Mùi hương là một điều đặc biệt, nó gợi nhắc ký ức và đánh thẳng vào cảm xúc theo cách người ta không "lường" trước được. Sáng hôm qua, vào một ngày mùa xuân còn vương chút hơi lạnh sót lại nước Úc, tôi bất chợt đứng khựng lại khi ngửi thấy mùi bùn từ nhà hàng xóm đang xới đất làm vườn, trồng hoa. Mùi bùn nhão, đất ẩm đó bất giác làm tôi nôn nao, vì ở đó có thứ mùi đặc trưng giống hệt cái ao trước lối nhà bố mẹ tôi, nhiều năm về trước.
Chính tại 3 giây "xốn xang" đó, cả ngăn kéo ký ức của tôi ùa về. Sau ngần ấy năm, nào là bụi tre, vườn rau với lũ gà choi, có một chú trống choai sáng nào cũng nhảy lên đống rơm mà gáy, là ao sen mà những buổi chiều hồi còn bé, tôi cùng bà nội chèo thuyền ra chọn những búp sen đẹp nhất, bỏ vào trong một dúm trà nhỏ. Hôm sau, khi bình minh còn chưa kịp lên, bà lại chèo thuyền ra cắt những bông sen ngậm trà mang về, pha cho ông ấm trà bằng nước hứng từ những hạt sương sớm trong veo đọng trên lá sen.
Hóa ra, đó là một phần tuổi thơ không bao giờ thay đổi, bất biến, mãi mãi ở đó, dù sau nhiều năm sinh sống định cư ở nước ngoài, tôi cứ ngỡ mình đã bỏ lại. Khi tôi hai mươi hai tuổi và chuẩn bị qua Úc để tiếp tục con đường học vấn, mọi người hỏi: "Thế cháu không nhớ nhà à?", tôi đã lắc đầu đầy tự tin, thậm chí còn cảm thấy "buồn cười" vì câu hỏi ấy, khi tôi sắp trở thành một công dân toàn cầu, và "nhà" của tôi sẽ là bất cứ chốn nào tôi có thể sống và làm việc.
Tôi ít khi nhớ nhà, nhưng gần đây, sau hơn mười năm xa xứ, có một cái gì đó cứ tràn về choán đầy ký ức tôi. Tôi đã mơ về một miền quê cũ trong tuổi thơ ấu của mình, những cánh diều, đòng lúa non đang trổ, và đặc biệt là trong giấc mơ ấy cứ vương vấn mãi một mùi gì đó mà tôi không định hình nổi, cho đến giờ tôi vẫn gọi nó là mùi của quê hương. Sau khoảnh khắc đứng ngẩn người nhớ nhà sáng qua, tôi đã hiểu, quê hương mỗi người mang một hương vị khác nhau, còn với tôi, đó là mùi bùn, hay đúng hơn, là mùi của hoa sen mọc trên bùn.
Hè năm ngoái khi về Việt Nam thăm gia đình, tôi được bạn bè dẫn đi ăn nhiều món ngon và lạ mà hồi còn ở nhà, tôi chưa bao giờ được nếm. Nhưng tôi lại xúc động đến rơi lệ khi được một người bạn đãi một bát chè sen nhãn lồng bạn tự tay nấu, rồi ra đầm Hồ Tây ngồi uống trà, ngắm người ta chụp ảnh với sen.
Trà sen Hồ Tây không phải kiểu như bà nội tôi làm hồi nhỏ, mà là thứ trà ấp ủ bằng gạo sen, cần biết bao tinh hoa, công sức, tỉ mẩn của người ướp trà mới thành. Bạn tôi bảo thông thường để ướp được một cân trà, trung bình sẽ cần tới gạo của khoảng 1.200 đến 1.500 bông sen. Chẳng trách ngồi trong chòi tre giữa đầm, tôi lại thấy mình tao nhã, thơm như một đóa sen.
Ở Úc đang độ mùa xuân, nhưng ở nhà thì Trung thu rồi. Sen đã cạn ngày, hoa tàn úa cả, mơ có một lọ sen mà cắm giữa xứ này chắc xa xỉ quá, nhưng có lẽ tôi vẫn kịp nhờ mẹ gửi sang ít cốm, dăm cân sen khô thi thoảng nấu chè và ít trà sen hảo hạng mà tôi mê… để thỏa cái nỗi nhớ nhà, nhớ Việt Nam.
Chẳng riêng gì mình, tôi tin chẳng ở đâu sen đặc biệt gắn bó với phụ nữ như ở Việt Nam. Với bàn tay khéo léo, khẩu vị tinh tế, đến mùa sen, các bà, các chị lại mua sen về cắm trong nhà, dâng cúng tổ tiên, mang hoa sen lên đền chùa dâng lễ và nấu các món ăn từ sen.
Mà đâu chỉ có thế. Sen còn là "phụ kiện" tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ Việt. Thần thái thanh cao của sen tương hỗ cho người ở bên sen thêm đẹp, thêm quyến rũ, vừa e ấp vừa gọi mời. Phụ nữ ở bên hoa, đó là cộng hưởng của hai cái đẹp, nhưng phụ nữ bên sen, đó là sự cộng hưởng của hai thần thái. Hoa sen cùng phụ nữ Việt bước vào các tác phẩm thi ca, vào nhạc, vào hội họa kinh điển, và bước ra đời với quang gánh kĩu kịt các chị hàng rong chở hoa ra phố, với các thiếu nữ nườm nượp đến hồ sen chụp ảnh lưu lại thanh xuân mỗi khi mùa sen về...
Sen cũng được chọn làm biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt thời hiện đại. Nếu theo dõi thiết kế của vương miện Hoa hậu Việt Nam qua các thời kỳ từ 1988 - 2014, bạn sẽ thấy, vương miện Hoa hậu đều có thiết kế cách điệu, lấy cảm hứng, hình dáng từ búp sen và cánh sen.
Hình ảnh hoa sen cũng theo chân những người phụ nữ Việt, những nghệ sĩ, nghệ nhân thiết kế, điêu khắc, hội họa đến với bạn bè thế giới, trở thành một biểu tượng quen thuộc của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là khi trở thành họa tiết trên áo dài. Lại nhớ năm 2013, bộ áo dài được lấy ý tưởng từ hoa sen và họa tiết hoa sen cổ của Trương Thị May xếp thứ 4 trong Top 10 trang phục đẹp nhất tại Miss Universe. Trang web uy tín Missosology đánh giá quốc phục của Việt Nam gây ấn tượng nhất, mang vẻ sang trọng, thanh lịch và đậm chất Hoàng gia.
Năm 2015, Lê Thị Hà Thu, đại diện Việt Nam tranh tài tại cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa đã trình diễn bộ quốc phục lấy cảm hứng từ hoa sen tại vòng thi trang phục truyền thống. Năm 2017, khi tham gia trình diễn tại các hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, diễn viên múa Linh Nga cũng lựa chọn trang phục áo dài họa tiết hoa sen...
Nếu nói phụ nữ yêu hoa sen, gắn bó với hoa sen thì chuẩn, nhưng "bó hẹp" sen trong ngữ nghĩa đại diện cho phụ nữ thì lại chưa thật chính xác. Càng nhung nhớ những mùa sen, nhớ nhà, tôi lại càng phát hiện ra, ở Việt Nam, hoa sen cũng là một hình ảnh biểu tượng có vai trò và vị trí đặc biệt cả về đời sống thường nhật lẫn văn hóa, triết lý.
Sen dân dã đến mức, ở các làng quê và một số vùng thành thị ở Việt Nam, nơi nào có ao, đầm, nơi đó xuất hiện hoa sen. Sen "thực dụng" đến mức, ngoài dùng để chế biến thành những món ăn đặc trưng, mang đậm hương vị Việt Nam, mọi thứ của sen đều có thể làm thực phẩm bổ dưỡng hay thuốc chữa bệnh.
Cũng chính bởi sự thân quen, gắn bó với con người trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, hoa sen đã trở thành một biểu tượng vừa cao quý, thanh cao vừa dân dã đời thường của người Việt. Bên cạnh sự tương đồng với hình dung của nhiều nền văn hóa về hình ảnh hoa sen, người Việt, với mỹ cảm riêng, cũng đặt cho biểu tượng này những tầng ý nghĩa mới.
Sen trở thành họa tiết yêu thích, một hình tượng nghệ thuật kinh điển của họa sĩ Việt nhiều thời đại, có mặt trong nhiều công trình kiến trúc truyền thống, đặc biệt là kiến trúc Phật giáo Việt Nam như Chùa Một Cột, Tháp cửu phẩm liên hoa, Chùa Tháp Bút, Chùa Tây Phương… Hình tượng hoa sen cũng vẫn được duy trì trong kiến trúc Việt Nam đương đại, dễ thấy nhất là Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), Tòa tháp tài chính Bitexco (TP. HCM), sân bay Long Thành…
Hoa sen cũng trở thành biểu tượng của hãng hàng không Việt Nam vào ngày 20/10/2002. Khi bạn bè quốc tế đến với Việt Nam, hình ảnh đầu tiên họ gặp sẽ là bông sen vàng 6 cánh - hình ảnh biểu hiện cho sự khai sáng và hoàn mỹ; vừa đời thường lại vừa cao quý, linh thiêng; vừa duyên dáng, mềm mại, nhưng không kém phần cứng cáp, đĩnh đạc, tượng trưng cho những con người Việt Nam dũng cảm kiên cường nhưng đôn hậu và cởi mở.
Có thể nói, hoa sen thực sự là một biểu tượng đa tầng ngữ nghĩa, vừa có tính thống nhất giữa Việt Nam và thế giới, vừa mang những ẩn dụ rất riêng của dân tộc. Đó là lý do mà đứa con tinh thần mới toanh của VCCorp - mạng xã hội thuần Việt - được đặt tên Lotus.
Vượt qua hàng trăm ứng cử viên sáng giá trong cuộc thi đặt tên cho MXH mới, Lotus là tên gọi đã được các nhà sáng lập chọn. Với hình ảnh hoa sen đã quen thuộc với người Việt qua hàng nghìn năm, cái tên Lotus đã tạo ra sợi dây gắn kết sản phẩm hiện đại với tinh thần dân tộc Việt, đồng thời gợi mở về ý nghĩa kết nối toàn cầu.
Hoa sen sinh ra trong bùn lầy nhưng hoa sen không bị "hôi tanh mùi bùn", thậm chí, chúng còn làm thay đổi hoàn cảnh sống, hễ mọc ở nơi nào thì sẽ làm cho nước đục nơi đó lắng trong, ngát thơm hương từ chính nơi bùn lầy. Sen có cả hương lẫn sắc, nhưng hương sen không quá nồng mà dịu dàng, gợi lên một tinh thần cao thượng. Qua bao ràng buộc để đến được chỗ khoáng đạt hư không, sen tiếp tục vươn lên dưới ánh mặt trời, khai nụ kết hoa, khoe sắc và xông hương tràn ngập không gian. Hoa sen là hình ảnh hài hòa, đặc trưng của một chu trình sống, sinh ra từ bóng tối, bùn nhơ mà bừng nở ra những tinh nguyên của sự hoàn thiện.
Đó có lẽ cũng là kỳ vọng mà nhà cung cấp gửi gắm vào MXH Lotus. Nhắc đến mạng xã hội, đến môi trường mạng, internet, bên cạnh những công cụ hữu ích, sự lan tỏa thông tin, nhưng cũng thật khó tránh được việc chúng cũng đem lại ảnh hưởng tiêu cực, nhiễu loạn thông tin, khiến người dùng bội thực với thông tin bẩn, thông tin sai sự thật, tin rác, giật title, câu view...
Lotus ra đời với mong muốn góp phần làm môi trường mạng trở nên lành mạnh, tích cực hơn. Bằng việc lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, nội dung tích cực, Lotus sẽ là một đại diện tiêu biểu nhất cho một môi trường thông tin trong sạch, chất lượng mà người dùng internet Việt Nam đang thực sự cần, thể hiện khát vọng vươn lên của người Việt.
Với nội dung chất lượng làm trung tâm, cộng đồng Lotus khuyến khích người làm nội dung tốt và người chia sẻ, lan tỏa những nội dung tốt đó bằng token - một dạng năng lượng thúc đẩy trên mạng xã hội. Không ai bỏ token ra để mua những nội dung xấu, lan tỏa nội dung xấu mà sẽ dành năng lượng đó vào nội dung chất lượng cao và tích cực, khi không được khuyến khích, cái xấu ắt sẽ yếu và dần giảm đi trong môi trường mạng. Sinh ra trong môi trường mạng và lan truyền giá trị tích cực trong không gian mạng, làm đẹp cho không gian mạng, đó chính là sứ mệnh của Lotus.