Những buổi đầu tiên đến với lớp thực hành nghệ thuật Tòhe, Minh khiến cả lớp ngạc nhiên tò mò vì cứ lặp đi lặp lại những âm thanh kỳ lạ. Mọi người biết Minh là trẻ tự kỷ, thế nên cách giao tiếp của Minh với thế giới xung quanh hoàn toàn khác biệt so với các bạn đồng trang lứa.

Chèo méo, nút hẩy, kha hu…

Chèo méo, chèo méo…

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 1.

Sau nhiều lần nỗ lực "dịch" ngôn ngữ riêng của Minh thì thầy cô và bạn bè đã tạm viết phiên âm các từ Minh nói ra là vậy. Đố ai tìm được nghĩa của những từ này. Có lật tung tất cả thư viện khắp năm châu bốn bể cũng không tìm được cuốn từ điển nào cắt nghĩa được "chèo méo".

Kho ngôn từ của Minh rời rạc và ngây ngô, giống hệt các bạn nhỏ tự kỷ khác. Thế nhưng mỗi từ do Minh sáng tạo ra đều mang sắc thái biểu cảm riêng, với lối tư duy bản năng và không hề bị ràng buộc bởi quy tắc ngôn ngữ nào. Mọi người xung quanh nghĩ những từ Minh nói là "vô nghĩa", nhưng liệu Minh "vô nghĩa" hay chúng ta mới là người mịt mù?

Vì chứa đựng vô số tầng ý nghĩa và cảm xúc nên "chèo méo" của Minh đã được chọn để đặt tên cho triển lãm đặc biệt tại Cung thiếu nhi Hà Nội do Doanh nghiệp xã hội Tòhe tổ chức. Bên trong "Chèo Méo" là rất nhiều tác phẩm lạ kỳ khác do "đồng bạn" của Minh sáng tạo ra, một thế giới riêng của những đứa trẻ đặc biệt.

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 2.

Ngay cửa vào khu triển lãm là bức tường tranh của Nem - một nghệ sĩ nhí nổi tiếng, "idol" lâu năm tại lớp nghệ thuật Tòhe. Nem mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ và hội chứng Turner trẻ trai. Nem mơ hồ đủ thứ xung quanh mình, xài hết cả chai gội đầu và sữa tắm chỉ trong 2 tuần vì em không biết định lượng như thế nào là đủ. Nhưng riêng cầm bút vẽ thì Nem không thừa nét nào.

Chàng trai 19 tuổi có tư duy sáng tạo thiên bẩm khiến mọi người ngạc nhiên, và phong cách của Nem khi vẽ tranh rất gọn gàng, mạch lạc, với những tầng ý nghĩa chỉ có Nem mới hiểu. Năm 2014, Nem từng gây ấn tượng rất lớn vì là người tự kỷ đầu tiên ở Việt Nam có triển lãm cá nhân mang tên "Câu chuyện của Nem" với thông điệp "Mỗi trẻ em là một tiểu thế giới".

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 3.

Nem là chàng họa sĩ không thích tô màu. Đặt bút xuống là Nem hoàn toàn "biến mất" khỏi thực tại, phiêu du trong thế giới đen trắng và kể những câu chuyện của riêng mình bằng phong cách ấn tượng. Đôi khi một bức tranh với vô số chi tiết phức tạp được Nem vẽ chỉ bằng 1 nét bút, cứ liền mạch nối nhau như sợi dây vô tận. Tranh của Nem vẫn giữ nguyên nét hồn nhiên trẻ thơ, nhưng cũng chứa đựng ý nghĩa mà mỗi người ngắm nhìn lại cảm nhận được theo từng cách riêng.

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 4.

Bên cạnh khu vực triển lãm riêng của Nem tại "Chèo Méo" là một căn phòng khác. Đây là "thánh địa" mô phỏng lại thế giới riêng của Khánh Huyền - cũng là một họa sĩ nhí tài ba của lớp nghệ thuật Tòhe. Huyền thích khởi đầu những bức tranh bằng việc tô dải màu từ đậm đến nhạt. Mỗi màu chỉ cần 1 nét thôi, xếp cạnh nhau đều chằn chặn như chiếc cầu vồng khổng lồ, chưa bao giờ sai lệch thứ tự.

Tòhe gọi các tác phẩm đặc trưng dấu ấn của Khánh Huyền là "Ná". Không phải cái ná bắn thun nghịch ngợm tuổi thơ đâu, mà là từ đặc biệt nhấn nhá cuối câu Huyền hay nói: "Cùng vẽ ná, tô màu ná!". Ngọng nghịu nhưng thật nhiều đáng yêu, khiến tim ai cũng muốn tan chảy.

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 5.

Trong căn phòng đầy ắp sắc màu của Khánh Huyền còn có vô số búp bê từ size mini đến to đùng. Thân búp bê bằng bông, nhưng 2 tay lại nhồi sỏi đá. Đố bạn biết để làm gì?

Đó là mô phỏng cảm giác thực về một chiếc ôm của trẻ tự kỷ như Khánh Huyền. Nó vừa mềm mại nhẹ nhàng, nhưng cũng xen lẫn sự ghì chặt, như một cách bày tỏ cảm xúc phức tạp không thể nói ra bằng lời. Bạn có hình dung ra chiếc ôm ấy không?

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 6.

Chiều cuối tháng 11 nóng nực, những vị khách xếp hàng vào xem "Chèo méo" đổ dồn chú ý vào mớ guốc bông kỳ lạ để ngay lối vào triển lãm, bên ngoài phòng Ná. Đống guốc ấy lộn xộn nằm cạnh nhau, hình thù chẳng giống với bình thường. Phần đế guốc nhô lên như kim tự tháp, khiến mọi người xúm vào hỏi nhau: "Guốc kiểu này thì đi kiểu gì?".

Rồi lũ trẻ tò mò lôi guốc ra xỏ đầu tiên. Chúng thích thú khi phát hiện ra những đôi guốc dày cộp kỳ lạ này rất mềm mại, và phần đế nhô ra kỳ quặc lại có "công dụng" giúp chúng nhún nhảy trên sàn như một chú thỏ. Nhưng vấn đề là tại sao mấy đôi guốc này lại ở đó?

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 7.

Đây là những đôi guốc có cái tên riêng cực mới lạ - guốc bồng bồng. Chúng được tạo ra để mô phỏng lại cảm giác chòng chành của Văn Minh Đức - một chàng trai cực kỳ nổi bật với chiều cao 1m8. Đức sinh năm 1994, lớn tuổi nhất trong lớp nghệ thuật Tòhe, đã gắn bó với Tòhe hơn 10 năm và thân thiết với Tòhe như người nhà. Đức nặng 90kg nhưng rất thích nhún nhảy và nhón chân, hiếm khi đi bình thường bởi những cảm giác khó tả ở bên trong cơ thể. Đức là trẻ tự kỷ, gặp khó khăn trong việc giao tiếp.

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 8.

Ngoài thói quen nhún nhảy thì Đức có nhiều điều thú vị lắm. Cứ đến tối là Đức xách rác đi đổ, mưa gió bão bùng cũng mang thùng rác đi bằng được. Chị Thu - mẹ của Đức cứ cười mãi: "Khoảng 10 năm nay thì mùng 1 Tết nhà Đức bao giờ cũng đổ rác, mẹ có muốn kiêng theo phong tục cũng không cản Đức được, mẹ vừa dọn gọn hết vỏ bánh kẹo là Đức đã đi đổ rác liền".

Ngày bố chưa mất, những phụ kiện trong nhà như quạt, tivi… bố sửa thế nào Đức làm lại y như thế. Bây giờ, nếu chẳng may hôm nào nhảy cầu dao cúp điện, Đức sẽ chạy đi khắp các phòng kiểm tra một lượt, xem cầu dao sập ở đâu, nếu bật lại rồi mà điện không sáng, Đức sẽ chạy tìm bác Dũng hàng xóm và bảo "Hỏng rồi" để bác lên sửa giúp. Tivi chỉnh màu, chỉnh kênh thế nào, Đức còn rành hơn cả mẹ và em gái.

Đức đã 30 tuổi rồi nhưng tâm hồn vẫn như một đứa trẻ. Dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng mẹ Đức không còn gặp khó khăn trong giao tiếp với con nữa. Chàng trai mét 8 cũng dần thoát khỏi cảm giác ấm ức buồn tủi trong lòng khi diễn đạt mà mẹ không hiểu. Đức giờ thoải mái như một cậu thanh niên bình thường ở trong nhà. Cũng một phần nhờ niềm vui và hạnh phúc từ lớp của Tòhe giúp Đức mở lòng đấy!

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 9.

Ấy còn chưa kể, Đức cũng đóng góp một phần thu nhập trong nhà. Tiền bản quyền tranh và bán tranh của Đức đã không ít lần giúp cả nhà có thêm mùa Tết ấm, giúp mẹ trang trải cuộc sống hàng ngày.

Sự yêu đời và chăm chỉ của Đức là niềm vui của cả nhà. Đấy cũng là niềm tự hào của Tòhe, khi giúp Đức tìm thấy "tài năng" của chính mình, phá vỡ vỏ kén để bước ra khỏi thế giới chật hẹp buồn tẻ bọc kín lấy cậu từ lúc chào đời.

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 10.

Đứng giữa triển lãm "Chèo Méo" để ngắm những bức tranh do nhóm trẻ đặc biệt tại lớp nghệ thuật Tòhe vẽ ra, anh Nguyễn Đăng Nguyên (người sáng lập Doanh nghiệp xã hội Tòhe) cảm thấy chặng đường mình đồng hành với các em nhỏ khuyết tật thật vô giá.

18 năm trước, trong chuyến du lịch Tây Ban Nha, anh cũng đứng trước bức tranh của một danh họa nổi tiếng thế giới. Anh rất tâm đắc với câu nói của danh họa Picasso: "Tôi chỉ cần 4 năm để vẽ được như Raphael, nhưng tôi phải dành cả đời để vẽ như một đứa trẻ".

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 11.

Ở bảo tàng ấy, những món đồ lưu niệm "ăn theo" danh họa người Tây Ban Nha được bán với giá rất đắt. Chỉ là in lại tranh của Picasso lên áo, cốc, túi… thôi mà mức giá để sở hữu chúng không hề rẻ chút nào.

Sau khi dạo vòng quanh bảo tàng nơi xứ người, anh Nguyên chợt nhớ đến những đứa trẻ khuyết tật và tự kỷ ở các trung tâm bảo trợ xã hội mà anh từng ghé thăm. Người bình thường có thể vẽ tranh để tạo ra giá trị kinh tế, thẩm mỹ, sáng tạo, đam mê. Tại sao trẻ khuyết tật lại không thể làm được điều đó? Làm thế nào để những bức tranh lột tả thế giới tinh thần đặc sắc đó mang lại giá trị kinh tế, giúp các em cải thiện cuộc sống khó khăn?

Mang những câu hỏi đó quay quắt trong đầu, anh Nguyên đã tự tìm câu trả lời bằng việc lập ra Tòhe chỉ sau một đêm. Anh từng sở hữu một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, bản thân anh cũng là một họa sĩ dạn dày kinh nghiệm, nhưng sau khi mở Tòhe một thời gian thì anh đã đưa ra một quyết định liều lĩnh. Đó là… bán nhà để có tiền duy trì hoạt động của doanh nghiệp mới. Anh cũng đóng cửa luôn công ty truyền thông hái ra tiền, để dồn hết tâm huyết vào Tòhe và những đứa trẻ thiệt thòi trong xã hội.

Người ngoài bảo ông họa sĩ này bị "hâm"! Thế nhưng bạn bè và gia đình anh Nguyên không nghĩ vậy, họ hoàn toàn ủng hộ việc thiện nguyện mà anh làm. Dù biết Tòhe chẳng có lãi lời gì, song anh Nguyên chỉ có một tâm niệm, đó là mang đến một mái nhà chung cho những đứa trẻ thiệt thòi, mang cho chúng hi vọng và giúp chúng tỏa sáng từ những kẽ nứt nhỏ bé sâu trong chính bản thân.

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 12.

Anh nhận ra rằng, trẻ em thiệt thòi - đặc biệt là trẻ em khuyết tật trí tuệ (trong quan niệm của xã hội) có một "trí thông minh kiểu khác". Cần có trái tim đủ nhạy cảm, đủ tôn trọng và đủ yêu thương để nhận ra năng khiếu thực sự của các em, và cần có môi trường phù hợp để nuôi dưỡng và phát triển năng khiếu ấy.

Vẻ đẹp độc đáo, sự sáng tạo nguyên bản và "trí tuệ kiểu khác" trong tranh của trẻ em đặc biệt nói riêng và trẻ em nói chung phản ánh tinh thần hồn nhiên và trí tưởng tượng bay bổng không giới hạn. Chúng có giá trị nghệ thuật, giá trị tinh thần và giá trị kinh tế cao nếu được khai thác sử dụng đúng cách. Tranh của các trẻ em thiệt thòi luôn mang vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng, đầy màu sắc tự do, bay bổng… trái ngược hoàn toàn với hoàn cảnh cuộc đời các em.

Suốt gần 20 năm đồng hành cùng những đứa trẻ đặc biệt ấy, anh Nguyên chưa bao giờ khoe mình đã làm được những gì. Mỗi ngày anh chỉ âm thầm đến lớp vẽ cùng các em nhỏ khuyết tật, trăn trở đủ cách để có thể gặp gỡ nhiều thiên thần nhí hơn, giúp các em hòa nhập với cộng đồng Tòhe, thay đổi mình theo hướng tích cực và cải thiện cuộc sống một cách tốt đẹp hơn.

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 13.

Ai nói gì anh Nguyên cũng kệ. Người đàn ông giản dị ấy chẳng thích mặc hàng hiệu, chỉ thích khoác lên mình những bộ quần áo, túi xách, mũ nón in hình tranh của các bé tại Tòhe. Mỗi lần Tòhe mở triển lãm, anh luôn có mặt chẳng vắng buổi nào, lặng lẽ đứng chìm trong đám đông và ngắm nhìn ý nghĩa trong từng nét vẽ ngô nghê trong sáng.

Anh vẫn nhớ mãi một bạn nhỏ từng đến với Tòhe nhiều năm trước. Suốt 2 năm bé chỉ vẽ duy nhất số nhà mình lên tờ giấy trắng, cả trăm bức như một. Nhưng rồi đến một ngày, bé đã vẽ thứ khác khiến ai cũng bất ngờ và xúc động. Đó chính là cảm giác anh Nguyên yêu thích nhất, là thành công mà anh tự hào nhất khi sáng lập ra Tòhe, đó là giây phút những đứa trẻ khuyết tật dũng cảm bước ra khỏi vùng tối để tìm bản ngã riêng của mình.

Anh Nguyên khá bất ngờ khi biết rằng dự án Tòhe đã lọt vào vòng chung kết của giải thưởng Hành động vì Cộng đồng (Human Act Prize 2024). Được đánh giá là dự án nhân đạo có ảnh hưởng tích cực và sâu sắc đến cộng đồng, Tòhe đã mang đến những cảm xúc vô cùng chân thật về nhóm trẻ đặc biệt trong xã hội. Và chặng đường ấm áp của Tòhe đã nhận kết quả xứng đáng khi được vinh danh ở hạng mục Dự án truyền cảm hứng trong Gala trao giải ngày 14/12 vừa qua.

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 14.

Anh Nguyên khiêm tốn nhận rằng hành trình 18 năm của Tòhe vẫn còn nhỏ bé so với nhiều điều vĩ đại khác trong cuộc sống, nhưng với tất cả mọi người xung quanh anh - đặc biệt là các em nhỏ khuyết tật, thì Tòhe chính là ngôi nhà thứ 2, là tổ ấm chứa chan hạnh phúc, là nơi không ai kỳ thị các em, là đại gia đình ấm áp, là nơi kết nối các em với thế giới bao la rực rỡ ngoài kia.

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 15.

Bên ngoài khu triển lãm "Chèo Méo", cạnh nhà bát giác giữa vườn hoa Lý Thái Tổ, rất đông người tham gia trải nghiệm các lớp học mini của người khuyết tật do Tòhe tổ chức. Đó là không gian sáng tạo nghệ thuật Link Đình - do Tòhe tổ chức phối hợp với các đơn vị khác. Nhiều bạn trẻ lần đầu tiên tiếp xúc với "ngôn ngữ" của người điếc, người câm, được chạm vào bảng chữ nổi của người mù, tạo nên dòng chảy cảm xúc thật đáng nhớ.

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 16.

Khu học kí hiệu dành cho người câm điếc có rất đông bạn trẻ hào hứng tham gia. Thầy hướng dẫn cũng là người điếc, dạy rất dễ hiểu và thân thiện. Nhiều từ đơn giản, nhưng cũng có nhiều từ khó, khiến các "học sinh" lúng túng trong việc mô phỏng lại động tác kí hiệu bằng tay. Tuy nhiên chỉ với vài phút tiếp thu kiến thức ngắn ngủi ấy, những người bình thường liền thấu hiểu được cảm giác của người khuyết tật khi tìm cách truyền đạt ngôn ngữ bình đẳng đến thế giới xung quanh.

Ngọc Linh - một thành viên mẫn cán của Tòhe đã có mặt ở triển lãm từ lâu để đồng hành cùng mọi người trải nghiệm cảm giác "hóa thân" thành người khuyết tật. Nhiều vị khách ghé qua khu trải nghiệm này đã bộc lộ sự ái ngại khi trông thấy các đại diện của nhóm trẻ đặc biệt, song Linh đã khuyên mọi người không nên làm như vậy.

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 17.

Không ít người hiểu nhầm rằng dùng từ "khiếm thính" cảm giác nó nhã nhặn tinh tế hơn "điếc". Nhưng sự thật là người điếc muốn được gọi đúng tên bệnh của mình, bởi hiểu đúng về khuyết tật của họ chính là tôn trọng họ. Đừng ngại khi gọi họ là điếc, câm, mù nhé!

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 18.

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 19.

Gắn bó với Tòhe từ 2017, đồng hành cùng vô số bạn nhỏ đặc biệt, Mộng Thu đã trở thành một mảnh ghép không thể thiếu và giúp đỡ anh Nguyên lèo lái con thuyền Tòhe vượt qua bao thăng trầm. Đứng cạnh bức tranh cánh đồng hoa tím tại triển lãm "Chèo Méo", Thu say sưa kể về tác giả nhí đã vẽ nên tác phẩm dễ thương này.

"Đây là tranh của bé Khôi Nguyên, một bạn nhỏ có hành trình khá ấn tượng tại lớp nghệ thuật Tòhe. Nguyên cứ đến lớp đều đặn, hết 2 tiếng lại về, đôi khi còn ngồi ngáp nữa. Ngày đầu tiên tới lớp, mẹ Nguyên bảo bạn ấy chưa từng vẽ bao giờ, nhưng bức tranh đầu tiên bạn ấy thực hiện lại là chân dung cô giáo. Năng khiếu vẽ của Nguyên được bộc lộ rất tự nhiên và tiến bộ rõ rệt sau 5 năm gắn bó với lớp nghệ thuật".

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 20.

Gần đây Nguyên đang học vẽ các loài hoa để rèn luyện quan sát tỉ mỉ. Nguyên đã biết phân biệt các bông hoa khác nhau, hiểu sự khác biệt giữa các cánh hoa, và biết pha trộn màu nước trong tranh rất dịu dàng y như tính cách của cậu bé. Ai bảo trẻ tự kỷ chỉ biết vẽ nguệch ngoạc vô nghĩa? Chỉ cần đến lớp vẽ của Tòhe một buổi thôi, bạn sẽ rất bất ngờ với hoa tay của những đứa trẻ đặc biệt đấy!

Thu cũng tiết lộ một điều rất thú vị về bức tranh "xa xỉ" nhất từng xuất hiện tại ngân hàng tranh Tòhe Bank. Đó là một tác phẩm của bạn Văn Minh Đức, được đem đi triển lãm ở phố Hàng Bài (Hà Nội) năm 2021. Bức tranh ấy đã được bán đấu giá và thu về 20 triệu đồng, là một phần thưởng đáng nhớ với chàng nghệ sĩ tự kỷ lớn tuổi nhất trong lớp vẽ Tòhe, cũng là dấu mốc quan trọng đáng tự hào với cộng đồng trẻ tự kỷ.

Tranh vẽ, tượng nặn, đồ đan thêu… của những bạn nhỏ tại lớp nghệ thuật Tòhe luôn được thu thập cẩn thận, sau đó đội ngũ nhân sự của Tòhe sẽ khai thác, ứng dụng tranh vẽ của các em để phát triển các dòng sản phẩm thời trang, phụ kiện, quà tặng… Sản phẩm được bán ra thị trường và 5% doanh thu sẽ được trả lại cho các em có tranh được sử dụng.

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 21.

Từ 2006 đến nay, Tòhe đã xây dựng nhiều cấp độ sân chơi và các bộ phận chức năng khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, trải nghiệm ở từng giai đoạn phát triển của nhóm trẻ đặc biệt. Có thể coi đó là "vũ trụ Tòhe" - thế giới riêng dành cho những đứa trẻ mang trong mình nhiều khiếm khuyết.

- Sân chơi nghệ thuật: Tòhe phối hợp với các trung tâm can thiệp trẻ đặc biệt/trung tâm bảo trợ xã hội/trường học… tổ chức lớp vẽ định kỳ hàng tuần cho các bạn nhỏ đặc biệt nơi trẻ đang sinh hoạt, theo học.

- Lớp Art Coaching: Đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật tạo hình dành cho trẻ đặc biệt có đam mê và năng khiếu nổi bật với hội họa, điêu khắc... Mỗi bạn được quan sát và thiết kế lộ trình học riêng phù hợp với khả năng, thế mạnh và sở thích cá nhân. Trẻ được đồng hành với các nghệ sĩ thị giác, các chuyên gia nhằm thúc đẩy tài năng nghệ thuật và tiềm năng sáng tạo, định hướng tương lai các bạn có thể sáng tác độc lập và có thu nhập từ chính tác phẩm của mình.

- Xưởng hướng nghiệp Tòhe Fun: Đây là nơi đào tạo nghề và hướng nghiệp dành cho trẻ tự kỷ, bắt đầu thử nghiệm với nghề thêu. Trẻ sẽ được học kỹ thuật thêu cơ bản, nâng cao liên tục trong vòng một năm. Mục tiêu của xưởng là các em với kỹ năng thuần thục của nghề thêu sẽ có thể hòa nhập tốt hơn với xã hội khi đến giai đoạn trưởng thành với thu nhập ổn định. Tòhe hiện cũng là đơn vị đối tác đặt hàng và kinh doanh các sản phẩm được sản xuất bởi chính các bạn nhỏ tham gia xưởng thêu này. 

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 22.

 - Ngân hàng tranh Tòhe Bank: Với sứ mệnh đánh thức và lan tỏa sự hồn nhiên tới nhiều người lớn hơn nữa và lưu giữ vẻ đẹp trong giai đoạn hồn nhiên và đẹp đẽ nhất của con người, Tòhe Bank tìm kiếm, sưu tầm tranh vẽ của trẻ em trên mọi miền đất nước. Tranh sẽ trưng bày trực tiếp hoặc trực tuyến, bán đấu giá, hoặc được ứng dụng trên sản phẩm của Tòhe bán ra thị trường với sự đồng ý của các em và gia đình. Số tiền có được sẽ được chuyển trực tiếp đến tận tay gia đình các em.

Nhờ "vũ trụ Tòhe" mà các em nhỏ thiệt thòi đã có thêm không gian rộng lớn để được trải nghiệm cuộc sống một cách ý nghĩa. Không chỉ lan tỏa lòng nhân ái và đam mê nghệ thuật, Tòhe còn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của tất cả những ai gắn bó với Tòhe, mang lại nguồn sống, niềm tin và hy vọng cho mọi người. Hãy cùng đồng hành với "vũ trụ Tòhe" để lắng nghe những câu chuyện thú vị và khám phá thế giới mới lạ đầy màu sắc của các em nhỏ đặc biệt nhé!

Chuyện “Chèo méo”:
Những đứa trẻ đầy “lỗ thủng” trong vũ trụ Tòhe- Ảnh 23.