Layer 200

"Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp" - đó là cảnh tượng thơ mộng của những mùa khai giảng cũ đã đi vào văn chương, khai giảng trong ký ức của nhiều đứa trẻ nay đã trở thành người làm cha, làm mẹ.

Còn thời nay, năm học mới thật ra đã bắt đầu trước đó ít tuần. Ngày 5/9 vẫn là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, nhưng trước ngày khai giảng (thật) vào 5/9, nhiều trường đã tổ chức học trước, tập dợt, chuẩn bị tổng duyệt cho ngày lễ quan trọng này vài lần, để đảm bảo buổi lễ diễn ra trơn tru, suôn sẻ.

Cũng bởi thế, với người lớn, dường như khai giảng bớt ý nghĩa hơn thuở họ còn là học sinh. Chưa kể thời tiết đôi khi lại không chiều lòng người. Trời đầu thu còn oi bức, lá ngoài đường chưa rụng và những người mẹ vội vã chở con đi học trên những tuyến đường ùn ngang tắc dọc thay vì thong thả dắt tay con dạo bước. Những đứa trẻ phải dậy sớm hơn thường lệ suốt mấy ngày, có khi cả tuần trước lễ khai giảng, vừa đi học vừa ngáp ngắn ngáp dài, thương thương là…

Layer 201

Nhưng đó là suy nghĩ của người lớn vốn đầy định kiến và lập luận phức tạp. Lũ trẻ của chúng ta nào có được dự những khai giảng cũ thời xưa để mà so sánh. Khai giảng của chúng là một khai giảng khác, ở một thời đại khác. Với lũ trẻ lần đầu đặt chân vào lớp 1, với cả những đứa trẻ đã trải nghiệm đôi ba mùa tựu trường, ngày khai giảng vẫn là một sự kiện đáng để háo hức, chờ mong. 

Khai giảng là ngày của những cái tay bắt mặt mừng giữa lũ bạn vừa xa nhau sau kỳ nghỉ hè, ngày của những ngơ ngác hồi hộp vì được chào đón như các tân binh, ngày của những niềm vui bé bỏng không biết trước, ngày của những điều mới mẻ, những khao khát tương lai hồn nhiên.

"Vui lắm", "thích lắm" và niềm háo hức lộ ra qua những hành động nhỏ nhặt, ngắm mình trước gương trong bộ đồng phục, tự dậy sớm hơn mọi ngày để kịp đến trường, và cứ thế, cánh cổng trường mở ra cho những niềm vui không so đo ùa vào, khởi đầu cho một năm học mới.

Layer 202

Trước khai giảng 1 tuần, ngày nào Nhành Mai cũng hỏi: "Hôm đấy con để tóc kiểu gì nhỉ?". Cứ mỗi ngày Nhành Mai lại nghĩ ra một kiểu tóc phức tạp khác nhau và dặn: "Mẹ làm cho con kiểu đó nhé".

Năm học đã bắt đầu từ giữa tháng 8 nhưng Nhành Mai vẫn háo hức về ngày khai giảng. Hỏi vì sao con thích, con bảo: "Vì khai giảng được mặc áo dài".

Ngày nào đặt chân vào cổng trường, nụ cười của Nhành Mai cũng sáng bừng. Mỗi tối mẹ đón về, Nhành Mai lại ríu rít kể: "Hôm nay đi học vui lắm mẹ ạ". Mẹ hỏi: "Thế hôm nay con học những gì?", Nhành Mai trả lời: "Con không biết".

Lớp Nhành Mai có cô chủ nhiệm và cô phó chủ nhiệm, con bảo con yêu cả hai cô. Con cũng bảo con yêu cả cô Châu dạy múa, thầy Lương dạy võ Vovinam và cô Yến. Cô Yến dạy lớp khác, không dạy lớp con, và con cũng chỉ mới gặp cô thôi chứ chưa nói chuyện, nhưng con yêu vì "cô xinh lắm".

Layer 203

Mỗi tối, Nhành Mai đóng mở ba lô cả chục lần để soạn sách vở, đồ dùng học tập vì "cô dặn con thế". Đồ dùng học tập thì con soạn được, còn sách vở thì bỏ ra bỏ vào cho vui. Con chưa biết chữ nên không đọc được thời khóa biểu.

Nhành Mai kể đi học lớp 1 vui hơn mẫu giáo, vì học lớp 1 không phải ăn cháo, lại có bàn riêng để ngồi. Mong muốn của con là học thật giỏi để lớn lên trở thành bác sĩ phẫu thuật, đi làm kiếm tiền mua thuốc cho bố mẹ, nuôi các con của con và giúp đỡ mọi người.

Layer 204

Layer 205

Gia Bình đi học bằng xe tuyến. Trường Gia Bình có hai loại áo đồng phục trắng và đỏ cho các ngày khác nhau trong tuần. Những ngày đầu tới trường, mỗi khi bước chân lên xe bus mà nhìn thấy các bạn mặc màu áo khác là Gia Bình kêu lên với bà: "Thôi chết rồi bà ơi, nhầm áo rồi". Có hôm đi nhầm dép lê ra điểm đón, chàng cũng thảng thốt: "Thôi chết rồi bà ơi, nhầm dép rồi".

Sau 1 tháng học hè, giờ Gia Bình không để bố mẹ sắp áo nữa. Từ tối hôm trước, con đã chuẩn bị sẵn màu áo đồng phục cho buổi hôm sau. 

Thời gian đầu chưa quen ai, ngày nào về mặt Gia Bình cũng bí xị. Giờ thì ngược lại, ngày nào cũng hớn hở. "Đi học rất thích vì được ăn nhiều món ngon", Gia Bình bảo.

Mẹ hỏi có thích khai giảng không, Gia Bình ngơ ngác: "Khai giảng là gì hả mẹ?". Nhưng một tuần nay, Gia Bình đã biết khai giảng là gì. Gia Bình hớn hở khoe với mẹ: "Con thích khai giảng lắm vì con sẽ được lên sân khấu biểu diễn". 

Layer 206

Lớp Gia Bình có tiết mục tập thể, cả lớp lên hát múa. Gia Bình bảo: "Con học thuộc hết rồi, để con hát cho mẹ nghe", sau đó là véo von: "Sáng nay em đi học sớm…". Cả tuần nay, ngày nào Gia Bình cũng hát vang cả nhà: "Sáng nay em đi học sớm…".

Nỗi buồn lớn nhất của Gia Bình là: "Con thích làm lớp trưởng mà chẳng ai bầu con". Mẹ động viên Gia Bình hãy mạnh dạn xung phong, nhưng Gia Bình cứ hẹn "mai nhé", "thôi lại mai".

Mẹ hỏi Gia Bình ai xinh nhất lớp, Gia Bình tỉ tê: "Bạn lớp trưởng đấy. Bởi vì bạn ấy là lớp trưởng nên xinh gái nhất. Khi nào con là lớp trưởng con cũng đẹp trai nhất".

Layer 207

Layer 208

Tuệ Minh đã tập duyệt khai giảng được mấy buổi rồi. Hôm trước đau chân, con được cô cho ngồi trong lớp. Buổi tập duyệt cuối, mẹ định cho Tuệ Minh nghỉ nhưng con bảo con muốn đi. 

Sáng tập duyệt cuối cùng, Tuệ Minh vẫn dậy từ 6 rưỡi, xỏ giày màu xanh da trời, mặc váy, cột tóc cao và cầm cờ đỏ, dù đôi mắt cô bé rõ ràng vẫn đang biểu tình muốn ngủ thêm chút nữa.

Chính thức là học sinh lớp 1 được 2 tuần nay, Tuệ Minh chưa ngày nào quên những gì cô dặn ở lớp. Bất kể việc gì cũng truyền đạt lại với mẹ, y như hồi đi học mầm non, cô bảo gì là về bắt mẹ làm ngay, cho mọi thứ vào ba lô rồi mới yên tâm đi ngủ. 

Hôm nọ mẹ cho Tuệ Minh làm trước bài tập về nhà, tối hôm sau con chỉnh mẹ: "Mẹ ơi, cô nói con không được viết trước bài đâu. Hôm nay con ngồi chơi, xong cô đến hỏi thăm và dặn thế".


Có ngày mẹ đón muộn, Tuệ Minh bị bạn lớp lớn bắt nạt, tủi thân kể cho mẹ nghe. Nhưng mẹ hỏi: "Mai con có đi học không?", Tuệ Minh tỉnh bơ: "Có chứ ạ".

Thi thoảng Tuệ Minh tủm tỉm kể về mấy bạn trai trong lớp mới, kể chuyện trường có nhiều cây to tỏa bóng râm sum suê, khen cô giáo lớp 1 hiền lắm, háo hức việc đến trường sẽ được chơi với các bạn và phấn khích mô tả cho mẹ về tốp múa tập bài trống cơm cho ngày khai giảng: "Vui lắm mẹ ạ".

Layer 209

Năm đầu tiên Tuệ Minh vào lớp 1 lại là năm em Cá của Tuệ Minh được chọn vào đội văn nghệ ở trường mầm non. Vậy là ngày khai giảng mẹ phải phân thân hai nơi. Mẹ đưa Tuệ Minh đến trường, dắt tay con bước vào cánh cổng trong rừng cờ hoa rực rỡ. Mẹ sẽ ở đó với Tuệ Minh 1 tiếng rồi chạy sang trường em Cá xem em biểu diễn văn nghệ. 

Tuệ Minh chấp thuận sự sắp xếp của mẹ. Chỉ yêu cầu mẹ kết tóc xinh xinh kiểu này cho con để con mặc váy đồng phục đi khai giảng năm học mới.

Layer 212

Layer 213

Dù năm học mới chưa chính thức bắt đầu nhưng tối nào Hải Phong cũng ngồi vào bàn, mở sách ra làm bài tập. Chủ yếu là các bài điền số và tập tô chữ. Bố mẹ trêu, chưa biết đi học khổ thế nào nên vẫn còn hào hứng lắm.

Hải Phong đã có hai tuần làm quen với trường mới, bạn mới, thầy cô mới. Ban đầu bố mẹ rất lo vì sợ con sốc khi đặt chân vào lớp 1, nhưng con làm quen nhanh hơn bình thường. Mỗi tối, sau khi đã làm bài tập tự giao, Hải Phong đi giặt khăn lau bảng, cất đồ dùng vào ba lô, sau đó tự lấy quần áo chuẩn bị sẵn cho hôm sau mặc đi học.

Mẹ hỏi đi học thế nào, Hải Phong bảo: "Thích và vui lắm mẹ ạ". Mới có hai tuần nhưng con đã lo lắng hỏi mẹ: "Lên lớp 2 cô My (giáo viên chủ nhiệm hiện tại) có còn dạy con nữa không?". Mẹ bảo không thì Hải Phong giãy nảy: "Không, con thích cô My cơ".

Layer 214

Sáng trước ngày khai giảng, Hải Phong bị ốm, nhưng nhất quyết không chịu nghỉ ở nhà. Con bảo con phải đến xem chào cờ và xem các anh chị và thầy cô tập múa. Con khoe các bạn lớp 1 được tặng thú nhồi bông đẹp lắm, học lớp 1 có giờ ra chơi thích lắm, ra chơi thì được ra sân và có rất nhiều bạn mới, thoải mái chơi gì cũng được.

Con cũng khoe con được cô chọn làm quản ca, nhưng do hát bé quá nên cô đã đổi bạn khác. Mong ước hiện tại của Hải Phong trước thềm năm học mới là được vào đội trống của trường và được làm lớp trưởng. 

Layer 210

Năm ngoái Thanh Vân vào lớp 1, buổi chiều ngày khai giảng, mẹ hỏi có vui không, Thanh Vân trả lời: "Nóng lắm".

Năm nay Thanh Vân vào lớp 2, mẹ hỏi có thích đi khai giảng không, con đáp: "Vẫn thích chứ vì vẫn tranh thủ chơi được với các bạn". Mẹ đoán lúc tranh thủ chắc là lúc xếp hàng. Hôm mẹ mang đồng phục mới về, Thanh Vân bỏ bọc nilon ra thử ngay. Vừa xoay người trước gương vừa háo hức bảo mẹ: "Cô dặn đi khai giảng nhớ mặc đồng phục".

Từ cuối hè, Thanh Vân đã ráo trước với mẹ về việc mua đồ dùng cho năm học mới. Hôm mẹ bảo đi nhà sách, con háo hức như lần đầu đi học. Vẫn thích bút mới, thước kẻ mới, hộp bút mới, ba lô mới.

Mẹ cho Thanh Vân tự chọn đồ vì cá tính của con khác với những cô bé con khác. Con gái nhưng không thích màu hồng, không thích công chúa, búp bê, váy áo điệu đà. Thanh Vân chọn mọi đồ dùng học tập có màu xanh, và chọn riêng một hộp bút hình ô tô.

Layer 211

Mẹ cũng sắm nhiều váy áo, giày dép cho Thanh Vân, nhưng con chỉ thích giày thể thao có dây buộc, áo sơ mi đơm cúc và quần jeans. Hôm nào mẹ vui vui mà lôi ra chiếc váy thì Thanh Vân quạu cọ: "Sao mẹ bắt con mặc váy?".

Năm nay thì Thanh Vân đã biết mặc váy, cũng thích chiếc váy đồng phục, nhưng nếu là quần bò, áo sơ mi thì con chắc sẽ phấn chấn hơn. Mấy ngày nay bạn hàng xóm thân đến nhà ríu rít cả ngày, vui quá nên Thanh Vân không nhắc gì tới khai giảng. Chỉ dặn mẹ nhớ mang theo mũ và 1 cái quạt tay. Lúc nào lên đường là lên đường thôi.

Layer 231

Ngày khai giảng mở ra giai đoạn mới của cuộc đời mỗi đứa trẻ ở tuổi đến trường. Xưa, trước cổng mỗi ngôi trường là khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". Nay, nhiều ngôi trường thay bằng dòng chữ "Mỗi ngày đi học là một ngày vui". Mỗi ngày đi học sẽ luôn là một ngày vui nếu niềm vui ấy được khúc xạ qua lăng kính trẻ thơ. Mong rằng chúng cứ tiếp tục hồn nhiên, trong sáng và giữ được sự háo hức của ngày khai giảng, để việc học thành niềm vui của con trong suốt cả năm. Bởi, vốn người ta chỉ làm tốt được điều mình yêu thích, điều làm mình vui thôi.


HH
Việt Anh/ NVCC
Bi
Theo Trí Thức Trẻ