Thử tưởng tượng vài thập kỷ trước đây, thế hệ của những người đi trước nói gì về bảo vệ môi trường: Họ nói về hiệu ứng Nhà kính, về cắt giảm lượng khí thải từ các nước công nghiệp, về trồng thêm rừng và chuyển sang các nguồn năng lượng sách. Những điều ấy, sau hàng chục năm, vẫn còn được bao người nhắc tới; nhưng trên Facebook hôm nay, bạn thấy người ta nói gì nhiều về môi trường?
Một chiếc chai nhựa, một chiếc túi Nilon, một ống hút và chiếc cốc nhựa.
Không phải một chai, đó là khoảng 8 TRIỆU TẤN rác thải nhựa mỗi năm trên khắp các đại dương và vô số rác thải nhựa khác tràn lan trên đất liền.
Và chỉ riêng ở Việt Nam, mỗi năm có tới 18,000 tấn nhựa được thải ra bởi 94 triệu người. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang tạo ra 190gr rác nhựa mỗi ngày. “190-to-0” chính là hành trình những kẻ trộm nhựa kêu gọi mọi người giảm thiểu rác nhựa từ 190 về 0 gram, hay chúng ta vẫn gọi với cái tên “Zero Waste”.
Lang thang trong những thành thị, đi dạo trên những bãi biển, chúng ta thấy một sự đổi thay rõ nét trong vấn đề bảo vệ môi trường và thực hành sống xanh. Đó là câu chuyện của “kẻ trộm nhựa” - những người trẻ đang làm sạch những con mương từng ken đầy túi Nilon, phát quang những bãi rác tự phát, khơi nguồn những dòng sông chết, trả lại bãi biển không còn chai nhựa để loài rùa có thể yên tâm đẻ trứng. Trên Facebook mỗi ngày, tôi thấy bạn bè mình chia sẻ câu chuyện về lối sống xanh và những điều nhỏ bé họ đang làm cho trái đất: Không dùng ống hút nhựa, sử dụng túi vải thay cho túi Nilon, không dùng các sản phẩm bông ngoáy tai bằng nhựa hay cả tái chế những chai lọ đã lỡ sử dụng.
Những cuộc đình công có thể không khiến các nhà máy ngừng xả khí thải, nhưng khi một cộng đồng trẻ cùng đồng lòng tẩy chay cốc nhựa một lần, nói không với các cơ sở sử dụng quá nhiều túi nilon và đồ nhựa, họ đã thực sự lên tiếng vì trái đất một cách thiết thực nhất.
Một dòng sông khơi thông không còn rác thải nhựa là một nguồn hy vọng được khơi lên cho trái đất. Có những người trẻ sẵn sàng làm hết sức có thể, để cứu hành tinh và chính cuộc đời mình. Kể cả phải “trộm nhựa”...
Nằm lòng dãy số 19020, ta có chung một mục tiêu: Xóa bỏ thói quen dùng đồ nhựa “bừa bãi” trong cuộc sống mỗi ngày. 30 ngày thử thách với “Kẻ trộm nhựa”, còn chờ gì nữa mà không lên đường cùng chúng tôi để giải cứu thế giới?
Sau sự thành công của chuỗi bài phỏng vấn, phóng sự và E-magazine với rất nhiều những câu chuyện thú vị, hấp dẫn về môi trường trong chuyên đề Zero Waste, Kenh14.vn tiếp tục mang đến chương trình "WeDo - Kẻ trộm nhựa" để tiếp tục nối dài hành trình giúp các bạn trẻ đi từ nghĩ xanh đến sống xanh.
Không hướng đến những chiến dịch nhất thời, một lần và chỉ tạo ra kết quả ngắn hạn, WeDo lựa chọn một chiến lược dù khó khăn nhưng rất bền vững: "Điều chỉnh thói quen nhỏ - tạo ra thay đổi lớn".
Mang trong mình tinh thần của các hiệp sĩ, bất bình trước tình trạng rác nhựa, Kẻ Trộm Nhựa WeDo bắt đầu tìm kiếm bạn đồng hành. Cùng nhau, những Kẻ Trộm Nhựa "hô biến" bãi rác, "xoá bỏ" ống hút, "tẩy chay" túi nilon, "đánh tráo" các món đồ dùng một lần thành túi vải, thìa đũa gỗ... Một cuộc chiến kéo dài trong 30 ngày được Kẻ Trộm Nhựa phát động mang tên #19020challenge. 190 to 0 là hành trình những Kẻ Trộm Nhựa kêu gọi mọi người từ giảm thiểu rác nhựa từ 190gr/ ngày thành con số 0.
Với #19020challenge, mỗi Kẻ Trộm Nhựa sẽ hoàn thành 30 thử thách và các nhiệm vụ hàng ngày, giành điểm để vượt qua các cấp bậc từ "dân thường" đến "đệ nhất danh trộm". Những thử thách sẽ được nâng cấp hơn mỗi ngày đòi hỏi bất kì Kẻ Trộm Nhựa nào cũng cần sự kiên trì, bền bỉ trong hành trình trộm nhựa với không ít khó khăn của mình.
Để vững bước trên con đường trở thành "đệ nhất danh trộm", mỗi Kẻ Trộm Nhựa sẽ phải tham gia vào kế hoạch bài bản với 3 bước: Chiêu mộ, tham gia thử thách #19020challenge và cuối cùng là tổng kết.
Hiện tại, những Kẻ Trộm Nhựa khét tiếng đã bắt đầu lộ diện. Đó là những influencers, KOLs và hoa hậu, người đẹp đình đám như Ninh Dương Lan Ngọc, Minh Hằng, Chi Pu, Đen Vâu, Đỗ Mỹ Linh, Tiểu Vy, Mâu Thuỷ, Trần Quang Đại, Châu Bùi - Decao, Quỳnh Anh Shyn...
Tất cả sẽ hứa hẹn tạo nên một cuộc chiến gay cấn, hấp dẫn nhưng không phải để đánh bại hay giành chiến thắng trước đổi thủ mà là để cùng nhau thay đổi suy nghĩ, lối sống để cùng chung tay sống xanh nhằm bảo vệ môi trường.