm. Cô không ngại đăng ký những lớp học vượt ngoài lộ trình cứng của chương trình đào tạo, từ các hội thảo khởi nghiệp đến những buổi chia sẻ chuyên đề do các quỹ đầu tư tổ chức.

Kiều Bảo Hân – Hành trình biến món quê thành thương hiệu triệu đô và khát vọng nâng tầm đặc sản Việt - Ảnh 2.

Những nơi nào có doanh nhân truyền đạt kinh nghiệm thực chiến, có chuyên gia nói chuyện về chiến lược mở rộng thị trường hay bí quyết xây dựng thương hiệu, gần như chắc chắn có mặt Hân. Cô luôn tin rằng, chính những trải nghiệm và mối quan hệ gầy dựng trong thời gian ngồi trên ghế giảng đường sẽ là lợi thế cạnh tranh dài hạn khi bước vào thương trường.

Không chỉ học một mình, Hân còn chủ động kết nối những người bạn cùng chí hướng, những người trẻ cũng sớm ấp ủ ước mơ lập nghiệp. Họ lập ra những nhóm nhỏ, cùng nhau lên ý tưởng sản phẩm, phân tích mô hình kinh doanh và tham gia các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp để rèn bản lĩnh. Nhờ đó, suốt 4 năm đại học, Hân đã tích lũy được cả kiến thức nền, kỹ năng mềm và một mạng lưới quan hệ quan trọng, vốn sau này trở thành những người đồng hành, cộng sự đầu tiên trong các dự án của cô.

“Thời gian đi học, tôi may mắn gặp được nhiều giám đốc điều hành lớn trong và ngoài nước, những người không chỉ truyền cảm hứng mà còn giúp tôi nhìn nhận thực tế rằng, khởi nghiệp không phải là một cuộc chơi ngắn hạn. Tôi nhận ra mình phải có mục tiêu rõ ràng, phải đủ hoài bão, sự tự tin và khát khao để biến mọi kết nối thành bệ đỡ cho ước mơ khi bản thân mới chỉ 23, 24 tuổi”- Hân chia sẻ.

Những năm tháng đó, lịch trình của cô dày đặc với những chuyến đi liên tục giữa TP.HCM và Quảng Nam. Từng luống đậu phộng của nông dân xã Đại Lộc dần trở nên quen thuộc với Hân, không chỉ vì cô tìm hiểu quy trình canh tác, mà còn vì cô trực tiếp đứng ra đặt mua và bao tiêu sản phẩm. Ban đầu, Hân chỉ gom được khoảng 300 kg đậu phộng khô, sản lượng khiêm tốn mà không ít người xem là “không đáng để khởi nghiệp”. Nhưng với cô, đó là bước khởi động cần thiết để kiểm chứng quy trình sản xuất, đánh giá phản hồi của khách hàng và thuyết phục các đối tác bán lẻ tin tưởng vào chất lượng đặc sản địa phương.

Kiều Bảo Hân – Hành trình biến món quê thành thương hiệu triệu đô và khát vọng nâng tầm đặc sản Việt - Ảnh 3.

Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất giữa Bảo Hân và nhiều người trẻ khởi nghiệp là tầm nhìn dài hơi. Giữa năm 2019, Hân bắt đầu hành trình bằng cách thành lập Công ty Hapinut. Sản phẩm đầu tiên mà Hapinut cho ra "lò" là dầu đậu phộng xứ Quảng. 300kg đậu phộng nguyên liệu cho đợt hàng đầu tiên của Hapinut đều do một tay Hân tự thu mua, vận chuyển bằng xe bò kéo về xưởng.

Cô cũng đã "hoán đổi mình" để tròn vai hơn với một nhân viên bán hàng, giới thiệu sản phẩm và bán hết 100 lít dầu đậu phộng thành phẩm đầu tiên của Hapinut tại TP.HCM. 

Sản phẩm dầu đậu phộng xứ Quảng nhanh chóng được Hân đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ. "Đi đâu ai cũng cười vì lúc nào cũng thấy con bé này cứ tay xách nách mang đủ thứ trên người. Vì sản phẩm còn mới, gặp ai mình cũng tranh thủ chào hàng, 100 lít đầu tiên bán hết trong 1 tháng" - Hân kể lại.

Tiếp đó, mất hơn 6 tháng để Hân cùng các cộng sự đã bỏ ra để đi đi về về khắp các làng nghề truyền thống từ Nam chí Bắc để tìm ra cách tối ưu trong sản xuất các mặt hàng nông sản Việt. Từ đó, cô tiếp tục phát triển sản phẩm đặc sản mang tên dự án "Sợi Ngọc xứ Quảng", trong đó gồm sợi bún và mì Quảng truyền thống.

Kiều Bảo Hân – Hành trình biến món quê thành thương hiệu triệu đô và khát vọng nâng tầm đặc sản Việt - Ảnh 4.

Không dừng lại ở việc bán mì Quảng khô hay bánh tráng, cô từng bước xây dựng hệ thống sản phẩm đặc sản xứ Quảng với chuẩn hóa về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất và thương hiệu bao bì. Cô kiên trì tạo mối liên kết với gần 200 hộ sản xuất tại Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên…  những địa phương vốn sản xuất nhỏ lẻ, phân tán và chưa quan tâm đến chuẩn mực chất lượng đồng đều.

Hân đầu tư công sức cùng các cộng sự về tận xưởng, hướng dẫn hộ dân quy trình làm khô, bảo quản, đóng gói. Chính nhờ sự “khắt khe” này mà đến nay, nhiều dòng sản phẩm đã được bảo hộ thương hiệu và tham gia nhiều hội chợ, triển lãm quốc tế.

Một nhà máy với nền tảng, quy trình sản xuất truyền thống thuần tự nhiên nhưng được tự động hóa nhằm tăng năng suất được Hân và các cộng sự gây dựng nên. Và để đảm bảo tính ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng của nguyên vật liệu, Hân gõ cửa từng sở, ban, doanh nghiệp của tỉnh Quảng Nam để nhờ hỗ trợ.

Hiện mỗi ngày, công ty của Hân cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn sản phẩm khô và 5 tấn sản phẩm tươi, từ đó giải quyết được rất lớn nhu cầu đầu ra của nông sản cho nông dân ở quê. Một số dòng sản phẩm chính của Hapinut (gồm mì Quảng khô, bún tươi, mì sợi, bún gạo lức, dầu đậu phộng xứ Quảng, bơ đậu phộng, kẹo đậu phộng, bánh tráng Đại Lộc) đã “phủ sóng” hầu hết trên các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam. “May mắn khi giờ đây các đặc sản truyền thống xứ Quảng đã có thể hiện diện trên các giỏ quà tặng hay những kệ bếp của đông đảo gia đình”, Hân chia sẻ.

Kiều Bảo Hân – Hành trình biến món quê thành thương hiệu triệu đô và khát vọng nâng tầm đặc sản Việt - Ảnh 5.

Không ít người nhìn mô hình của Kiều Bảo Hân và ngạc nhiên: “Mì Quảng khô, bánh tráng, hạt điều… vốn dĩ quen thuộc, tại sao có thể xây dựng thành thương hiệu được người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn?”. Câu trả lời nằm ở cách cô và đội ngũ định vị giá trị sản phẩm không chỉ bằng nguyên liệu, mà còn bằng câu chuyện, hình ảnh và trải nghiệm đồng hành.

Trên các kênh thương mại điện tử, website và fanpage của thương hiệu, sản phẩm được kể kèm câu chuyện về làng nghề, về sợi mì vàng sóng sánh được phơi trên giàn tre, hay về hương thơm của đậu phộng rang mặn mòi nắng gió miền Trung. Tư duy xây dựng content marketing chuyên nghiệp kết hợp đóng gói sang trọng khiến các sản phẩm đặc sản, nay trở thành lựa chọn quà biếu cao cấp.

Kiều Bảo Hân – Hành trình biến món quê thành thương hiệu triệu đô và khát vọng nâng tầm đặc sản Việt - Ảnh 6.

Bảo Hân từng thẳng thắn nói: "Khách hàng không chỉ mua một gói mì, họ mua trải nghiệm trở về miền Trung qua từng sợi mì và tấm bánh tráng. Họ bỏ tiền để mua cảm xúc và câu chuyện". Đó cũng là lý do các gói sản phẩm của cô lọt vào giỏ quà Tết của nhiều công ty, doanh nhân, những gia đình có thu nhập cao, thay vì chỉ bán lẻ theo cách truyền thống.

Kiều Bảo Hân – Hành trình biến món quê thành thương hiệu triệu đô và khát vọng nâng tầm đặc sản Việt - Ảnh 7.

Hành trình của Kiều Bảo Hân không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, doanh thu sụt giảm, vận chuyển đứt gãy, Hân phải cùng đội ngũ xoay xở đủ cách: Từ gói quà combo bán online, triển khai livestream bán hàng, đến đàm phán với các sàn thương mại điện tử để ưu tiên hiển thị. Đó là giai đoạn thử thách lớn nhất, cũng là lúc thể hiện rõ nhất tinh thần “lì đòn” của một nữ doanh nhân dấn thân.

Đến khi hoạt động kinh doanh ổn định trở lại, cô tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm, đồng thời đầu tư nghiên cứu mẫu mã phù hợp xu hướng quà tặng tinh tế để tiếp cận nhiều nhóm khách hàng. Ở cô, sự chuyên nghiệp và kỷ luật nội tại là yếu tố được nhắc đến nhiều nhất. Hân không chấp nhận lối làm ăn “chụp giật”, càng không nhân nhượng cho bất cứ sự dễ dãi nào trong tiêu chuẩn chất lượng. Nếu bạn đang là một phụ nữ ngoài 30, đã tích lũy nền tảng kinh tế và băn khoăn bước tiếp theo, đầu tư bất động sản, mở thương hiệu riêng hay góp vốn vào startup, câu chuyện của Bảo Hân có thể truyền cho bạn cảm hứng: sự nghiệp không chỉ là con số doanh thu, mà còn là giá trị cá nhân bạn để lại trong lòng cộng đồng.

Kiều Bảo Hân – Hành trình biến món quê thành thương hiệu triệu đô và khát vọng nâng tầm đặc sản Việt - Ảnh 8.

Đó là triết lý kinh doanh đáng để bất cứ nữ doanh nhân nào ngẫm nghĩ, dù bạn khởi sự từ gian khó hay từ nền tảng đủ đầy, điều quyết định thành bại không nằm ở điểm xuất phát, mà ở tầm nhìn, sự nghiêm túc và lòng kiên trì.