20 tuổi, con rời quê lên thành thị. Phố xá hào nhoáng, trăm ngàn điều mới mẻ khiến con say mê khó dứt. Những cái Tết đoàn viên thưa dần, vì con ngại tàu xe chen chúc, con muốn khám phá những chân trời mới, con ngại những câu hỏi "bao giờ, thế nào" của họ hàng, mặc cho Tết nào mẹ cũng gọi hỏi con có về nhà không.
Nhưng năm nay khác, con thất nghiệp, gần như mất tất cả. Trong những ngày lạc lõng bơ vơ ấy, mẹ lại gọi: "Con, về với mẹ đi!". Con nghẹn ngào nhớ ra, lần cuối cùng về ăn Tết cùng cha mẹ cũng đã 3 năm rồi.
Khuya 29 Tết, con về tới nhà. Mẹ và bà nội ngồi trước sân đợi con từ lúc nào. Sau cái ôm đoàn tụ, 3 năm tưởng như ngút xa vậy mà chỉ như giấc chiêm bao. Con chạm mốc 30, trong công việc đã có lúc làm ông nọ, bà kia nhưng về đến nhà, con vẫn là đứa nít chưa bao giờ lớn lên trong vòng tay gia đình. 11 giờ khuya, mâm cơm vẫn nóng hổi với toàn món con thích. Bát cơm Thạch Sanh vơi lại đầy vì bà, vì mẹ dường như đang gắp bù cho 3 cái Tết con xa nhà.
Mẹ và bà nội mở ngày 30 Tết ra bằng những âm thanh lọ mọ chuẩn bị đi chợ sớm. Cha cũng thức dậy như một thói quen vì lo lắng Tết đã đến trước cổng nhà. Trong gian bếp, mẹ tất bật lo hầm khổ qua, kho thịt, hầm măng, muối dưa giá, ngoài hiên bà nội ngồi gói bánh tét. Những người phụ nữ luôn biết cách làm gian nhà ấm lên bằng kỹ năng nấu nướng được bao thế hệ rót vào đầu từ lúc nào. Mùi hương của những món ăn quen thuộc ngày Tết loang ra, nức nở. Mùi của Tết là đây.
Ngày 30 cứ kéo dài đến chiều, gia đình mình cũng như bao gia đình người Việt khác sum họp theo một kiểu rất riêng: Sum họp mà không sum họp. Người nào cũng cắm mặt làm việc, ngày 30 nhà ai không chộn rộn thì nhà đó chưa có Tết.
Chiều tối 30, mâm cúng Giao thừa đã được bày soạn kỹ càng. Cả nhà đứng trước bàn thờ gia tiên, rì rầm khấn vái. Khói nhang thơm nức, thâm trầm bay lên rồi tan ra trong cái không khí trang nghiêm nhất của gia đình Việt mỗi năm một lần. Bà nội, cha mẹ đều thành tâm khấn vái như thể chỉ có giây phút này đây ông bà tổ tiên mới nghe được lời con cháu.
Dường như khi càng trưởng thành, càng nhiều trải nghiệm, người ta càng thôi mong cầu những điều cao xa mà chỉ mong muốn bình yên, sức khỏe cho những người mình yêu thương nhất. Đó là đạo lý muôn đời của người Việt mà không thời cuộc nào có thể phá bỏ. Và những người con chỉ có thể tìm được "đạo" đó trong chính gia đình mình trong dịp thiêng liêng thế này.
Đêm Giao thừa, đúng 11 giờ 30, con lẽo đẽo theo cha mẹ đi bộ tới những ngôi đền, chùa gần nhà để thắp nén nhang an lành. 30 tuổi đầu, con vẫn như một đứa trẻ nhỏ chưa bao giờ lớn lên và chưa bao giờ trưởng thành, một đứa trẻ khấp khởi hân hoan chờ đợi thời khắc năm mới sang.
Trong chuyến đi nửa đêm, con luôn là người đi trước. Cha mẹ đi phía sau, không ai nói với ai câu nào, cứ lững thững, lặng lẽ dõi theo đứa trẻ hiếu kỳ. Cảm giác yên tâm này lâu lắm rồi con mới có trở lại. Ngay từ bé, trong những cuộc vi hành đêm trừ tịch của cả nhà, cha mẹ luôn là người đi sau cuối để nhìn bao quát, âm thầm bảo vệ con mỗi lần con bị đám đông kéo đi lạc. Bây giờ dù lớn, đã vào đời nhưng có lẽ với cha mẹ, con vẫn cần phải được bảo vệ.
Hay có chăng, cha mẹ cũng như bao bậc phụ huynh khác, đang tìm cách nhắc cho những người con của mình nhớ rằng: Dù bao năm lưu lạc bên ngoài cuộc đời chằng chịt tai ương, chỉ cần con muốn, Tết hãy an tâm về nhà, cả thế giới để cha mẹ lo. Cha mẹ vẫn luôn ở đây dõi theo và mở rộng vòng tay bao dung mỗi khi con cần. 10 năm, 20 năm nữa vẫn vậy, tình yêu của cha mẹ dành cho con không bao giờ đổi thay.
30 tuổi đầu, con từng nghĩ một cuộc đời thành đạt là một cuộc đời dư giả tài chính, đủ ăn, đủ mặc và có thừa mạnh mẽ để chèo chống với sóng gió gió ngoài kia. Nhưng không phải vậy, đến tận bây giờ con mới hiểu ra, thành đạt là có gia đình, có yêu thương. Những cái Tết không về nhà, con sống như một đứa trẻ mồ côi, không nguồn cội, không quê hương và không bình an như con tưởng.
Bình an thật sự là khi con có một nơi để về. Nơi đó, con được phép yếu đuối, được phép than khóc và được cha mẹ la rầy rồi vỗ về. Bình an thật sự là khi con được cùng cả gia đình mình đứng dưới bàn thờ gia tiên thắp nén nhang đầu năm, cùng mọi người ăn bữa cơm đoàn viên ngày Tết, được thỏa thê sống như một đứa trẻ muôn đời không cần lớn. Hay là trong đêm trừ tịch vào lúc này đây, được đi bên cha mẹ trong khoảnh khắc bước sang năm mới.
Sáng mùng 1 được mở ra bằng những xáo động bé con. Nắng sớm mai chan hòa làm mấy cội bông mai rung rinh óng ánh, đưa mùi hoa mai mới nở lẫn vào mùi khói nhang, mùi đồ ăn đang được mẹ và bà nội tất bật chuẩn bị dưới bếp. Những năm Tết không về nhà, con vẫn mua đủ món ăn của Tết. Con kén những chỗ ngon nhất, đắt tiền nhất, nhưng ăn vẫn không thấy thật trọn vẹn. Giờ con mới biết, hóa ra vì những món ăn ấy không phải do tay bà, tay mẹ nấu, chúng không mang vị đoàn viên.
Xong bữa cơm sáng, gia đình bắt đầu thông lệ chúc Tết cho nhau, những bao lì xì đỏ xuất hiện kèm với những lời chúc ê a quen thuộc. Con cầm trên tay bao lì xì vừa được bà nội dúi cho, dù trước đó con bẽn lẽn: "Con già rồi, lì xì gì nữa nội ơi". Con vui như chưa bao giờ được vui như vậy, mấy bao lì xì này choáng chật ký ức tuổi thơ về ngày Tết của nhiều thế hệ chứ chẳng đùa.
10 giờ sáng, nhà mình bắt đầu có khách ghé thăm. Mấy đứa em họ ùa vào rổn rảng cười nói, thằng Tuấn đã vào cấp ba, cái Minh mới hôm nào còn bé xíu, bám theo con như hình với bóng giờ đã sắp thành thiếu nữ, bẽn lẽn chìa tay đưa con túi bánh in bảo, "em làm riêng cho anh".
Cô Bảy, chú Tư ôm con thật chặt rồi rôm rả kể đủ thứ chuyện xóm làng như con chưa từng đi xa lâu đến thế. Cô chú chẳng còn mảy may nhớ đến thái độ cộc cằn, hỗn hào của con khi bị hỏi "chừng nào mới cưới", "lương thưởng thế nào" vài năm trước. Khoảnh khắc ấy, con nhận ra giá trị của "giọt máu đào", con chợt hiểu vì sao người ta cứ ví von "quê hương là chùm khế ngọt".
Và rồi con nhận ra, khi bon chen ở thành thị, trong cuộc mưu sinh con vẫn phải cười tươi rói khi bị hành lên hành xuống, thậm chí bị mắng oan. Vậy tại sao con lại thiếu chút nhẫn nại với những người thân, những người thương mình nhất, quan tâm đến mình nhất chỉ bởi vài câu hỏi không đúng ý mình.
"Mai nở mai rơi, mai rơi mai về cội", bà nội hay nói với con như vậy từ suốt hôm qua, vậy mà hôm nay con mới hiểu: Gia đình không bao giờ đổi thay, không ai có thể chối bỏ nguồn cội quê hương máu thịt của mình. Tết đến thì về nhà để nhận lấy đoàn viên, an yên. Giống như loài chim, cứ chiều tà là về nhà, về tổ, có gì lạ đâu.