Không phải tới lúc có cái chết của 39 nạn nhân trên xe container đông lạnh ở Anh Quốc hôm 23/10 thì vùng đất Nghệ An - Hà Tĩnh mới phủ màu tang thương. Nhiều năm qua, những cái chết vẫn rình rập quanh họ, đột ngột và khốc liệt.

Những phận người bị bỏ lại và nỗi ám ảnh của kẻ sống sót

Đánh đổi sinh mạng để mưu sinh nơi xứ người: Những phận người bị bỏ lại và nỗi ám ảnh của kẻ sống sót trở về từ Angola  - Ảnh 1.

Năm 2008, ở tuổi 37, đã có vợ và 4 con, ông Bằng (tên nhân vật đã thay đổi) - người xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - sang Nga lao động theo con đường chính ngạch. Có ít vốn dắt lưng, ông không phải vay mượn của ai.

Kế hoạch của ông Bằng là: Hết hạn hợp đồng hai năm, ông sẽ tìm cách ở lại Nga để cư trú lâu dài. Nhưng sự chưa thành đã đổ bể vì một tai họa ngoài tưởng tượng. Một lao động Việt Nam khác sử dụng cuốn hộ chiếu giống y hệt hộ chiếu của ông Bằng để vào Nga và thực hiện một vụ cướp. Ông Bằng bị cảnh sát Nga bắt.

Vì nhận diện không trùng khớp với lời khai, ông Bằng bị bắt rồi được thả, thả rồi lại bắt lại, tổng cộng 4 lần. Ngày ông Bằng nghe được họ nói với nhau “các ông bắt nhầm người rồi”, thời gian ông ngồi tù vừa tròn hai tháng.

Ra tù nhưng không được xác nhận là vô tội, ông Bằng buộc phải về nước. 2 năm ở Nga, số tiền ông gửi về cho vợ được hơn mười nghìn đô, xây được một cái nhà hai tầng.

3 năm sau đó, theo rủ rê từ người thân, ông Bằng sang Angola, bắt đầu những chuỗi ngày sống trong thấp thỏm, sợ hãi triền miên, những ngày “đánh đổi 80% mạng sống của mình”.

Đánh đổi sinh mạng để mưu sinh nơi xứ người: Những phận người bị bỏ lại và nỗi ám ảnh của kẻ sống sót trở về từ Angola  - Ảnh 2.

Với tay nghề tốt, ông Bằng làm công cho một chủ thầu xây dựng người Việt với mức lương 800 đến 1000 đô/tháng. Thời điểm đó, các chủ thầu người Việt phải cạnh tranh khốc liệt với chủ thầu Trung Quốc để giành thị phần. Nhưng nguy cơ phải đi làm thuê cho người Hoa và việc đồng quan (Kwanza) bị tụt giá liên tục so với đô la Mỹ không khiến họ lo lắng bằng việc phải đối mặt với nạn cướp bóc và dịch sốt rét hoành hành ở Angola.

“Rất nhiều khi cướp chính là thợ phụ người bản địa. Mình làm một ngày 5000 quan, nó làm một ngày có 1000 quan, thế nên biết mình đi nhận tiền nơi khác về, nó quay lại đập chủ như chơi”, ông Bằng kể. “Người Trung Quốc họ trang bị súng, hễ cướp tấn công là chống trả. Nhưng chỉ cần có phản ứng là hôm sau nó quay lại bắn chết sạch tinh. Người Việt mình biết vậy nên không dám. Nếu phản ứng lại thì hôm sau chỉ có nước bỏ đó mà đi nơi khác làm ăn. Với người mình, bọn nó hay dùng búa để đập…”

Nở một nụ cười thoáng chút rùng mình, ông Bằng kể lại hai lần gặp cướp ở Angola, sự việc khiến ông quyết định dừng hành trình mưu sinh xứ người dù tiền bạc kiếm được chưa đầy tay.

Đánh đổi sinh mạng để mưu sinh nơi xứ người: Những phận người bị bỏ lại và nỗi ám ảnh của kẻ sống sót trở về từ Angola  - Ảnh 3.

“Nó đập cửa vô, bắt chủ thầu của mình trước, đập một búa, máu túa ra nhưng nhẹ. Sau đó nó gặp một ông nằm trên võng, nó đập vào đầu rồi đẩy vô nhà tắm, khóa cửa lại. Lúc đó chú đang ngủ trong phòng, phòng chú ba người, nó đạp bung cửa lôi ba người ra để đập. Tới lượt chú, nó nghĩ sao lại không đập vào đầu mà đập vào xương quai xanh, mục đích là làm cho mình gãy tay để không chống cự được. Nhưng không hiểu sao cái búa xoay ngang nên chỉ bị ê buốt cả tháng trời. Đập xong, nó phá phòng bên, cướp đi 100 ngàn đô. Nó đi rồi chú mới chạy đi tìm ông kia. Mở cửa toilet ra, thấy cả một mặt máu. Chú băng bó, may mắn vẫn còn kịp thời, không ai bị chết”.

“Có lần nó vào ban ngày. Hôm đó chủ nhật đi lễ về, người mình đang tập trung ăn uống, hơn hai chục thằng. Nó 7-8 thằng, súng búa dao đủ cả. Có nồi nước sôi đang đun, nó bắt ngồi thành hàng dọc rồi dội nước sôi lên lưng lần lượt từng người…”

“Tạ ơn Thánh Anton, không có ai chết”, ông Bằng nắm chặt đôi bàn tay loang lổ những vết sơn trắng. 

Nhưng không phải con chiên nào cũng được Ơn trên che chở như ông Bằng và những người đồng hương của ông Bằng.

Đánh đổi sinh mạng để mưu sinh nơi xứ người: Những phận người bị bỏ lại và nỗi ám ảnh của kẻ sống sót trở về từ Angola  - Ảnh 4.

Đánh đổi sinh mạng để mưu sinh nơi xứ người: Những phận người bị bỏ lại và nỗi ám ảnh của kẻ sống sót trở về từ Angola  - Ảnh 5.

Cụ Nguyễn Thị Tuyết, 80 tuổi (xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) kể lại cuộc hội thoại với đứa cháu đích tôn 5 tuổi. Đứa trẻ mất cả bố lẫn mẹ trên đất Angola. Còn cụ, giữa thời bình, mất 3 người con: 2 con trai và 1 con dâu.

Năm 2009, cả ba người con trai của cụ Tuyết sang Angola lao động diện chính ngạch. Nhờ mối quan hệ thân quen, họ mở được một cửa hàng photocopy. Tai họa ập đến vào năm 2011, người con cả Nguyễn Trọng Tuấn gặp cướp. Chúng tấn công anh bằng búa, đập anh đến tàn phế.

Đánh đổi sinh mạng để mưu sinh nơi xứ người: Những phận người bị bỏ lại và nỗi ám ảnh của kẻ sống sót trở về từ Angola  - Ảnh 6.

 

 

Anh Tuấn sau đó được đưa về Việt Nam, đi điều trị khắp trong Nam ngoài Bắc, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của. Tới tháng 10/2018, anh Tuấn qua đời. Khi ấy, chị Trần Thị Thu Hường, vợ anh Tuấn, vừa thay chồng sang Angola làm việc cho hai em được 2 tháng. Tiền bạc gom đi còn chưa trả được nợ, chị không về chịu tang chồng. 6 tháng sau, vào ngày 20/5/2019, chị và em trai chồng Nguyễn Trọng Đức bị cướp đột nhập vào nhà, dùng dao đâm nhiều nhát cho đến chết rồi cướp đi toàn bộ đồ đạc tài sản. Người em trai còn lại vì đang về Việt Nam thăm gia đình nên thoát nạn.

Đánh đổi sinh mạng để mưu sinh nơi xứ người: Những phận người bị bỏ lại và nỗi ám ảnh của kẻ sống sót trở về từ Angola  - Ảnh 7.

Ba cái chết diễn ra trong 6 tháng, cụ Tuyết chỉ còn hơi tàn. Tỉnh tỉnh mê mê, không biết gì nữa cả. 

Gần nửa năm trôi qua, cụ Tuyết sống một mình trong căn nhà cấp 4 xập xệ, trống không đồ đạc. Tay chân run rẩy, đầu óc đã tỉnh táo hơn và không muốn nhắc đến ba cái chết đau đớn. “Đêm nằm không ngủ được, ăn không ăn được, thuốc men nhiều, cả ngày được chén cơm”, cụ kể, giọng đều đều, không nhìn vào ai. Hốc mắt như đã khô kiệt.

Cụ chỉ ngẩng mặt lên cười khi được hỏi tới cháu nội, cậu bé 5 tuổi con anh Tuấn chị Hường.

“Mẹ hắn có một đứa con riêng, năm nay học lớp 7. Giờ bố mẹ chết cả, ông bà ngoại nhận quyền nuôi vì bà nội yếu, không đưa đi học được. Thứ bảy chủ nhật nó về đây, thằng bé mập mạp, khỏe lắm”.

“Hắn biết bố mẹ mất rồi. Hắn nói: Con chỉ có một điều ước duy nhất là mẹ còn sống, mẹ sống thì hai chị em con sướng.”

“Về bà, hắn thắp hương bảo: Con về đây rồi bố ạ, con về đây rồi mẹ ạ.”

“Hắn hay hỏi lắm. Hắn nói: Mẹ khi mô về? Biết chết rồi mà vẫn hỏi khi mô về. Bà mới bảo: Mãi không về nữa con ạ!”

Người con trai thứ ba của cụ Tuyết vẫn bám trụ ở Angola. Cụ khuyên can không được. Lúc anh nói còn máy móc vật liệu phải thanh lý dần dần mới đóng cửa hàng để về được. Lúc anh bảo: “Sống chết là do số mệnh rồi”.  

Ở Hà Tĩnh, trong vòng 5 năm qua, số lao động bị sát hại tại Angola lên tới hàng chục trường hợp, minh họa rõ nét cho lời cảm thán của ông Phan: “Đánh đổi 80% mạng sống của mình”.

Năm 2016, chị Hoàng Thị Văn (sinh năm 1987, ở Thiên Cầm, Cẩm Xuyên) bị một toán cướp phá cửa nhà trọ cướp tài sản rồi tẩm xăng thiêu sống; anh Đặng Quốc Nghĩa (sinh năm 1972, ở Cẩm Nam, Cẩm Xuyên) và anh Nguyễn Viết Hậu (sinh năm 1983, ở Sơn Thọ, Vũ Quang) bị trấn lột rồi bị sát hại bằng súng; anh Lê Văn Quế (ở Xuân Liên, Nghi Xuân) bị cướp bắn chết khi đang trên đường đi làm về. Tháng 6/2019, chị Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1978, ở Kỳ Phong, Kỳ Anh) đang đứng trên đường phố thì bị một nhóm cướp giết để cướp túi xách… 

Thế nhưng, Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh hiện vẫn có hơn 4000 lao động đang làm việc tại Angola. Đa số lao động sang Angola bằng visa du lịch, sau đó ở lại bất hợp pháp.

Đánh đổi sinh mạng để mưu sinh nơi xứ người: Những phận người bị bỏ lại và nỗi ám ảnh của kẻ sống sót trở về từ Angola  - Ảnh 8.

Theo lời cụ Tuyết, anh Nguyễn Trọng Tuấn khi sang Angola vào năm 2011 phải vay mượn tầm 600 triệu để có một suất làm việc tại đất nước thuộc hạng giàu có này của châu Phi. Làm ăn chưa đủ trả nợ thì xảy ra tai họa. Thêm tiền phẫu thuật, chữa trị, thuốc thang gần 7 năm trời. Vì nợ mà vợ anh phải bất chấp hiểm nguy bỏ con thơ dại sang Angola. Lại thêm một món nợ mới và thêm một lần chưa trả nợ được đã phải bỏ mạng. Thêm một khoản tiền cả vài trăm triệu người thân phải lo toan để đưa được thân xác về quê mẹ. 

Ông Bằng chua xót: “Có những người thậm chí một đồng còn chưa gửi về được cho vợ con đã bị mắc sốt rét rồi đoản mệnh. Người mình từ 18 tới 45 nằm bệnh viện tư nhân của Việt Nam bên đó hàng loạt, quanh năm suốt tháng. Chưa chết vì cướp đã chết vì sốt rét. Vợ ở đây nghe tin chồng chết thì khóc lên khóc xuống, chưa kịp khóc chồng đã phải khóc tiền. Cả trăm triệu bạc cầm cố vay mượn, làm gì ra mà trả nổi?".

“Chết thì chết, đi thì vẫn phải đi thôi. Không đi thì làm gì bây chừ?”, ông Bằng hỏi.

Đánh đổi sinh mạng để mưu sinh nơi xứ người: Những phận người bị bỏ lại và nỗi ám ảnh của kẻ sống sót trở về từ Angola
 - Ảnh 10.

Con trai ông Bằng 19 tuổi đã sang Đài Loan. Mỗi tháng thu nhập 14-15 triệu. Ông Bằng bảo: “Tuy thấp nhưng ổn định, coi như đi lính hai năm”. Con gái ông 22 tuổi sang Đức, làm thợ phụ trong một tiệm nail của người Việt, thu nhập được 3-400 Euro, vừa làm vừa học nghề, chờ ngày được lên thợ chính để tăng lương. 

“90% thanh niên ở cái làng này có tư tưởng phải đi nước ngoài. Nếu chúng không đi nước ngoài thì cũng ra Hà Nội hay vào Sài Gòn. Cũng là bỏ xứ cả. Họ nhà này hiện có khoảng hơn 40 người lao động tại Đức, các nước khác như Nga, Hàn, Nhật, Đài Loan, Angola rải rác 1-2 người mỗi nơi. Đến giờ đọc Kinh chỉ còn 1/10 đàn ông, toàn người già yếu và ốm đau bệnh tật”, ông Bằng cho hay.

Cũng theo lời ông Bằng, lũ trẻ trong họ học đến cấp 2 là bỏ học dần dần. Chúng cũng mang một tư tưởng duy nhất hằn in trong trí não suốt thời thơ ấu thiếu cha hoặc thiếu cả cha lẫn mẹ: Nước ngoài!

Trước ngày con gái lên đường sang Đức, chú Bằng vẫn khuyên can con ở lại, để còn "hưởng một chút lộc chồng", sinh con đẻ cái, thay vì đánh mất cả tuổi xuân cho mưu sinh nơi xứ người. Nhưng khuyên không thành.

"Chú đành bảo với con, có bất kỳ chuyện gì thì vẫn còn bố đây. Nếu bố không đến được, không làm được thì bố sẽ tìm được người hỗ trợ cho con", ông Bằng kể.

Trong tiếng cầu Kinh chiều ngày cuối cùng của tháng 10 tang thương, ông Bằng trầm ngâm kết luận, nếu có điều gì khiến gia đình và dòng họ của ông chưa gặp phải những kiếp nạn như nhiều gia đình khác ở đất Yên Thành, Nghệ An này, thì có lẽ chỉ là người đi trước chỉ bảo cho người đi sau, bố chỉ bảo cho con, anh chỉ bảo cho em, trên vạn dặm tha hương lưu lạc.

Đánh đổi sinh mạng để mưu sinh nơi xứ người: Những phận người bị bỏ lại và nỗi ám ảnh của kẻ sống sót trở về từ Angola  - Ảnh 10.

Hoàng Hồng
Sễu
Bi
Minh Hà, Sơn Nguyễn
Theo Trí Thức Trẻ