Ngày 21/6/2018 là một ngày vô cùng đặc biệt với người dân New Zealand. Nữ Thủ tướng Jacinda Ardern hạ sinh con gái đầu lòng chỉ sau hơn 1 năm nhậm chức. Đây là lần đầu tiên tại New Zealand và lần thứ 2 trên thế giới có một nữ nguyên thủ sinh con trong thời gian đương nhiệm.
Bà Jacinda Ardern lập tức trở thành một biểu tượng nữ quyền đặc sắc, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phụ nữ toàn thế giới. Người ta gọi hành động của bà là sự quả cảm. Bởi vừa điều hành đất nước ở cương vị cao nhất, vừa thực hiện thiên chức làm mẹ là điều mà không phải ai cũng có đủ sức lực và dám đương đầu. Không chỉ là những rủi ro về chính trị mà còn là áp lực nặng nề với tinh thần người phụ nữ trong thời kỳ cơ thể rất nhạy cảm, luôn cần được nghỉ ngơi.
Bạn trai của nữ Thủ tướng New Zealand - ông Clarke Gayford - tiết lộ, hằng ngày bà Jacinda Ardern dậy vào lúc 5g30 sáng và làm việc cho đến đêm khuya. 6 tuần sau sinh, bà đã quay trở lại với công việc.
Nhưng để làm được “điều phi thường” như bà Jacinda Ardern, phụ nữ cần có một “đối tác” giống ông Clarke Gayford.
Kể từ khi bạn gái Thủ tướng sinh nở, ông Clarke Gayford đã gác lại sự nghiệp truyền hình của mình để ở nhà làm một bảo mẫu toàn thời gian, tình nguyện bế con đi theo bạn gái trong các chuyến công du, chăm sóc nuôi dạy con gái nhỏ, nấu ăn, làm việc nhà…
Thậm chí ngày ngày ông Clarke Gayford còn tranh thủ đến văn phòng Thủ tướng để ăn trưa cùng bà Jacinda, nhắc bà uống thuốc bổ đúng giờ và ngủ đủ giấc.
Bà Jacinda Ardern chỉ cần giỏi việc nước, đảm việc nhà đã có vị hôn phu của bà lo.
Hãy cùng lắng nghe một số ý kiến của cả 2 phái xem họ đã cân bằng công việc và cuộc sống như thế nào!
“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, từng có quãng thời gian rất dài, là chuẩn mực cho phụ nữ Á Đông hiện đại. Và phụ nữ Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Phụ nữ ngày càng thành công hơn, có địa vị cao, có vai trò tương đương với nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Người ta xem đó là thắng lợi của cuộc chiến nữ quyền. Nhưng sẽ chỉ là thắng lợi một nửa nếu người phụ nữ “giỏi việc nước” đó không “đảm việc nhà”.
Phụ nữ lý tưởng được cho là không chỉ thành đạt, học thức cao, kiếm tiền giỏi, lãnh đạo tốt mà còn chiều chồng khéo, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đảm đang bếp núc.
Ở mức độ thấp hơn, phụ nữ vẫn bị yêu cầu - và tự yêu cầu chính mình - ở cả hai vai: việc nhà và việc xã hội. Tức họ vẫn phải có công ăn việc làm ổn định, tự chủ về tài chính, đồng thời có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Gần như không có chỗ cho những người phụ nữ chỉ làm được hay chỉ muốn làm một trong hai.
Người phụ nữ chỉ ở nhà chăm chồng chăm con bị đánh giá là yếm thế, thiếu tự chủ, không cầu tiến, ăn bám. Ngược lại, người phụ nữ dành hết tâm sức cho sự nghiệp bị chê trách là bỏ bê con cái, tham danh vọng mà thiếu trách nhiệm với gia đình.
Cuối cùng, cuộc chiến nữ quyền giải phóng phụ nữ ra khỏi gian bếp phong kiến vô tình lại tròng lên cổ họ một vòng kim cô mới. Đôi vai vốn đã gầy mòn vì gánh nặng làm vợ làm mẹ giờ lại thêm một trách nhiệm lớn lao với sự nghiệp, với xã hội. Mà ở đó, để được xã hội ghi nhận và tôn trọng, họ buộc phải: LÀM TỐT CẢ HAI.
Có một câu hỏi mà người ta hay dành cho các chính khách, lãnh đạo doanh nghiệp, nghệ sĩ nổi tiếng… rằng: “Anh/chị dành thời gian cho gia đình như thế nào?”. Câu hỏi này thực ra mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau trước hai đối tượng đàn ông và phụ nữ.
Với đàn ông, câu hỏi đó ngầm ý rằng: Bận rộn thế thì anh dành bao nhiêu thời gian để chơi với con, để đưa vợ đi du lịch?
Với phụ nữ, câu hỏi đó ngầm ý rằng: Bận rộn thế thì chắc chị không có lúc nào mà nấu ăn cho chồng, đưa đón con đi học, dạy con học bài, phụng dưỡng bố mẹ chồng hay đơn giản là chuẩn bị bữa sáng cho chồng trước khi đi làm, v.v và v.v.
Nói cách khác, một người đàn ông thành đạt chỉ cần không đem việc về nhà đã là “biết cách cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp”. Song, một người phụ nữ thành đạt vừa không nên đem việc về nhà, vừa phải làm việc nhà mới được đánh giá là chu toàn, giỏi giang.
Kết quả là, sự phân vai trong gia đình ngày càng trở nên mất cân bằng. Trước đây, đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm. Còn thời hiện đại, đàn ông xây nhà đàn bà trát vữa.
Thậm chí đàn ông xây nhà, đàn bà kiếm tiền mua gạch. Riêng việc xây tổ ấm, đàn bà vẫn phải tự lo.
Để giành quyền bình đẳng với nam giới ngoài xã hội, phụ nữ phải đóng cả hai vai. Ấy thế mà, cả xã hội vẫn gọi họ là “phái yếu”.
Ở năm 2020, bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, người phụ nữ thành công ngoài xã hội vẫn thường xuyên bị hỏi cái câu quen thuộc: “Chị dành thời gian cho gia đình như thế nào?”
Hẳn là, trong câu hỏi đó, người ta mong mỏi được biết những bí kíp luyện tiên của những người đàn bà siêu nhân, để từ đó cố gắng học tập theo. Nhưng nếu câu trả lời là: “Tôi không có thời gian để lo việc nhà. Việc đó chồng tôi/ bố mẹ tôi/ giúp việc nhà tôi lo.” thì bạn có thất vọng không?
Sự thất vọng gần như là hiển nhiên. Thêm một chút xa xót, tiếc nuối. Thêm một chút hả hê, rằng người ta cũng không “giỏi” như mình nghĩ. Thêm một chút cảm thông: “Làm phụ nữ như thế thật thiệt thòi, thật cô đơn”.
Trong khi cùng câu hỏi ấy, nếu người đàn ông trả lời với nội dung tương tự: “Tôi không có thời gian để lo việc nhà. Việc đó vợ tôi/ bố mẹ tôi/ giúp việc nhà tôi lo.”, người ta sẽ thản nhiên thốt lên: “Anh thật là may mắn khi có điểm tựa gia đình vững chắc”.
Ở chiều ngược lại, nếu người phụ nữ liệt kê ra một tá việc nhà mà họ gánh vác, đa số sẽ cho rằng đó là điều bình thường. Song, khi nam giới kể ra những việc nhà mà họ đảm đương, đáp lại họ sẽ là những lời trầm trồ. Bất chấp sự thật rằng, ngày càng nhiều đàn ông ý thức được trách nhiệm của họ trong việc nhà và xem việc cân bằng công việc với gia đình là điều hiển nhiên để xây đắp tổ ấm.
Những người đàn ông trong cuộc khảo sát này đều dành quỹ thời gian tương đối cho gia đình. Từ trông con, nấu cơm, rửa bát, đưa đón con đi học, dành ngày cuối tuần đưa con đi chơi, đợi con đi ngủ mới mở máy tính ra giải quyết nốt công việc còn tồn đọng trong ngày… Họ hài lòng và tự nhận đã “cân bằng”. Tuy nhiên, theo cách nào đó, định kiến xã hội vẫn liệt kê họ vào nhóm thiểu số thay vì đa số.
Trong khi đó, phụ nữ dường như tự nhìn nhận bản thân khắt khe hơn, dù những gì họ chia sẻ cho thấy họ đã làm rất tốt cả “việc nước” lẫn “việc nhà”.
Sự khắt khe của phụ nữ đối với chính mình xuất phát từ quan điểm truyền thống và định kiến xã hội. Họ luôn bị giằng xé giữa hai vai trò và cảm thấy dằn vặt với chuyện chồng con nếu chưa đủ chu toàn.
Rất nhiều người, trong đó bao gồm nhiều phụ nữ, luôn giơ cao khẩu hiệu kêu gọi sự bình đẳng, song lại không chấp nhận được việc một người phụ nữ chỉ “giỏi” mà không “đảm”, ưu tiên trọn gói cho “việc nước” thay vì “việc nhà”.
Đồng thời họ cũng khó chấp nhận việc một người đàn ông làm nội trợ toàn thời gian để vợ phát triển sự nghiệp cho dù anh ta nấu nướng, chăm sóc cho con cái tốt hơn vợ.
Phụ nữ vẫn được chính các thế hệ phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội trông cậy vào khả năng quán xuyến gia đình, khả năng “giữ lửa”, khả năng “xây tổ ấm”.
Kết quả là, để được “bình đẳng”, phụ nữ phải làm việc gấp đôi thời gian và sức lực so với nam giới. Đồng thời, sự bất công với nam giới cũng bị thúc đẩy khi “giỏi việc nước” trở thành một tiêu chuẩn nam tính tất yếu. Nam giới không “giỏi việc nước” đương nhiên bị xem là kẻ thất bại, bất chấp việc anh ta đã hết lòng phụng sự vợ con ra sao.
Cuộc sống của những gia đình có người vợ chỉ “giỏi việc nước” và người chồng chỉ “giỏi việc nhà” cũng vì những định kiến về giới đó mà khó có thể hạnh phúc trọn vẹn. Dù rằng họ hoàn toàn có thể như gia đình của nữ Thủ tướng New Zealand.
Một lần nữa, phụ nữ phải nhìn lại về nữ quyền. Nữ quyền hoàn toàn không phải là “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nữ quyền càng không phải là chứng minh bản lĩnh trước nam giới. Nữ quyền chỉ đơn giản là phụ nữ được làm bất kỳ công việc nào mà họ mong muốn, và có quyền từ chối bất kỳ công việc nào mà họ không mong muốn, trong đó có cả việc làm vợ làm mẹ, hay lấy chồng và sinh con, hay chăm con và dạy con.
Một người phụ nữ không cần phải đảm việc nhà khi đã giỏi việc nước, cũng như không phải giỏi việc nước nếu đã đảm việc nhà, cũng như không cần phải cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình nếu sự cân bằng đó khiến họ hao tổn quá nhiều sức lực. Cân bằng đôi khi là CHỈ CẦN LÀM TỐT MỘT VIỆC MÀ THÔI.
Và tất nhiên, đàn ông cũng thế!