Tôi tính bắt đầu câu chuyện bằng việc kể cho các bạn nghe về những ông chủ nổi tiếng trên thế giới; họ đã từng nghỉ việc, lao đao vì công việc cũ để rồi ngoặt sang một hướng đi mới và thành công vang dội trên con đường mình đã chọn. Nhưng thôi, bạn có thể dễ dàng tìm thấy câu chuyện đầy cảm hứng của họ trên Google - có vô vàn cuốn sách viết về những bước ngoặt làm nên lịch sử như vậy. Để tôi kể cho bạn nghe về những con người xung quanh tôi, thế hệ 8x đời cuối bước vào những năm tuổi 30 nhiều chật vật và nghĩ suy.

Thất nghiệp: "Sao phải càm ràm, than thở hoài về thất nghiệp vậy, nghỉ ở nhà được một tháng là cùng chứ mấy?". Thực ra với nhiều người, thất nghiệp không hoang mang vì câu chuyện ngắn dài số ngày nghỉ - đó là câu chuyện về những chuỗi ngày mông lung, không biết sẽ bắt đầu thứ gì mới hay đi đâu. Ở tuổi 30, người ta dễ cho rằng mình không thể bắt đầu một lĩnh vực mới, còn làm những công việc cũ kỹ đã quá chán chường.

Chẳng ai chết nếu thất nghiệp ở tuổi 30 - Ảnh 1.

Đè nặng lên vai những người trưởng thành tuổi 30 nhưng vẫn loay hoay về chính mình là vô vàn câu hỏi: Làm tiếp hay chuyển hướng? Ở nhà thời gian hay đi làm luôn? Sống một cuộc đời ý nghĩa hay lại lao vào chuỗi tháng ngày "đốt đuốc" đi tìm sự cân bằng trong công việc - cuộc sống?

Có lẽ vì vậy, câu chuyện thất nghiệp tuổi 30 nghe đầy khắc khoải và u ám.

Chẳng ai chết nếu thất nghiệp ở tuổi 30 - Ảnh 2.

Có nhiều nguyên nhân thất nghiệp tuổi 30 lại khiến người ta chênh vênh đến thế nhưng tựu trung đó là những vấn đề từ cộng đồng tới cá nhân: Một thế hệ Millennials lạc lối sống trong xã hội đề cao tuổi 30 và những thành tựu khi còn trẻ.

Ở tuổi 30, những 8x đời cuối vốn nằm giữa Gen Y - thế hệ Millennials gặp phải mọi vấn đề của thế hệ đang phải gồng mình "chống chọi". Câu chuyện thất nghiệp trở thành nỗi ám ảnh của họ khi những người đi trước - thế hệ bố mẹ chúng tôi đi qua những năm tháng khởi sắc với tình hình kinh tế trên đà phát triển. Đó là những năm tháng kinh tế mở cửa, cơ hội việc làm mới nhiều và rộng cửa cho người trẻ.

Chẳng ai chết nếu thất nghiệp ở tuổi 30 - Ảnh 3.

Nhiều người phê phán chúng tôi "có sướng không biết hưởng" khi hoang mang ngay khi được hưởng rất nhiều thành quả của một thế hệ đi trước. Nhưng chúng tôi ra trường khi khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 vẫn còn âm ỉ, tỷ lệ thất nghiệp cao và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Chúng tôi có vô vàn lo lắng: Áp lực với trách nhiệm kinh tế, sợ hãi trước viễn cảnh u ám của tình hình thất nghiệp và "cuộc đua chuột" diễn ra trên toàn thế giới.

Trường học dạy chúng tôi cách để có được công việc phù hợp, làm sao để thành công trong công việc, vậy mà không ai nói rằng nếu thất nghiệp thì bạn nên làm gì và đương đầu ra sao. Nhiều người chọn những công việc tạm bợ không yêu thích, ai đó tiếp tục việc học để tạm quên đi sự mông lung của mình; chúng tôi của những năm tháng tươi trẻ sợ thất nghiệp hơn là sợ làm điều mình không thích, để khi bước tuổi 30, ai đó đã tự ru ngủ bản thân quên đi những mơ mộng một thời.

Sinh ra vào cuối thập niên 1980, những người trẻ tuổi 30 đã lớn lên trong một môi trường dung dưỡng nhiều kỳ vọng vào cái tuổi này - tuổi mà "con nhà người ta đã mua xe ô tô, đã lấy vợ và có công việc ổn định". Thất nghiệp tuổi 30 sẽ không đáng muộn phiền nếu không mọi người xung quanh tôi đều tôn vinh tuổi 30, coi đó như một dấu mốc đáng nhớ nhất của cuộc đời, nơi người ta phải trưởng thành để khẳng định mình trong cuộc sống.

30 tuổi trong mắt chúng tôi là cả quãng đời còn rộng dài phía trước nhưng trong mắt bố mẹ, đã đến lúc tôi thu vén cuộc đời mình, để lại cho thế hệ sau. Áp lực chồng lên áp lực, chúng tôi đi qua tuổi 30 với muôn vàn lắng lo. Niềm tin của xã hội vào tuổi 30 của chúng tôi lấp lánh như tấm gương mà nếu tôi nói ra rằng mình thất nghiệp, sự kỳ vọng ấy sụp đổ hoàn toàn.

Chẳng ai chết nếu thất nghiệp ở tuổi 30 - Ảnh 4.

Có lẽ, trong những giấc mơ thủa ấu thơ, tôi cũng không bao giờ nghĩ tuổi 30 của mình sẽ như vậy; trí tưởng tượng của tôi vẽ lên một ngôi nhà, những đứa trẻ và công việc ổn định. Ý thức từ khi còn nhỏ về tuổi 30, thế hệ trẻ lại càng thất vọng về bản thân khi thực tế không lấp lánh như bức tranh ngày còn nhỏ: Thất nghiệp, còn độc thân, cuộc sống tẻ nhạt như bức tranh đen trắng.

Chẳng ai chết nếu thất nghiệp ở tuổi 30 - Ảnh 5.

Bạn không "dám" thất nghiệp vì không muốn là đứa duy nhất đi họp lớp mà trắng tay, bạn không "dám" thất nghiệp khi người ta tuyển dụng chỉ ưu tiên tuổi từ "23-27" tuổi, bạn sợ cái lắc đầu chê "già, thiếu sự sáng tạo, dễ đổi việc" của các nhà tuyển dụng. Bạn sợ người ta nói mình "sống quá màu hồng và công ty cần những người thực tế, dành tâm huyết nhiều hơn cho công việc".

Bạn sợ cả thế giới đánh giá, dè bỉu và đặt những câu hỏi quan tâm thì ít, mỉa mai thì nhiều: "Nghỉ việc ở tuổi 30 á mày, nghỉ xong thì lấy gì mà ăn? Việc đang tốt thế cơ mà?".

"Điên vừa thôi mày".

Chẳng ai chết nếu thất nghiệp ở tuổi 30 - Ảnh 6.

Có một cuộc khảo sát với những người ở nhiều độ tuổi, trong đó có những người đã ngoài 40 và cả 50, xem điều gì khiến họ tiếc nuối nhất. Nhiều người ở tuổi 50 nói rằng vì quá lo lắng rằng con cái sẽ không được sống sung túc, họ đã làm việc quá sức ở tuổi 40 mà không biết hưởng thụ cuộc sống. Những người ở tuổi 40 tiếc rằng, họ đã nghĩ ngợi quá nhiều ở tuổi 30 vì cho rằng đó là khi cuộc đời đã đi qua hết những năm tháng tươi đẹp - để giờ đây nhận ra 30 vẫn còn tuyệt vời hơn 40 rất nhiều. Nếu muốn biết tuổi 30 đẹp ra sao, hãy hỏi những người đã bước qua tuổi 40, 50.

Tôi đã gặp những cụ bà học máy tính ở tuổi 70, học vẽ ở tuổi 60, tới trường ở tuổi 50, kết hôn hạnh phúc ở tuổi 40 và thay đổi công việc hay một lần thất nghiệp ở tuổi 30 là điều thực sự bình thường.

Thất nghiệp tuổi 30 dạy cho người ta điều gì và mở ra những chân trời cơ hội mới như nào? Có dịp trò chuyện với những người ở độ tuổi 30 từng thất nghiệp, họ kể cho tôi nghe những câu chuyện thú vị. Như chuyện của Mai.

Chẳng ai chết nếu thất nghiệp ở tuổi 30 - Ảnh 7.

Một ngày đẹp trời nọ, cô gái chỉ vài tháng nữa là bước sang tuổi 30 quyết định xin nghỉ việc trong sự thuyết phục "nghĩ lại đi" của cả sếp lẫn đồng nghiệp. Đó dĩ nhiên không phải quyết định bồng bột. Trước bước ngoặt cuộc đời này, Mai đã có đến 4 năm hơn làm một chú ong cần mẫn bám mọi công trình của công ty.

Lý do Mai quyết định trở thành người thất nghiệp dù đang được trọng dụng là vì "Nhóm dự án gần nhất không biết vô tình hay hữu ý đã đánh giá không đúng sự nỗ lực của mình. Hơn cả mình muốn có thời gian cho riêng mình. Việc của mình rất bận, có những thời gian mình ăn ngủ luôn ở công ty vì công việc nặng quá. Có lần mình hẹn đi chơi với bố 3 ngày, dù đã xin nghỉ phép nhưng 3 ngày đi chơi ấy cứ đúng 8 giờ sáng là điện thoại mình đổ chuông liên tục. Cuối cùng điều mình làm trong suốt kì nghỉ chỉ là cắm đầu vào điện thoại và làm việc mà thôi".

Chị Linh (Hà Nội) là một câu chuyện khác, chị bị mất việc do công ty giảm biên chế. Tất nhiên đây không phải tin vui và thực tế chị mất khá nhiều thời gian để làm quen với việc mình-bị-thất-nghiệp-ở-tuổi-30. Chị kể với tôi rằng, khi còn đi làm, chị luôn ước đến ngày cuối tuần để ngủ cho đã, nhưng những ngày đầu thất nghiệp, cứ đúng 7 giờ - khung giờ quen thuộc phải dậy đi làm là chị tự tỉnh như thể có đồng hồ báo thức gắn trong người.

Để giết thời gian, chị dành thời gian vào đọc lại những cuốn sách cũ ưa thích và làm việc nhà. Suốt 7 năm mải miết theo guồng quay công sở, đi sớm, về muộn, mọi việc gần như phó mặc cho người nhà, thất nghiệp ở tuổi 30 chị bỗng nhiên biết... nhà mình ăn gạo gì, ba mẹ một ngày sẽ sinh hoạt ra sao. Có những âm thanh của khu phố mà chị chưa bao giờ được nghe thấy.

Chẳng ai chết nếu thất nghiệp ở tuổi 30 - Ảnh 8.

"Thất nghiệp ở tuổi 30, ở một góc độ tích cực giúp chị nhìn cuộc đời bình tâm hơn. Có những ngày chị nghĩ, nếu mai thức dậy không có việc, hôm nay đã là một ngày bình yên trong cuộc đời, còn hơn những công việc đeo đuổi cả đời không có lấy khoảng lặng".

Tôi biết chị là người thực tế, và khi một người thực tế nói với tôi như vậy, chắc hẳn có những điều thật đẹp gieo lên từ những ngày tháng đó. Nhiều điều muốn làm, chúng ta chẳng thể làm được nếu không có tháng ngày… thất nghiệp!

Chẳng ai chết nếu thất nghiệp ở tuổi 30 - Ảnh 9.

Tôi nhớ tới giấc mơ của ông lão trong "Up!", chỉ tới những ngày cuối cuộc đời, ông mới thực hiện được giấc mơ bay tới những miền xa - một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ. Ông sếp khó tính sẽ không bao giờ cho tôi nghỉ một tháng đi Ấn Độ hay dành cả vài tuần trời ngao du Nam Mỹ. Người trẻ tuổi 20s có nỗi lo tài chính, lớp người 40 có muôn vạn điều lo lắng và bắt đầu gặp vấn đề về sức khỏe. Chỉ có ở tuổi 30 chúng tôi mới "dư dả" thời gian và lạc quan để bỏ tất cả lên đường.

Chẳng ai chết nếu thất nghiệp ở tuổi 30 - Ảnh 10.

Chúng ta không chọn đúng tuổi 30 để nghỉ việc như một dấu mốc gì đáng tự hào, nhưng ở tuổi đó, tôi hiểu rõ cái tinh thần "Go big or Go Home" - Chơi lớn hay về nhà. Nếu cứ tiếp tục những thứ nhàm chán gượng ép, tôi hẳn sẽ cầm một vé "Go Home" với tháng ngày dằn vặt với bản thân và chán chường với công việc. "Go big" - tôi mất đi một công việc có thể ổn định nhưng đổi lại, thấy nhẹ nhõm.

Đó hẳn là thứ được nhất khi bạn nghỉ việc vì tôi hiểu rằng, để có thể mạnh dạn đặt tờ đơn xin nghỉ việc lên bàn sếp, ai đó phải trăn trở rất nhiều. Bắt đầu mọi thứ lại ở tuổi 30 hay 35 chắc chắn khó khăn, nhưng bạn có cơ hội nhìn rõ con đường mình đã qua hơn để có lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, sự bồng bột tuổi trẻ đã nhường chỗ cho trưởng thành, hãy chắc chắn bạn biết mình đang làm gì, đương đầu với thất nghiệp cần nhiều sự kiên cường và kế hoạch rõ ràng hơn bạn tưởng.

Chẳng ai chết nếu thất nghiệp ở tuổi 30 - Ảnh 11.

Rồi một ngày thất nghiệp, bạn bỗng nhận ra "à, gia đình và bạn bè vẫn tồn tại", không chỉ qua vài bức hình trên Facebook hay tiếng ngáy của ba mẹ khi bạn về nhà mỗi ngày vào lúc nửa đêm. Thất nghiệp khiến bạn nhận ra rằng, có những thứ tưởng chừng quan trọng; một bộ quần áo đẹp hay bữa ăn sang chảnh với đồng nghiệp, cũng không có nghĩa lý gì lắm.

Tôi chợt nhận ra, thất nghiệp tuổi 30 khiến nhiều người dám "mơ lớn" hơn. Chán công việc 9-to-5 gò bó, anh bạn tôi rời bỏ công ty với bao chế độ, lương thưởng để mở một công ty riêng trong ngành quảng cáo. Lỗ chổng vó trong thời gian đầu, lao đao trong cả năm sau, dần ổn định vài năm sau đó nhưng cái được nhất có lẽ là sự tự do không bị lệ thuộc vào ai. Anh nói với tôi rằng, nếu không thất nghiệp một lần, cuộc đời anh vẫn bị cột chặt với thành bại của người khác.

"Nếu thất nghiệp lần nữa, chị sẽ xóa hết các nhóm công việc trên Facebook và Telegram, lên xe đi thẳng tới Luang Prabang một tuần. Bỏ hết to-do-list ở nhà và để cuộc đời tự trôi chảy nơi đây". Vẫn là chị Linh, hào hứng kể cho tôi nghe về tuổi 30. Có những người, thay vì lao vào một công việc mới mẻ luôn, họ chọn những hành trình du lịch để nhìn ngắm thế giới và soi bản thân mình vào đó dễ dàng hơn. Ai đó sẽ chọn đi du học, đến bây giờ tôi không còn coi đó là sự "chạy trốn thực tại" nữa vì suy cho cùng, đó là một lần họ tự mở đường cho bản thân, biết đâu một cơ hội mới đang chờ họ ở chân trời khác.

Tôi thoáng sợ khi nghĩ về nỗi thất nghiệp tuổi 30, nhưng hãy cho tôi buồn 5 phút vì cả ngày sau đó, trong đầu tôi khấp khởi những dự định mới - du lịch, du học, mở công ty riêng, ở nhà học điều gì đó thú vị… Bạn có rất nhiều dự định chưa thực hiện được đúng không?

Chẳng ai chết nếu thất nghiệp ở tuổi 30 - Ảnh 12.

"Không ai chết nếu bạn rời khỏi công ty trước 6 giờ chiều", và cũng không ai thất bại nếu thất nghiệp ở tuổi 30, tôi tin là như vậy. Chúng ta cũng đâu có thất nghiệp phải không? Khi công việc chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác. Ai đó chọn mang theo niềm tin vào thất nghiệp tuổi 30 như một cái kết của hành trình cuộc đời, còn tôi hay nhiều người trẻ khác, coi đó chỉ như một trải nghiệm như thất nghiệp tuổi 25, nghỉ hưu tuổi 60.

Bạn chỉ thất nghiệp khi bạn coi rẻ cuộc sống; sống một cuộc đời ý nghĩa và trọn vẹn đã là công việc ý nghĩa và khó khăn nhất trên thế giới này.


Dudu
Mộng Mộng
Theo Trí Thức Trẻ