Câu chuyện đầy cảm hứng về tình yêu của một ông bố đầu bếp.
Tôi không có một lý do quá đặc biệt nào để chọn Chef Nguyễn Mạnh Hùng trở thành nhân vật đầu tiên cho loạt bài viết về Tình yêu của Bố, chỉ đơn giản là vào một buổi tối tình cờ lướt nhanh trên Facebook, hình ảnh anh và cậu con trai út Oggy đang cùng nhau nấu bữa tối, câu nói của anh: “Lũ nhóc lúc nào cũng thích ăn món bố nấu. Bố nấu lúc nào cũng là ngon nhất” khiến tôi dừng lại. Chẳng phải niềm vui và hạnh phúc của mọi em bé đều đơn giản và ấm áp vậy sao. Và tôi tò mò muốn nghe câu chuyện về một ông bố nấu ăn cho con mỗi ngày. Từ một lý do không thể đơn giản hơn, cuộc gặp gỡ và những câu chuyện mà tôi được nghe Chef Nguyễn Mạnh Hùng (mà mọi người vẫn quen với tên gọi Hungazit) chia sẻ đã đưa tôi đến với vô số niềm vui, những điều bất ngờ thú vị về cách mà một người cha dành cho các cậu con trai của mình.
Vốn là người có cá tính mạnh, ưa tự do, nhưng anh Hùng vẫn phải thừa nhận rằng “Nuôi hai cậu con trai thực sự là một thử thách”.
“Chúng đánh nhau và tranh giành đồ chơi suốt ngày. Nhiều lúc cũng phải dùng iPad, điện thoại để “giữ” chúng ngồi yên, để mình rảnh tay nấu nướng, làm việc, nhưng sau đó lại phải tự nhắc mình và chơi cùng các con những trò mà chúng thích.
Quan điểm của mình là dù thế nào đi nữa thì đàn ông luôn phải là người cầm trịch trong nhà, đó là điều chắc chắn vì bản năng và quy luật tự nhiên là như vậy. Còn phụ nữ sẽ hướng đến những việc như là quan tâm, vun vén, chăm sóc để xây và duy trì tổ ấm. Các con là nguồn cảm hứng và động lực của bố mẹ. Việc của ai cũng quan trọng và ý nghĩa đối với hạnh phúc chung của gia đình.
Mỗi lúc ở nhà thì mỗi người một việc, khi mình nấu cơm hai con sẽ tự chơi, giúp mình nấu, còn vợ mình làm việc của vợ. Mình thường nói chuyện để con hiểu, có những công việc của chung cả gia đình, thì mọi người phải chia sẻ với nhau, ví dụ cùng nhau nấu ăn, thì sẽ cùng nhau đổ rác, nếu rác nặng thì con có thể chia nhỏ ra để đi đổ. Ở nhà có duy nhất mẹ là phụ nữ nên nhưng việc nặng ba bố con thường chia nhau làm hết.”
Dù nhiều lúc bị hai chàng nhóc thử thách, nhưng mỗi lần bố đi công tác về là hai đứa lại chạy xuống tận dưới sân đón bố, bố vác đồ thì kéo đồ vào thang máy giúp bố, cảm thấy vui lắm. “Mỗi khi chúng nó chạy ùa đến ôm lấy mình như những con chó con, đó là khoảnh khắc mà mình cảm thấy hạnh phúc nhất”, anh Hùng nhắc đi nhắc lại về cảm giác hạnh phúc này trong suốt cuộc nói chuyện.
Khi tôi hỏi về quyết định từ bỏ công việc của một đầu bếp chuyên nghiệp để bắt tay vào những dự án hoàn toàn mới, anh Hùng chia sẻ nhiều trăn trở về khát khao làm mới mình mỗi ngày, học hỏi thêm những kinh nghiệm nấu ăn quý giá từ chính cuộc sống với nguồn nguyên liệu và các gia vị địa phương, tuy nhiên tôi cứ nhớ mãi điều này:
“Nghề bếp rất vất vả, nhất là công việc của một đầu bếp chuyên nghiệp. Mình phải hi sinh thời gian cho công việc, thường xuyên làm việc từ sáng sớm đến tối muộn. Khi nhìn thấy các con đang lớn lên, mình biết là mình phải có thêm nhiều thời gian hơn để ở bên chúng. Cách tốt nhất là lựa chọn một công việc có thể chủ động và tự do về thời gian để mình có thể toàn quyền quyết định thời gian cần ưu tiên cho các con.”
Chef Hungazit quan niệm: “Bố mẹ luôn biết cách chăm sóc con mình tốt nhất và trẻ con ảnh hưởng rất nhiều bởi vị bố mẹ nấu”. Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nấu luôn là ngon nhất và đó cũng là lý do anh muốn nấu ăn cho các con của mình nhiều hơn. Anh cười khi nói rằng, nấu ở nhà hàng cao cấp rất vất vả, căng thẳng vì phải đảm bảo phong độ và sự ổn định của chất lượng món ăn, nhưng nấu cho các con thì rất thư giãn, bởi vì mình hiểu các con, biết sở thích của chúng để nấu theo đúng vị mà chúng thích, thế là lúc nào cũng được khen “Con thích ăn món bố nấu nhất” hay “Bố nấu ăn ngon nhất”.
Nấu ăn cho con không chỉ là để chăm sóc con hay thể hiện tình yêu thương, mỗi bữa ăn nấu cho con còn là một trải nghiệm khám phá và những bài học cuộc sống vô cùng thú vị mà anh chia sẻ với các con mỗi ngày. “Đàn ông phải biết cách chăm sóc bản thân mình, đơn giản nhất là phải tự nấu được cho mình ăn, biết cách ăn để tồn tại”, đó mới là lý do quan trọng hơn cả mà ông bố của hai cậu con trai này kéo các con vào bếp cùng mình mỗi ngày.
Làm bếp cùng bố, một cậu bé 7 tuổi (bé Khánh) và một bé trai 2 tuổi (bé Oggy) sẽ được học và khám phá những gì? Đó là kiểu “vừa học, vừa chơi” vui vẻ và thú vị như anh Hùng chia sẻ: “Khi cậu út nhà mình không thích ăn rau củ, mình cho con cắt rau củ làm cơm rang. Món cơm rang này mình không cho thịt và rất ít cơm, chỉ cho mỗi rau, nhà mình rất nhiều rau, cà rốt, xu hào, bắp cải, dưa chuột, đỗ. Con không có sự lựa chọn thì phải ăn. Hơn nữa, vì con tự làm nên chúng sẽ ăn. Đối với các loại gia vị cũng vậy, mình cho con bóc tỏi để xào đỗ thì đến bữa ăn chàng chỉ đòi ăn tỏi, ăn tỏi, một cách vui vẻ. Có rất nhiều thứ, nếu con không được tự làm thì chúng sẽ không ăn”.
Tự nhận mình không phải “chuyên gia” về trẻ con, nhưng qua việc chơi với con hằng ngày, anh Hùng thấy rằng từ giai đoạn 2 - 3 tuổi, trẻ ghi nhớ tốt nhất.
Trẻ ghi nhận mọi thứ ở trong đầu, không bao giờ quên cả, cực kì nhớ, bố nhắc lại là nhớ ngay đấy là cái gì. Không chỉ thế, những năm đầu đời, trẻ cần hoàn thiện 5 giác quan: Nghe - ngửi - nhìn - nếm - sờ nắm; trẻ con rất nhạy cảm về màu sắc, mùi vị, cảm nhận về ăn uống, rau giòn, mềm, màu xanh, đỏ, trắng nhận biết rất nhanh. Và làm bếp là một công việc tuyệt vời để giúp trẻ hoàn thiện phát triển các kĩ năng đó.
“Mình luôn làm mẫu để các con thấy cách tổ chức của mình trong bếp, bếp cần phải sạch sẽ, gọn gàng, cái gì ra cái đấy, hôm nay lấy cái này ra ở vị trí này thì khi làm xong phải đặt nó ở đúng vị trí đó, dao, thớt, bát đĩa, dọn sạch sẽ để con học từ những cái đó. Ngày nào mình cũng làm như thế thì con sẽ học rất nhanh, nề nếp từ bé sẽ rất tốt cho sự phát triển về sau”, anh Hùng chia sẻ.
"Tôi hạnh phúc mỗi khi được các con ôm trọn vòng tay!"