Layer 1

Là một trong những người tiên phong trong việc làm bánh handmade ở Việt Nam, Vũ Ánh Nguyệt là người truyền lửa tình yêu bếp núc và làm bánh đến rất nhiều người. Thậm chí chị còn được các bạn bè, học viên âu yếm gọi bằng một cái tên rất ấn tượng: Đại ca làng bánh.

Cả thanh xuân và sự nghiệp, những thăng trầm của cuộc sống mà chị Vũ Ánh Nguyệt đã trải qua, đều gắn bó với bánh trái. Hơi ấm của gian bếp còn là những kỷ niệm ấm áp về những phút giây sum họp gia đình mà chị nâng niu, gìn giữ. Bánh trái cũng là thứ giúp chị vượt qua những phút giây cô đơn, thương nhớ, là nguồn vui và niềm hạnh phúc giúp chị đứng lên sau nỗi buồn. 

Layer 2

Layer 3

Để quyến rũ người mình muốn, có nhiều cách khác nhau. Người là một khuôn mặt dễ thương, người là số đo 3 vòng sexy, nhưng chị Nguyệt thì đơn giản quyến rũ người khác bằng… bánh. 

Nguyệt VA là một food blogger nổi danh từ ngày số người làm bánh homemade ở Việt Nam còn đếm trên đầu ngón tay và các diễn đàn ẩm thực trên ttvnol hay webtretho còn hoạt động sôi nổi. Vốn là con người tỉ mỉ, khoa học nên chị lên diễn đàn bước đầu là học hỏi, sau là chia sẻ những thành công và thất bại của mình để những người sau đỡ nhọc công tự tìm kinh nghiệm.

Layer 4

Dần dần chị được yêu mến và tin tưởng như một trong những blogger dày dạn kinh nghiệm, với các chia sẻ tỉ mỉ cặn kẽ, sự giúp đỡ nhiệt tình dành cho các "followers", đặc biệt là thế mạnh ở các loại bánh khó và yêu cầu kỹ thuật cao như cheesecake, mousse hay pastries... Ngay cả với những loại bánh rất truyền thống của Việt Nam, những chiếc bánh của chị cũng chiếm được cảm tình của nhiều người có khẩu vị khó chiều bởi sự hòa quyện tinh tế giữa hiện đại và truyền thống.

Chị Nguyệt kể, bánh với chị ban đầu chỉ là một cuộc dạo chơi với lý do rất đời "con còi quá, làm cái gì nhiều bơ sữa hấp dẫn để con ăn cho lớn" mà dần dần thành chuyên nghiệp. 

Duyên làm bánh của chị đến từ chiếc bánh gato tặng cho con bạn, rồi bạn nhờ làm cho cháu mà xin "cho em trả tiền nguyên liệu thôi cũng được". Rồi bạn của bạn khen "bánh chữ viết hơi xấu mà ngon quá" rồi hỏi thăm địa chỉ. Người này truyền người kia, chị thành người bán bánh lúc nào không hay. 

Layer 5

Cuộc dạo chơi với bơ, bột của chị từ chỗ cho vui đã thành một đường đi nghiêm túc, đến mức giờ không còn xác định nổi nghề nào là tay phải hay tay trái nữa. Và chị có thể kiếm tiền từ nó, thành cô giáo dạy làm bánh của vô số chị em là fan hâm mộ của Nguyệt VA, những người mê đôi bàn tay và con người chân thật của chị.

Tính đến nay, tuổi nghề làm bánh của chị đã có thâm niên đến 15 năm, đúng bằng số tuổi của chức danh Quản lý và phát triển dự án ở một công ty đa quốc gia có tiếng chị đang đảm đương. 

Đôi khi nghĩ lại hành trình làm bánh của mình, nghĩ lại về những chiếc bánh đầu đời, chị không nghĩ có một ngày mình có thể nghỉ việc không lương để đi làm bánh và bánh lại đem đến cho chị nhiều đam mê, hạnh phúc như thế. Chị bảo, làm bánh giúp chị nhận ra rõ ràng hơn về người phụ nữ mềm mại, nữ tính của mình bên cạnh con người khoa học mạnh mẽ trong mình.

Layer 6

Cuộc sống sẽ thật hoàn hảo nếu một người phụ nữ thành đạt nơi công sở, có thêm niềm đam mê để sống ý nghĩa, có chồng tốt con ngoan ở cạnh bên. Nhưng chẳng có bình yên nào là mãi mãi...

Một ngày chẳng có dấu hiệu nào báo trước, chồng chị vì một cơn đau mà vào viện khám, chiều có kết quả ung thư, mà là ung thư giai đoạn cuối, phẫu thuật ngay trong ngày hôm sau. Sau đó là hành trình chị cùng chồng chiến đấu với bệnh tật. 

Layer 2

Chị gác hết tất cả công việc, xin nghỉ không lương 5 tháng để dành nhiều thời gian bên anh. Tuy nhiên, hết 5 tháng cũng là lúc anh trở bệnh nặng, chị phải quay lại với công việc. Sáng chị dậy sớm vào viện với anh, rồi đi làm, trưa vào viện, đi làm, hết giờ làm vào viện và ở đến tối. 3 tháng tiếp theo là ròng rã những ngày chạy đi chạy lại như con thoi. Chị cũng không biết sức lực của mình ở đâu ra để chống đỡ với ngày trong lòng là nước mắt mà vẫn cố phải tỏ ra kiên cường. 

Anh rời chị đi sau 8 tháng điều trị. Chị hụt hẫng, chới với. Đến lúc này chị mới có thể khóc. Đi trên xe cũng khóc, làm gì cũng khóc, chị để cho mình trôi trong thứ cảm xúc hoang mang, chới với ấy, đến mức không còn biết mình muốn gì nữa. Chị nhớ anh!

Nỗi nhớ càng da diết, chị càng loay hoay với chính mình. Chị chuyển việc sang làm bánh tại một công ty bánh ngọt có tiếng, rồi lại quay về công ty đa quốc gia cũ, nhưng đó là những tháng ngày vô định, sống trong nước mắt và quên mất chính mình là ai, có thể còn quên cả con nữa. 


Layer 7

Phải mất 2 năm sau, chị mới giật mình tỉnh lại vì còn những người thân yêu quanh chị, các con chị vẫn cần một người mẹ mạnh mẽ để là chỗ dựa. Chị biết những thứ đã qua không thể quay lại được nữa, anh không phải "đi công tác" như chị vẫn huyễn hoặc đâu, mà anh thực sự sẽ không quay trở về. Chỉ có một cách thôi là bước tiếp. Chị phải để cuộc sống trôi đi bằng bước chân của mình, chứ không phải thả người chìm trong quá khứ nữa.

Layer 8

Chị biết một nơi có thể làm chị cứng cỏi và mạnh mẽ hơn. Đó là bếp. Bếp chính là nơi mà chị nhớ những lúc gia đình còn đủ đầy, nhưng chị sẽ nghĩ về nó bằng nụ cười, chứ không phải nước mắt như trước. Bếp cũng là nơi mỗi khi ốm, chị xuống đó sẽ thấy mình khỏe lại. 

Chị quay trở lại với niềm đam mê của mình đó là bếp và bánh, nơi trái tim đau đớn của chị có thể phục hồi. Đó cũng là lý do cho 2 cuốn sách "Hành trình bếp bánh" và "Mùi của bếp" của tác giả Vũ Ánh Nguyệt ra đời. Đây là những tác phẩm đã truyền thêm cảm hứng cho nhiều người phụ nữ trở về với gian bếp, làm cho nó ấm cúng và hạnh phúc như vốn có.  

Quay lại với bếp và bánh, chị bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu về healthy food, eat clean để áp dụng chúng cho cả bản thân và những chiếc bánh chị làm. 

Vì chồng chị đã chiến đấu với bạo bệnh nên chị ý thức cao hơn về việc giữ gìn sức khỏe. Chị chọn những nguyên liệu lành mạnh cho các món bánh vốn có sức quyến rũ ma lực về vị giác nhưng lại bị cho là kém thân thiện với sức khỏe vì nhiều bột, nhiều đường. Chị nghiên cứu để làm sao tạo ra những chiếc bánh ai cũng có thể ăn mà đảm bảo cho sức khỏe nhất. 

Những niềm say mê mới, thực phẩm sạch, những giờ tập luyện yoga và bơi lội mỗi ngày dần giúp chị có những suy nghĩ tích cực vui vẻ. Cứ thế, chị tìm lại được thăng bằng cho chính mình.

 

Layer 9

Trong 15 năm làm bánh, chị Nguyệt có tới 8 năm gắn bó với bánh Trung thu, dành nhiều tâm huyết cho món bánh mang hồn cốt của ngày hội mùa thu. Vì rằng Tết Trung thu là đoàn viên, là sum vầy, nó dễ khiến chị nhớ đến anh. 

Chị nhớ những lúc cả nhà trải chiếu giữa sân, mâm cỗ Trung thu thật đầy, trẻ con háo hức chạy nhảy xung quanh, háo hức chờ trăng lên để phá cỗ. Sau màn pháo cỗ thì tùng tùng, rinh rinh rước đèn đi khắp ngõ xóm vui hết sảy. Chị nhớ những mùa Trung thu gia đình nhỏ quây quần, đủ cả anh.

Vì thế, bánh Trung thu với chị không chỉ là chiếc bánh, là một món ăn, mà còn là tinh thần. Và chị luôn dồn hết cả tình yêu, nỗi nhớ và đam mê vào chiếc bánh nhỏ xinh ấy. Mỗi lần làm bánh, chị đều phải sên đến mấy cân nhân, dẫu có mỏi hết cả tay, nhưng mắt vẫn sáng rực nghĩ về ngày Rằm tháng 8 hạnh phúc mình đã từng có trong đời.

Layer 10

Chọn nguyên liệu tử tế, làm tỉ mỉ từng chiếc nên bánh Trung thu của chị giá hơi mắc. Người không biết bảo bánh Trung thu là mặt hàng siêu lợi nhuận, nhưng bạn bè chị thì bảo "chị làm bánh bằng đam mê à?" khi chị lúc nào cũng chọn nguyên liệu rõ đắt, rồi bỏ nhiều công ra nghiên cứu thêm cái nọ, bớt cái kia để cho ra những chiếc bánh Trung thu nhân tinh than tre, cafe phô mai, red velvet, chuối nướng cốt dừa, thập cẩm truyền thống, thập cẩm hiện đại… 

Thứ nghiệp duyên có lẽ là thật khi trùng hợp chị tên là Nguyệt để làm bánh vào mùa trăng tròn nhất, gói ghém cả những nhớ thương về một người thương, về một Tết Trung thu đoàn viên. Chị bảo có những khi đang tất bật nhào bột đóng bánh, chị vẫn lén lau đi những giọt nước mắt chảy vội rồi tiếp tục với công việc.

Layer 11

Bởi biết đâu đêm trăng Rằm tháng 8, đêm trăng to tròn nhất, anh sẽ trở về. Bởi biết đâu, từ trên cao vằng vặc kia, anh đang nhìn chị, nhìn người vợ mê bột, bơ, bếp, bánh đang lúi húi sửa soạn cùng con một mâm cỗ Trung thu thịnh soạn, như khi anh vẫn có nhà. Và biết đâu khi chị nhìn lên mặt trăng tròn vành vạnh kia, chẳng phải là chú cuội ngồi đó, mà là… anh. Biết đâu anh sẽ nháy mắt một cái mỉm cười với chị như để nói rằng anh vẫn sẽ dõi theo 3 mẹ con mỗi ngày, như để tỏ lòng biết ơn rằng vợ và con vẫn sống tốt để anh yên lòng. 

Bánh Trung thu này tự tay chị làm cho cả nhà, gia đình sẽ đoàn viên theo cách chẳng giống ai như thế. Và chị cũng sẽ mỉm cười lại với anh cho 1 ngày đoàn viên trong năm... để hôm sau vẫn sẽ là hạnh phúc. Một Tết Đoàn viên cách xa mà yêu thương tròn trịa như trăng rằm!


Thanh Ba
Nguyễn Tử Thắng - NVCC
Jordy
Theo Trí Thức Trẻ